Điểm báo : Bắc Kinh cắt xén thông tin về cuộc điện đàm giữa hai nguyên thủ Pháp - Trung

Thứ Bảy, 12 Tháng Mười Hai 20203:38 SA(Xem: 3873)
Điểm báo : Bắc Kinh cắt xén thông tin về cuộc điện đàm giữa hai nguyên thủ Pháp - Trung
rfi.fr

Bắc Kinh cắt xén thông tin về cuộc điện đàm giữa hai nguyên thủ Pháp - Trung - Tạp chí đặc biệt

Trọng Nghĩa

Truyền thông Trung Quốc ngang nhiên kiểm duyệt tổng thống Pháp Macron, chuyến bay chở khách “miễn nhiễm Covid” đầu tiên nối liền Châu Âu và Hoa Kỳ vừa được Ý thực hiện, Anh Quốc ký kết với Singapore một hiệp định tự do mậu dịch quan trọng thời hậu Brexit, thung lũng Silicon Valley tại bang California (Hoa Kỳ), cái nôi của nền công nghệ mới thế giới, đang mất dần cư dân vì dịch Covid-19: Trên đây là một số sự kiện tạp chí Thế Giới Đó Đây đề cập trong chương trình hôm nay.

Năm năm sau Hiệp Định Khí Hậu Paris, tổng thống Pháp Emmanuel và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 09/12/2020 đã trao đổi qua điện thoại về các phương cách thúc đẩy cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, bên cạnh nhiều nội dung khác, từ hợp tác chống dịch Covid-19 cho đến hoãn nợ cho các nước nghèo nhất.

Theo Điện Elysée, tổng thống Macron còn đề cập đến những vấn đề tế nhị liên quan đến tình trạng vi phạm nhân quyền tại Trung Quốc. Thông cáo báo chí của Điện Elysée nói rõ là tổng thống Macron đã “bày tỏ thái độ quan ngại sâu sắc của Pháp và các đối tác châu Âu về tình hình nhân quyền đang xấu đi ở Trung Quốc, đặc biệt là ở Hồng Kông và Tân Cương”.

Theo thông tín viên RFI Stéphane Lagarde tại Bắc Kinh, khi đưa tin về cuộc điện đàm giữa hai lãnh đạo Pháp-Trung, truyền thông Trung Quốc đã không ngần ngại kiểm duyệt các nội dung mà Bắc Kinh không tán đồng, cụ thể là những tuyên bố của tổng thống Pháp về nhân quyền tại Trung Quốc.

“Tuyên truyền của Trung Quốc hầu như không ưa thích những điểm bất đồng khi tường thuật lại các trao đổi chính thức, và những ý kiến bất đồng mà thông cáo của Elysée nêu bật đã bị xóa ngay khỏi mạng xã hội Vi Bác.

Từ cuộc nói chuyện giữa Emmanuel Macron và Tập Cận Bình, báo chí nhà nước Trung Quốc chủ yếu loan tin về hành động chung vì khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học. Tiến trình của COP 15 dự kiến ​​diễn ra vào tháng 5 tới tại Côn Minh, miền nam Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào diễn biến của cuộc khủng hoảng y tế, nhưng dù gặp nhau trực tiếp hay qua video, Paris và Bắc Kinh đang tay trong tay trong các hồ sơ này.

Phần còn lại phức tạp hơn. Theo Tân Hoa Xã, chủ tịch Trung Quốc đã nhắc lại với người đồng cấp Pháp là ông hy vọng Châu Âu sẽ có “chính sách tích cực đối với Trung Quốc cho dù tình hình quốc tế chuyển biến như thế nào đi nữa.”

Đấy chính là điều khiến Trung Quốc lo sợ: Nếu ngoại giao Trung Quốc không tiếc sức lôi cuốn Liên Hiệp Châu Âu, họ lo ngại rằng những thay đổi ở Nhà Trắng sẽ dẫn đến việc (tái) lập một mặt trận chung Châu Âu-Hoa Kỳ để chống lại cường quốc thứ hai thế giới.”

Chuyến bay xuyên Đại Tây Dương “Covid-free" đầu tiên

Chuyến bay của hãng hàng không Ý Alitalia thuộc diện “miễn nhiễm Covid” (dịch từ thuật ngữ tiếng Anh “Covid-free”) đầu tiên giữa Hoa Kỳ và Châu Âu, với 100 hành khách, từ sân bay John F. Kennedy ở New York, đã đến phi trường Roma-Fiumicino ngày 09/12/2020.

Sáng kiến ​​chuyến bay có hành khách không bị nhiễm virus corona mà chính quyền Ý đề xướng, nhằm mục đích mở ra một hành lang hàng không giữa hai bờ Đại Tây Dương vốn đang bị đại dịch chặn lại, qua đó hỗ trợ cho ngành du lịch đang bị Covid-19 gây tác hại nặng nề.

Thông tín viên RFI Anne Le Nir tường thuật từ Roma:

“Để tránh bị cách ly 14 ngày, một chế độ đã được áp đặt cho hành khách đến từ Hoa Kỳ.

100 hành khách trong nhóm này trước tiên phải xuất trình một kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19, được thực hiện trong vòng 48 giờ trước khi chuyến bay của công ty Alitalia khởi hành. Sau đó, khi đến nơi, họ được đưa đến một khu vực dành riêng tại Sân bay Fiumicino, để trải qua một cuộc xét nhiệm nhanh miễn phí. Kết quả đều âm tính cho tất cả mọi người.

Trong số các hành khách, có một phụ nữ Ý sống ở Hoa Kỳ, nơi cô đã bị kẹt lại trong gần một năm. Cô rốt cuộc đã có thể thăm cha mẹ, cùng với chồng cô và đứa con 7 tháng tuổi. Mặc dù cuộc chiến chống virus corona vẫn còn lâu mới thắng, các chuyến bay thử nghiệm kiểu này vẫn sẽ tiếp tục.

Lý do rất hiển nhiên: Du khách đến từ Hoa Kỳ là những khách du lịch ngoài Châu Âu đánh giá cao nhất xứ sở được gọi là Bel Paese, tức là nước Ý nên thơ. Mùa hè năm 2020, do không có các du khách này, nền kinh tế Ý đã mất khoảng hai tỷ euro.”

Silicon Valley không còn như xưa

Liệu virus corona có báo hiệu sự kết thúc thời kỳ vàng son của vùng Thung Lũng Silicon (Silicon Valley) tại bang California, Hoa Kỳ hay không ? Từ nhiều tháng nay, một loạt ngôi sao công nghệ đã lục tục di tản khỏi nơi này. Vào hôm qua, 11/12/2020, tập đoàn phần mềm Oracle loan báo quyết định di chuyển trụ sở từ California qua thành phố Austin ở bang Texas. Trước đó, Elon Musk, lãnh đạo hai tập đoàn nổi tiếng SpaceX và Tesla, cũng thông báo việc rời bỏ California để đến định cư ở Texas, nơi có mức thuế ưu đãi hơn.

Kể từ khi dịch Covid 19 xuất hiện kéo theo các biện pháp phong tỏa chống dịch, khu vực San Francisco - trung tâm toàn cầu của công nghệ mới - đã trở nên trống rỗng, như ghi nhận của thông tín viên RFI Eric de Salve tại San Francisco:

“Đường phố San Francisco chật kín các loại xe tải. Những người mà cư dân ở đây gọi là techies - kỹ thuật viên, những nhân viên của ngành công nghệ, đang lũ lượt rời bỏ thị trấn. Đây là hậu quả trực tiếp của dịch bệnh do virus corona gây ra.

Vào tháng 3, cái nôi toàn cầu của công nghệ mới là nơi đầu tiên áp đặt biện pháp phong tỏa. Ngay lập tức, những tập đoàn khổng lồ công nghệ học bắt đầu chuyển sang chế độ remote - điều khiển từ xa - làm việc tại nhà - một sự biến động sinh hoạt hàng ngày có khả năng kéo dài sau đại dịch.

Tại Facebook chẳng hạn, các nhân viên dự kiến không quay trở lại trụ sở chính trước tháng 7 năm 2021. Còn tại Twitter, có mặt tại công ty để làm việc đã vĩnh viễn trở thành phương thức lao động của thế giới cũ: tổng giám đốc Jack Dorsey của Twitter đã thông báo với 5.200 nhân viên rằng họ sẽ có thể mãi mãi tiếp tục làm việc từ nhà.

Twitter đã cho thuê ba tầng của trụ sở ở San Francisco, giờ đây đã trở thành hoang vắng, vì vậy không còn lý do gì để tiếp tục trả giá thuê cắt cổ ở một trong những khu vực đắt đỏ nhất hành tinh. Đây là nơi đột nhiên trống vắng cư dân.

Tòa thị chính San Francisco vẫn chưa thống kê quy mô của cuộc di cư này, nhưng một con số được nêu lên thành thước đo: thu nhập từ thuế gia cư đã giảm 43% so với năm ngoái và tiền thuê nhà đã giảm 20%.

Các techies chạy trốn khỏi thành phố ư? “Càng tốt!” - một nhà đấu tranh cho giá nhà phải chăng hơn đã viết như vậy trên Twitter vào cuối tháng 11.”

Hiệp định tự do mậu dịch Anh-Singapore

Trong lúc triển vọng cho một thỏa thuận giữa Liên Hiệp Châu Âu và Vương quốc Anh về Brexit ngày càng trở nên bấp bênh, cách London hơn 10.000 km, bộ trưởng Ngoại Thương Anh ngày 10/12/2020 đã ký một thỏa thuận tự do mậu dịch với đồng nhiệm Singapore. Hiệp định sẽ cho phép Vương Quốc Anh được hưởng những quyền lợi về mậu dịch với một trung tâm tài chánh và thương mại trọng yếu của thế giới, tương tự như 27 quốc gia thành viên của Liên Hiệp Châu Âu.

Thông tín viên RFI phụ trách khu vực Đông Nam Á, Gabrielle Maréchaux, tường thuật từ Kuala Lumpur:

“Đây là hai quốc gia luôn vun đắp một mối quan hệ khăng khít. Hai quốc gia nói tiếng Anh này đã là thành viên của Khối Thịnh Vượng Chung và dường như bị thu hút lẫn nhau.

Một trong những cộng đồng người Singapore hải ngoại lớn nhất sinh sống ở Luân Đôn, trong khi về phía Anh, những người ủng hộ Brexit từng dùng đến từ ngữ “Singapore-on-Thames” - tức là Singapore bên bờ sông Thames chảy qua Luân Đôn - để mơ về một mô hình tài chính cho Anh Quốc, với Luân Đôn độc lập so với Bruxelles và sẽ lấy cảm hứng từ chính sách rất tự do của quốc gia nhỏ bé ở Đông Nam Á này.

Hôm thứ Năm 10/12, quan hệ giữa hai nước đã được tăng cường hơn và nữ bộ trưởng Bộ Thương Mại Singapore hoan nghênh mối quan hệ đối tác mới với Vương quốc Anh mà theo bà “đã trở lại thành một quốc gia độc lập về thương mại”.

Thuế hải quan sẽ được dỡ bỏ đối với đối tác hàng đầu này từ đây đến năm 2024. Việc tiếp cận các thị trường dịch vụ của nhau cũng đã được dự kiến. Tất cả những thuận lợi này gợi lên một thỏa thuận khác mà Singapore đã ký với Liên Hiệp Châu Âu vào năm 2018, khi tiến trình Brexit vẫn chưa chắc chắn.”

Thỏa thuận với Singapore đã được Anh Quốc ký kết hai tháng sau khi Luân Đôn đạt được Hiệp Định Tự Do Mậu Dịch quan trọng đầu tiên thời hậu Brexit với Tokyo.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn