Vu Lan và Nỗi Nhớ Khôn Nguôi…

Thứ Tư, 02 Tháng Chín 202012:10 CH(Xem: 5053)
Vu Lan và Nỗi Nhớ Khôn Nguôi…
Má tôi

Thắm thoát mà tôi mất Má đã gần 7 năm. Má tôi đứt mạch máu đầu, trong khi ngủ, năm 2013, chỉ một tuần sau mùa Vu Lan, và đã qua đời sau một tuần mê man trong nhà thương.  Từ lúc còn rất nhỏ, ngay cả sau khi Ba tôi vừa qua đời, năm nào tôi, và anh chị em tôi, cũng  được cùng Má tôi đi chùa vào dịp Vu Lan, hay Phật Đản….

Vu Lan năm 2014, gần đến giỗ đầu của Má tôi, tôi đã nghẹn ngào chạy trốn vào phòng vệ sinh khi các em trong GĐPT bưng thùng hoa trắng đỏ để đi cài lên áo các Phật Tử đến chùa dự lễ . Năm 2015 cũng vậy, tôi lên chùa, thấy bao nhiêu tà áo lam, lại nhớ Má tôi đến quặn ruột, và cũng trốn không để “được” cài hoa. Năm 2016,  nguôi ngoai phần nào, tôi đã bình tĩnh hơn khi các em nhỏ đến hỏi tôi hoa trắng hay hồng, và tôi đã cầm cái hoa trắng lần đầu trong tay. Nhưng chỉ được đến đó thôi, bỗng dưng tôi tủi thân, nước mắt lại tuôn trào, không ngăn được …Năm nay là năm đầu tiên trong đời, tôi không đến chùa vào mùa Vu Lan vì Covid-19. Hằng ngày tôi dâng hoa quả từ vườn nhà, làm chút thức ăn chay cúng, tưởng niệm  Má Ba tôi, mặc dù tôi  tin chắc rằng cả hai giờ đã siêu sanh nơi miền an tịnh ….

Hương hoa dâng cúng Ba Má
Tình thương và lòng kính yêu dành cho hai đấng sinh thành, nhất là Má tôi, đậm  sâu hơn tất cả những tình cảm mà tôi cảm nhận được trong đời này. Từ những ngày còn rất nhỏ, Má tôi là biểu tượng của sự hy sinh, đoan chính, nhân hậu, tinh khiết và tình người lai láng, vô bờ . Tuy cũng có khi rất nghiêm trang, quả quyết, ánh mắt Má tôi lúc nào cũng thật dịu hiền, khoan dung ngay cả khi người đau đớn, buồn phiền vì mất chồng, mất con, hay lo lắng đến xanh xao, mất ăn mất ngủ khi con bệnh…Ở Má tôi hình như không có biên giới của tình thương! Má tôi là hiện thân của Bồ Tát, cứu độ chung quanh, và là ánh đuốc soi đường, cho đàn con cháu mãi đến bây giờ….

Lúc còn nhỏ, Má tôi là một người con chí hiếu, chỉ biết thương yêu gia đình, chăm sóc cho cha mình là ông ngoại tôi luôn bị yếu bệnh, giúp bà ngoại tôi trong mọi việc trong ngoài từ khi chỉ mới 6-7 tuổi, sau khi ông ngoại tôi qua đời..Lớn lên, Má tôi về làm dâu, làm vợ thì dường như ông trời muốn thử thách Má tôi hay sao đó  nên  tuy được Ba tôi hết mực thương yêu, quý trọng, nhưng vì lý tưởng yêu quê hương ngút ngàn của Ba, tuổi trẻ của Ba Má tôi đã trải qua bao nhiêu tai ương, ly tan, chua xót…

Khi chưa lập gia đình, Ba tôi nổi tiếng thông minh, học giỏi nhất Bình Đông, nhưng dù được “đãi ngộ” vì  những thành công trên đường học vấn, Ba tôi luôn uất ức bất mãn khi nhìn thấy sự tàn ác của chính sách thực dân  đối với dân VN, và đã có lần suýt bị đuổi học khi đả thương con ông hiệu trưởng người Pháp, một người bạn học cùng lớp với Ba tôi, vì cậu đó đã miệt thị,  gọi người Việt Nam bằng danh từ gì đó rất xấu xa…Khi vừa mười tám tuổi, trong bối cảnh tranh sáng tranh tối của đất nước, với tình yêu quê hương dâng tràn, và phong trào chống thực dân lan rộng,  Ba tôi đi theo tiếng gọi non sông, ban ngày làm việc cho Pháp, nhưng đêm đêm lại vào chiến khu  kháng chiến chống Pháp, với tình yêu nước nồng nàn, sôi sục …

Nhưng, chẳng bao lâu, khi Ba tôi dần dà nhìn ra được bộ mặt tàn ác, gian xảo của những người gọi Ba tôi là “đồng chí”, khi họ đối xử táng tận lương tâm, vô ơn bạc nghĩa với cả gia đình, vì theo chủ nghĩa CS, thì Ba tôi bắt đầu bất mãn, không vui, cùng lúc vẫn chống thực dân Pháp, và vì thế đã trở thành cái gai, cái đinh trong mắt những người cộng sản gian ác, vô thần, phản trắc ấy…

Trong khi Ba tôi miệt mài theo đuổi lý tưởng đấu tranh, “giải phóng” quê hương khỏi  xích xiềng thực dân Pháp thì Má tôi hết lòng, hết sức, tận tuỵ lo cho chồng, con và “gánh trọn giang sơn nhà chồng”, nhất là sau khi Ba tôi bị những “đồng chí” phản bội, bán rẻ Ba tôi cho Pháp cho đến nỗi người phải ẩn mình, đi tu suốt ba năm trời để không bị truy nã bởi cả hai bên …Trong thời gian đó, Má tôi một mình lo lắng mọi việc, thay Ba tôi phụng dưỡng bà nội tôi trong những ngày nội tôi bệnh nặng, hấp hối … Ba tôi rất yêu quý Má tôi, và một lòng kính trọng Má tôi vì những hy sinh, cùng sự thuỷ chung trọn vẹn, trong sạch vô ngần, và sức chịu đựng bao khổ nhọc, dâu bể chất chồng lên đầu người vợ trẻ, và đẹp nhất vùng thời đó, trong những ngày bất an, nghiệt ngã ấy …

Sau khi Pháp rút về nước,  Ba tôi rời chùa, trở về đời thường,  và trúng tuyển vào trường Hàng Hải vì tính người thích phiêu lưu, lãng du khắp nơi và yêu sóng nước mênh mông, đời hồ hải vô cùng. Lúc này, bên nội tôi chỉ còn duy nhất một mình Ba tôi là còn sống, và người con duy nhất Ba Má tôi có là chị cả tôi là Nguyệt Ánh đã qua đời sau một cơn bạo bệnh, từ lúc Ba tôi còn “kháng chiến chống Pháp”. Của cải hương hoả để lại của ông bà nội tôi chỉ còn mấy bức tranh thủy mạc và bộ chân đèn bàn thờ cùng với cái bình chưng bông kiểu cổ, to thật to.  

Ba Má tôi ra Sài Gòn lập nghiệp với hai bàn tay trắng, nhưng tình thương mến xóm làng bà con luôn đeo đẳng, không rời. Khi Ba tôi đi học hàng hải,  Má tôi bán bánh mì, và may áo quần cho lối xóm, cuộc sống thanh bần, nhưng tương đối thong thả. Má tôi nói đó là những ngày tuy nghèo nhưng rất hạnh phúc của Ba Má tôi.  Má kể Ba tôi hay gọi Má tôi là Châu Long vì Má luôn an ủi khuyến khích, và vui vẻ làm mọi việc cho Ba tôi có thể chú tâm học hành. Ra trường hàng hải, với cả hai bằng Kỹ Sư Cơ Khí và Kiến Trúc, Ba tôi làm thuyền trưởng, đi thương thuyền một thời gian, lương khá cao. Nhưng chỉ một thời ngắn thôi, Ba tôi bảo Má rằng Ba muốn góp phần vào việc đấu tranh, gìn giữ độc lập, tự do và mong ngày toàn quốc đều có được tự do, và hỏi ý Má có “cho phép” Ba tôi, thêm lần nữa, đi theo tiếng gọi non sông không. Không chút đắn đo, Má tôi OK ngay,  vì rất kính yêu, ủng hộ Ba tôi hết lòng. Thế là năm 1952, Ba tôi gia nhập binh chủng  Hải Quân, khoá 2 SQHQ. Má tôi lại phải xa người chồng thân yêu thêm một thời gian khi Ba tôi theo học ở Nha Trang…
Từ khi Ba tôi ra trường SVHQ, cho đến ngày hy sinh cho đất nước, năm 1964, Ba Má tôi là biểu tượng của một cặp vợ chồng vô cùng hạnh phúc, “tương kính như tân”, và lý tưởng hiếm có. Với địa vị khá cao trong Hải Quân, Ba tôi liên tiếp giữ những chức vụ chỉ huy các cơ sở quân sự, và Má tôi chăm chút cho chồng con, quán xuyến mọi việc trong nhà vô cùng chu đáo. Cả Ba và Má tôi cũng tâm đầu ý hợp về chuyện lo cho người nghèo, không chỉ trong bà con, mà cho cả xã hội chung quanh. Má tôi kể hằng tháng, ba tôi trích ra một phần năm tiền lương để mua gạo ngon, nước mắm, và chở đến tận nhà bà con nghèo cũng như cho những người nghèo khác mà Ba Má tôi gặp hay biết được qua những người bà con…

Ba tôi lấy trung, hiếu làm đầu và đối với mọi người với sự rộng lượng, cao cả hiếm có, luôn trân trọng đối xử với chung quanh, nhất là những người yếu kém với hết lòng nhân, nghĩa, lễ, trí, tín thật vẹn toàn. Điều Má tôi lập đi lập lại là Ba tôi lúc nào cũng nhớ đến những người khốn khó, và người luôn nói rằng nếu muốn có một xã hội thật sự an lành thì người dân ai cũng phải được tôn trọng, có đầy đủ áo cơm, và nhất là phải được đối xử với sự công bằng, tử tế, không có sự phân chia giai cấp vì giàu /nghèo. Ba tôi rất thanh liêm, và không thích những chuyện vây cánh, bè phái, hay khi thấy cảnh luồn cúi, nịnh bợ. Má tôi nói Ba tôi tuy thương và hay giúp đỡ bạc tiền cho những người lính nghèo, nhưng cũng rất nghiêm nghị, không cho ai đem quà cáp để “lấy điểm” hay để xin được ở hậu cứ bao giờ….Dù Ba tôi mất sớm, nhưng  hình như những câu nói, tâm tình của Ba tôi đã in hằn trong tâm khảm Má tôi, và vì rất đồng lòng với những lý tưởng, tâm nguyện ấy, Má tôi đã thể hiện được những điều này trọn một đời người, trước sau như một. Cùng với tình thương bao la cho muôn người, muôn vật, Má tôi là nguồn thương yêu bất tận, là trời biển mênh mông, là ánh trăng trong ngần, là suối nguồn vi diệu cho tất cả anh chị em chúng tôi…

Ba tôi mất, cả một bầu trời thương yêu sụp đổ cho Má tôi, và cho chúng tôi. Cuộc sống ngày càng sa sút, nhưng Má tôi vẫn luôn, bằng hết sức của mình, lo cho chúng tôi được cắp sách đến trường, dù phải làm một lúc hai ba việc, cùng là chăm sóc, tâng tiu từng ly từng tý cho  đám con èo uột, hay bệnh tật… Có năm cả chị lẫn anh tôi, lần lượt vào nhà thương vì những bệnh hết sức ngặt nghèo. Má tôi xấc bấc xang bang, phâǹ lo cho những đứa bệnh, nằm nhà thương, phần lo cho đám nhỏ còn lại ở nhà, đến nỗi chính người cũng kiệt lực, ngã bệnh thật nặng sau đó…Thế nhưng Má tôi vẫn khôn hề than van, bi lụy, và khi cần, lại tiếp tục san sẻ, cứu giúp nhữngngười khác nghèo khổ, cơ cực hơn…

Má tôi thương con, thương cháu, thương gia đình và miệt mài hy sinh cho mọi người. Thương người nghèo khổ đã đành, Má tôi thương cả những người  bị xã hội rẻ rúng, khinh khi thường vì một hai điều gì đó….Má tôi luôn nói:”người ta ai cũng muốn sống, muốn được tôn trọng, thương yêu, không ai  muốn bị khi dễ  hết”. Tôi còn nhớ, trong cư xá HQ, có một chị người làm bị chủ đuổi vì lỡ có chửa hoang, không ai dám chứa vì sợ …”xui”, Má tôi đã cho chị ở, lo cho chị đến ngày khai hoa nở nhụy. Chị ấy thương và biết ơn Má tôi, nên xin Má tôi cho chị ở, làm công không, cho đến khi con lớn. Má tôi không những trả tiền cho chị, mà lại còn đối với chị như người trong nhà…

Không biết bao nhiêu người lâm cảnh khó khăn, ngặt nghèo đã chạy đến cầu cứu Má tôi, và dù Má tôi không có sẵn, người cũng cố đi “mượn dùm” vì tính Má tôi rất trọng chữ tín, hứa là làm, mượn là trả, và luôn trân trọng kẻ sa cơ lỡ vận. Có lúc, tôi nghĩ sao Má mình …”hay lo bao đồng quá”, trong khi chính mình thì nhiều khi thiếu thốn, không dám ăn ngon, mặc đẹp, Má lại cứ luôn giúp người khác không ngần ngại, không đắn đo… Sau này lớn lên tôi hỏi thì Má nói: “Mình nghèo, nhưng còn bao nhiêu người nữa nghèo hơn mình. Mình cứ giúp người ta, bằng hết sức, được thì tốt, không thì thôi!”

Qua bên đây, lúc đầu Má tôi ở nhà, may, vá đồ, và giữ trẻ em, tiền bạc rất ít ỏi, nhưng anh chị em chúng tôi  đứa nhỏ đi học, đứa lớn đi làm, cũng đắp đổi qua ngày. Má tôi lo cho anh chị em chúng tôi từng bữa ăn kiểu VN, dù thiếu thốn gia vị, và rất đơn sơ, đạm bạc  nhưng ăm ắp tình thương chắt chiu của ngườ Mẹ hết lòng thương con. Tôi nhớ lúc đầu, Má tôi mằn mò ngồi tháo và cắt, may lại những chiếc  áo quá to do  hội bảo trợ mang cho gia đình tôi. Cũng như hồi nhỏ, Má tôi luôn tự tay may cho chúng tôi những chiếc áo đầm thật đẹp, không khác áo được đặt may ở tiệm, để chúng tôi luôn ăn mặc chỉnh tề khi ra ngoài…
Ở Baltimore, Maryland, người hàng xóm đầu tiên của chúng tôi là một vị giảng sư già, người Mỹ đen. Má tôi kể lần đầu ông qua gõ cửa để chào đón “hàng xóm”, lúc đó không có đứa nào ở nhà, Má tôi thì không biết tiếng Anh, thấy người lạ, lại là đàn ông, Má tôi sợ quá, đóng cửa chạy tuốt vô nhà. Sau khi tụi tôi về, Má tôi kể chuyện mà vẫn còn sợ nhưng khi biết đó là ông hàng xóm rất tốt bụng vì ông đã cho tụi tôi mượn  sách và khuyên chị em tôi mỗi khi ra đường phải cẩn thận ra sao, v.v… th̀i Má tôi vui lắm, và thường hay làm bánh bông lan, biểu tụi tôi mang qua biếu ông.

Má tôi cũng không thể hiểu nổi sự kỳ thị da màu bên này vì cả đời người, Má tôi nhìn người nào cũng có gía trị ngang nhau, không trọng vọng người có địa vị, giàu có, hay khinh thị người thiếu thốn, it́ may mắn trong đời. Có lẽ vì Má tôi đã “ngộ” được điều này từ chính bản thân người: dù không có được cơ hội đi học bao giờ, nhưng Má tôi là người trọng nhân, lễ, nghĩa, trí, tín hơn bất cứ ai tôi được biết trong cả đời mình. Người cũng không bao giờ buông lời nói nặng, nói xấu hay mắng mỏ, phê bình ai, dù họ đối xử không tốt với Má tôi. Ngay cả với con cái, Má tôi cũng không bao giờ chì chiết, hay “mày tao”…nhưng cũng vì vậy mà chúng tôi không dám “phạm thượng”, hay ngỗ ngáo khiến Má tôi phải buồn lòng, nhất là vì Má tôi luôn bảo bọc và thương yêu anh chị em chúng tôi hết mực.

Má tôi luôn ủng hộ mọi sinh hoạt đoàn thể của chúng tôi. Không những Má tôi lo cho tụi tôi được đi học, mà còn chìu, và vui vẻ để chúng tôi “ai sao con vậy”, được tham gia sinh hoạt các đoàn thể Hướng Đạo, Gia Đình Phật Tử , dù chính bản thân người đã phải vất vả  làm lụng cực khổ khi còn nhỏ vì ông ngoại tôi qua đời khi Má tôi mới sáu tuổi, sau một thời gian bệnh phổi rất lâu. Tôi vẫn còn nhớ nỗi háo hức khi được mặc cái mặc bộ đồ nữ HĐ lần đầu, do chính Má tôi cặm cụi thức khuya để may cho tôi mấy đêm liên tiếp …Giờ nhớ lại, tôi vẫn còn nao nao, chạnh lòng, thương Má tôi không thể tả. Với sự vô tư, ham vui hời hợt của tuổi nhỏ, tôi đã nghĩ rằng mình sẽ học hỏi được thêm đôi điều hữu ích, làm đẹp cho đời, trong tinh thần của một hướng đạo sinh, một huynh trưởng Phật Tử thuần thành là Má tôi vui lắm rồi…nhưng tôi đâu biết rằng lúc ấy, cái việc ham vui, “đua đòi” đi HĐ của anh chị em chúng tôi hồi nhỏ đã khiến Má tôi phải thêm cực nhọc, thức đêm thức hôm may đồng phục, dù thiếu trước hụt sau, vì phải tốn kém thêm bao nhiêu thứ vặt vãnh khác…Thế nhưng không bao giờ tôi nghe Má tôi than phiền hay tỏ vẻ khó chịu, dù chỉ một mảy may…Má tôi luôn nói “Má cực khổ bao nhiêu cũng được, miễn con Má học được, và không bị cực như Má thôi ” Nghe vậy, hỏi ai mà  không thương, không muốn làm cho Má mình vui vì thấy con ham học….

Qua Mỹ, mấy năm đầu bên Mary land, chúng tôi chỉ lo học và đi làm, và thỉnh thoảng cùng Má tôi đi chùa vào những dịp lễ hay Tết. Nhưng  sau khi qua CA, chị em tôi chở Má tôi đi chùa mỗi tuần vì lúc ấy cũng là lúc chúng tôi bắt đầu được sinh hoạt và dạy tiếng Việt cho cać đoàn sinh Gia Đình Phật Tử Lâm Tỳ Ni. Những bài Phật pháp cho GĐPT, những lý tưởng sáng ngời, và những lời hứa, lời tuyên thệ với Hướng Đạo, với Gia Đình Phật Tử vẫn canh cánh bên lòng, nhưng thật tình mà nói, Má tôi mới đúng là người xứng đáng nhất để được đeo hoa sen của Phật Tử, và hoa Bách Hợp của HĐ.

Dù không đi học ở trường một ngày, nhưng với sự  thông minh phi phàm và được sự tận tâm “dạy dỗ” của Ba tôi, Má tôi ham đọc sách và đọc rất nhiều mỗi khi có chút thì giờ, nhất là sau này, khi đã thảnh thơi hơn trong tuổi già…. Má tôi kể chuyện “học”, ánh mắt hiền hoà, lóng lánh niềm vui  khi nói về “ông thầy” duy nhất của Má: Ba tôi, người đã dạy cho Má tôi đọc, viết, và mang báo về cho Má tôi tập đọc, và dạy Má làm toán thật nhanh nữa. Nhờ Ba tôi dạy học, mà sau này Má tôi thi vào làm thư ký ở Hải quân Công Xưởng sau khi Ba tôi mất, rồi dần dà thi được cả bằng kế toán, làm cho ban Tiếp liệu. 

Hai năm trước khi Má tôi mất, với sự khần khoản, cổ động  của tôi, người có viết lại một hồi ký về những ngày Ba Má còn trẻ, với bối cảnh lịch sử VN trong buổi giao thời, rất  sống động, ly kỳ, và chất chứa bao kỷ niệm không thể tưởng tượng nổi đã xảy ra trong đời hai đấng sinh thành của tôi.  Và dù không đọc “Tứ Thư Ngũ Kinh” hay triết học cao siêu nào, hoặc được đọc những sách dạy làm người, Má tôi đã, rất đỗi tự nhiên, sống trọn vẹn một cuộc đời trong sáng, cao vời, ăm ắp lòng nhân, dũng cảm, trung thành, chân chất và mẫu mực nhất mà tôi được biết đến.Report this ad

Má tôi, và cả Ba tôi nữa, đã sống và phấn đấu không ngừng với trọn tấm lòng, trong tình thương yêu  gia đình, xóm làng và quê hương miên viễn. Bằng chính đời sống mình, dù không rao giảng, hay răn đe chi chúng tôi, Má tôi từng ngày thể hiện  bài học rất thật về tình thương người, thương vật, lòng hiếu thảo, khiêm cung và đức tính trung kiên, thành thực cần thiết trong mọi sinh hoạt, giao tiếp bên ngoài.  Má tôi chính là biểu tượng của những gì thánh thiện, tốt đẹp, hiền dịu, khoan dung, thành thực và trong sáng nhất trong đời. Ai gặp Má cũng thương, cũng nhắc đến nét mặt hiền hoà, chân thành, dịu dàng, thanh thoát của người.

Khoảng năm 1982,  lúc còn đang hăng say sinh hoạt với GĐPT Phật Tử Lâm Tỳ Ni, tôi tài lanh hỏi mượn “đồ tuồng” để trình diễn văn nghệ mừng Phật Đản Sinh cho chuà. Xong buổi lễ, tôi đem trả. Vừa ra xe, tôi  bị một người Mỹ đen chạy đến bịt miệng, xô tôi té xuống đất và giựt bóp, bỏ chạy mất. Tôi không bị thương tích, trầy trụa gì hết, tuy trong lúc cố sức chạy, và không để bị bịt miệng, tôi làm rơi cặp mắt kính, một tròng kính bị bể. Sau khi về nhà, tôi kể chuyện và ấm ức nói: “Tay thằng Mỹ đen đó bịt miệng con hôi quá chừng luôn, con tức quá!”. Má tôi từ tốn nói: “Thôi kệ con à, cũng may là con không bị gì hết, của đi thay người. Đáng lẽ mấy người cho con mượn đồ phải đi với con ra xe, vì ban đêm, nơi không mấy an toàn, mà con lại nhỏ con, chút xíu hà. Còn đứa mà ăn cướp vậy thì sẽ bị tội, nhưng cũng có thể là vì con mắc nợ nó kiếp trước, giờ phải trả thôi! Mà nhiều khi nó đói quá nên cướp cạn, làm bậy, chứ nếu có của ăn của để, chắc nó không ăn cướp chi cho mệt. Giống người nào thì cũng có người tốt kẻ xấu, không phải chỉ Mỹ đen không đâu nghe con”. Má tôi nói dịu dàng, chứ không cay đắng, hằn học, nhất là không lớn tiếng thoá mạ “thằng Mỹ đen”, khiến tôi tỉnh ngộ, nhận ra mình đã lỡ nói bằng cái giọng ngầm chút “kỳ thị”, hết sức vô duyên!

Ở Mỹ từ 1975, cho đến ngày qua đời, Má tôi không “tậu” cho mình bất cứ món gì. Có bao nhiêu tiền già, Má tôi gửi hết về cho bà con nghèo bên VN  một cách hoan hỷ vô cùng. Nghe bất cứ hội đoàn thiện nguyện nào kêu gọi đóng góp, cứu trợ nạn nhân bão lụt nước này, nước nọ, Má tôi cũng luôn gửi cho tụi tôi hết những gì Má tôi có được trong lúc ấy. Ở chung với vợ chồng em trai, thấy có người Mễ đến nhà làm vệ sinh, dọn dẹp,  Má cũng mang nước uống, thức ăn ra mời, như con cháu trong nhà, và hễ biết chuyện thiếu thốn của họ, Má tôi lại dấm dúi cho thêm, vì “thấy nó cực khổ, tội nghiệp quá”. 

Má tôi là thế đó. Người không có lòng khinh ghét ai vì khác màu da, chủng tộc, tiếng nói hay văn hoá. Đối với má tôi, ai cũng là người, ai cũng đáng được sống, được trân trọng. Má tôi đặc biệt tỏ lòng thương những đứa con lai, bất hạnh hay bị tật nguyền, côi cút. Có lẽ vì bị mất mát, cực khổ quá nhiều trong đời nên Má tôi nhìn đời với đôi mắt đầy cảm thông, ngập tràn thương mến cho người gặp nhiều khốn khó. 

Đưa Má đi chùa năm 2012
Report this ad

Vu Lan về, tôi nhớ và thèm làm sao được kêu ” Má ơi”. Tôi tiếc thương làm sao ánh mắt hiền từ, dáng đi nhẹ nhàng chậm rãi và cung cách an nhiên tự tại của Má tôi, nhất là  vào những năm cuối đời người. Tất cả những gì tôi có được hôm nay, đều là nhờ ở tình thương yêu, hy sinh vô bờ bến của Má tôi. Ơn nghĩa sinh thành này không biết đến kiếp nào tôi mới trả được. Tôi đành an ủi, tự nguyện lòng rằng phải sống sao cho nếu Ba và Má tôi còn sống, sẽ cười tươi, và nói:”ờ, làm vậy được đó con”. Lời khen rất mộc mạc, đơn sơ, nhưng thật ấm lòng….

Cõi Tịnh Má về mây trắng bong
nơi đây con gửi chút hương lòng
trọn niềm yêu kính không phai nhạt
giữ lại niềm tin giữa có không…

Minh Phượng

Mùa Vu Lan 2020
https://pvo369.wordpress.com/

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn