Đảo chính ở Myanmar và dòng chữ 'Everything will be OK' trên áo Kyal Sin

Đám đông tề tựu ở Mandalay hôm thứ Năm để dự tang lễ của cô gái 19 tuổi bị bắn chết trong cuộc biểu tình chống đảo chính ở Myanmar một ngày trước đó.

Kyal Sin, được biết đến với cái tên Angel, đã mặc một chiếc áo phông có dòng chữ "Everything will be OK - Mọi việc sẽ tốt' khi cô ngã xuống.

Những lời ca tụng ngập tràn trên mạng xã hội, nhiều người gọi cô là người hùng.

Kể từ cuộc đảo chính ngày 1/2, Myanmar nổ ra các cuộc biểu tình lớn dai dẳng đòi chấm dứt chế độ quân sự và trả tự do cho các nhà lãnh đạo dân cử bị giam cầm.

Theo Văn phòng Nhân quyền LHQ, cho đến nay, hơn 54 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình. Dù những báo cáo khác đưa ra con số cao hơn nhiều. Thứ Tư là ngày đẫm máu nhất kể từ khi cuộc đảo chính xảy ra, với 38 người biểu tình bị sát hại ở các thành phố và thị trấn trên khắp cả nước.

Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Michelle Bachelet kêu gọi các lực lượng an ninh "dừng đàn áp tàn ác đối với những người biểu tình ôn hòa".

Hàng chục quốc gia hiện đã lên án bạo lực ở Myanmar, dù điều này phần lớn đã bị các nhà lãnh đạo cuộc đảo chính phớt lờ.

Đại sứ Myanmar tại LHQ, người mà quân đội nói họ đã sa thải sau khi ông khẩn cầu sự giúp đỡ để khôi phục nền dân chủ, đã kêu gọi "những hành động quốc tế mạnh mẽ nhất" nhắm vào quân đội.

Kyaw Moe Tun nói với chương trình Newshour của BBC World Service trong cuộc phỏng vấn đầu tiên kể từ khi ông bị sa thải trong vòng 3-4 ngày qua: "Các bạn thấy 3-4 ngày qua, có bao nhiêu sinh mạng vô tội và trẻ tuổi của chúng ta đã bị cướp đi. Những gì chúng tôi muốn dành cho người dân Myanmar là sự bảo vệ."

Trong khi đó, cấp phó của ông là Tin Maung Naing, người được quân đội bổ nhiệm thay ông, nói ông đã từ chức và Kyaw Moe Tun vẫn còn là đại sứ.

Chuyện gì đã xảy ra với Angel?

Hôm thứ Năm ở Mandalay, người dân xếp hàng dài trên tuyến đường làm lễ tiễn đưa Angel.

Hãng tin Reuters đưa tin, những người đưa tang đã hát những bài hát cách mạng và hô vang các khẩu hiệu chống đảo chính.

Hình ảnh cô gái trẻ mặc chiếc áo phông có dòng chữ "Mọi thứ sẽ ổn" tại cuộc biểu tình đã lan truyền mạnh mẽ.

Nhận thức được sự nguy hiểm khi tham gia các cuộc biểu tình, cô gái đã viết chi tiết nhóm máu của mình trên Facebook và yêu cầu hiến tạng trong trường hợp cô qua đời

Myat Thu, người có mặt cùng cô trong cuộc biểu tình hôm thứ Tư, nói cô đã đá vỡ các ống nước để những người biểu tình có thể rửa hơi cay ở mắt. Cô cũng đã cố gắng giúp đỡ anh khi cảnh sát nổ súng.

"Cô ấy nói với tôi" Ngồi xuống! Đạn sẽ bắn trúng bạn", anh nói với Reuters. "Cô ấy đã chăm lo và bảo vệ người khác."

Anh nói cảnh sát đã xịt hơi cay vào họ và rồi hàng loạt phát súng bay tới.

Myat Thu cho biết Angel, người đã tự hào bỏ phiếu trong cuộc bầu cử lần đầu tiên vào năm ngoái, là một "cô gái vui tươi".

"Cô ấy yêu quý gia đình của mình và gia đình cô cũng rất yêu thương cô," anh nói. "Chúng ta không đang trong chiến tranh. Không có lý do gì để sử dụng đạn thật bắn vào người dân".

Mọi người cũng dành sự tôn vinh cho Angel trên mạng xã hội. Một người bạn viết trên Facebook: "Trái tim tôi cảm thấy rất đau đớn."

Một người khác nói: "Hãy yên nghỉ nhé bạn tôi ơi. Chúng ta sẽ chiến đấu với cuộc cách mạng này đến cùng."

Những người biểu tình bất tuân đoàn kết

Moe Myint, BBC Miến Điện

Trong một đoạn video chiếu lại những giây phút cuối cùng của Kyal Sin, người ta thấy cô dẫn đầu một nhóm biểu tình trẻ tuổi. Khi hơi cay được và đạn bắn ra xối xả từ lực lượng an ninh ở đầu đường bên kia, tất cả đều tỏ ra lo lắng nhưng cô đã hét lên: "Chúng ta đoàn kết chứ?", Và họ hô vang "Đoàn kết, Đoàn kết". Một người bạn của gia đình sau đó nói rằng cô là một nhà lãnh đạo thực sự truyền cảm hứng.

Kyal Sin là một trong số những thanh thiếu niên đã giã từ cuộc đời vào thứ Tư. Gen Z, như họ được gọi, tin rằng tương lai của họ không được định hình bởi một chế độ quân sự. Nhưng cũng cùng một đội quân lại gây ra hành vi bạo tàn ngay cả trong các khu vực đô thị, nơi mọi người ghi hình trên điện thoại di động của họ.

Một người biểu tình nói với tôi rằng anh ta chưa bao giờ thấy sự tàn ác vô nhân đạo như thế này vì cảnh sát và binh lính đang bắn những người biểu tình trong tay không tấc sắt bằng đạn thật, nhiều người trong số đó bắn vào đầu. Nhưng anh khẳng định họ sẽ không im lặng và hành động man rợ của quân đội càng khiến anh quyết chí hơn.

Tại tang lễ của Kyal Sin, dì của cô cũng thề rằng: "Tôi cảm thấy buồn nhưng bọn chúng phải sớm lụn bại. Cuộc chiến của chúng ta nhất định phải thắng".

Những điểm mới nhất về các cuộc biểu tình là gì?

Không nhục chí trước những người ngã xuống vào hôm thứ Tư, những người biểu tình đã tiến ra các đường phố ở Yangon và Mandalay - hai thành phố lớn nhất của đất nước - cũng như các thành phố và thị trấn khác.

Theo trang tin Myanmar Now, hàng chục nghìn người đã biểu tình ở thị trấn Myingyan, nơi một người biểu tình bị bắn chết một ngày trước đó.

Hãng tin Reuters cho biết cảnh sát đã nổ súng và sử dụng hơi cay để giải tán những người biểu tình ở Yangon và thị trấn Monywa.

Người dân nói rằng 5 máy bay chiến đấu đã bay thấp trong đội hình qua Mandalay vào đầu ngày thứ Năm, như có vẻ là để phô trương sức mạnh quân sự.

Bà Bachelet cho biết hơn 1.700 người, bao gồm các thành viên quốc hội và những người biểu tình, đã bị giam giữ kể từ cuộc đảo chính. Bà nói, các vụ bắt giữ đang gia tăng với việc 29 nhà báo bị giam giữ trong những ngày gần đây.

Bà cảnh báo các con số có thể cao hơn nhiều do quy mô lớn của các cuộc biểu tình và khó để theo dõi diễn biến.

Hôm thứ Tư, cảnh sát và binh lính được cho là đã nổ súng bắn đạn thật ở một số thành phố và thị trấn mà ít có cảnh báo.

Những người biểu tình cho biết họ đã sử dụng đạn cao su nhưng cũng bắn cả đạn thật.

Đặc phái viên LHQ tại Myanmar, Christine Schraner Burgener, nói một video clip cho thấy cảnh sát đánh đập một tình nguyện viên y tế không vũ trang.

Tại sao người dân biểu tình?

Quân đội Myanmar đã nắm chính quyền sau khi lật đổ chính phủ của bà Aung San Suu Kyi và ban bố tình trạng khẩn cấp.

Chỉ vài ngày sau, phong trào bất tuân dân sự bắt đầu nổi lên, với việc nhiều người từ chối trở lại làm việc.

Phong trào nhanh chóng bắt đầu có đà và không lâu sau hàng trăm nghìn người bắt đầu tham gia các cuộc biểu tình trên đường phố.

Một cuộc đàn áp bạo lực khởi đầu kể từ các cuộc biểu tình ôn hòa vào cuối tuần trước.

Quân đội chưa đưa ra bình luận về những người tử vong.

Sơ lược về Myanmar

  • Myanmar, còn được gọi là Miến Điện, độc lập khỏi Anh quốc vào năm 1948. Trong phần lớn lịch sử hiện đại của Myanmar, nước này nằm dưới sự cai trị của quân đội
  • Các hạn chế bắt đầu được nới lỏng từ năm 2010, dẫn đến bầu cử tự do vào năm 2015 và việc thành lập chính phủ do nhà lãnh đạo đối lập kỳ cựu Aung San Suu Kyi khởi xướng vào một năm sau đó
  • In 2017, Myanmar's army responded to attacks on Năm 2017, quân lính thuộc nhóm dân tộc Rohingya đã tấn công các đồn cảnh sát, và quân đội Myanmar cùng các nhóm phật tử địa phương đã đáp trả bằng một cuộc đàn áp chết người, được cho là đã giết chết hàng nghìn người Rohingya. Hơn nửa triệu người Rohingya chạy trốn qua biên giới sang Bangladesh, và Liên Hiệp Quốc sau đó gọi đây là "ví dụ kinh điển về thanh lọc sắc tộc"by Rohingya militants with a deadly crackdown, driving more than half a million Rohingya Muslims across the border into Bangladesh in what the UN later called a "textbook example of ethnic cleansing"