Chiếc bập bênh của lịch sử

Thứ Bảy, 03 Tháng Mười 202011:52 SA(Xem: 4521)
Chiếc bập bênh của lịch sử

Năm nay Đức vẫn loay hoay với tượng đài kỷ niệm công cuộc thống nhất đất nước 30 năm trước. Như mọi dự án công cộng ở Đức, công trình này bị nâng lên đặt xuống đủ kiểu, rồi cuối cùng cũng được Quốc hội phê chuẩn cách đây 13 năm, nhiều lần bị hoãn thi công, lần cuối cùng vào mùa Thu năm ngoái, vì dưới trụ đỡ tượng đài có một bầy dơi cư trú, giấc ngủ đông của chúng được luật pháp che chở. Dân chủ, pháp trị thật kềnh càng đắt đỏ. 

image

Mô hình được chọn trông như chiếc khay cong, diện tích 700 m2, nặng 150 tấn, đủ chỗ cho 1400 người cùng đứng. Tùy tương tác giữa những người trên đó, nó sẽ nghiêng dần tùy phía, mức nghiêng tối đa là 1,5 m. Mặt trên khắc khẩu hiệu nổi tiếng “Chúng ta là nhân dân. Chúng ta là một dân tộc”. Mặt dưới chạm hình ảnh của những ngày sôi động ba mươi năm trước.

Dân chủ cũng là chín người mười ý, khen thì ít, chê thì nhiều, một đặc trưng nữa của người Đức. Người này lo tượng đài thành cái bập bênh để nghịch ngợm vô bổ, người kia e dấu ấn sâu đậm của lịch sử bị thẩm mĩ đại chúng làm phẳng, người khác nữa thấy ý tưởng tương tác vận động để xoay chiều chuyển động ở đây chẳng qua là một thứ Kitsch chính trị, tầm thường hóa những nỗ lực khổng lồ và trải nghiệm đau thương, trước hết của dân Đông Đức... Tượng đài Tự do và Thống nhất, như tên gọi chính thức, được dân chúng gọi là Khay chuối Thống nhất, hoặc phổ biến hơn: Chiếc Bập bênh Thống nhất.

Trong hơn 500 phương án dự thi thiết kế tượng đài này, cá nhân tôi thấy chiếc bập bênh không đến nỗi dở, ít nhất là hơn đứt những thứ cố uy nghi, hào hùng, hoành tráng, lẫm liệt, gây ấn tượng, cố vươn đúng tầm lịch sử. Chẳng có gì có thể sánh vai lịch sử. Thống nhất thành công, tượng đài thất bại, thế còn hơn là ngược lại, tượng đài bóng nhoáng mà hiện thực đục ngầu.

Ba mươi năm tất nhiên chưa đủ để hàn gắn bốn mươi năm chia cắt. 90% dân chúng hài lòng với chất lượng sống hiện tại. 73% thấy mình là người Đức không phân biệt Đông Tây. 64% hài lòng hoặc rất hài lòng với sự vận hành của các thiết chế dân chủ. Song 2/3 thấy công cuộc thống nhất vẫn chưa hoàn thành. Quá nửa người bên Đông thấy mình vẫn là công dân hạng hai. 10% bên Đông và 3% bên Tây vẫn muốn phục hồi CHDC Đức. Lịch sử vẫn là một chiếc bập bênh, dù nó đã dành cho nước Đức nhiều may mắn.

Phạm Thị Hoài

(FB Phạm Thị Hoài)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn