Trào lưu dạy giới trẻ ăn cắp vặt trên TikTok

Thứ Ba, 24 Tháng Mười Một 20207:00 CH(Xem: 5450)
Trào lưu dạy giới trẻ ăn cắp vặt trên TikTok

Không chỉ chia sẻ về thói quen ăn cắp vặt, nhiều người trẻ còn đăng clip hướng dẫn cách trộm hàng hóa từ các cửa hàng lớn.

Lucy (18 tuổi) bắt đầu nghiện ăn cắp khoảng một năm trước. Khi muốn có một chiếc vòng cổ lấp lánh nhưng không đủ tiền mua, cô vào siêu thị và thản nhiên lấy chúng.

“Tôi chỉ xé bao bì ra rồi nhét vào túi. Tôi không lên kế hoạch trước hay tính toán kỹ lưỡng gì cả”, Lucy cho hay.

Câu nói của Lucy đã gây sốc cho nhiều người. Cô gái 18 tuổi thường xuyên thông báo cho 30.000 follower về thói quen ăn cắp của mình qua @ferretsborrowing - tài khoản TikTok mà cô đang sở hữu.

Từ việc giúp bạn bè làm PowerPoint để chia sẻ cách ăn cắp hàng hóa, Lucy đã khởi đầu trào lưu được gọi là “Borrowing TikTok” (tạm dịch: Ăn cắp trên TikTok).Cộng đồng này được tạo ra từ các tài khoản ẩn danh, phần lớn trong đây là thanh thiếu niên - những người thích hiệu ứng thay đổi giọng nói, trò ăn cắp vặt, “đập hộp” và xem video hướng dẫn.

Trao luu chia se meo an cap no ro tren TikTok anh 1

Nhiều người trẻ có nguy cơ vướng lao lý vì thói ăn cắp vặt. Ảnh: Vice.

Hiệu ứng trộm vặt

“Tôi thường nhận được câu hỏi về cái gì dễ lấy nhất, chỗ nào dễ trộm nhất, cách tránh camera, bảo vệ hoặc gỡ bỏ thẻ bảo mật. Hầu hết là điều mà người mới bắt đầu muốn biết để họ không bị bắt", Lucy nói với Vice.

Đây không phải là lần đầu tiên những kẻ ăn cắp trong cửa hàng xuất hiện công khai trên mạng xã hội. Vào năm 2014, một người dùng Tumblr đã vạch trần nhóm tài khoản có quy mô nhỏ hơn cũng thường đăng hướng dẫn chi tiết về các mẹo trộm vặt.

Tuy nhiên, “Borrowing TikTok” không chỉ đơn thuần dạy mọi người cách ăn cắp đồ.

Destiny (16 tuổi), chủ sở hữu tài khoản @vayguid3 có 25.000 người theo dõi, cho rằng việc các tập đoàn lớn kiểm soát thương mại thay vì doanh nghiệp địa phương là một điều không công bằng.

Destiny nghĩ mình có thể làm được điều gì đó để phản đối, ngay cả khi biết việc ăn cắp vặt là bất hợp pháp.

Trao luu chia se meo an cap no ro tren TikTok anh 2

Video về mẹo ăn cắp được chia sẻ rộng rãi trên TikTok. Ảnh: Know Your Meme.

Nhóm ăn cắp hàng hóa chủ yếu là người trẻ sống ở các nước phương Tây như Mỹ, Anh và Australia. Họ thường nhắm tới các chuỗi cửa hàng lớn cùng với khẩu hiệu "Lấy những gì bạn muốn".

“Chúng tôi biết có rất nhiều công ty không quan tâm đến khách hàng của họ mà chỉ mong kiếm tiền. Nếu có thể trừng phạt họ, chúng tôi cảm thấy đã làm được một điều tốt”, Destiny khẳng định.

Họ đánh giá sơ lược về một công ty trước khi quyết định có ăn cắp hay không. Nếu không chắc chắn về câu trả lời, họ sẽ tìm kiếm sự trợ giúp thông qua hashtag #borrowingtips, hiện có hơn 95 triệu lượt xem.

Destiny đã trộm đồ dùng cho thú cưng từ một chuỗi cửa hàng bị cho là ngược đãi động vật và tặng chúng cho trại trú ẩn địa phương vào tuần trước.

Ăn cắp thành thói quen

Phần lớn hàng hóa bị nhóm người này đánh cắp đều có giá tương đối rẻ, thường không quá 20 bảng Anh. Rachel Shteir, tác giả của cuốn sách Theft: A Cultural History of Shoplifting, khẳng định lưỡi dao cạo râu là một trong những món đồ thường bị lấy nhất vì người tiêu dùng không đồng ý với việc trả số tiền lớn cho thứ chỉ có một mảnh kim loại và vỏ nhựa.

Terrence Shulman, cựu giám đốc điều hành trung tâm điều trị chứng nghiện ăn cắp vặt ở Michigan, cho biết các cửa hàng thường tăng giá của nhiều mặt hàng để giải quyết thiệt hại do trộm cắp.

Theo Vice, tư duy ăn trộm phát triển trên TikTok đã phản ánh sự thay đổi của thế hệ trẻ. Một báo cáo của YouGov năm 2020 đã chỉ ra rằng hành vi lấy đồ từ các doanh nghiệp lớn được coi là dễ chấp nhận hơn. Cứ 5 thanh thiếu niên thì có 2 người tiết lộ “việc trộm cắp có chủ ý có thể được chấp nhận trong một số trường hợp nhất định”.

Trao luu chia se meo an cap no ro tren TikTok anh 3

Ăn cắp vặt dễ trở thành chứng nghiện. Ảnh: Mirror.

Đối với Dan Mercea, giảng viên ngành Xã hội học, điều nổi bật nhất với anh về cộng đồng TikTok là hoạt động ngoại tuyến của họ trái ngược với chủ nghĩa “clicktivism” - hành động thể hiện sự ủng hộ cho động thái chính trị, xã hội thông qua Internet, mạng xã hội, các bản kiến nghị online hơn là tham gia thay đổi thực sự.

Ăn cắp vặt có thể trở thành một cơn nghiện, theo Shulman, người có kinh nghiệm nghiên cứu về hành vi của người trộm cắp.

“Nó có thể bắt đầu từ sự hồi hộp, khi bạn rất muốn đạt được điều gì đó. Nhưng trước khi phát triển thành cơn nghiện có hiệu ứng lan truyền như cháy rừng, tất cả đều xuất phát từ việc ăn trộm từ một cửa hàng nhỏ”, Shulman nhấn mạnh.

Destiny cảm thấy mình nghiện việc ăn cắp và phải làm điều đó vài lần một tuần. Với sự phát triển của các trào lưu độc hại, nhiều phụ huynh đang lo ngại về việc quản lý con cái dùng những nền tảng công nghệ, đặc biệt là TikTok.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn