'Có nỗi đau hơn cả cái chết'

Chủ Nhật, 24 Tháng Giêng 20219:00 CH(Xem: 3626)
'Có nỗi đau hơn cả cái chết'

Những người từng sống tại Vũ Hán giai đoạn phong tỏa nhớ lại về thời khắc kinh hoàng trong tâm dịch, họ lo sợ dịch bệnh có thể một lần nữa trở lại.

Khi bắt đầu nghe tin Vũ Hán sắp bị phong tỏa, ông Yue Zhongyi đã tính cách rời khỏi thành phố. Nhưng lúc đó là nửa đêm ngày 22/1/2020, đã quá muộn để đi khỏi Vũ Hán. Người đàn ông 62 tuổi nghĩ lại, ông vội vã chạy đến siêu thị, mua một bịch gạo lớn, 15 kg mỳ, cùng nước đóng chai, theo South China Morning Post.

Chờ đợi cái chết

Toàn bộ Vũ Hán với 11 triệu dân bị phong tỏa trong sáng 23/1/2020. Đây là biện pháp cứng rắn của nhà chức trách Trung Quốc nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus corona.

Trong 76 ngày tiếp theo, như mọi cư dân Vũ Hán khác, ông Yue và gia đình chỉ có thể ở nhà, trong khi bên ngoài, giới chức vật lộn truy vết và cách ly những người nhiễm bệnh.

Một năm qua đi, ông Yue nói đã gần như quên hết mọi hỗn loạn từng xảy ra ở Vũ Hán trong những ngày đầu tiên thành phố bị phong tỏa. Nhưng khi các ổ dịch bùng phát tại Hà Bắc, hàng triệu người tiếp tục bị phong tỏa, ký ức đau thương một lần nữa sống dậy.

Tron 1 nam phong toa Vu Han anh 1

Nhà ga Vũ Hán bị phong tỏa sáng 23/1/2020. Ảnh: Mainichi.

"Điều đau khổ nhất không phải là cái chết, mà là sự tuyệt vọng khi không được chăm sóc y tế. Nỗi đau đó còn lớn hơn cả cái chết", ông Yue nhớ lại.

Người đàn ông này có một người bạn tử vong vì ung thư phổi vào tháng 2/2020. Nạn nhân xấu số qua đời sau khi không được phép rời khỏi nơi cư trú.

Khi Vũ Hán bị phong tỏa, các phương tiện giao thông công cộng dừng hoạt động, trong khi các bệnh viện quá tải và phải yêu cầu bệnh nhân trở về nhà.

Một người bạn khác của Yue cho biết mẹ của người này được đặt vào túi đựng thi thể khi bà vẫn còn thở.

"Đó là cơn ác mộng tồi tệ nhất", ông Yue nói.

Đối với nữ bác sĩ chuyên ngành ung thư Zhang Lei, làm việc tại một bệnh viện ở Vũ Hán trong thời gian hơn 2 tháng phong tỏa là trải nghiệm kinh hoàng. Zhang là một trong 300 nhân viên y tế từ Sơn Tây được điều động tới hỗ trợ cuộc chiến chống đại dịch ở Hồ Bắc.

"Các bệnh viện quá tải vì quá nhiều bệnh nhân, có những người cao tuổi gặp vấn đề hô hấp, nhưng chúng tôi không thể giúp gì cho họ, họ chỉ có thể chờ đợi. Thật sự kinh khủng", Zhang nói.

Vũ Hán là nơi chủng mới của virus corona lần đầu được phát hiện vào cuối năm 2019, trước khi bùng phát thành đại dịch toàn cầu.

Theo số liệu chính thức, Vũ Hán ghi nhận hơn 50.000 ca nhiễm virus corona, với hơn 3.800 trường hợp tử vong. Mặc dù vậy, có những nghi ngờ cho rằng số người thực sự nhiễm bệnh và tử vong vì Covid-19 cao hơn nhiều so với báo cáo chính thức.

Sống trong tâm dịch

Tại Vũ Hán, 16 bệnh viện dã chiến được lập ra để tách những người chỉ có triệu chứng nhẹ với các bệnh nhân diễn biến nặng.

Các bệnh viện dã chiến được xây dựng cấp tốc trong chỉ hơn 1 tháng. Hơn 8.000 nhân viên y tế khắp cả nước được đưa tới Vũ Hán, điều trị cho 12.000 bệnh nhân với triệu chứng nhẹ.

Zhang cùng hai đồng nghiệp chăm sóc 55 bệnh nhân tại một trong các bệnh viện dã chiến như vậy. Nữ bác sĩ không được ăn, uống, hay thậm chí sử dụng nhà vệ sinh trong ca làm việc kéo dài 8 tiếng.

"Có lúc chúng tôi thiếu trầm trọng nhu yếu phẩm y tế, vì vậy không thể lãng phí thiết bị bảo hộ chỉ để dùng nhà vệ sinh", Zhang nói. Việc mặc đồ bảo hộ suốt 8 tiếng khiến nữ bác sĩ thường xuyên ướt sũng người vì mồ hôi.

"Nhưng đó là công việc của tôi. Tôi là bác sĩ, người cần đứng ở tuyến đầu chống dịch bệnh", Zhang cho biết.

Tron 1 nam phong toa Vu Han anh 2

Một bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán. Ảnh: AFP.

Nữ bác sĩ tiết lộ cô không hề do dự khi nhận được cuộc điện thoại lúc 4h sáng từ cấp trên ở Sơn Tây, hỏi liệu cô có sẵn sàng tình nguyện tới Hồ Bắc hay không.

Nhưng khi đã ở Vũ Hán, có những thời điểm nữ bác sĩ bị choáng ngợp. Zhang nhớ lại những khoảnh khắc khó tả khi nhìn thấy đường phố không một bóng người của Vũ Hán khi trở về nơi nghỉ ngơi sau giờ làm việc ở bệnh viện.

"Như thể cả thành phố đã đứng yên, thứ duy nhất chuyển động là chiếc xe bus của tôi, và mọi người ngồi trên xe gánh trên vai trách nhiệm (cứu mạng sống người dân). Tôi cảm thấy sức lực của một cá nhân như bản thân mình là không đủ. Khi đó tôi cảm thấy tuyệt vọng", Zhang nhớ lại.

Tuy nhiên, tình hình trở nên tươi sáng hơn sau đó vài tuần. Số bệnh nhân hồi phục và được ra viện tăng dần. Zhang cho biết tâm lý của các y bác sĩ ở bệnh viện bắt đầu được giải tỏa.

Giữa những câu chuyện kinh hoàng về dịch bệnh và cái chết, đã xuất hiện những khoảnh khắc tươi sáng. Cuối cùng, các bệnh viện dã chiến được đóng cửa vào tháng 3.

Zhang cũng nhớ lại sự âm thầm của người dân ở Vũ Hán, giống như một tài xế thường xuyên lái xe đưa đón cô cùng các đồng nghiệp. Mẹ của người này qua đời vì mắc Covid-19. Người tài xế không có cơ hội gặp mặt mẹ lần cuối.

"Chúng tôi có sức chịu đựng mạnh mẽ trước thảm họa. Tôi từng sống qua nạn đói (1959-1961). Với những người đã trải qua dịch bệnh này, có còn điều gì mà họ không thể đánh bại được nữa?", ông Yue nói với vẻ tự hào.

Đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát phần lớn ở Trung Quốc. Nước này thậm chí có nền kinh tế tăng trưởng dương trong năm 2020. Mặc dù vậy, Trung Quốc bị chỉ trích vì cách xử lý trong thời gian đầu dịch bệnh bùng phát.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn