Tiếng Việt đang bị bỡn cợt?

Thứ Năm, 28 Tháng Giêng 20212:03 SA(Xem: 4131)
Tiếng Việt đang bị bỡn cợt?

Mai Lan

 

 Nhiều bài báo tường thuật về Đại hội Đảng lần thứ XIII, đang mang đến cảm giác tiếng Việt đang bị bỡn cợt…

 

Thường thì càng muốn định nghĩa bỡn cợt, người ta lại càng sợ mình thiếu bỡn cợt. Hơn thế nữa, cái mà người ta thường nhận thấy chính là sự vắng mặt của bỡn cợt. Bỡn cợt, có thể chỉ là như vầy: luôn luôn là một sự thiếu vắng, một cái hụt hẫng. Không thể nào có được sự bỡn cợt thấp hèn; mà ta chỉ có thể thiếu bỡn cợt, giống như người ta thiếu tâm hồn hoặc thiếu can đảm.

“Mỉa mai là một trò của trí tuệ. Trong khi bỡn cợt là một trò của con tim, một trò của nhạy cảm”, Jules Renard từng viết như vậy.

Jules Renard (1864 – 1910), người Pháp, nổi tiếng với tư cách là tiểu thuyết gia, kịch tác gia và, đặc biệt, là một nhật ký gia (diarist). Những cuốn nhật ký của ông, viết từ năm 1887 đến năm 1910, được xuất bản vào năm 1925, được xem là một kiệt tác văn chương. Nó giúp người đọc không những hiểu rõ hơn tâm hồn và những suy nghĩ thầm kín của Renard mà còn thưởng thức được những vẻ đẹp của ngôn ngữ, tính chất mỉa mai và hoài niệm bàng bạc trong suốt các cuốn sách.

Vậy thì liên quan gì đến chuyện tiếng Việt đang bị bỡn cợt ở các bài báo tường thuật Đại hội Đảng lần thứ XIII?

“Để không chọn nhầm người, như Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu trong một bài viết gần đây, mỗi đại biểu phải nghiên cứu, đánh giá ứng cử viên đa diện, đa chiều, đảm bảo có đầy đủ thông tin trước khi quyết định” – đoạn ‘mào đầu’ trên báo Tuổi Trẻ, số phát hành ngày 26-1, viết như vậy (1).

Với câu văn trên, theo tiếng Việt dạy ở học trò bậc trung học cơ sở, có thể hiểu là lâu nay sở dĩ Đảng chọn nhầm người vì không có được những tin tức đa diện, đa chiều của ứng viên. Trong cách hiểu ‘lâu nay’ đó, có phải chính là duyên cớ để đưa đến những Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Đinh La Thăng, Vũ Huy Hoàng…?

Thế thì hiện nay các đảng viên khi bầu chọn những đảng viên lãnh đạo, họ tìm ở đâu để biết về ‘đa diện’ – ‘đa chiều’?

“Xây dựng Đảng tạo niềm tin của dân” là tựa bài viết được báo Tuổi Trẻ trích từ phát biểu của ông Phạm Thế Duyệt, nguyên ủy viên thường vụ – thường trực Bộ Chính trị, nguyên chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam – về Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII (2).

Vẫn theo cách hiểu tiếng Việt của học trò trung học, có lẽ lâu nay người ta đã xây dựng Đảng vì cái gì đó, mà không mấy quan tâm đến niềm tin của nhân dân.

Báo Tuổi Trẻ hôm 26-1 cũng có bài viết với đoạn mở đầu: “Trao đổi với báo chí bên hành lang Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, nhiều đại biểu cho rằng nội dung của báo cáo chính trị do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trình bày gắn liền với thực tiễn” (3).

Nếu quả tình các đại biểu đảng viên đã nhìn nhận như thế, thì hóa ra các lần trước đó, nội dung báo cáo chính trị của Đảng toàn nói chuyện trên mây?

“Cán bộ phải chịu khó, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” là tựa bài viết trên tờ Sài Gòn Giải Phóng (4), phát hành ngày 26-1. Nội dung của tựa này cho thấy Việt Nam không hẳn là “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân” như ghi tại Điều 2.1, Hiến pháp 2013.

Bởi với một nhà nước pháp quyền, thì cán bộ phải hành xử theo các quy định liên quan của pháp luật như Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức,… không cần kèm theo các yêu cầu “ngoài luật” mang tính đạo đức là “chịu khó – dám nghĩ – dám làm – dám chịu trách nhiệm”.

Nếu không gọi ở đây trong những bài báo kể trên là người ta đang bỡn cợt tiếng Việt, chẳng lẽ đó là sự khiếm nhã ngôn từ, khi tường thuật về Đại hội Đảng lần thứ XIII – hay nói như cách của Jules Renard, người ta đang tung hứng chữ nghĩa cho một điều nhạy cảm gì đó của trò chơi chính trị…

_________________

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn