TRÁI VÚ SỮA - CAO MỴ NHÂN

Thứ Sáu, 02 Tháng Hai 20187:00 CH(Xem: 6413)
TRÁI VÚ SỮA - CAO MỴ NHÂN
        636531165508959217zzzssssssss

     TRÁI VÚ SỮA   -   CAO MỴ NHÂN 

 

Cô cháu gái đi chợ VN ở thủ đô tị nạn Bolsa về, ghé nhà, tặng  cho tôi một trái vú sữa không to lắm, được bọc trong một cái bao lưới sốp, như các trái lê mầu vàng của Đại Hàn. 

Cháu nói:" 7 đô la một trái đó dì, mua 3 trái 20 đồng, hàng mới nhất, vừa được ký giữa VN với Mỹ đó " .

Chu choa, khiếp thế, vị chi hơn 400 ngàn VN, là gần nửa triệu đồng VN / 3 trái vú sữa à ? 

Thì có lẽ mai mốt rẻ hơn, chứ đây là lớp đầu tiên vú sữa qua Hoa Kỳ đó. Họ cố tình khai thông để bán Tết năm nay nè . 

 

Tôi thất kinh hồn vía, mở cái lưới sốp, ngắm nghía quả vú sữa mà ngày xưa ở VN, tôi rất thích. Vo vo bóp bóp quả vú sữa, nó cứng ngắc, vỏ ngoài sậm sịt, tôi bảo : 

" Quả vú sữa cứng, còi thế này, bảo đảm cái vỏ nó dầy ít nhất 5 ly ... ruột chẳng bao nhiều đâu. 

Quả nhiên trái vú sữa ngó chẳng ngon lành gì, xẻ ra làm đôi, cái ruột chỉ nhỏ bằng trái chanh, đầy nhựa, ăn chát lè . 

Trước đây khó khăn mọi chuyện thì không nói làm gì, nay hầu như ngày nào cũng có những chuyến bay của 3,4 hãng thường xuyên qua lại VN - Hoa Kỳ, hàng họ vận chuyển, tôi nghĩ chẳng bị trở ngại, mà sao vú sữa như loại trái cây đông lạnh vậy. 

Thế mà chợ nào chợ nấy bán mỗi quả vú sữa từ 5 tới 7 đồng , thì thật là mắc đấy . 

 

Song le, nghĩ đi phải nghĩ lại thôi, vận chuyển bằng máy bay thì hàng hoá cũng như người ta...

Tôi bây giờ quá sợ những chuyến đi xa nửa vòng trái đất, kể từ lúc ra phi trường LAX , tức Los Angeles của...tôi, tới khi quá cảnh Tokyo, hay Taipei, hoặc HongKong, về tới Saigon là chẵn một ngày một đêm luôn. 

Trái cây có đóng thùng, vô bao vv...sức chịu đựng của nó cũng bơ phờ . Rồi tới nơi cũng phải sắp xếp, phân loại, làm sao chúng, trái cây nhiệt đới đó giữ được tươi tốt như lúc còn ở trên cây chứ. 

Chẳng những vú sữa có vẻ mềm vỏ, hay là sắc diện vú sữa ưa nhìn, bị khô héo, giữ gìn bằng thùng ván mỏng, mây tre ...nhăn nhúm vỏ ngoài, đã đành, chôm chôm là loài trái cây biết tự bảo vệ, chôm chôm có vỏ bọc kín đáo ...

 Bao che ruột trái chôm chôm là lớp vỏ đỏ, có gai mềm, lia chia bảo vệ kỹ càng hơn vú sữa, vậy mà chỉ sau một ngày nhập hàng, toàn bộ vỏ chôm chôm đã héo, rồi khô đi, vỏ sậm đen, xấu xí . 

 

Vì thế cho nên Việt Kiều ở khắp nơi trên thế giới về VN có cái thú ăn trái cây tươi thôi ...Tất nhiên họ có những công việc riêng của họ, nhưng chuyện thưởng thức trái cây tươi VN, mùa nào thức nấy, thì rõ là đất nước ta " nguyên thuỷ " có đặc sản trái cây không thể phủ nhận được . 

Thủa cách nay cũng không xa lẵm, vào đầu thập niên 90 thế kỷ trước, bác sĩ Dương Cẩm Chương và phu nhân là nữ sĩ Thân thị Ngọc Quế từ Pháp và Mỹ về VN sau rất nhiều năm xa cách quê hương, quý vị ấy đã gần như nằm mơ trước vựa trái cây Saigon, nhất là nữ sĩ Thân thị Ngọc Quế, có lẽ trái cây VN là tri kỷ của bà. 

Sau đó nữ sĩ Thân thị Ngọc Quế năng về Saigon hơn, cứ đúng mùa chôm chôm, vú sữa là có mặt bà trong cõi cây trái ấy. 

Chúng tôi hay gặp bà ở Thuỳ Khương Trang, tức tư thất của nữ sĩ Tôn nữ Hỷ Khương, để hội thơ tri ngộ . 

Cứ gọi là đông tây hội đủ tháng ngày rồi, cuối cùng nữ sĩ Thân thị Ngọc Quế về quê nhà lập cốc thiền tu, và viên tịch ở VN . 

 

Miền nhiệt đới, miền nam, chỉ có một tháng nóng nhất, là tháng 3 âm lịch, còn mưa nắng 2 mùa đã trở thành thân tình, quen thuộc với đủ cây trái, lá hoa...

Tức là kể cả những thứ rau có tên có tuổi đàng hoàng, như bộ tứ quý bình dân : lang dền muống cải, còn nâng cấp các thứ rau khác thì cứ dạo một vòng chợ búa VN là thấy rõ . 

Song bây giờ, người dân VN thành thị cũng như thôn quê, coi sinh hoạt cuộc sống như chém gió ...bởi vì hầu như tất cả lá hoa cây trái bây giờ đang bị chủ vườn, chủ trại xử dụng thuốc tăng trưởng, thực phẩm  nghèo nàn như rau rác còn xài độc tố, thì ai mà dám thưởng thức như ngày xưa nữa . 

 

Ngày xưa, ôi ngày xưa của bao nhiêu là thân với ái ...cây lá hoa trái, trong đó có rau vv...còn gì thoải mái bằng tô canh mướp hương hay mướp đắng cũng đưa cơm vô mấy chén, múi mít, múi sầu riêng đã đồng hoá bắc di cư, nam kỳ quốc như ruột thịt một nhà...

Khi tôi ở Saigon đã mua chục 12 như lố, ngoài bắc thì chục là chục 10 thôi. Tới lúc mới di cư, đi chợ nhận chục 12 đã hí hửng ...

Nhưng phải đợi tới khi tôi ra trường xã hội Caritas, đổi đi đơn vị Sư Đoàn 9 Bộ Binh, mua vú sữa tuỳ theo sạp chợ hay hàng rong, đang chục 14, bà bán nài nỉ : " Mua đi, chục qua 18 lận" 

Tôi còn tưởng nghe lầm, hỏi lại: 

Dì ơi, chục 15 hay 18 vậy ?

Bà gánh vú sữa la làng : " Chèng đéc ơi, chục chẵn chớ sao chục lẻ 15 là cái gì, nhỏ này ...quê quá "

Mặc dầu tôi đang đứng ở bờ sông Sa Đéc đợi cầu quay xong là qua Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 9 BB, thì ... quê quá rồi.

 

Phẩm đã ngon lành, ăn trái cây vườn ngay trước mắt, mà lượng lại nhiều, chục 18. Thiếu chút chục 20, thì thành 2 chục bắc kỳ quốc vốn khó chịu, nhăn nhó vì nghèo khổ cùng cực . 

Hồi đó, tôi ăn sáng bằng vú sữa, mỗi sáng 2 trái, có khi 3 trái . 

Ngôi nhà trọ bên sông Tống Phước Hoà, hay Tống Phước Hiệp gì đó, chỉ có 3 người ở, là cụ bà 80, cụ bác 60 và tôi 22 tuổi. 

Gian nhà thông thống từ trước ra sau bếp. 3 chiếc giường kê cứ cách khoảng nhau 2 thước...Bà bác 60 nằm giường giữa , cụ bà 80 giường phía ngoài, giường tôi sát bếp ...

Phải nói là tôi sợ ma quá, mà sợ luôn cả cụ bà 80, bà cụ cứ thỉnh thoảng lại dán mắt vô cái mùng của tôi, coi tôi ngủ chưa . 

Tôi phải giả vờ ngủ để bà cụ đi lang thang trong căn nhà đó suốt đêm...Có khi còn kêu tôi : " Nè, dzú sữa, dzú sữa, hay thiệt đó, ngày nào nhỏ này cũng ăn dzú sữa mà nó không biết chán cà " ...

 

CAO MỴ NHÂN (HNPD)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn