Đất và người miền Trung

Thứ Năm, 15 Tháng Mười 20206:00 SA(Xem: 4370)
Đất và người miền Trung

Tôi sinh ra, lớn lên trên dải đất miền Trung nắng lắm mưa nhiều. Ba má tôi, những người nông dân quen với mùi bùn đất dãi dầu… Nhà tôi ở cạnh con sông nhỏ. Nguồn thu nhập chính của gia đình phụ thuộc vào vài đám ruộng ngập ngụa phèn chua nước lợ, cùng mấy sở nò trên nhánh sông nằm sâu phía hạ nguồn.

image001

Mỗi sáng, anh em tôi háo hức ra bến đón ba đi nò về. Mớ tôm, cá vừa vớt lên khỏi mặt nước nhảy đôm đốp theo tiếng cười lũ trẻ giòn tan. Những trưa nắng gắt, mươi đứa con nít kéo nhau ra sông quẫy đập tung tăng. Con sông yêu thương là vậy, bỗng một ngày trở nên giận dữ.


Mới hôm trước, ba nhíu mắt nhìn trời rồi hào hứng: “Má nó ơi! Tình hình ni chắc độ dăm bữa nữa là có mưa to, mưa đầu mùa cá tôm đi nhiều. Coi tui với bà xuống bỏ thêm đất cho chưng nò, cột lại hàng róng, mưa xuống là làm không kịp, lại mất ăn chứ chơi”.
Vậy là cả nhà tôi hè nhau đi xén đất bỏ chân nò. Ba bảo: “Bỏ đất để chân nò vững hơn, lụt có về thì nò cũng trụ được”. Hai lớn hơn tôi hai tuổi nhưng giỏi phải biết. Những cục đất Hai xén vuông vức, to bự có đầy cỏ bên trên. Hai còn lặn thật sâu giúp ba bỏ đất. Mấy ngày liên tiếp, lăn lộn với bùn đất, ngâm nước đội nắng mà vui đáo để. Bởi lẽ, tất cả đều hy vọng khi mưa về, tôm cá lội đầy sông, gia đình sẽ có thêm thu nhập. Anh em tôi, biết đâu, có được tấm áo mới.


Rồi mưa đến. Mưa to dần. Mưa như trút nước.


Chiều hôm trước, ba với Hai chèo ghe đi nò. Gió rít từng cơn. Má đứng dưới mái hiên ngóng theo chiếc ghe tròng trành trên sông. Khuya, ba với Hai quay về. Cả người Hai tôi ướt sũng, run cầm cập. Cậu thanh niên 15 tuổi chưa kịp lớn, đưa tay đón lấy chén khoai chà, ăn ngon lành, chừng như đã quá quen với mùi vất vả. Khuya hôm ấy, ba xuống nò một mình.


Những ngày đầu, cá tôm chưa nhiều. Ba động viên má “bữa ni chưa chi mô, mai mốt mới nhiều”. Má gục gặc rồi mang cá tôm ra chợ. Trời vẫn mưa không ngớt. Cả một vòm mây đen nghịt giăng kín tựa chiếc thúng một úp khít quả cầu tròn. Ba ngồi hơ tay trên lửa chốc lát, rồi giục Hai thức giấc. Hai vừa dụi mắt vừa quầy quả vói lấy bó lạt tre bám đầy bụi hóng. Ba với Hai lại xuống nò, lại cột mấy cây róng vào nhau để giữ tấm sáo cho chặt.

Chiều hôm ấy, má cùng ba đi nò. Nước bắt đầu lên nhanh. Đến giữa buổi chiều đã lưng lửng nửa con đê.


Mưa. Gió. Gió đánh quằn bụi tre ngoài ngõ.


Chốc chốc, mấy anh em chạy ra dòm nước. Nước lên nhanh như đếm được theo từng giây.


Nhập nhoạng tối, ba má quay về. Mắt má đã chứa đầy lo lắng “nước chảy săn quá, gió lớn kiểu ni chắc nước lên nữa, ngó bộ mùa ni không ổn rồi”.


Đêm xuống nhanh. Cuối cùng ba cũng đánh tiếng: “Thôi, chắc bỏ đó bà, để tôi với thằng cu đi xuống cất lồng nò lên, rứa may mô còn giữ được mấy que nò, không thì trôi hết”.


Lần này má nhất quyết không để Hai đi bất kể Hai có năn nỉ: “Con bơi giỏi hơn má, chèo ghe cũng khỏe hơn má”.


Chiếc ghe vốn đã nhỏ, trong con nước bạc điên cuồng, trông càng lẻ loi. Từ trên nhà nhìn xuống, chiếc ghe như cái lá non quay cuồng trên dòng lũ. Hai bóng lưng gò trong gió, mưa, nước siết mong manh hệt cuộc sống người dân nghèo miền Trung.


Nước vẫn lên, xé toạc con đê, tràn vào đồng ruộng, cuốn phăng mọi thứ trên đường nó đi qua. Cái xóm nghèo giờ trơ trọi trong màn nước bạc trắng mênh mông.


Cuối cùng ba má cũng quay về. Má nhìn anh em tôi “trôi rồi con ạ!”. Chỉ bấy nhiêu đó thôi.


Đêm càng khuya, nước càng lớn. Ba với Hai kê tất cả những thứ gì có thể kê được lên giường, lên xà nhà, lên cả mái tôn. Đôi ba bao lúa, vại khoai khô, can dầu hỏa, cả chiếc mền cũ.


Má cột túm mấy chiếc nồi đen méo mó vào gốc ổi trước sân rồi nhấn chìm xuống nước cho khỏi trôi mất. Con heo làm vốn giờ cũng được lên giàn kê tạm đứng với chị em tôi.


Một ngày.
Hai ngày.
Ba ngày.
Ngót nghét một tuần.


Nước rút dần. Những gì còn lại chỉ là bùn đất. Khúc sông dăm hôm trước còn xôn xang nò sáo, nay chỉ trơ vài cây cọc tre xiêu vẹo. Cả xóm nghèo lặng yên trong chua xót.
Năm ấy, tôi mười ba tuổi. Năm ấy, má chạy vạy khắp nơi vay mượn từng bữa cơm. Con heo làm vốn cũng phải bán đi. Cho đến tận bây giờ, đã hơn hai mươi năm, trong mơ tôi vẫn thấy làn nước bạc tê cóng xót xa.


Miền Trung quê tôi, hằng năm phải gánh chịu bao trận bão lũ, cả nắng cháy khô ruộng đồng. Nhưng những con người nơi ấy chưa từng thay đổi, chân chất, lam lũ sẵn sàng đứng lên trước giông gió cuộc đời. Để lắng lại nơi đáy lòng thứ tình người sâu nặng.


Tháng bảy này, đại dịch Covid một lần nữa quét qua miền đất thương yêu này. Nhưng tôi tin chắc quê mình sẽ chiến thắng như đã từng vượt qua trận lụt lịch sử năm nào. Bởi miền Trung vẫn luôn kiên cường, mạnh mẽ và thấm đẫm tình người.

Nhưng tháng mười này, đại lụt đang xảy ra khắp miền trung, người dân nơi đây sẽ vượt qua nó như thế nào đây ?

Khuyết Danh

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn