Xin đừng để họ phải cô đơn

Thứ Sáu, 16 Tháng Mười 20205:56 CH(Xem: 4041)
Xin đừng để họ phải cô đơn

Song Chi.

Nhà cầm quyền VN ngày càng mạnh tay đàn áp

Không thể phủ nhận một thực tế là những năm gần đây nhà cầm quyền VN càng gia tăng đàn áp tàn bạo hơn những tiếng nói bất đồng chính kiến, những hành động phản kháng ôn hòa (“Việt Nam-gia tăng đàn áp bất đồng chính kiến ôn hòa”, Human Right Watch, 6.2020, “Cộng sản VN gia tăng đàn áp đồng bào sắc tộc thiểu số Tây Nguyện”, Mạng lưới Nhân Quyền VN, “Đàn áp gia tăng tại VN”, Defend the Defenders, “Việt Nam đang giam giữ 276 tù nhân lương tâm”, thông cáo báo chí của Người Bảo vệ Nhân quyền, 7.2020…)

Trong số những người bị bắt, có những khuôn mặt nổi bật, được đông đảo người Việt trong và ngoài nước biết đến, thậm chí quốc tế cũng biết, như nhà văn, nhà báo, Tiến sĩ Kinh tế Phạm Chí Dũng, bị bắt lần thứ ba vào tháng 11.2019 đến nay vẫn chưa thấy đem ra xét xử. Nhà báo, blogger Trương Duy Nhất, đã từng bị tù từ 2013-2015 nay lại bị gán tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và kết án 10 năm tù sau phiên tòa sơ thẩm tháng 3 năm 2020 và phúc thẩm tháng 8 năm 2020. Nhà báo tự do, dịch giả Lê Anh Hùng bị bắt vào tháng 7.2018 sau đó bị tống vào bệnh viện tâm thần. Hai nhà báo Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn, cùng trong Hội nhà báo Độc lập với nhà báo Phạm Chí Dũng, nhà văn Phạm Chí Thành, blogger Bà Đầm Xòe, tác giả của những cuốn "Hậu Chí Phèo", "Nền Kinh tế Thị trường Định hướng XHCN Xuống hố cả lũ", "Nguyễn Phú Trọng: Thế thiên hành đạo hay Đại nghịch bất đạo”, một số thành viên của Hội anh em Dân chủ như nhà văn, cựu chiến binh Quân đội Nhân dân VN Trần Đức Thạch, ký giả Trương Minh Đức, mục sư Nguyễn Trung Tôn, nhà hoạt động Nguyễn Bắc Truyển, Phạm Văn Trội v.v…Có những người đã từng bị tù nay lại bị bắt tù trở lại.

Và mới đây nhất là nhà báo, nhà hoạt động dân chủ Phạm Đoan Trang, một trong những người thành lập trang web Luật Khoa tạp chí và từng xuất bản nhiều cuốn sách như “Chính trị bình dân”, “Phản kháng phi bạo lực”, “Cẩm nang nuôi tù”

Đặc biệt việc bắt giữ nhà báo Phạm Đoan Trang xảy ra ngay sau khi diễn ra cuộc đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ, khiến thế giới càng lưu tâm.

Nhận định việc nhà cầm quyền VN gia tăng đàn áp những tiếng nói bất đồng chính kiến, nhiều người cho rằng điều này có nhiều lý do:

Thứ nhất, từ ngày ông Nguyễn Phú Trọng kiêm nhiệm một lúc hai vị trí Tổng Bí thư đảng CSVN và Chủ tịch nước, quyền hành nắm trọn trong tay, ông Trọng chỉ có một mối bận tâm lớn nhất đó là làm sao bảo vệ đảng, bảo vệ chế độ. Vốn là một con người cả đời nghiên cứu về lịch sử Đảng, chủ nghĩa Mác Lênin, đầu óc bảo thủ, xơ cứng, ông Trọng biến quyết tâm trong việc bảo vệ đảng, bảo vệ chế độ thành hành động: dọn dẹp trong nội bộ đảng sao cho “trong sạch” hơn thông qua chiến dịch “đốt lò chống tham nhũng”, siết chặt những biểu hiện thoái hóa, tự diễn biến, phai nhạt “lý tưởng” cộng sản, đối với người dân thì ngăn chặn, tiêu diệt từ trong mầm mống mọi lời nói, hành vi phản kháng.

So với thời ông Cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với bản án nặng nhất dành cho người bất đồng chính kiến là 16 năm tù cho kỹ sư, doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức, hoặc 12 năm dành cho nhà báo tự do Nguyễn Văn Hải tức blogger Điếu Cày, còn lại các bản án thường dao động từ 2,3 năm cho tới 5, 7 năm; dưới thời của ông Nguyễn Phú Trọng thì những bản án nặng hơn nhiều, viết chỉ trích nhà cầm quyền trên facebook thôi cũng có thể lãnh 5, 6 năm tù, còn thì 9, 10 năm như nhà hoạt động Trần Thị Nga 9 năm tù, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh tức blogger Mẹ Nấm 10 năm tù, thậm chí 20 năm như nhà hoạt động Lê Đình Lượng.

Thời ông Trọng còn ghi vào vết nhơ với những vụ cưỡng chế đất, cho công an, quân đội đàn áp dân, nổi bật là vụ án Đồng Tâm rúng động dư luận vì sự dã man, tàn bạo qua cuộc tập kích vào thôn Hoành, Đồng Tâm, qua cách giết hại cụ Lê Đình Kình 84 tuổi-người thủ lĩnh tinh thần của dân Đồng Tâm, một đảng viên cộng sản luôn luôn tin vào đảng, vào nhà nước cho tới hơi thở cuối cùng, bắt đi hàng chục người. Sau đó là sự trơ trẽn, dối trá, phi nhân của phiên tòa ngụy tạo để kết án tử hình hai con trai của cụ Kình là Lê Đình Công, Lê Đình Chức, tuyên án chung thân cho cháu cụ là Lê Đình Doanh, chẳng khác nào “tru di tam tộc”, nhiều người khác thì phải lãnh 16, 13,12 năm tù…

Vụ Đồng Tâm gợi nhớ đến những vụ án thời Cải cách Ruộng đất, hóa ra sau hàng chục năm, dù internet và dân trí con người đã thay đổi nhiều, nhưng đảng và nhà nước cộng sản vẫn tàn bạo, dối trá, chà đạp lên dư luận y như cách đây hơn nửa thế kỷ.

Thứ hai, Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Trump ít quan tâm đến vấn đề nhân quyền của các chế độ độc tài trong đó có VN hơn, mà Hoa Kỳ thường phải là tiếng nói chỉ trích mạnh mẽ nhất, tiếp theo mới là các nước phương Tây, đồng thời không chỉ là chỉ trích suông mà phải có những biện pháp chế tài, trừng phạt, còn nếu không thì nhà cầm quyền VN chẳng bỏ vào tai. Đại dịch trong năm nay càng khiến cho Hoa Kỳ và các nước phương Tây có bao nhiêu chuyện phải lo, nên nhà cầm quyền VN cứ việc họ, họ làm.

Cuối cùng, phong trào đấu tranh dân chủ ở VN mấy năm gần đây cũng có chiều hướng đi xuống, những cuộc biểu tình rầm rộ hàng ngàn người phản đối Trung Cộng, phản đối Dự luật Đặc khu kinh tế cho Tàu thuê đất dài hạn, hay phản đối ô nhiễm môi trường, đòi quyền lợi về đất đai…như trước kia cũng không còn xảy ra. Nên nhà cầm quyền không cảm thấy phải chùn tay trước khi bắt bớ hay đàn áp người dân.

Hậu quả là những người dám lên tiếng ngày càng ít, ngày càng phải trả giá đắt hơn trong khi đám đông vẫn im lặng.

Mỗi khi có sự kiện gì xảy ra dù lớn như vụ Đồng Tâm, hay những vụ bắt, kết án người bất đồng chính kiến, dư luận trong ngoài nước lại sôi sục lên, báo chí quốc tế cũng vào cuộc, các tổ chức phi chính phủ trên thế giới như Human Right Watch, Reporters Without Borders…lên án Hà Nội và thúc giục chính phủ Hoa Kỳ và các nước phương Tây phải có những biện pháp mạnh mẽ hơn đối với nhà cầm quyền VN. Nhưng rồi sau dăm bữa, một vài tuần đâu lại vào đó, lại có thêm những sự kiện mới xảy ra, dư luận lại quên đi, và nhà cầm quyền VN chỉ cần đợi cho “cơn bão” chỉ trích qua đi, là xong. Gì chứ nghe chỉ trích thì họ đã quá quen.

Trong khi đó, những tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị vẫn phải trải qua từng ngày dài dằng dặc trong điều kiện tù đày vô cùng tồi tệ, sự tra tấn, đày đọa, khủng bố về tinh thần lẫn thể xác, nhằm làm cho sức khỏe tù nhân ngày càng kiệt quệ, ý chí, tinh thần, trí tuệ ngày càng bị hao mòn. Mới đây, trên mạng xã hội và báo chí bên ngoài có đưa tin tù nhân lương tâm, nhà hoạt động Lê Đình Lượng, người đang phải thụ án 20 năm, đã bắt đầu tuyệt thực để phản đối điều kiện sống hà khắc và những chính sách bất công, phi lý dành cho tù nhân chính trị. Gia đình kỹ sư, doanh nhân, tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức cũng đang lên tiếng về việc anh đang tuyệt thực. Ai cũng biết, đối với tù nhân, họ chỉ có một cách duy nhất là tuyệt thực để phản kháng dù biết rằng phương pháp này càng gây tổn hại cho sức khỏe của mình hơn, nhưng vì không còn cách nào khác.

Nhà báo Phạm Chí Dũng từ khi bị bắt đến nay không ai được nghe tin tức gì về anh, hay nhà báo Lê Anh Hùng đang cô đơn trong bệnh viện tâm thần, cố gắng chống lại âm mưu hủy diệt sự mịnh mẫn, sáng suốt của anh của nhà cầm quyền qua việc cưỡng bức anh điều trị tâm thần v.v…

Làm gì để sự hy sinh của những người lên tiếng không bị uổng phí?

Mỗi khi có một người bị bắt, chúng ta lại kêu gọi quốc tế gây sức ép lên nhà cầm quyền VN, rồi nhà cầm quyền sử dụng các tù nhân như những “món hàng chính trị”, chấp nhận thả một vài người ra nước ngoài để đổi lấy những cam kết có lợi về kinh tế, sau đó lại bắt tiếp những người khác. Cái vòng luẩn quẩn cứ thế tiếp diễn. Và không phải tù nhân lương tâm nào cũng chấp nhận ra đi. Kỹ sư Trần Huỳnh Duy Thức đã từng từ chối nhiều lần lời dụ dỗ cho ra nước ngoài của nhà cầm quyền. Hay nhà báo Phạm Đoan Trang, trước khi bị bắt, đã chuẩn bị sẵn một lá thư nhờ bạn bè công bố khi mình bị bắt, rằng cô không muốn trở thành một “món hàng” để nhà cầm quyền đổi chác, cô không muốn việc mình bị bắt trở thành có lợi cho nhà nước cộng sản VN, cô không yêu cầu tự do cho cá nhân mình, bởi vì nếu chỉ đòi hỏi tự do cho cá nhân cô thì quá dễ, cái mà cô muốn là tự do cho cả dân tộc VN.

Để sự hy sinh của những người dám lên tiếng không bị uổng phí, chúng ta phải làm sao để có thêm nhiều người dám lên tiếng, có thêm nhiều tờ báo, blog, kênh youtube, xuất bản sách…vạch trần sự thối nát, tàn bạo của chế độ độc tài tại VN, làm sao để thế giới biết nhiều hơn về thực trạng VN. Mỗi người một việc, người trong nước cũng như người ngoài nước, tiếp tục cộng cuộc khai trí, nói lên sự thật, phối hợp với việc lên danh sách tố cáo tất cả các nhân vật quan chức, công an…liên quan đến từng vụ đàn áp, bắt bớ để yêu cầu thế giới có những biện pháp cụ thể đối với những nhân vật này. Cái cần ở VN là một phong trào rộng lớn chứ không phải từng khuôn mặt nổi bật, vì cứ có một khuôn mặt nào nổi lên là sẽ dễ bị nhà cầm quyền bắt giam, vô hiệu hóa.

Điều quan trọng nhất là sự đoàn kết giữa người Việt trong ngoài nước, thuộc các thành phần khác nhau nhưng cùng có chung một khao khát là được nhìn thấy chế độ độc tài ở VN phải kết thúc, VN phải có tự do dân chủ. Phải thấy rằng mấy năm nay người Việt trong nước và người Việt sống tại Mỹ chia rẽ nhau nhiều chung quanh chuyện yêu hay ghét, ủng hộ hay chỉ trích một Tổng thống Hoa Kỳ, mà quên rằng Tổng Thống Mỹ nào cũng chỉ tại vị 4 năm, cùng lắm là 8 năm, cơ chế của nước Mỹ sẽ tự động điều chỉnh những bất cập, những lỗ hổng nếu có, còn VN thì đã trải qua hơn bảy thập kỷ dưới một chế độ độc tài thối nát, và điều đó chỉ có thể thay đổi, trước hết từ quyết tâm của hàng chục triệu người dân VN.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn