Ân Xá Quốc Tế: Facebook đồng lõa với kiểm duyệt tại Việt Nam

Thứ Ba, 01 Tháng Mười Hai 20206:03 SA(Xem: 3951)
Ân Xá Quốc Tế: Facebook đồng lõa với kiểm duyệt tại Việt Nam
rfi.fr

Ân Xá Quốc Tế: Facebook đồng lõa với kiểm duyệt tại Việt Nam

Trọng Thành

Kiểm duyệt và đàn áp gia tăng trên các mạng xã hội ở Việt Nam là điều ngày càng khiến giới bảo vệ nhân quyền quốc tế lo ngại. Hôm nay, 01/12/2020, tổ chức bảo vệ nhân quyền Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) ra báo cáo mô tả thực trạng và đưa ra nhiều khuyến nghị, gửi đến chính phủ Việt Nam, các đại tập đoàn, trước hết là Facebook và Google, cũng như chính phủ Hoa Kỳ và các quốc gia đối tác với Việt Nam.

Amnesty International báo động tình trạng các dịch vụ trên mạng của Facebook và Google đang trở thành nơi mà quyền tự do ngôn luận ngày càng bị xâm phạm một cách ngang nhiên, với việc các đại tập đoàn công nghệ số thỏa hiệp với chính quyền Việt Nam để được tiếp tục hoạt động tại thị trường hứa hẹn này. Tập đoàn Facebook thừa nhận, trong vòng 6 tháng trở lại đây, số lượng nội dung bị kiểm duyệt, theo đòi hỏi của chính quyền sở tại, đã tăng gấp 10 lần. Bộ trưởng Thông Tin và Truyền Thông Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Hùng, hồi tháng trước, cũng cho biết là trong năm nay, 95% đòi hỏi kiểm duyệt của chính quyền đã được Facebook đáp ứng, và tỉ lệ này đối với Youtube (do Google quản lý) là 90%.

Ân Xá Quốc Tế đã tiến hành nhiều điều tra để làm rõ các hành động chống lại quyền tự do ngôn luận trên mạng, như « hạn chế nội dung » với lý do luật pháp quốc gia đòi hỏi, đóng cửa tài khoản cá nhân mà không thông báo, hạn chế truy cập các trang truyền thông độc lập có quan điểm chỉ trích chính quyền. Ân Xá Quốc Tế nhấn mạnh việc nhiều đại tập đoàn kỹ thuật số tiếp tay cho chính quyền kiểm duyệt trên mạng diễn ra trong bối cảnh chính quyền Việt Nam tiến hành đàn áp tự do ngôn luận một cách có hệ thống, với việc « hình sự hóa » nhiều phát biểu trên mạng, dựa trên các điều  luật mơ hồ, hành hung, hăm dọa những người bất đồng chính kiến, tổ chức lực lượng dư luận viên nhằm « giám sát, quấy nhiễu » những người bất đồng chính kiến trên mạng, và định hướng dư luận.

Một trong các ví dụ tiêu biểu được Ân Xá Quốc Tế nêu ra là trường hợp ông Trương Châu Hữu Danh, « một nhà báo tự do nổi tiếng trong việc tố cáo tham nhũng, bất công xã hội và tố cáo viên chức chính phủ lạm quyền ». Tài khoản Facebook của ông Trương Châu Hữu Danh hiện có gần 150.000 người theo dõi. Trong thời gian từ 26/03 đến ngày 08/05/2020, Trương Châu Hữu Danh đăng hơn 100 bài trên Facebook về hai đề tài : lệnh cấm xuất khẩu gạo và án tử hình với Hồ Duy Hải. Trương Châu Hữu Danh cho biết, trong tháng 6, « tổng cộng hàng trăm bài viết đã biến mất, mà không nhận được bất cứ thông báo nào ».

Ân xá Quốc tế cũng lập danh sách tổng cộng 69 trường hợp « tù nhân lương tâm », gồm 53 nam và 16 nữ, hiện đang bị giam giữ vì đã bày tỏ quan điểm của mình tại các diễn đàn trên mạng.

Báo cáo dài hơn 70 trang, bằng tiếng Anh và tiếng Việt, mang tựa đề « Let us Breathe ! / Hãy để cho chúng tôi thở », dựa trên các điều tra do Ân xá Quốc tế thực hiện từ tháng 9/2019 đến tháng 7/2020. Thông tin có từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm 31 cuộc phỏng vấn các nhà hoạt động và bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam, cựu tù nhân lương tâm, thân nhân các tù nhân lương tâm đang bị giam giữ và luật sư về nhân quyền... 

Ân xá Quốc tế cũng đăng tải phản hồi của Facebook. Theo công ty này, số lượng bị « hạn chế quyền truy cập » trên mạng Facebook theo đòi hỏi của chính quyền Việt Nam chỉ là « một phần rất nhỏ trong số hàng trăm triệu bài được đăng ra trong cùng thời kỳ ». Tập đoàn Hoa Kỳ cũng khẳng định, sự nhân nhượng « rất nhỏ » này diễn ra trong bối cảnh các cơ sở cung cấp các dịch vụ của Facebook « phải chịu áp lực chưa từng có từ chính quyền Việt Nam ». Tốc độ truy cập Facebook bị hạn chế đáng kể trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến đầu tháng 4/2020.

Ân Xá Quốc Tế không chấp nhận bào chữa nói trên. Tổ chức bảo vệ nhân quyền này cảnh báo : « Việc Facebook công khai công nhận quyết định tăng cường tuân thủ những đòi hỏi kiểm duyệt của chính quyền Việt Nam vào tháng 4/2020 và thành tích lâu năm của Google trong việc tuân thủ những đòi hỏi kiểm duyệt tùy tiện của giới chức trách, đang gây ảnh hưởng gián tiếp tại các nước ở Đông Nam Á và cả các nơi khác ».

Khuyến nghị của Ân Xá Quốc Tế

Báo cáo của Ân Xá Quốc Tế một mặt thừa nhận « Việt Nam ngày càng chính thức công nhận các quyền con người bằng luật pháp, qua những đảm bảo về các quyền con người ghi trong Hiến pháp năm 2013 », mặt khác nhấn mạnh tình trạng « gia tăng truy tố và quấy nhiễu các nhà hoạt động và bảo vệ nhân quyền, đặc biệt là những người bày tỏ quan điểm trên mạng ». Ân Xá Quốc Tế gửi đến chính quyền Việt Nam 6 khuyến nghị, trong đó có « chấm dứt việc hạn chế các nguồn thông tin trên mạng… tạo môi trường thuận lợi cho các nhà báo, những nhà báo-công dân, blogger và những người bày tỏ quan điểm cá nhân trên mạng ».

Về phía các tập đoàn tin học, Ân Xá Quốc Tế đưa 9 khuyến nghị, trong đó có yêu cầu « Thực hiện đánh giá kỹ lưỡng các tác động nhân quyền trong việc phát triển chính sách và sản phẩm trên cơ sở thường xuyên dựa vào những tham vấn từ công chúng và xã hội dân sự ». Ân Xá Quốc Tế đặc biệt yêu cầu chính phủ Mỹ « đưa ra luật quy định các công ty công nghệ đăng ký trụ sở tại Hoa Kỳ phải đảm bảo tôn trọng nhân quyền phù hợp với Các Quy tắc Hướng dẫn về Doanh nghiệp và Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc ».

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn