Thảm nạn? Sống, chết mặc… bay!

Thứ Năm, 12 Tháng Mười Một 20205:56 CH(Xem: 4118)
Thảm nạn? Sống, chết mặc… bay!
voatiengviet.com

Thảm nạn? Sống, chết mặc… bay!

Trân Văn

Sau mưa bão, lũ lụt, giờ, sạt lở đang diễn ra trên diện rộng ở nhiều tỉnh miền Trung. Ngày 12 tháng 11, chính quyền tỉnh Quảng Nam tuyên bố tạm ngưng tìm kiếm nạn nhân mất tích hôm 11 tháng 11 vì khu vực này tiếp tục sạt lở (1)…

Chiều 11 tháng 11, một quả đồi đột nhiên sụp xuống phủ một phần Quốc lộ 40B ở đoạn chạy ngang Thôn 3, xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. khiến một người mất tích, hai người trọng thương (2)…

Trước đó, vào rạng sáng 11 tháng 11, không chỉ một quả đồi mà rất nhiều quả đồi ở xã Sơn Long, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi cùng sạt lở khiến các triền đồi xung quanh rách toạc, tạo thành lũ bùn, xóa sổ một ngôi làng.

Chủ tịch xã Sơn Long cho biết từ đầu mùa mưa đến nay, sạt lở xảy ra liên tục, đợt sau lớn hơn đợt trước. Vụ sạt lở mới nhất là vụ lớn nhất, diện tích xảy ra sạt lở đến một héc ta. Sau các thôn, xóm, sạt lở đe dọa xóa bỏ cả trường học và trụ sở xã (2).

Sạt lở không chỉ xảy ra ở khu vực nhiều đồi, núi. Trước nữa, ngày 7 tháng 11, do lụt lớn, ngập sâu, giao thông giữa hai huyện Bắc và Nam Trà My. Kế đó, bờ sông sạt lở, 14 ngôi nhà ở xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam mất dấu (3).

Cũng thời điểm này tại Bình Định, lũ quét, sạt lở phá hủy gần như toàn bộ hệ thống hạ tầng (điện, nước, đường sá), đẩy nhiều gia đình ở xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thịnh vào cảnh màn Trời, chiếu đất. 6/6 thôn của xã bị cô lập với nhau cũng như với bên ngoài (4).

Trong ngày 6 tháng 11, sạt lở vô hiệu hóa hệ thống giao thông ở nhiều xã, nhiều huyện, nhiều đoạn quốc lộ ở Quảng Ngãi. Báo chí Việt Nam tường thuật, cứ vừa dọn dẹp xong đất đá thì các con đường lại tắc bởi đợt sạt lở mới (5).

Ngày 6 tháng 11, cư dân huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi còn đối diện với tình trạng sạt lở dữ dội ven sông Vệ. Hệ thống giao thông, nhà cửa, vườn tược ở xã Đức Hiệp đang trong tình trạng có thể mất dấu bất kỳ lúc nào (6)…

***

Tin, bài tường thuật của báo giới Việt Nam về tình trạng sạt lở ở miền Trung cho thấy, chỉ có chính quyền các xã, các huyện ứng phó với thảm nạn này. Phương thức ứng phó chủ yếu là theo dõi địa mạo trong vùng và di tản dân, dọn dẹp đất đá rồi… báo cáo!

Giống như tất cả các tỉnh, thành phố khác trên toàn quốc, lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, cũng là… đại biểu Quốc hội nên tất cả đang ở… Hà Nội vì Quốc hội có… Kỳ họp thứ 10.

Còn chính phủ? Từ Thủ tướng đến nhiều bộ trưởng hữu trách đã xác định, lũ lụt, sạt lở nghiêm trọng không phải do phá rừng, rừng còn rất… tốt, cũng không phải vì tác động của thủy điện nên không làm gì thêm!

Sau khi bị chỉ trích kịch liệt vì các chuyên gia đã từng khảo sát, cảnh báo về hiểm họa sạt lở (7) nhưng hệ thống chính trị, hệ thống công quyền không bận tâm đến phòng ngừa, đầu tư hệ thống quan trắc nhằm giảm thiểu thiệt hại nhân mạng lẫn tài sản, ông Trịnh Đình Dũng - Phó Thủ tướng, tuyên bố: Sạt lở là ‘kẻ thù’ vô cùng khó dự báo, cảnh báo. Động tác duy nhất của chính phủ đối với thảm nạn sạt lở là giao cho Bộ Tài nguyên - Môi trường báo cáo về công tác nghiên cứu, lập bản đồ cảnh báo, ứng phó sạt lở đất (8).

Thủ tướng thì sao? Dường như cảm thấy đã… hoàn thành nhiệm vụ trước thảm nạn sạt lở, xác định nguyên nhân chủ yếu khiến lũ lụt, sạt lở vừa trầm trọng, vừa kéo dài ở miền Trung, Tây Nguyên, chỉ vì… mưa thối đất (9), nên Thủ tướng không… bận tâm nữa.

Theo báo chí Việt Nam, Thủ tướng đang tập trung chú ý, dốc toàn lực vào… chống giặc suy thoái (10), sau khi hoàn tất việc… chống dịch như chống giặc (11). Thiếu viễn kiến, vô trách nhiệm, vô cảm trước thảm nạn do mưa bão, lũ lụt, sạt lở đã cũng như đang khiến hàng triệu người khốn cùng, giống như… đặc tính của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, hoàn toàn không phải là… giặc nên không cần… chống. Đồng bào muốn chống cứ tự mà… chống!

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn