Ba tôi: Tết, Học và Tin

Thứ Bảy, 13 Tháng Hai 20212:00 SA(Xem: 3508)
Ba tôi: Tết, Học và Tin
voatiengviet.com

Ba tôi: Tết, Học và Tin

Phạm Phú Khải

Sáng thứ Sáu 12 tháng Hai, tức mồng một Tết Nguyên Đán, Trung Quốc đã chính thức cấm BBC World News. Sự kiện này xảy ra một tuần sau khi Bắc Kinh đe dọa trả đũa việc Anh thu hồi giấy phép phát sóng gần đây đối với CGTN thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc. Đọc tin này vào ngày đầu năm, nó càng làm tôi nghĩ đến bố tôi nhiều hơn vào dịp Tết.
Như mọi năm, anh chị em chúng tôi, và các cháu chắc trong gia đình, tụ họp với nhau chung quanh mẹ tôi để đón giao thừa, mừng chúc nhau và chúc tuổi thọ của mẹ tôi.

Vài năm gần nay, nhiều anh chị tôi đã thăng chức. Có anh thành ông nội ông ngoại. Có chị thành bà nội bà ngoại. Vậy mà, Tết đến, các ông/bà nội/ngoài này vẫn bu quanh mẹ tôi, chuyện trò như bắp rang. Năm nay, chúng tôi nhắc lại nhiều kỷ niệm xưa. Phần lớn xoay quanh bố tôi.

Tôi rời xa bố tôi lúc còn nhỏ, và lúc được đoàn tụ với ông thì đang trong thời kỳ tích cực hoạt động xã hội, do đó không ở bên ông nhiều. Nên những kỷ niệm về ông không nhiều, và ngày càng phai nhạt theo thời gian.

Tuy nhiên, có ba điều nhớ nhất về ba tôi, là: đánh bài; học hỏi và thông tin.

Trước hết, xin thú thật rằng trong tứ đổ tường thì ba tôi không đam mê cờ bạc, rượu chè, thuốc lá. Còn đàn bà thì chắc hẳn… chỉ có ba biết. Riêng về cờ bạc, tuy không đam mê, ông vẫn cho phép con cái chơi trong những ngày Tết, mồng 1 đến 3. Sau đó không được đụng đến bài nữa. Ông cũng không ngoại lệ. Còn ai phá lệ thì sé bị khiển trách nặng lắm.

Hồi nhỏ, có lẽ không có gì vui bằng chơi bài với ba tôi. Cả nhà, từ má đến 10 đứa con, đều muốn thắng ba. Hầu như ai trong anh chị em chúng tôi đều biết ăn gian. Má tôi cũng vậy. Má lại luôn muốn đổi bài để cho các con mình được bài tốt, để ăn ba tôi. Thế mà hầu như năm nào ba tôi cũng hên, và cũng ăn. Ông lì xì cho má và 10 đứa con xong rồi, thì gia đình chúng tôi nhập sòng. Ông làm chủ sòng bài, và hầu như chưa năm nào thua. Khi bài ông tốt, ông giả vờ nặn bài thật lâu, có vẻ đăm chiêu lắm. Ông cứ để cho chúng tôi đổi bài nhau, đứa 21, 20, linh, v.v… Thế mà bài ông phần lớn đều trên cơ. Với mấy chục con mắt nhìn chăm chút thì ông không thể nào đổi bài được. Thế là ông lùa hết tiền đặt của chúng tôi vào dưới đôi chân mình. Chúng tôi đinh ninh mình thắng, phản đối tại sao ông lấy tiền chúng tôi, cho đến khi ông bày bài ra. Cũng có lúc, ông giả bộ lùa hết tiền vào trong lòng mình, để rồi khi bày bài mình ra thì nó đã… quát rồi. Rồi trả lại tiền cho chúng tôi, kể cả tiền thắng.

Vậy đó, chơi bài với ba tôi có lẽ là những ngày Tết hào hứng và vui nhộn nhất. Cho đến giờ nghĩ lại, vẫn không thể nào quên những kỷ niệm 30, 40 năm về trước này.

Điều kế tiếp là vấn đề học. Hiếm khi nào thấy ba tôi nghỉ ngơi. Những ngày trước Tết, ông bắt tất cả đều phải tham gia dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, từ trong ra ngoài. Ông không làm việc này cũng việc khác. Không việc đầu óc cũng việc chân tay. Sau cơm tối, mệt quá, không có điện, thì ông mới chịu nằm trước hiên nhà, lầu trên. Cũng có khi cần gì gấp quá thì thắp đèn dầu để làm việc. Viết thư, làm sổ sách, tính toán việc này kia, ông đều chép hết xuống giấy. Ít có ai viết nhiều như ông. Viết hết thư cho người này đến người khác. Những thư ông viết riêng cho mẹ tôi và 10 đứa con còn nhiều hơn tất cả chúng tôi viết cho ông. Ông sắp xếp riêng tất cả hồ sơ và tài liệu liên quan của từng người con. Sau này ông mất thì chúng tôi mới biết được rằng, ngoài chúng tôi ra, bạn bè của ông và các anh chị em họ hàng gọi ba tôi là chú, cũng nhận thư ba tôi nhiều lắm.

Ông đọc và học suốt ngày. Và ông cũng đặt ra tiêu chuẩn như thế cho con mình. Gần Tết, khi các gia đình khác được nghỉ ngơi ăn Tết, chúng tôi nếu không làm chuyện nhà thì phải làm gì đó. Phải học, ngoại trừ đêm Giao thừa và ba mồng Tết. Thấy chúng tôi ngồi không, ông chịu không được. Phải chăng vì thế mà bây giờ tôi cảm thấy giống tính này của ba tôi lắm. Ngồi yên chịu không được. Thấy vợ và con như thế cũng không chịu được. Lúc nào cũng thắc mắc, cũng hỏi, hoặc tự hỏi, tại sao không dùng thì giờ để đọc, để học, có hữu ích hơn không. Bây giờ tuy biết làm mà không nghỉ là điều không nên, thật ra là điều có hại nữa, nhưng tôi vẫn chưa bỏ qua thói quen và tư duy này.

Vì ham học nên ba tôi cũng theo dõi tin tức thường xuyên. Món ăn tinh thần của ông thời thập niên 1970 đến 1990, nhất là sau 30 tháng Tư năm 1975, là đài BBC và đài VOA. Những khi bắt được đài, điều cấm kỵ lúc đó, ba tôi vui mừng lắm. Thường, nó trúng vào dịp ăn trưa hay ăn tối. Chúng tôi ngồi đợi ba, có khi nửa tiếng, có khi cả tiếng, xong rồi thì ông mới chịu ăn. Có khi mẹ tôi hay các anh chị em bận phải đi làm nên không thể chờ được. Lúc đó chúng tôi để dành phần cơm cho ba. Cơm nguội, ăn một mình, dù không muốn, nhưng ông cũng không muốn bỏ lỡ cơ hội nghe đài.

Nghe xong tin gì quan trọng hoặc hay hay, ông tìm cách chia sẻ với anh chị em chúng tôi. Có những tin tức hay vấn đề tế nhị, ông cũng tìm cách chia sẻ cho các anh chị lớn, rồi cho các con nhỏ biết, nhưng luôn cũng dặn dò kỹ lưỡng để khi ra ngoài chúng tôi không lỡ miệng “khai báo”. Khổ vậy. Tự do thông tin còn không có, huống gì tự do ngôn luận. Mấy chục năm về trước, và hiện nay, về cơ bản, hoàn cảnh đất nước dưới chế độ này không thay đổi nhiều. Nếu biết một ngôn ngữ khác như tiếng Anh hoặc tiếng Pháp thì đỡ hơn. Ba tôi cũng được học trường Pháp nên có lẽ đỡ phần nào.

VOA là cơ quan truyền thông công cộng lớn nhất của Mỹ, phát sóng đầu tiên vào năm 1942, giữa thời điểm Thế Chiến II. Tổng thống Franklin Delano Roosevelt nhìn thấy được tầm quan trọng của vấn đề thông tin, đặc biệt nhắm đến địa bàn Đức để tạo ảnh hưởng. Chương trình VOA Việt ngữ được phát thanh từ năm 1943 đến năm 1946, nhưng bị gián đoạn, và đến năm 1951, Ban Việt ngữ bắt đầu hoạt động liên tục cho đến nay. BBC là cơ quan truyền thông lớn nhất toàn cầu, phát sóng đầu tiên vào tháng 11 năm 1922. Chương trình Việt Ngữ đã phát sóng từ ngày 6 tháng Giêng năm 1952. Cả hai cơ quan truyền thông này đã đóng góp vô cùng to lớn, về kiến thức và thông tin, đến thính giả và độc giả trên toàn cầu từ 80 đến 100 năm qua.

Hôm nay, mồng một Tết, tụ tập quanh mẹ tôi, nghe kể những kỷ niệm về ba tôi. Nhớ ông thật nhiều. Chúng tôi gồm mẹ và con, cháu, chắc kéo nhau ra thăm mộ ba. Cho nên khi nghe tin Trung Quốc đã quyết định cấm chương trình tin tức của BBC (BBC World News), nó cũng làm tôi chùng lòng.

Hẳn nhiên, không có cơ quan truyền thông nào hoàn toàn trung thực, khách quan, không thiên vị hay định kiến. Tất cả các sản phẩm truyền thông là do con người làm ra, không phải máy móc. Đã là người thì không thể nào khách quan hoàn toàn. Nhưng dù sao, trong thời đại thông tin tràn ngập và các tin giả và tuyên truyền lan tràn sâu rộng, thì BBC, VOA, RFA, RFI, v.v… là các cơ quan truyền thông khả tín nhất có thể. Bởi vì nó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và được kiểm soát nghiêm khắc từ các cơ quan lập pháp và hành pháp.

Cũng như các thể chế chính trị đã có, dân chủ không hề là một hệ thống chính trị hoàn hảo nhưng nó là cái ít tồi tệ nhất hiện nay, so với những cái đã được thử nghiệm, như Winston Churchill từng nói. Các cơ quan truyền thông như BBC, VOA, RFA, RFI, ABC, SBS v.v… là những cái “ít tồi tệ nhất” trong những cái đã có, bởi vì nó không bị lợi nhuận hay thương mại hóa tác động, và độc lập hơn hẳn các cơ quan truyền thông tư nhân hay tập đoàn khác.

BBC World News, Anh, Việt hay Hoa ngữ v.v… là các món ăn tinh thần của hàng trăm triệu người trên toàn thế giới, nhất là những nơi thiếu tự do ngôn luận, báo chí, truyền thông. Tất nhiên những ai muốn nghe vẫn có thể vượt tường lửa hoặc dùng VPN v.v… để theo dõi, nếu họ muốn. Nhưng đây là những khó khăn mà các chế độ độc tài tạo ra để làm người ta nản, mệt, rồi bỏ cuộc…

Nghĩ về những người dân chịu khó nhưng lại chịu thiệt thòi này, nhất là vào đầu năm mới, năm Tân Sửu, tôi lại nghĩ đến ba tôi.

Tự do thông tin cũng phải trả giá thật đắt, nếu muốn có nó.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn