A protester wearing a mask makes a three-finger salute

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Một phụ nữ bị thương nặng khi phản đối quân đội Myanmar đảo chính đang trong tình trạng nguy kịch.

Cô bị thương trong cuộc biểu tình hôm thứ Ba ở thủ đô Nay Pyi Taw, nơi cảnh sát cố gắng giải tán người biểu tình bằng vòi rồng, đạn cao su và đạn thật.

Các nhóm nhân quyền nói rằng người phụ nữ bị một vết đạn bắn vào đầu.

Đã có những ghi nhận về các ca bị thương nghiêm trọng khi cảnh sát tăng cường sử dụng vũ lực, nhưng tới nay vẫn không có thương vong.

Hàng chục nghìn người đã tham gia các cuộc biểu tình đường phố chống lại cuộc đảo chính lật đổ chính phủ được bầu cử dân chủ của bà Aung San Suu Kyi vào tuần trước, bất chấp lệnh cấm các cuộc tụ tập đông người và lệnh giới nghiêm ban đêm.

Các cuộc biểu tình tái diễn vào sáng thứ Tư, trong ngày thứ năm liên tiếp, với một nhóm lớn công chức tụ tập ở Nay Pyi Taw để phản đối.

Người phụ nữ bị thương như thế nào?

Cảnh sát đã sử dụng vòi rồng chống lại những người biểu tình ở Nay Pyi Taw, những người không chịu rút lui. Các phát súng cảnh cáo đã được bắn lên không trung, trước khi đạn cao su được bắn vào đám đông - nhưng các bác sĩ sau đó cho biết có vẻ như đạn thật đã bắn trúng người biểu tình.

Nhưng các hãng thông tấn Reuters và AFP dẫn lời các bác sĩ cho biết dựa trên những vết thương mà họ đã điều trị, họ tin rằng đạn thật đã bắn trúng người biểu tình.

Theo BBC Miến Điện, người đã nói chuyện với một nhân viên y tế giấu tên từ bệnh viện Nay Pyi Taw, một phụ nữ bị thương nặng ở đầu và một người biểu tình khác bị thương ở ngực. Người phụ nữ hiện đang được chăm sóc đặc biệt.

Các nhóm nhân quyền Human Rights Watch và Fortify Rights nói rằng người phụ nữ bị bắn vào đầu khi biểu tình.

Theo một báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, một bác sĩ của bệnh viện cho biết người phụ nữ bị "một viên đạn găm vào đầu và đã mất chức năng não quan trọng".

Vị bác sĩ giấu tên cho biết vết thương của người phụ nữ trùng khớpvới vết thương do đạn thật gây ra, và một viên đạn kim loại đã xuyên qua phía sau tai phải của cô. Một người đàn ông bị thương trong cùng một cuộc biểu tình cũng có vẻ bị thương tương tự vậy.

Một báo cáo riêng của Fortify Rights dẫn lời một bác sĩ nói người phụ nữ đã chết não do "một vết thương do đạn bắn vào đầu gần như gây tử vong".

Một clip cho thấy một cách có chủ ý một phụ nữ bị bắn được lan truyền trên mạng. Đoạn phim cho thấy người phụ nữ đội mũ bảo hiểm đi xe máy gục xuống bất ngờ. Bên cạnh đó, các bức ảnh trên mạng xã hội cho thấy thứ có vẻ là một chiếc mũ bảo hiểm dính máu. BBC chưa xác minh được thông tin này.

Liên Hiệp Quốc đã lên tiếng "quan ngại sâu sắc" về bạo lực hôm thứ Ba.

Ola Almgren, điều phối viên thường trú của Liên Hiệp Quốc và điều phối viên nhân đạo tại Myanmar nói: "Việc sử dụng vũ lực không tương xứng với người biểu tình là không thể chấp nhận được.

Các cuộc biểu tình trước đây chống lại chế độ quân sự kéo dài hàng thập kỷ của đất nước, vào năm 1988 và 2007, đã chứng kiến người biểu tình thương vong.

Cuối ngày thứ Ba, quân đội Myanmar cũng "đột kích và phá hủy" trụ sở của NLD, đảng này cho biết.

BBC Miến Điện hiểu rằng lực lượng an ninh đã phá cửa bằng vũ lực vào cuối ngày thứ Ba. Không có thành viên nào của đảng này có mặt trong tòa nhà khi đó.

Cuộc đột kích diễn ra trong thời gian giới nghiêm ban đêm trên toàn quốc, kéo dài từ 20:00 đến 04:00 giờ địa phương.

Tại sao người dân biểu tình?

Quân đội đã giành quyền kiểm soát vào ngày 1/2 sau cuộc tổng tuyển cử mà đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi giành được thắng lợi.

Các lực lượng vũ trang đã ủng hộ phe đối lập, những người đang yêu cầu tổ chức lại cuộc bỏ phiếu, tuyên bố gian lận trên diện rộng.

Ủy ban bầu cử cho biết không có bằng chứng củng cố những tuyên bố này.

Cuộc đảo chính được tổ chức khi một kỳ họp mới của quốc hội được chuẩn bị khai mạc.

Bà Suu Kyi đang bị quản thúc tại gia và bị buộc tội sở hữu máy bộ đàm nhập khẩu trái phép. Nhiều quan chức NLD khác cũng đã bị giam giữ.