Những 'xác sống' ám ảnh châu Âu giữa Covid-19

Thứ Tư, 03 Tháng Hai 20219:00 CH(Xem: 4726)
Những 'xác sống' ám ảnh châu Âu giữa Covid-19

Nhiều công ty châu Âu đang trở thành "doanh nghiệp xác sống", vẫn tồn tại nhờ trợ cấp chính phủ, nhưng không còn khả năng tái đầu tư hay vực dậy.

Quán cà phê của Romain Rozier đang trên ngưỡng phá sản. Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát hồi mùa xuân năm ngoái đến nay, doanh số bán hàng tại địa điểm ăn trưa náo nhiệt một thời ở phía bắc thủ đô Paris, Pháp, này đã giảm tới 80%.

"Chúng tôi đang đứng trước ngưỡng cửa tử thần", Rozier vừa nói vừa kiểm đếm số tiền 365 USD vừa thu về từ ca trưa, thấp hơn rất nhiều so với mức 1.460 USD mà anh từng kiếm được trước đây. "Lý do duy nhất giúp chúng tôi chưa phá sản là nhờ hỗ trợ tài chính".

Romain Rozier tại nhà hàng của mình ở Paris. Ảnh: NYTimes.

Romain Rozier tại nhà hàng của mình ở Paris. Ảnh: NYTimes.

Pháp và hàng loạt quốc gia châu Âu khác đang chi những khoản tiền khổng lồ hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì hoạt động kinh doanh giữa cuộc khủng hoảng Covid-19. Nhưng không ít người lo ngại rằng chính phủ các nước đang đi quá xa, tạo ra nghịch lý là bất chấp khó khăn cùng cực, số doanh nghiệp xin phá sản đang ở vào mức thấp chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ trở lại đây.

Các khoản hỗ trợ của chính phủ giúp ngăn tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, song nguy cơ lớn nhất đặt ra là biến nền kinh tế thành một vùng đầm lầy, nơi các công ty ngập trong những món nợ họ không thể thanh toán nhưng vẫn tồn tại lay lắt nhờ tiền trợ cấp. Họ được gọi chung là những "công ty xác sống".

"Một lúc nào đó, cần ngừng các khoản trợ cấp này lại, nếu không, chúng ta sẽ đương đầu với một nền kinh tế xác sống", cựu thủ tướng Thụy Điển Carl Bildt, đồng chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, đánh giá.

Tỷ lệ doanh nghiệp phá sản đã giảm 40% hồi năm ngoái ở Pháp và Anh, và giảm trung bình 25% trên toàn Liên minh châu Âu (EU). Theo phân tích từ Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia, một tổ chức tư nhân có trụ sở tại Mỹ, nếu không có sự can thiệp của chính phủ với các khoản trợ cấp và vay ưu đãi trị giá hàng tỷ USD, số doanh nghiệp châu Âu phải xin phá sản sẽ tăng gần gấp đôi so với năm 2019.

Tại Tòa án Thương mại Paris, thẩm phán Patrick Coupeaud, người đã thụ lý các đơn xin phá sản gần một thập kỷ qua, cũng nhìn thấy điểm khác biệt. "Số người đến tìm tôi để xin phá sản đã giảm 1/3, bởi rất nhiều doanh nghiệp gặp rắc rối đang được chính phủ trợ giúp", ông nói.

Tuy nhiên, theo Bert Colijn, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tại ngân hàng ING, Hà Lan, chiến lược bảo vệ doanh nghiệp và người lao động bằng trợ cấp chỉ giúp "trì hoãn thảm kịch". Tỷ lệ phá sản và thất nghiệp sẽ tăng vọt trở lại khi những biện pháp hỗ trợ không còn nữa.

Giới phân tích nhận định các chương trình hỗ trợ của chính phủ đã tung vào nền kinh tế hàng nghìn doanh nghiệp kém hiệu quả với năng suất thấp, mức nợ lớn và nhiều khả năng phá sản một khi lãi suất được điều chỉnh tăng từ mức ưu đãi hiện nay.

Ước tính khoảng 10% doanh nghiệp tại Pháp đã được cứu khỏi cảnh phá sản nhờ viện trợ chính phủ, theo Rexecode, một viện nghiên cứu kinh tế của Pháp.

Jeffrey Franks, người đứng đầu phái đoàn Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Pháp, cho rằng để những doanh nghiệp yếu kém phá sản là điều cần thiết, dù đau đớn, để cho phép những ngành kinh tế cạnh tranh phát triển.

Một làn sóng phá sản "không phải lúc nào cũng là điều tồi tệ", ông nói. "Đó là một phần trong quá trình phá hủy - sáng tạo thông thường của hoạt động tái tạo nền kinh tế".

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đang kêu gọi các chính phủ điều chỉnh những biện pháp hỗ trợ nhằm đảm bảo phục hồi tăng trưởng bền vững. "Nếu không làm vậy, chúng ta sẽ bị giam nguồn lực tại những 'công ty thây ma' và các công việc kém hiệu quả, qua đó cản trở phục hồi", OECD lưu ý trong một báo cáo mới đây.

Hầu hết chính phủ các nước châu Âu đều lên kế hoạch chấm dứt viện trợ vào mùa thu năm ngoái do tự tin rằng đại dịch sẽ được kiểm soát. Nhưng đợt sóng lây nhiễm thứ hai bùng phát vào mùa thu, khiến các nước phải gia hạn chính sách hỗ trợ. Liên minh châu Âu cuối năm ngoái thông qua một gói cứu trợ kinh tế trị giá hơn 2,4 nghìn tỷ USD.

Ở Pháp, cứu trợ được nhìn nhận là cách để chính phủ bỏ tiền "mua" sự ổn định xã hội thông qua ngăn chặn tình trạng thất nghiệp hàng loạt. Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire đã cam kết duy trì hỗ trợ "chừng nào khủng hoảng còn kéo dài" như một chiến lược nhằm củng cố "tinh thần" cho nền kinh tế.

Hiện tại, hỗ trợ tài chính đang giúp các công ty từng làm ăn kinh doanh tốt không bị sụp đổ vì đại dịch. Tại Tòa án Thương mại Paris, thẩm phán Coupeaud cho biết những biện pháp của chính phủ đã giúp ngăn hiệu ứng domino bằng cách khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng những khoản vay được nhà nước hỗ trợ cùng các khoản viện trợ khác để trả nợ và thanh toán cho nhà cung cấp.

Rozier mở quán cà phê hữu cơ của mình năm 2016 tại một khu kinh doanh nhộn nhịp ở thủ đô Paris. Ý tưởng thành công đến mức anh đã mở được cửa hàng thứ hai gần Nhà hát Opera Paris. Sau khi đại dịch bùng phát, tình kình kinh doanh lao dốc vì các văn phòng với hàng nghìn nhân viên giờ đây đều trống không.

Chính phủ giúp trả phần lớn tiền lương nhân viên của anh và Rozier còn được nhận một khoản vay lãi suất thấp trị giá hơn 36.000 USD do nhà nước hỗ trợ. Sau đợt phong tỏa toàn quốc hồi tháng 10 năm ngoái, những nhà hàng như của Rozier còn được nhận thêm hơn 12.000 USD mỗi tháng viện trợ trực tiếp.

Nhưng số tiền này không thể giúp Rozier bù đắp nhiều tháng thất thu. "Vốn của tôi đã cạn kiệt", anh nói. Do lượng khách hàng giảm tới 80%, Rozier đang nợ ba tháng tiền thuê nhà, với mức giá hơn 4.800 USD/tháng. Anh cũng phải vật lộn để trả thuế an sinh xã hội, tiền điện cùng vô số chi phí khác.

Sau đợt nghỉ năm mới, tinh thần của Rozier đã sụp đổ hoàn toàn khi mở lại cửa hàng. "Tôi cứ chờ đợi, chờ đợi và rồi chỉ có ba vị khách bước qua cửa", anh nói. "Ở thời điểm này, tôi thực sự có nguy cơ phải đóng cửa sau vài tháng nữa. Tôi thà bán cửa hàng còn hơn là phải ra hầu tòa án phá sản".

Hai người bạn của Rozier, cũng là chủ nhà hàng, đã tuyên bố phá sản. "Còn nhiều người nữa sẽ đi theo bước chân họ. Đó là điều ta biết chắc chắn", anh cho hay.

Vũ Hoàng (Theo NYTimes
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn