Bà Mẹ Quê Việt Nam Nơi Xứ Mỹ

Thứ Sáu, 04 Tháng Mười Hai 20208:00 SA(Xem: 4532)
Bà Mẹ Quê Việt Nam Nơi Xứ Mỹ
 
MSL hai le vuon sau.JPG

Từ khi  Cô Vy (Coronavirus-Covid 19)  hoành hành thế giới, chính phủ các nước ra lịnh dân chúng phải giới hạn tối đa việc đi ra ngoài tiếp xúc với đám đông để tránh sự lây lan nguy hại đến tính mạng nên vợ chồng chúng tôi phải bị  "Stay home".  Người viết tự nhiên trở thành "bà mẹ quê" xứ Mỹ một cách ngang xương vì tôi không còn được dịp xí xọn "má phấn môi hồng" tung tăng với ông xã đi ăn ngoài cuối tuần cho có vẻ lãng mạn trong "cái tuổi không còn trẻ nữa"của chúng tôi.

  Những tháng đầu tiên của lịnh "Lockdown" ở tiểu bang Oregon vào tháng 3-2020, chính phủ khuyến cáo những người cao niên nên ở yên trong nhà tốt hơn vì sức đề kháng của người cao niên rất yếu nên dễ dàng bị lây nhiễm coronavirus.  Tôi không dám đi chợ mua thực phẩm nên phải học cách "order delivery online" thực phẩm từ các chợ Fred Meyer và Safeway đem đến tận nhà để sẵn ngoài cửa. Tôi đợi người giao hàng đi xa rồi mới dám đeo khẩu trang, đeo bao tay ra lầy hàng đem vào garage và chỉ đem phần thịt cá, rau quả đi rửa sach trước khi bỏ vào ngăn đá, các món hàng còn lại tôi cứ để yên ngoài garage cả tuần lễ mới bắt đầu sắp xếp vào chỗ thích hợp. Các cô em gái của tôi tội nghiệp cho "lão trượng" và "lão bà bà" nên đã ra tay mua giúp dùm thực phẩm ở chợ Việt Nam, để sẵn ngoài cửa xong gọi điện thoại cho người viết ra lấy.  Nếu không có sự giúp đỡ tận tình chu đáo của cô em gái và cô em dâu tốt bụng, dễ thương thì người viết không thể nào nấu được những món ăn thuần túy Việt Nam.  Xin cám ơn lòng tốt của các cô em gái nhân hậu này. Tình cảm thương yêu, giúp đỡ thân nhân trong gia đình vẫn là tình cảm tốt đẹp nhất.

 

 Thế là kể từ dạo đó, người viết trở thành "bà mẹ quê" thật sự nơi xứ Mỹ. Tôi trổ tài làm “bà nội trợ đảm đang” nấu ăn ở nhà cho "tướng công" chứ không còn đi ăn tiệm thường xuyên như trước đây nữa vì gia đình chỉ có 2 người đi ăn tiệm vẫn khỏe hơn mà lị! 

Rồi người viết lại bắt đầu học nấu các món ăn từ những "chef cook" trên youtube như Vành Khuyên, KT Stories, Xuân Hồng …, làm giá ăn tại nhà, trồng  những bụi hành, bụi sả, húng quế, tía tô v...v.. để khi cần thiết thì chạy ra vườn hái chút rau nêm nếm mùi vị quê hương Việt Nam trong bữa ăn.

 

 

IMG_0614.JPG

 

Thêm vào đó hàng tháng người viết cũng nhận được 2 túi thực phẩm từ  Nhóm Sinh Hoạt Người Việt Portland thuộc Trung Tâm Y Tế  và Dịch Vụ Châu Á  (AHSC) với những thực phẩm  bổ dưỡng thích hợp cho người cao niên nên cũng an tâm ở nhà nấu ăn cho chàng và nàng. Xin cám ơn Trung Tâm AHSC và Nhóm Sinh Hoạt Người Việt Portland.

 

 Và hình như bây giờ tôi cũng đã quen với cái "job bà mẹ quê" này rồi nên cũng ít khi đi ra ngoài trừ những lúc cần thiết vì mỗi lần đi ra ngoài là người viết phải đeo khẩu trang, đeo bao tay, cụ bị đủ thứ mà còn lo sợ, hồi hộp nữa chứ. Mệt quá! Thôi thì hai vợ chồng già ở nhà hủ hỉ với nhau cũng vui thôi! Smile!

 

IMG_0433.JPG

Thật sự, nhiều khi tôi thấy tôi “nhà quê” dễ sợ vì có nhiều điều tôi không biết, không thích, không làm dù tôi ở đất Mỹ này gần ba chục năm trời rồi, bạn ạ!.

Người viết còn  nhớ hồi mới đến xứ Mỹ năm 1981, tôi đi “học đại” ở  “đại học cộng đồng”  PCC Sylvania, tôi không thích vào phòng ăn của nhà trường để mua “hamburger” ăn trưa vì món thịt bò nướng kiểu Mỹ, có cheese màu vàng béo ngậy này hoàn toàn xa lạ đối với một người chỉ thích thức ăn Việt Nam như tôi.  Tôi nghĩ chắc là không ngon rồi, cho nên tôi không bao giờ “rớ” tới nó trong khi các bạn học khác của tôi ăn ào ào, ăn ì ì, ăn ngon lành và còn chê tôi là “dân nhà quê” không biết thưởng thức thức ăn Mỹ. Mãi đến gần hai năm sau đó, tôi mới bắt đầu thưởng thức hamburger, tôi thấy cũng ngon thật! Tuy nhiên, mãi cho tới bây giờ, tôi cũng vẫn không ăn được món cheese của Mỹ vì béo quá!  Nhà quê thật!

 

Sau bao nhiêu năm làm việc, đóng thuế cho nhà nước Mỹ đầy đủ mỗi năm, trả nợ nhà nợ xe,  trả tiền bill đủ thứ “hằm bà lằng” đúng hạn nhưng tôi lại không biết cách rút tiền mặt ở các máy rút tiền và cũng không bao giờ mua hàng online nữa. Như vậy các bạn sẽ chê tôi là “bà nhà quê” là cái chắc rồi!

 

Mèn ơi!  Mà tôi “nhà quê” thật, bạn ạ, vì tôi đang sống ở xứ Mỹ có đầy đủ tiện nghi về các dịch vụ tài chánh ngân hàng, có đầy đủ các thức ăn ngon bổ, thế mà tôi không biết sử dụng dịch vụ, không biết thưởng thức thức ăn như đa số Mỹ trắng, Mỹ đen, Mỹ vàng khác đã làm thì “một trăm em ơi, một trăm phần trăm”, tôi quả là “bà mẹ quê” rồi!

 

Nhưng người viết xin mời bạn hãy chịu khó nghe những mẫu đối thoại dưới đây nhé:

 

Mất hết cả cuộc đời:

 

Có một ông nhà giàu kia sau khi đi ăn tiệc xong, mướn một ông lái đò đưa sang sông để về nhà.  Trên đò chỉ có hai người nên ông nhà giàu bèn gợi chuyện với ông lái đò cho đỡ buồn.

 

-       Bác lái đò ơi, bác có biết uống rượu không?

-       Dạ thưa ông, tôi không biết uống rượu.

-       Uống rượu mà không biết hả?  Như vậy thì bác đã mất đi một phần ba cuộc đời rồi! Tiếc thật! Thế bác có biết hút thuốc không?

-       Dạ thưa ông, tôi không biết hút thuốc.

-       Trời đất! Hút thuốc mà cũng không biết nữa hả?  Như vậy là bác mất thêm một phần ba cuộc đời nữa! Tiếc thật!

Khi gần tới bờ bên kia, bỗng nhiên có một cơn mưa lớn và gió mạnh kéo đến.  Chiếc đò tròng trành như muốn chìm xuống dòng sông. Bác lái đò cố sức chèo chống và hỏi ông nhà giàu:

-       Ông ơi,  ông có biết lội không?

-       Tôi không biết lội, ông nhà giàu trả lời.

 Bác lái đò lúc đó mới nói:

-       Trời ơi! Nếu ông không biết lội, thế thì ông sẽ mất hết cả cuộc đời của ông rồi vì chiếc đò của tôi đã bị tràn ngập nước và sắp chìm rồi!

 

Dĩ nhiên là bác lái đò biết lội rồi dù rằng bác không biết uống rượu, hút thuốc, cho nên bác đã lội vào bờ an toàn.  Còn số phận của ông nhà giàu kia ra sao, bạn đã biết rồi nếu không được người khác đến cứu kịp.

Theo thiển ý, đây là một câu chuyện rất có ý nghĩa vì bạn chỉ cần biết một điều gì có ích lợi cho cuộc sống của bạn khi cần thiết, như vậy sẽ hữu ích cho bạn hơn là bạn biết nhiều điều không có ích lợi gì cả cho đời sống của bạn.  Bạn đồng ý chứ?

 

Đối với một số bạn khác, biết ăn cheese Mỹ, biết rút tiền nhà băng ở các máy rút tiền, biết mua đồ online có thể rất tốt và hữu ích trong đời sống của bạn, nhưng với tôi, biết hay không biết các việc đó không quan trọng lắm. Tôi vẫn nghĩ rằng: chúng ta cần biết sống như thế nào để cho tâm trí được an vui thoải mái, để cho thân thể được khỏe mạnh mới là quan trọng.

Mời Bạn cùng đọc với người viết về nếp sống đơn giản của người Bắc Âu để thấy càng sống đơn giản càng dễ có được cái Tâm an bình giữa chốn bụi hồng lao xao này.

 

Người Bắc Âu: Sống đơn giản, ít ham muốn để tâm linh an bình

 

Family-safari-kids-Table-Mountain-SS-482052397-lo.jpg

 

Người Bắc Âu được đánh giá là những người “biết sống” nhất trên thế giới này, họ sống rất tự nhiên, đơn giản và hạnh phúc.

 

Ở các quốc gia ở Bắc Âu, đa phần không có nhà cao tầng to lớn, người dân ăn mặc rất mộc mạc, đi những chiếc xe cũ kỹ và ăn những món ăn đơn giản. Cứ sau 7 giờ tối, gần như trên các ngả đường đều rất yên ắng, không có cuộc sống “xa hoa” vào ban đêm, cũng không có những dịch vụ cao cấp xa xỉ, kích thích thần kinh con người. Ấy vậy mà người dân Bắc Âu lại có vẻ rất hạnh phúc.

Người Bắc Âu thường xuyên nhắc đến cụm từ “Chất lượng cuộc sống”. Người Thụy Điển có câu châm ngôn: “Tiền là thứ có thể để dành được còn thời gian thì không. Bạn sử dụng thời gian như thế nào thì chất lượng cuộc sống của bạn sẽ như thế ấy.” Giữa cuộc sống đầy đủ nhà cao cửa rộng, tiền bạc và xe hơi sang trọng” và “cuộc sống có đầy đủ vợ chồng, con cái, sân vườn”, người Bắc Âu sẽ lựa chọn vế thứ hai, bởi vì thứ mà họ muốn không phải là “vật chất” mà là “phẩm chất”.

Nếu sống mà luôn trong trạng thái vội vã, bận rộn, thì bạn có nghĩ rằng linh hồn của mình sẽ không theo kịp thể xác không? Người Bắc Âu lựa chọn cách sống “chậm một chút”, nhưng họ lại có thể tìm được hạnh phúc thực sự từ lối sống ấy.

Lapland, Phần Lan, nơi được mệnh danh là “quê hương của ông già Noel”. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Hoàn cảnh thiên nhiên có đôi chút khắc nghiệt đã tạo cho người Bắc Âu truyền thống tiết kiệm. Cơm tất nhiên là không thể không ăn, nhưng không nhất thiết phải ăn quá ngon. Tiền cố nhiên không thể không có, nhưng không nhất thiết phải có quá nhiều. Thậm chí nếu nhà ai đó mới sinh em bé thì những nhà hàng xóm hay bạn bè đều sẽ mang những bộ quần áo cũ đã được giặt rũ thơm tho đến cho em bé sơ sinh sử dụng. Điều này là rất bình thường và có vẻ như nó đã trở thành một thói quen lâu đời của người Bắc Âu.

 

Cuộc sống đơn giản của người Bắc Âu rất dễ nhận ra, chẳng hạn nó thể hiện ngay trong cách ăn mặc. Tiêu chí của người Bắc Âu là không quan trọng đắt rẻ nhưng cần phải phù hợp. Những phụ nữ 70-80 tuổi thường mặc áo khoác màu nhạt kết hợp chân váy, đi giày nữ tính, khăn trùm đầu phong cách nữ hoàng Anh. Nhìn họ vừa nữ tính vừa trang nghiêm, lại không mất đi vẻ cuốn hút.

Nếu một anh chàng thanh niên, một ông lão hay một cô gái đang đi trên đường mà bất chợt gặp bạn bè, thì quán cà phê ở đầu đường hay cuối ngõ sẽ là lựa chọn đầu tiên của họ. Một cốc cà phê nồng nàn trong không gian tĩnh lặng sẽ khiến cuộc truyện trò trở nên ấm áp và thân thiết hơn.

Đường ở một số quốc gia Bắc Âu thường hẹp, ở thành thị thì phần lớn không phải những con đường thẳng mà là những ngõ, hẻm. Người dân nơi đây chủ yếu sử dụng những loại xe ô tô cá nhân cỡ nhỏ. Rất nhiều người đều đạp xe đạp đi làm.

Cả ngày nhàn rỗi, không làm việc gì và làm việc cả ngày từ sáng đến tối muộn là hai trạng thái mà người Bắc Âu không lựa chọn. Công việc của họ không quá khắt khe về thời gian, họ có thể làm thêm được việc khác nhưng không chọn cách ấy mà sẽ ngồi cà phê nói chuyện với bạn bè hay đọc sách. Dù vậy, bạn đừng nghĩ rằng, người Bắc Âu suốt ngày chỉ biết uống cà phê! Điều kiện tiên quyết để họ có một cuộc sống như vậy tới từ thái độ và hiệu suất làm việc của họ.

 

“Đừng suy xét đến thu nhập, trước tiên hãy hỏi mình thích hay không thích, bởi vì công việc mình phải thích thì mới làm tốt được nó, đây là quan niệm của người Bắc Âu. Cho nên, đối với người Bắc Âu mà nói, công việc không phải là một loại “dằn vặt, giày vò”. Lòng yêu thích và nỗ lực trong công việc khiến người Bắc Âu rất sáng tạo. Như vậy họ cũng tự nhiên có nhiều thời gian hơn cho việc nghỉ ngơi và cho gia đình. Nhìn vào số lượng giải Nobel hay những giải thưởng danh giá khác trên thế giới, chúng ta sẽ thấy rõ điều này.

Có nhiều thời gian hơn, người Bắc Âu sẽ tận hưởng cuộc sống bằng các kỳ nghỉ. Họ nổi tiếng là những người yêu du lịch, thường xuyên đi hưởng thụ, ngắm cảnh đẹp trong nước cũng như trên toàn thế giới. Chỉ cần vừa có kỳ nghỉ là họ sẽ cùng gia đình tận hưởng những ngày vui đùa bên nhau, cùng tắm biển, tắm nắng, trượt tuyết, cưỡi ngựa…

Người Bắc Âu rất đề cao giá trị gia đình, người chồng trong gia đình sẵn sàng hủy bỏ những buổi gặp gỡ ăn uống với bạn bè sau giờ làm để dành thời gian cho vợ con. Điều đầu tiên sau khi tan làm trở về nhà chính là mọi người giành thời gian cho nhau. Họ cùng nấu ăn, vui đùa, kể chuyện, có rất ít người ở lại bên ngoài.

 

Cho dù có muốn làm thêm thì người Bắc Âu cũng có xu hướng chọn thời gian tránh ảnh hưởng đến gia đình. Ví dụ, người chồng sẽ chọn đi làm ca 3 giờ sáng bởi vì họ cho rằng như thế sẽ chỉ mất đi khoảng 1 tiếng đồng hồ gia đình gặp gỡ nhau ăn sáng. Còn buổi tối thì gia đình sẽ được ăn tối cùng nhau.

 

Một người cha tên là Fredrik tâm sự: “Nếu như một ngày, tôi không nhìn thấy bọn trẻ, không kể cho chúng một câu chuyện, không hôn lên đầu chúng thì tôi không thể làm được bất cứ điều gì!” Khoảnh khắc hạnh phúc nhất chính là khi những đứa trẻ leo lên đầu gối và ôm lấy cổ bố chúng, hôn một cái trước khi đi ngủ. Họ cảm thấy khoảnh khắc ấy chính là một loại thành tựu của cuộc đời.

 

Đối với người đàn ông Bắc Âu mà nói, gia đình và con cái không phải là nền tảng giúp người đàn ông tìm kiếm sự thành công, mà là một phần quan trọng nhất tạo nên chất lượng cuộc sống của họ.

An Hòa

Trithuc.vn

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn