Những thú vui tao nhã đem lại sự bình an cho tâm hồn

Thứ Tư, 16 Tháng Chín 20202:00 CH(Xem: 6412)
Những thú vui tao nhã đem lại sự bình an cho tâm hồn

Trong cuộc sống có những thú vui nho nhỏ, đơn giản nhưng khá trang nhã, hơn nữa nó còn đem lại sự bình an và thanh tĩnh trong tâm hồn...

Đốt trầm, thắp hương

Một mẩu trầm nghi ngút trong chiếc lư đồng, hoặc đất nung nho nhỏ, tỏa hương thơm ngan ngát khắp căn phòng. Thường người ta đốt trầm khi đọc sách Thánh hiền hoặc cùng bạn tâm đầu ý hợp thưởng trà

Người xưa khi đọc sách của Thánh nhân thường đốt trầm hoặc thắp hương bày tỏ lòng tôn kính bậc Thánh giả. Cùng với làn hương thơm lan tỏa, thân tâm dần dần tĩnh lại. Khi tâm tĩnh và thành kính thì những đạo lý nhân sinh uyên bác sâu xa của Thánh nhân cũng hé mở, đọc sách mới thu được lợi ích lớn.

Có người độc ẩm, hoặc đối ẩm với bạn tâm giao, thì trước khi pha trà sẽ đốt một mẩu trầm hoặc thắp một nén hương, khiến thân tâm nhanh chóng bình lặng trở lại, bởi vì tâm tĩnh, gần với trạng thái nhập thiền, thì mới có thể cảm thụ được dư vị đích thực của trà. Thế nên người ta nói "Trà - Thiền nhất vị" là vậy, bởi vì:

Uống trà như tham thiền,
Khác gì chuyện Thần Tiên
Hương trầm tâm thanh tĩnh
Trà thơm kính bạn hiền...

Cùng với làn hương thơm lan tỏa, thân tâm dần dần tĩnh lại.
Cùng với làn hương thơm lan tỏa, thân tâm dần dần tĩnh lại. (Ảnh: Pxhere.com)

Đọc sách

Có câu cổ ngữ rằng: “Có sách dư phú quý, vô sự ấy Thần Tiên”. Những tao nhân mặc khách đọc sách của Thánh hiền có thể khiến tâm hồn rộng mở, đắm mình trong trí tuệ cổ nhân, nâng cao cảnh giới sinh mệnh.

Người xưa nói: “Khí chất con người do Trời sinh ra, vốn khó thay đổi, duy chỉ có đọc sách mới có thể thay đổi khí chất”.

Xã hội ngày nay, thư tịch tạp nham loạn bậy, thậm chí sách xấu rất nhiều, sách tốt thì ít, nên người đọc cần lựa chọn kỹ. Sách tốt dạy người hướng thiện, dạy người trí tuệ, dạy người bản lĩnh, khiến con người có chỗ đứng trong xã hội, duy trì đạo đức xã hội, bản thân người đọc sách cũng có được hạnh phúc.

Ngắm, vẽ tranh

Thưởng thức tranh có thể khiến tâm cảnh con người chìm vào trong bầu không khí nghệ thuật, khiến con người tăng thêm tri thức và giúp tấm lòng rộng mở, tinh thần vui tươi sảng khoái. 

Thưởng thức tranh là một loại thưởng thức hưởng thụ cao nhã, có thể nuôi dưỡng tính tình, khiến thân tâm khỏe mạnh. Nếu nói thưởng thức tranh như liều thuốc tốt thì e rằng sẽ có người khó mà tin nổi. Kỳ thực thưởng thức tranh để trị bệnh xưa nay đều có:

Xa ngắm núi non xanh
Gần nghe nước vô thanh
Xuân đi hoa còn mãi
Xuân về vẳng tiếng oanh...

Người xưa vẽ tranh, một cây bút, một tờ giấy, tung hoành phóng khoáng, tả ý trôi chảy thanh thoát. Tiền nhân vẽ tranh đều có ý sâu xa, ý tứ đặt bút, nét nào cũng đều có chủ ý.

Thưởng thức tranh cổ khiến con người yên tĩnh, chí hướng cao xa, con người, sự vật giữa Trời Đất tự nhiên hài hòa, không ham dục, không tham vọng, tâm thái bình hòa, cảm giác như hòa nhập vào trong bức họa.

Bởi thế trong xã hội ngày nay, việc con người lựa chọn đạo đức truyền thống là rất then chốt, vì đạo đức truyền thống có thể khiến con người bình an hạnh phúc.

Tiền nhân vẽ tranh đều có ý sâu xa, ý tứ đặt bút, nét nào cũng đều có chủ ý.
Tiền nhân vẽ tranh đều có ý sâu xa, ý tứ đặt bút, nét nào cũng đều có chủ ý. (Tranh: hoạ sĩ Bùi Hải)

Thưởng hoa

Hoa đẹp khó kiếm như cánh chim bằng trở về dưới ánh chiều tà. Cỏ hoa trắng muốt gửi mộng đẹp bay tới phương trời xa. 

Thơ ca, hội họa lấy hoa làm đề tài thì nhiều không kể xiết, ngay cả các tác phẩm nghệ thuật truyền thống như thêu, gốm sứ thì các bức họa tiết hoa cỏ cũng là những đồ trang sức quan trọng.

Mọi người thưởng thức hoa, không chỉ thưởng thức vẻ đẹp tự nhiên: sắc, hương, dáng vẻ, v.v. mà còn tổng hợp cảm thụ của bản thân đối với hoa, dành cho hoa một loại phong độ, phẩm đức. Từ xưa đã nói “không hiểu rõ hoa vân thì khó đến được cảnh giới cao nhã”.

Người thích lan yêu lan cao nhã thoát tục. Người thích cúc yêu cúc đứng độc lập trong thu lạnh. Người thích sen yêu sen mọc từ bùn lầy mà không ô nhiễm. Người thích mai yêu mai ngạo nghễ trong gió lạnh chống chọi với tuyết sương.

Cao Bá Quát từng kính phục hoa mai:

Thập tải luân giao cầu cổ kiếm
Nhất sinh đê thủ bái mai hoa

Tạm dịch:

Mười năm luân lạc tìm kiếm cổ
Một đời chỉ cúi trước hoa mai

Mãn Giác Thiền sư thảng thốt bất ngờ trước sức sống mạnh mẽ và vẻ đẹp của hoa mai:

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai

Dịch thơ (Thượng Quảng Độ):

Chớ bảo Xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai...

Thưởng trà

Thưởng trà không phải chỉ phân biệt trà tốt xấu, ngon dở, mà còn có mang ý tưởng xa xôi và tình cảm thú vị khi thưởng trà.

Chọn nơi thanh nhã yên tĩnh, pha một ấm trà thơm thanh khiết, độc ẩm, gột sạch những phiền não, tỉnh táo, phấn chấn tinh thần, nhấp từng ngụm nhỏ, thưởng thức sự mỹ diệu thú vị của ẩm trà.

Tay nâng một chén trà
Trà mộc tự tay pha
Bắt chước vị tiên trích
Mời trăng rồi mời hoa

Trà không phân biệt giàu nghèo, cũng không phân biệt sang hèn, có thể đơn giản mộc mạc, cũng có thể đường hoàng tinh tế, rất thông tục, cũng rất cao nhã.

Trà có tác dụng giải khát thanh tâm, trà còn dùng để tu dưỡng tính tình, biểu đạt thái độ khác nhau của mỗi cá nhân đối với trà. Kỳ thực cảnh giới mỗi người mỗi khác, không nói đến cao thấp khác nhau, mà mỗi người trong khi thưởng trà đều có truy cầu và yên định riêng của mình, còn việc có đắc đạo hay không thì hoàn toàn dựa vào ngộ tính.

Trà có tác dụng giải khát thanh tâm, trà còn dùng để tu dưỡng tính tình
Trà có tác dụng giải khát thanh tâm, trà còn dùng để tu dưỡng tính tình. (Ảnh: hoạ sĩ Bùi Hải)

Thưởng nguyệt

Trong nhiều thơ ca vịnh trăng, thi nhân đem trăng "hòa tan" vào trong tư tưởng tình cảm, nội tâm... đồng thời khiến trăng và tư tưởng nội tâm cùng tỏa sáng lẫn nhau, sáng tạo ra rất nhiều ý cảnh ưu mỹ, đồng thời nâng chất lượng văn học, nội hàm tư tưởng và cảnh giới nghệ thuật lên một tầm cao mới.

Nơi đô thị ồn ào náo nhiệt rất cần những thứ thanh nhã này để cân bằng. Chúng ta thử tĩnh tâm xuống, học người xưa thắp hương, thưởng trà, đợi trăng, ngắm thư họa.

Đợi trăng là có hẹn ước với trăng khi trăng nhô lên trong màn đêm. Tắm gội dưới ánh trăng, thụ hưởng cảnh đẹp này, tâm tình cũng dịu êm như nước:

Vầng trăng mọc ở bể khơi,
Cùng trong một lúc, đất trời soi gương.

Ngao du sơn thủy

Cái thú của du sơn ngoạn thủy không phải là mang cái tâm chinh phục, mà là thưởng thức cái đẹp, hàm súc, thâm sâu thăm thẳm của non nước.

Một buổi sáng trong lành, dạo bước bên ngoài ngôi chùa cổ kính, vầng dương nhô lên chiếu sáng khắp núi rừng. Con đường nhỏ uốn lượn quanh co dẫn đến một nơi u tĩnh, tiếng chuông chùa văng vẳng trong rừng cây hoa lá. Sắc núi sáng trong thanh tịnh, đổ bóng xuống lòng hồ sâu trong vắt, gột sạch những tục niệm trong tâm, lòng trong sáng như rũ sạch hết bụi trần, bỗng như thấy gần chốn Bồng Lai Tiên cảnh:

Non xanh xanh vẫn như xưa
Du nhân đi mãi mà chưa thấy về
Sông soi bóng tháp Bồ Đề
Mở toang cửa động liền kề chân mây...

Phong nhã bắt nguồn từ nội tâm yên tĩnh, thanh đạm, lui mình ra khỏi bộn bề tất bật, từ nơi tạp niệm rối loạn lưu lại một không gian nhàn nhã thư thái. Tô Đông Pha có thơ rằng:

Trăng gió núi sông
Vốn chẳng trường tồn
Trời đất mênh mông ai chủ khách
Người nhàn tự tại ấy chủ nhân...

Nếu không có cái tâm "nhàn" thì "nhã" nương tựa vào đâu?

Hoàng Mai

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn