Mr. Jackhammer Nguyễn, còn phe thứ năm nữa, thưa ông!

Thứ Năm, 04 Tháng Hai 202110:00 SA(Xem: 4487)
Mr. Jackhammer Nguyễn, còn phe thứ năm nữa, thưa ông!
rfa.org

Mr. Jackhammer Nguyễn, còn phe thứ năm nữa, thưa ông!

Trần Kim Đồng 2021-02-01

Ngày 01/02/2021, ĐH-13 ĐCSVN đã họp phiên bế mạc. Tuy nhiên, “trò xúc-xắc” đã được tung hứng ngay sau Hội nghị TW-15. Từ vỉa hè đến quán nước, lúc bấy giờ thiên hạ đã râm ran về “Bộ tứ” (Nói ngược là “Tự bố” – tự các bố bày đặt rồi chia chác với nhau mấy cái ghế mục!). Trò tréo ngoe của “Bộ tứ” là trùm mật vụ Phạm Minh Chính giành ghế Thủ tướng. Còn Giáo sư Kinh tế Vương Đình Huệ lại được đẩy vào chỗ của một nghị gật. Từ “Bộ tam” cũ, có hai vị không muốn nhìn mặt nhau – Ông Trọng “giữ được trận địa”, còn ông Phúc chỉ “nhận giải khuyến khích” sau nhiều năm tháng vất vả.

Nhân sự là khâu đáng bi quan

Muốn biết nhân sự kỳ này bi quan như thế nào, mời đọc vài dòng điểm xuyết các vị tai to mặt lớn vừa được “vào hòm”, kể cả Tổng chủ, của Giáo sư Mạc Văn Trang. Cười ra nước mắt trước câu cảm thán của vị GS nổi tiếng: “Thảo nào nhân sự Đảng là tuyệt mật”. Nếu công khai danh tính để “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân góp ý” thì nhiều chuyện “thâm cung bí sử” của một số đồng chí “chưa bị lộ trong đống rơm” (tiếng Anh gọi là “Elephant in the Room”) sẽ toé loe, không khéo “bung” ra, “toang” hết thì chết. Ngay từ ngày khai mạc ĐH hôm 25/01, dư luận trong và ngoài nước đã phản ứng gay gắt và quyết liệt trước tin “bật mí” (bí mật), rằng ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục ở lại để nắm quyền.

Khỏi phải bàn chuyện Tổng chủ đã vi phạm những điểm cốt yếu nhất của Điều lệ Đảng ra sao (Khổ quá, biết rồi nói mãi!) Điều lệ “do nhà định ra” (home made) thì ông Trọng với tư cách là Trưởng ban Nhân sự ĐH có thể “úmbala” kiểu gì chẳng xong. Nhưng sự thật đập vào mắt mọi người là: Từ khi có tin ông Trọng tái đắc cử ghế Tổng bí thư BCHTW ĐCSVN nhiệm kỳ 3 liên tiếp thì hàng loạt chỉ dấu cho thấy, đấy cũng là lúc “các xu hướng vũ lực mới” trong quyết sách của Trung Quốc ở Biển Đông trỗi dậy – hung hăng hơn và nguy hiểm hơn. Trung Quốc tập trận sát nách Việt Nam, Trung Quốc ban hành Luật Hải cảnh mới, Trung Quốc lên giọng cả với Nhật lẫn Mỹ… Luật Hải cảnh mới tuyên bố sẽ bắn vào tàu thuyền nước ngoài nào hoạt động tại các vùng biển Trung Quốc áp đặt chủ quyền và quyền chủ quyền (phi pháp trên Biển Đông).

Truyền thông quốc tế ca ngợi Nguyễn Phú Trọng giờ đây “oách” hơn cả ông Lê Duẩn. Tuy sức khỏe bết bát song ông Trọng vẫn tiếp tục nắm vị trí quyền lực nhất, trở thành Tổng bí thư tại vị lâu nhất kể từ thời Lê Duẩn – nhà lãnh đạo đã dẫn dắt đất nước bằng nắm đấm thép sau cái chết của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cái nhìn này cũng chỉ dựa trên logic hình thức mà thôi. Trên thực tế, có một luồng dư luận công khai khác trên mạng xã hội, ở ngay trong nước, đánh giá ông chẳng ra gì. Hãy đọc Giáo sư Nguyễn Đình Cống khả kính thì rõ. Vị GS già này huỵch toẹt: Ông Trọng tham quyền cố vị muốn giữ tiếp cái ghế. Điều này “tốt ở chỗ, qua việc này càng có nhiều người thấy rõ bản chất độc tài và sự thối nát của cộng sản. Đây là cú hích mạnh làm cho chế độ cộng sản bị sụp đổ nhanh hơn. Mà cộng sản có sụp đổ thì mới cứu được dân tộc, phát triển được đất nước”.

So sánh ông Trọng với ông Lê Duẩn là một việc làm khập khiễng. Lê Duẩn có thành tích lịch sử là chống Tàu (tuy có phần thái quá), quyết liệt trong tư tưởng cảnh giác với Tàu trong bổ nhiệm nhân sự và vạch ra đường lối cho Đảng. Nguyễn Phú Trọng, ngược lại, luôn “ru ngủ” Đảng trong chiếc nôi “bạn vàng 4 tốt, 16 chữ”. Cho đến tối 31/01/2021, Tập Cận Bình là lãnh đạo quốc gia đầu tiên và duy nhất đã dành những lời nồng ấm khác thường chúc mừng ông Nguyễn Phú Trọng. Xem thế đủ thấy, ngoài bốn phe vẫn ganh đua nhau trong quá trình tranh giành quyền lực ở Việt Nam hiện nay thì bộ đôi Trọng - Chính là đại diện “xuất sắc” cho phe thứ năm trong nội bộ ĐCSVN. Phe do Bắc Kinh nuôi dưỡng. Hay nói nôm na, đó là phe “thân Trung Quốc”. Không thân sao được khi chính ông Nguyễn Phú Trọng với tư cách Bí thư Quân uỷ Trung ương đã quyết định đưa hầu hết tướng lĩnh quân đội Việt Nam sang Trung Quốc “học tập”. Ông Trọng cũng là người đã ký 15 văn kiện hợp tác, trong đó có việc đưa “cán bộ cấp chiến lược” của ĐCSVN sang Trung Quốc để tập huấn và đào tạo thêm.

Vì những lẽ trên, trong 200 uỷ viên TW vừa trúng tuyển, hầu như vị nào cũng đều nằm trong một “lô” nào đó được Bắc Kinh khoanh vùng. Không có sự bảo lãnh từ quan thầy thì số này đã bị loại ngay từ “vòng gửi xe”. Chẳng thế mà tướng Trương Giang Long, Giám đốc Học viện Chính trị, An ninh Nhân dân (Bộ Công an), từ sau ĐH-12 đã nói thẳng, trong các hồ sơ phản gián của ông có hàng trăm đồng chí, và trăm đồng chí này lại kéo theo hàng trăm các đồng chí khác (hoạt động cho Trung Quốc). Thật ra Trung Quốc chẳng cần nhiều đến thế. Họ chỉ cần “chữa trị” cho ông Trọng sau cơn bạo bệnh kéo dài; chỉ cần “nuôi” ông Chính từ thuở còn “hàn vi” ở Quảng Ninh để trót lọt vụ ba đặc khu cho Tàu.

“Đổi mới 2” dường như tiến vào ngõ cụt

Ngày 25/01/2021 khai mạc ĐH, ông Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Trung ương Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch – Tổng thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tuyên bố trên VietnamNet: “Đại hội Đảng 13 chỉ dấu rằng, công cuộc đổi mới lần thứ hai bắt đầu, một Đại hội mang dấu ấn của thời kỳ mới, một bước ngoặt chuyển giao thế hệ lãnh đạo và bước ngoặt để Việt Nam cất cánh”. Khi được hỏi căn cứ đâu để tuyên bố như thế, ông Kim “nổ” tiếp: “Vì những dấu hiệu của bối cảnh hiện nay cho thấy, một cuộc đổi mới lần thứ hai sẽ xuất hiện. Nếu như trước đây cuộc đổi mới lần thứ nhất là sự mở đường, thay đổi thể chế ở một giai đoạn sơ khai thì lần này, đổi mới thể chế ở giai đoạn chi phối và chất lượng hơn nhiều để đưa Việt Nam đến thịnh vượng như dự thảo văn kiện đề ra”.

2021-02-01T022629Z_2036440458_RC2EJL9SSYCY_RTRMADP_3_VIETNAM-POLITICS-CONGRESS.JPG
Các Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương khoá mới chụp hình tại lễ bế mạc Đại hội 13 ở Hà Nội hôm 31/1/2021. Reuters

Trong khi đó trên thực tế, theo nhiều nhà quan sát, cả “Đổi mới 2” lẫn định hướng phát triển đất nước trong kỷ nguyên công nghệ và số hoá hầu như đã không được bàn bạc và nhìn nhận một cách thấu đáo trước và cả trong ĐH. Mặc dầu các trí thức và doanh nhân đã đưa ra với Đảng nhiều kiến nghị trực tiếp. Nhu cầu đối với “Đổi mới 2” – đổi mới thể chế – rõ ràng không mới. Đảng biết, trí thức và người dân trong nước biết, Việt kiều yêu nước biết. Đó chính là đường lối độc lập – cải cách – chuyển hóa để tự cường, để mạnh về kinh tế, tự chủ về đối ngoại, để đủ tiềm lực trang bị quân sự, để chuyển hóa chính trị mà khai phóng và đoàn kết sức dân. Ai cũng biết nhưng đảng chưa dám làm, hoặc làm rất chậm, thậm chí, một bước tiến, hai bước lùi.

Đáng tiếc, chặng đường dẫn đến ĐH-13 đã không những không được mở ra bằng các cuộc thảo luận mang tính đột phá về đường lối, mà ngược lại, nó được đánh dấu bằng hàng loạt các cuộc bắt bớ và đàn áp không ngưng nghỉ đối với giới phản biện và bất đồng chính kiến. Sự đàn áp đối với xã hội dân sự đã leo thang đến mức từ Hoa Kỳ và phương Tây đã có lời kêu gọi phải áp dụng các chế tài với Việt Nam, vì những đàn áp nhân quyền thời gian qua. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) đã công bố báo cáo thường niên 2020 dài hơn 700 trang về tình hình nhân quyền 100 nước trên thế giới. Trong đó, HRW mô tả Việt Nam “tiếp tục vi phạm một cách có hệ thống các quyền dân sự và chính trị cơ bản trong 2020… Việc thắt chặt các hạn chế đối với quyền tự do ngôn luận dường như có liên quan đến Đại hội 13 ĐCSVN”. 

Đài phát thanh RFI (Pháp) ngày 30/01/2021 nhận xét rằng, tư tưởng “phản Đổi mới” đã giành chiến thắng tại Đại hội 13 vừa qua. Nhận xét này chỉ đúng một phần, nếu căn cứ vào bài viết của Giáo sư Tương Lai đã phê phán đích danh Nguyễn Phú Trọng, phơi bày một số cuộc đấu đá quyết liệt về đường lối trong lịch sử ĐCSVN. Theo vị GS một thời là Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội, suốt từ Đại hội 7 cho đến Đại hội 11 là sự giằng co xung quanh “Cương lĩnh 91”. Có lúc phe Đổi Mới thắng thế rất mạnh, có lúc lại bị đẩy lùi… Đại hội 10 với những điều chỉnh xung quanh “Cương lĩnh 91” về tính chất của ĐCS với ý đồ trở lại quan điểm của Đại hội 2 từ thời Việt Bắc: “Đảng là Đảng của giai cấp công nhân đồng thời là Đảng của dân tộc”. GS. Tương Lai kết luận: đưa Nguyễn Phú Trọng lên là tiếp tục kích hoạt tư tưởng cực đoan về “Cương lĩnh 91”. Chỉ coi Cương lĩnh là phương tiện duy trì và bảo vệ sự độc tôn và độc tài của Đảng.

Trong kỷ nguyên chuyển đổi số, bảo mật, quyền riêng tư và vấn đề chiếm hữu đối với các tư liệu sản xuất đã khác rất xa trước đây. Nó là cội nguồn của đổi mới và sáng tạo. Thời điểm lúc “Cưỡng lĩnh 91” ra đời Đảng chưa đối mặt với những thách thức này. Nếu ĐCSVN vẫn áp dụng những nguyên tắc của ĐCSTQ vào mô hình phát triển của Việt Nam thì chắc chắn sẽ không tránh khỏi thất bại. Không thể sao chép các mô thức “chuyên chế số” như Trung Quốc đang làm để “quốc hữu hoá” các tài sản ảo, vô hình, nhưng tao ra giá trị thật đang nằm trong đầu các nhà lập trình (để cưỡng chiếm các giá trị kinh tế-xã hội thật). Thay vì cầm tù một tài năng như Trần Huỳnh Duy Thức, hãy trả tự do cho anh ấy. Đảng sẽ được tiếng thơm. Nhiều quyết sách của Đảng như lịch sử đã cho thấy, có lúc sai, lúc đúng. Sai dĩ nhiên là nguy hiểm, nhưng không nguy hiểm bằng sai mà không sửa, không nhận lỗi, lại đi đàn áp, bỏ tù những người chỉ ra cái sai của mình. 

Vấn đề phát triển xã hội dân sự (XHDS) ở Việt Nam sẽ là một tất yếu khách quan. Thay vì đàn áp, Đảng nên hoá giải căng thẳng hiện nay giữa chính quyền và các tổ chức dân sự (TCDS). ĐCSVN không nên bức ép để TCDS trở thành đối lập. Trong khi tàu Hải cảnh Trung Quốc đe doạ bắn vào ngư dân thì Đảng chỉ khoanh tay đứng nhìn, thậm chí có dấu hiệu đe doạ những ai đi biểu tình chống Trung Quốc. Thế là “hèn với giặc, ác với dân”. Tiếng xấu để đời, muôn thuở không gột rửa được. Tại ĐH-13 Bộ trưởng Công an Tô Lâm nói về các thách thức hiện nay. Nhưng chính quá trình phản biện của người dân sẽ hoá giải thách thức, dẫn đến độc lập. Độc lập mới dám mở rộng tự do-dân chủ, tự do-dân chủ thì đối tác bên ngoài mới tin tưởng và hợp tác, dân mới được cởi trói. Tuy nhiên, với tiến trình chuyển giao quyền lực ở Mỹ đang bấp bênh, nền dân chủ Myamar đang bị thụt lùi do đảo chính, ĐCSVN muốn mọi chuyện “vũ như cận” (vẫn như cũ). Với dàn lãnh đạo đặc tuyển của ĐH-13, nhiều khả năng “Đổi mới 2” sẽ tiến vào ngõ cụt.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn