Trà Đạo Nhật Bản: Thiền, thiên nhiên, nghệ thuật - con đường khai mở Đạo tâm

Thứ Hai, 24 Tháng Tám 20208:00 SA(Xem: 4547)
Trà Đạo Nhật Bản: Thiền, thiên nhiên, nghệ thuật - con đường khai mở Đạo tâm

Trà Đạo chính là đạo thưởng thức vẻ đẹp khi uống trà, cũng được coi là một nghệ thuật sống trong việc pha trà, thưởng trà, như một loại lễ nghi cuộc sống dùng trà làm phương thức sống và để tu thân. (Wikipedia)

Nhẹ hòa bốn biển với ngàn sông,
Tươi tốt ngàn năm bốn mùa hương.
Ngoài cửa gió mây tùy nóng lạnh,
Ấm trà bạn hữu vẫn tỏa hương.

Trà Đạo là một nghệ thuật cổ xưa, kết tinh văn hóa truyền thống độc đáo của Nhật Bản. "Mục đích của trà Đạo chính là thực hiện tịnh thổ thanh tịnh trong nhà tranh, trà thất, sáng tạo ra một xã hội lý tưởng". (Kinh điển trà Đạo là Nam Phương Lục)

Trà Đạo chính là đạo thưởng thức vẻ đẹp khi uống trà, cũng được coi là một nghệ thuật sống trong việc pha trà, thưởng trà, như một loại lễ nghi cuộc sống dùng trà làm phương thức sống và để tu thân. Thông qua việc pha trà, thưởng trà, ngửi trà, uống trà, có thể khiến tình bằng hữu thêm gắn bó đậm đà, dưỡng tâm tu đức, học tập lễ phép, lĩnh hội mỹ đức truyền thống. Đó là một loại nghi thức truyền thống tốt đẹp an hòa và rất hữu ích. 

Uống trà có thể tĩnh tâm, an thần, nuôi dưỡng tình cảm tiết tháo, trừ bỏ tạp niệm. Tinh thần trà Đạo là trung tâm của văn hóa trà. Trà Đạo được ca ngợi là hóa thân của Đạo gia. Văn hóa trà Đạo khởi nguồn từ Trung Quốc, đến thời Nam Tống thì truyền vào Nhật Bản, phát triển thành trà Đạo Nhật Bản. Ngày nay, văn hóa trà Đạo vẫn rất thịnh hành ở Nhật.

Trà Đạo chính là Đạo thưởng thức vẻ đẹp của trà.
Trà Đạo chính là Đạo thưởng thức vẻ đẹp của trà. (Pixabay)

Sau khi truyền vào Nhật Bản, văn hóa trà trải qua sự nỗ lực nghiên cứu, cách tân và sáng tạo không ngừng của ‘trà nhân’ các thời đại, khiến hoạt động uống trà đơn giản thường nhật thăng hoa thành nghệ thuật thưởng trà có vẻ đẹp hình thức và vẻ đẹp nội tại rất cao này. Trà Đạo Nhật Bản là hình thức văn hóa có giá trị thẩm mỹ độc đáo được thai nghén và hình thành từ văn hóa thiền tông Nhật Bản. Nội dung của trà Đạo Nhật Bản cực kỳ phong phú, bao gồm nghệ thuật, tôn giáo, triết học, thể hiện ý thức thẩm mỹ độc đáo của người Nhật.

Vẻ đẹp tự nhiên của con người và trà hợp nhất

Trà Đạo Nhật Bản ra đời do ảnh hưởng của văn hóa Thiền tông. Năm 1259, Chiêu Minh đến chùa Kính Sơn, núi Thiên Mục ở Trung Quốc để bái sư học Phật. Sau khi học thành, ông trở về Nhật Bản đem theo bộ đồ trà, trà và phương thức, phương pháp uống trà, sau đó được truyền bá rộng rãi. 

Đến thời kỳ văn hóa Higashiyama (Đông Sơn), thiền sư Murata Jukō (Thôn Điền Châu Quang) đã sáng tạo ra phương thức pha trà Thảo am, đưa quan điểm thẩm mỹ thanh đạm, đơn giản, thuần phác ứng dụng vào trong lễ nghi thưởng trà.

Đến thế kỷ 16, đại gia Trà Đạo Nhật Bản là Sen No Rikyū (Thiên Lợi Hưu) đã đã hoàn thiện thêm một bước, đưa cảnh quan thiên nhiên say đắm lòng người vào trong thiết kế đình viện, dùng phương thức tối giản, chất phác như vài viên đá, một đóa hoa trà, một cọng cỏ cô đọng vào trong trà thất nhỏ, làm tăng cảm thụ về thiên nhiên trong khi thưởng trà. Cấu tạo bên trong và bên ngoài của trà thất kiểu Thảo am của Sen No Rikyu thể hiện vẻ đẹp "bất đối xứng", tự nhiên, chất phác, màu sắc trang nhã, khiến người ta cảm nhận sự bình an và trang nhã của thiên nhiên.

Nói về trà Đạo Nhật Bản thì phải đề cập đến trà thất. Trà thất giản đơn thuần khiết và trà cụ bên trong đều mô phỏng thiền viện, những vật liệu kiến trúc cũng có ý đem lại ấn tượng thanh khiết và trở về với thiên nhiên.

Mỗi chi tiết, mỗi vật liệu đều có sự chọn lựa kỹ càng. Các trà nhân dùng sự độc đáo tỉ mỉ giống như nghệ thuật gia chế tác tác phẩm mỹ nghệ, tìm cầu sự tinh tế và ngụ ý sâu xa, thể hiện lý tưởng truy cầu nghệ thuật của trà nhân.

Trong toàn bộ nghi thức thưởng trà thì điều được sùng chuộng nhất là sự bình đẳng. Nghi thức thưởng trà là sự truy cầu không khí nghệ thuật. Ngoài tiếng nước reo trong ấm ra thì không có bất kỳ một âm thanh nào khác. Màu sắc của trà thất mềm mại bình hòa, cho dù là ban ngày thì trong trà thất vẫn có vẻ u tĩnh. Khách thưởng trà cũng để tâm lựa chọn những trang phục nền nã, không sáng rực rỡ. Tất cả những điều này tạo thành một bức tranh thủy mặc nhẹ nhàng, khiến trà nhân có thể thưởng thức đầy đủ vẻ cổ phác và thuần chân. Chủ nhân với tâm thành kính, tạo thành nét sinh động cho bức tranh thủy mặc này, thể hiện niềm trân quý, sùng bái thiên nhiên..

Uống trà không chỉ là một loại tiêu khiển mang đậm ý thơ, mà còn là một phương thức thực hiện tự ngã. Mỗi cá nhân đều có thể là nhà thưởng thức, giám định tác phẩm nghệ thuật, và có thể là bản thân tác phẩm nghệ thuật. Tất cả hứng thú là ở quá trình chứ không phải ở kết quả, sức sống chân thực chính là quá trình hoàn thành chứ không phải sự hoàn thành.

Uống trà không chỉ là một loại tiêu khiển mang đậm ý thơ, mà còn là một phương thức thực hiện tự ngã. Mỗi cá nhân đều có thể là nhà thưởng thức, giám định tác phẩm nghệ thuật, và có thể là bản thân tác phẩm nghệ thuật.
Uống trà không chỉ là một loại tiêu khiển mang đậm ý thơ, mà còn là một phương thức thực hiện tự ngã. Mỗi cá nhân đều có thể là nhà thưởng thức, giám định tác phẩm nghệ thuật, và có thể là bản thân tác phẩm nghệ thuật. (PhotoAC)

Người nắm bắt được nghệ thuật sống thì có thể thưởng thức được cái đẹp tự nhiên này, cuộc sống thế tục có thể phát hiện ra vẻ đẹp tinh tế cao độ, những lý tưởng thẩm mỹ này được thực hiện trong trà Đạo. Trà Đạo là nghi thức dựa trên cơ sở sùng bái cái đẹp của tục sự trong đời sống thế tục hàng ngày. 

Thưởng trà có thể siêu vượt hạn cuộc tự ngã, khiến con người có thể dùng thái độ rộng mở thoáng đạt và thuận ứng để đối đãi với vận mệnh cuộc đời, từ trong trạng thái thuần phác, bình hòa và quán tưởng mà siêu xuất ra khỏi phàm tục. Trong trà Đạo có thể thể nghiệm được cảnh giới nghệ thuật: Con người và Trà hợp nhất, từ đó cũng có thể thấy được khiếu thẩm mỹ gần gũi với thiên nhiên của người Nhật. 

Trong trà Đạo có thể thể nghiệm được cảnh giới nghệ thuật Con người và Trà hợp nhất, từ đó cũng có thể thấy được khiếu thẩm mỹ gần gũi với thiên nhiên của người Nhật.
Trong trà Đạo có thể thể nghiệm được cảnh giới nghệ thuật Con người và Trà hợp nhất, từ đó cũng có thể thấy được khiếu thẩm mỹ gần gũi với thiên nhiên của người Nhật. (Wikipedia)

Vẻ đẹp của ý cảnh "Hòa, Kính, Thanh, Tịch"

Trà Đạo Nhật Bản tiêu biểu cho văn hóa truyền thống dân tộc Nhật Bản, tập hợp kiến trúc, đình viên, công nghệ kiểu Nhật hợp thành nhất thể, thể hiện thế giới tinh thần của người Nhật.

Người khai sáng trà Đạo - Murata Jukō, đã đề ra 4 nguyên lý "Cẩn, Kính, Thanh, Tịch", đã đưa tư tưởng thiền tông vào trong trà Đạo, tạo căn cứ lý luận cho trà Đạo. Tập đại thành của trà Đạo Nhật Bản - Sen No Rikyū, đã đưa trà Đạo lên cảnh giới nghệ thuật, và thay đổi một chữ, thành "Hòa, Kính, Thanh, Tịch", đã trở thành chuẩn mực của trà nhân Nhật Bản trong hơn 400 năm nay, đồng thời trở thành tinh thần căn bản của trà Đạo.

Người khai sáng trà Đạo - Murata Jukō (Wikipedia)
Người khai sáng trà Đạo - Murata Jukō (Wikipedia)

Sen No Rikyū đã sáng tạo ra hệ thống nghệ thuật hoàn chỉnh về mỹ học của Nhật Bản. Trà Đạo Nhật Bản là một quy phạm lễ nghi lấy việc uống trà là biện pháp. Đặc sắc cơ bản của nó điềm tĩnh và chất phác, trong bận bịu trăm công ngàn việc vẫn dành ra giây phút nhàn nhã, để đạt được cảnh giới tinh thần Hòa - Kính - Thanh - Tịch.

Hòa tức là hài hòa, là vạn vật tự nhiên cần phải ở trong trạng thái hài hòa. Hài hòa có thể biểu đạt trong tinh thần chi phối quá trình thực hành trà Đạo.

Không khí trong trà thất yêu cầu xung quanh phải sáng tạo ra cái Hòa trong sự hài hòa đó. Ở đó có thể cảm thụ được sự hòa hợp giữa người với người, sự hài hòa giữa người và tự nhiên, thể nghiệm được vẻ đẹp ý cảnh độc đáo.

Kính tức là tâm linh thành thật, tôn kính bề trên, yêu thương bằng hữu và kẻ dưới, và sự tôn kính, thân ái lẫn nhau giữa chủ và khách. Trà Đạo hấp thu quan niệm "Tâm Phật bình đẳng" trong thiền tông, và thăng hoa, cô đọng lại, hình thành khái niệm tình cảm "Kính".

Thanh là một yếu tố quan trọng khác của tinh thần trà Đạo, có thể nói là cống hiến độc đáo của tâm hồn người Nhật. Trong trà Đạo yêu cầu trà cụ, môi trường đều phải thanh khiết sạch tinh. Tâm phải thanh tịnh, không được có tạp niệm, dùng cái tâm thuần khiết để thực hiện trà sự.

Kinh điển trà Đạo là Nam Phương Lục có viết: "Mục đích của trà Đạo chính là thực hiện tịnh thổ thanh tịnh trong nhà tranh, trà thất, sáng tạo ra một xã hội lý tưởng". 

Tịch là một yếu tố quan trong trong 4 nguyên lý của trà Đạo, cũng là cảnh giới cuối cùng mà trà Đạo theo đuổi, không có nó thì trà Đạo không có ý nghĩa. Tịch chính là "tĩnh tịch", "nhàn tịch", có nghĩa là sau khi trà nhân hoàn thành phủ định các sự vật "hữu sắc", thì sẽ tiến vào thế giới "không". "Không" là cội nguồn và điểm khởi đầu của sáng tác nghệ thuật. Sau khi trà nhân phủ định hết thảy giá trị thẩm mỹ cố hữu, buông bỏ hết thảy những trói buộc tư tưởng, thì một hình thức biểu hiện nghệ thuật mới sẽ ứng vận sinh ra.

Hòa - Kính - Thanh - Tịch có thể nói là tổng hòa và khái quát tinh tế của tư tưởng trà Đạo. Từ 4 chữ này, chúng ta có thể sơ bộ thấy được nội hàm tinh thần của trà Đạo, từ đó thể nghiệm được quan niệm thẩm mỹ mà người Nhật tôn sùng. Cùng với sự phát triển của thời đại, tinh thần của trà Đạo vẫn không biến đổi, nghi thức giản đơn, bày biện chất phác, không gian u tĩnh, trà sự được triển khai trong môi trường như thế này. Khi tiến hành trà sự, trong tâm trà nhân sẽ sinh ra một cảnh giới đẹp là "không tịch" và "u huyền", thân trong cảnh giới đó sẽ thể nghiệm càng sâu sắc cái đẹp của ý cảnh này.

Trà - Thiền nhất vị: Phật Pháp ở trong chén trà

Việc hoàng đế Nhật phái các tăng nhân đến nhà Đường đã tăng cường giao lưu văn hóa giữa hai vùng đất, trà và phương pháp uống trà bắt đầu được truyền vào Nhật Bản. Năm 805, tăng nhân du học ở nhà Đường là Saichō (Tối Trừng) trở về Nhật Bản, đem theo giống trà và trồng phía Bắc chùa Enryakuji (Diên Lịch) trên núi Hiei (Tỷ Duệ) ở Kyoto, sau đó ở đây hình thành trà viên lâu đời nhất Nhật Bản: Trà viên Hiyoshi (Nhật Cát)

Việc hoàng đế Nhật phái các tăng nhân đến nhà Đường đã tăng cường giao lưu văn hóa giữa hai vùng đất, trà và phương pháp uống trà bắt đầu được truyền vào Nhật Bản (Wikipedia)
Việc hoàng đế Nhật phái các tăng nhân đến nhà Đường đã tăng cường giao lưu văn hóa giữa hai vùng đất, trà và phương pháp uống trà bắt đầu được truyền vào Nhật Bản (Wikipedia)

Bản chất của trà Đạo là từ những việc nhỏ nhặt vặt vãnh không đáng kể trong đời sống thường nhật, cảm thụ sự bí ẩn của vũ trụ và triết lý nhân sinh, vì vậy mỹ học của trà Đạo Nhật Bản là thể hiện thiền học, trà Đạo Nhật Bản chính là tôn giáo của mỹ học. Trà Đạo Nhật Bản do tăng lữ đưa vào nên kết mối duyên bền chặt với Phật giáo, khiến trà và thiền dung hợp, quán thông, đạt đến cảnh giới Trà - Thiền nhất vị.

Đại trà nhân Murata Jukō, người sáng lập "thảo am trà thang" (trà nhà tranh) trước đại sư trà Đạo Sen No Rikyū, đã từng tham thiền và thụ "thiền chỉ ấn khả" (ấn tín thiền). Murata Jukō nhận được từ cao tăng Nhật Bản là Ikkyu Sojun (Nhất Hưu Tông Thuần) một tờ "mặc tích" của thiền sư nổi tiếng đời Tống là Viên Ngộ Khắc Cần. Mặc tích này là bảo vật của giới trà Đạo và có mối quan hệ mật thiết với Trà - Thiền nhất vị. Sau này nó trở thành tiêu chí sớm nhất của sự kết hợp giữa trà với thiền. Murata Jukō cũng do đó mà ngộ ra đạo lý "Phật Pháp ở trong chén trà".

Murata Jukō cũng do đó mà ngộ ra đạo lý "Phật Pháp ở trong chén trà"
Murata Jukō cũng do đó mà ngộ ra đạo lý "Phật Pháp ở trong chén trà". (Pixabay)

Trà Đạo là con đường nhân sinh từ trà tới tâm, rồi lại từ tâm tới trà. Nội hàm của thiền trong trà Đạo là ở chỗ thông qua những quy tắc nhỏ nhặt để ma luyện nhân tâm. Khi những quy tắc này không khiến người uống trà chán ngán, khi người uống trà tiện tay làm mà phù hợp với phép tắc của trà Đạo, như thế mới có thể lĩnh hội được ý nghĩa đích thực của trà, mới có thể thưởng thức được một chén trà ngon, cuối cùng đạt đến cảnh giới Trà - Thiền nhất vị. 

Những phép tắc của trà Đạo phức tạp mà thuần thục là để con người siêu vượt ra ngoài vật. Nước trà đặc đắng như thuốc chính là cuộc đời: khổ trước ngọt sau. Cắm hoa độc đáo hiển thị sức sống bất tận của nhân loại đằng sau sinh mệnh hữu hạn. Trà Đạo Nhật Bản là dùng nghi thức để giảng cho mọi người tư tưởng của thiền, giống như tham thiền cần đốn ngộ, trong đó hàm chứa những kinh nghiệm nhân sinh, người uống trà cần dùng thời gian tốt đẹp của sinh mệnh để lĩnh ngộ.

Trà - Thiền nhất vị.
Trà - Thiền nhất vị. (Pixabay)

Trong lịch sử trà Đạo, có không ít người danh tiếng lớn, vì cầu Đạo của tâm mà bỏ ra thời gian của cả cuộc đời. Trà Đạo chính là được tạo dựng trên cơ sở ngăn cách với thế tục, do đó nó rất tự nhiên theo đuổi cảnh giới tinh thần độc đáo, làm mục tiêu phấn đấu của bản thân, gọi là "cầu Đạo tính". Mọi người thông qua phát hiện cái đẹp trong sự nhàn tịch, ưu nhã để nắm bắt quan niệm Trà - Thiền nhất vị, nhận thức tinh thần của bản thân trà Đạo. Trong cuộc sống hiện thực, "trà tâm" mà mọi người nỗ lực theo đuổi chính là sự trùng hợp và cảm ngộ của cái tâm cầu Đạo và cái tâm vui chơi. Đưa tinh thần Trà - Thiền nhất vị quán thông vào trong việc uống trà, hợp nhất các phương thức uống trà thịnh hành đương thời là lễ nghi trà ở thiền viện, trà bình dân Nara và trà thư viện của giới quý tộc, rồi đưa tinh thần thiền vào trong đó, đồng thời căn cứ vào tinh thần thiền này mà tiến hành cải lương đối với trà thất và trà cụ, khiến trà tiến vào cảnh giới Đạo, khiến văn hóa trà Đạo tỏa sáng rực rỡ.

Trà Đạo đóng vai trò quan trọng trong đời sống nghệ thuật của người Nhật. Trong trà sự, họ đưa đủ các cách làm giàu tính nghệ thuật vào, từ đó hình thành một học vấn nghệ thuật, thế nên trong trà Đạo hàm chứa đặc trưng nghệ thuật vô cùng phong phú, có ý nghĩa khá trọng yếu trong việc nâng cao tình cảm, tiết tháo và tu dưỡng tinh thần con người. Là kết tinh văn hóa độc đáo của Nhật Bản, Trà Đạo có ý nghĩa lớn trong việc tìm hiểu một nghệ thuật cổ xưa có tính tổng hợp nhiều phương diện thể hiện văn hóa truyền thống đặc sắc của xã hội Nhật Bản.

Hoàng Mai
Theo SOH

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn