“Hoàng Sa chưa có điện”

Thứ Năm, 21 Tháng Giêng 20212:24 SA(Xem: 2984)
“Hoàng Sa chưa có điện”

“Hoàng Sa chưa có điện”

Trần Trung Đạo

Ảnh: Gia Hân

Báo Thanh Niên hôm 23-12-2020 đăng một tin mới đọc tưởng là câu nói của diễn viên hài Trần Thành nhưng báo viết sai họ: “Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Dương Quang Thành cho biết, EVN đã cung cấp điện tới 11/12 huyện đảo của cả nước. Chỉ còn huyện đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng) là chưa được EVN cấp điện.”

Tổng kết của Dương Quang Thành thoạt nghe có thể được hiểu việc cung cấp điện cho quần đảo Hoàng Sa đã nằm trong kế hoạch chỉ chưa làm xong trong năm 2020 thôi, hy vọng sẽ được cấp trong năm 2021.

Nếu ông Dương Quang Thành nói đến Cô Tô hay Lý Sơn không ai thắc mắc làm gì. Đằng này ông nói đến Hoàng Sa, một địa danh chạm ngay vào cảm xúc của người đọc nhắc nhở một thực tế đầy mỉa mai.

Hoàng Sa nằm trong tay Trung Cộng (TC) 47 năm rồi!

Hoàng Sa ngày nay không chỉ có điện mà còn có nhiều loại hỏa tiễn, tàu chiến, phi trường, chiến đấu cơ, radar, bom đạn đủ để tàn phá nhiều thành phố lớn của Việt Nam.

Theo Gregory Poling, Giám Đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế, đảo Phú Lâm của quần đảo Hoàng Sa là tổng hành dinh của bộ chỉ huy quân đội Trung Cộng tại Biển Đông.

Đảo Phú Lâm cũng là trạm kiểm soát dòng hải lưu bận rộn qua lại Biển Đông từ Hải Nam lên Đài Loan, Hong Kong và từ Nhật xuống Mã Lai, Nam Dương, Singapore, Brunei.

Năm 2018, hải quân Mỹ phát hiện các oanh tạc cơ hạng nặng của Trung Cộng đáp xuống phi trường trên đảo Phú Lâm. Hoa Kỳ phản ứng lại bằng cách đưa chiến hạm USS Antietam để thực hiện một hành động được gọi là Tuần Tra Tự Do Hàng Hải (Freedom of Navigation Operation, FONOP).

FONOP là hoạt động của chính phủ Mỹ để thách thức chủ trương bành trướng của Trung Cộng trên Biển Đông.

Trong điều kiện hiện nay chưa có một biện pháp quân sự nào khác làm Trung Cộng lo ngại hơn. FONOP rất là quan trọng. Bất cứ một hành động không kềm chế được của một bên thôi cũng có thể dẫn đến chiến tranh, một viễn ảnh mà Tập Cận Bình chưa dám nghĩ tới.

Trừ phi Mỹ và đồng minh thành lập được một liên minh quân sự trong đó cho phép sự có mặt thường xuyên kể cả thả neo của tàu chiến Mỹ tại các đảo trên Biển Đông, FONOP là biện pháp trả đũa duy nhất áp dụng được.

Trung Cộng rút khỏi các đảo họ chiếm chỉ vì sợ FONOP? Không.

Trung Cộng ngưng xây dựng đảo nhân tạo chỉ vì sợ FONOP? Không, Trung Cộng vẫn xây đảo nhân tạo cho đến 2017.

Nhưng FONOP là cách xác định Biển Đông không phải là của Trung Cộng và cảnh cáo cho họ Tập biết những đảo nhân tạo cách lục địa Trung Cộng hàng ngàn dặm có thể chìm xuống biển trong vòng vài tiếng đồng hồ nếu chiến tranh bùng nổ.

Dù sao, chuyện quân sự nhiều người biết. Chuyện ít biết là Hoàng Sa còn là một trung tâm sản xuất thực phẩm của Trung Cộng.

Sarabjeet Parmar, giám đốc của National Maritime Foundation đặt cơ sở tại thủ đô New Delhi, Ấn, qua một hội nghị trực tuyến về hàng hải cho biết Hoàng Sa, không chỉ là một căn cứ quân sự lớn của Trung Cộng trên Biển Đông mà còn trung tâm nông nghiệp lớn. Ông cho biết “Một cuộc cách mạng nông nghiệp đang diễn ra trên đảo này.”

Theo The Global Times, một tờ báo đảng trá hình trong bản tin ngày 19-5-2020 cho biết quân trú phòng Trung Cộng trên Hoàng Sa thu hoạch được 750 kg rau cải. Theo báo này, TC đang thực hiện một thí nghiệm “chuyển cát thành đất.”

Các cuộc thí nghiệm “chuyển cát thành đất” đã được thực hiện thành công trước đây tại vùng tự trị Nội Mông. Nếu trồng rau cải được, Hoàng Sa cũng sẽ là nơi để nuôi gia súc. Nhu cầu nhiều mặt cho cuộc sống, qua đó, sẽ được thỏa mãn.

Chen Xiangmiao, một nhà nghiên cứu tại National Institute for South China Sea Studies cho biết “Bây giờ, khả năng của Trung Quốc hỗ trợ thường dân trên những hòn đảo này sẽ cho phép nhiều người sống trên quần đảo hơn và sống lâu hơn. Ngoài rau cải, gia súc như gà, heo cũng được nuôi.”

Cũng theo Sarabjeet Parmar thuộc National Maritime Foundation, việc trồng trọt và chăn nuôi, không chỉ nhằm đáp ứng các nhu cầu đời sống của con người mà còn nhắm vào mục đích xa hơn là vùng đặc quyền kinh tế.

Điều 21 của UNCLOS quy định: “Những tảng đá không thể duy trì sự sinh sống của con người hoặc đời sống kinh tế của riêng chúng sẽ không có vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa.”

Vì thế, mùa màng, gia súc và đời sống là những dấu hiệu của chủ quyền. Trung Cộng hy vọng cứ thế theo thời gian sẽ trở thành tập quán bình thường nuôi sống người dân trên đảo và sẽ được quốc tế công nhận vùng đặc quyền kinh tế.

Trung Cộng nham hiểm làm việc gì cũng tính tới hàng trăm năm. CSVN cũng tính nhưng vì tính lui nên đến nay Hoàng Sa vẫn chưa có điện.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn