Bảo hoàng hơn vua

Thứ Bảy, 06 Tháng Sáu 20204:00 CH(Xem: 4208)
Bảo hoàng hơn vua

Nguyễn Thọ

6-6-2020

Tôi quen một số người rất kiên định tư tưởng. Những vấn nạn mà báo đài và cả lãnh đạo VN cùng lớn tiếng kêu ca, như nạn tham nhũng, nạn thoái hóa đạo đức, họ vẫn tìm cách bênh vực. Họ nói:

– Tham nhũng thì đâu chả có. Ông không nghe vụ A ở Đức, vụ B ở Ý à?

– Làm chính trị ai chả phải thế.

Họ bảo hoàng hơn vua. Gặp ý kiến phê phán vua thì họ lại càng phản ứng quyết liệt. Tôi biết vậy nên không hơi đâu mà tranh luận với họ nữa.

Xung quanh làn sóng biểu tình ở Mỹ liên quan đến cái chết của anh da đen Georg Floyd, nhiều người khác cũng lộ ra căn bệnh “Bảo hoàng hơn vua”.

Khi bản giám định y khoa lần thứ nhất cho là Georg Floyd chết vì trụy tim mạch, nhiều người đã reo mừng như chính họ được giải phóng. Họ chạy tội cho kẻ sát nhân bằng cách đua nhau phát tán thông tin về việc Georg Floyd là kẻ tội phạm đầy tiền án, đáng chết. Nhưng chính ông Trump thì lại thay mặt cả Mỹ nước chia buồn thống thiết với gia đình Floyd. Trump ca ngợi gia đình anh là những người tuyệt vời. (I want to express our nation’s deepest condolences and most heartfelt sympathies to the family of George Floyd… I spoke to members of the family — terrific people).

Hôm qua đám tang của Georg Flyod được đưa tin trên toàn thế giới. Lần đầu tiên trong lịch sử có một lễ mặc niệm kéo dài 8 phút 46 giây, đúng bằng thời gian cái đầu gối của kẻ sát nhân Derek Chauvin đè lên gáy Georg Floyd.

Người văn minh không nhìn vào lý lịch của nạn nhân để phán xét, mà nhìn vào thực trạng. Tám phút 46 giây đè lên cổ người da đen xấu số là một thực trạng. Nhà đấu tranh nhân quyền Al Sharpton đã đọc điếu văn với câu nói nổi tiếng:

– Hãy bỏ đầu gối của các người khỏi cổ chúng tôi!

Nhiều người Việt đáp lại rằng:

– Từ lâu nước Mỹ đã giải phóng rất tốt cho người da đen rồi. Nhưng dân da đen lười biếng nên mới luôn chịu lạc hậu.

– Cuộc đấu tranh chống phân biệt chủng tộc là do cộng sản và thiên tả thổ tả giật dây.

Nhưng từ hôm 01.06 đến nay lần lượt cả bốn vị tổng thống Mỹ còn sống: Jimmy Carter, Bill Clinton, Barak Obama và cả George W Bush, một tổng thống bảo thủ của đảng Cộng hòa, đều lên tiếng. Họ coi vấn đề phân biệt chủng tộc là một vấn nạn của nước Mỹ và bày tỏ thiện cảm với người biểu tình.

Đô đốc Mike Mullen, cựu tổng tham mưu trướng liên quân Mỹ cũng phản đối việc lạm dụng bạo lực để dẹp một cuộc biểu tình ôn hòa trước của Nhà Trắng chỉ vì một cuộc chụp ảnh của Trump.

Vị tướng già từng trải phải thốt lên: Tôi không thể yên lặng… Là người da trắng, tôi không dám chắc là mình có thể thấu hiểu nỗi giận dữ và sự sợ hãi của người Mỹ gốc Phi. Nhưng là người đã sống lâu đời ở đây, tôi biết đủ, và nhìn quá đủ để hiểu rằng, những cảm xúc đó là có thật và vô cùng đau đớn.

“I Cannot Remain Silent… As a white man, I cannot claim perfect understanding of the fear and anger that African Americans feel today. But as someone who has been around for a while, I know enough—and I’ve seen enough—to understand that those feelings are real and that they are all too painfully founded”.

Phân biệt chủng tộc là một căn bệnh lịch sử của nước Mỹ. Tổng thống nào cũng vấp phải những đợt đấu tranh hoặc bạo động về chủng tộc. Nhưng cách hành xử thì khác nhau.

Khi tổng thống Trump đe dọa dùng quân đội để dẹp biểu tình hôm 01.06, ông ta chắc đã biết giới hạn của mình. Xung quanh ông là nhiều luật gia có sạn.

Những người Việt bảo hoàng hơn vua thì không cần biết hậu quả của biện pháp đó trong nền dân chủ Mỹ. Nhiều người cổ vũ và bênh vực việc đưa quân đội vào hoạt động nội chính. Họ sẽ vui mừng nếu như súng nổ ở Mỹ.

Bản thân giới quân sự Mỹ thì khác. Ngày 3.6.2020 Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Mark Esper không đồng ý việc dùng quân đội để xử lý các vấn đề trong nước.

Ngay sau đó người ta mới biết rằng, từ ngày hôm trước, 02.06.2020, Mark Milley, đương kim Tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ đã viết công điện cho toàn bộ tham mưu trưởng các binh chủng, đề nghị mọi cấp tuyệt đối trung thành với hiến pháp. Ông chỉ thị cho lực lượng vệ binh quốc gia chỉ hành động theo lệnh của các thống đốc bang.

H1-3
Bản ghi nhớ của tướng Milley được ông viết tay thêm, nhắc nhở các cấp binh sỹ phải trung thành với lời thề bảo vệ nhân dân Mỹ. Ảnh: internet

Ông tướng không quân Joseph Lengyel, tư lệnh Vệ binh quốc gia viết ngay thông điệp lên án chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, kêu gọi binh sỹ trung thành với hiến pháp. Kèm theo tweet đó là công điện của cấp trên Mark Milley.

Một viên tướng mà cả hai phe Cộng Hòa và Dân Chủ đều kính nể là James Mattis, cựu bộ trưởng quốc phòng (2017-2019) thì lập tức lên tiếng phản đối Trump chia rẽ nước Mỹ.

Dù khó chịu, Trump đã biết hơi thở của quân đội. Ông ta cũng đã nhìn thấy các cuộc biểu tình ở Châu Âu và Canada đoàn kết với phong trào chống phân biệt chủng tộc.

Dù có được cuộc biểu tình trên mạng Việt ngữ khích lệ, Trump sẽ không dại gì đi theo những lời khuyên bảo hoàng hơn vua này.

Ông ta chỉ có thể bảo hoàng bằng vua, vì ở Mỹ vua cũng phải được bầu vào tháng 11 tới.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn