Xã hội sa đọa – Trích hồi ký Nguyễn Hiến Lê

Thứ Sáu, 05 Tháng Sáu 20208:02 SA(Xem: 5397)
Xã hội sa đọa – Trích hồi ký Nguyễn Hiến Lê

Điều đáng ngại nhất là sa đọa về tinh thần, tới mất nhân phẩm.

Ở tỉnh nào cũng có một số cán bộ tham nhũng cấu kết với nhau thành một tổ chức ăn đút ăn lót một cách trắng trợn, không cần phải lén lút. Có giá biểu đàng hoàng: xin vô hộ khẩu một thành phố lớn thì bao nhiêu tiền, một thị xã nhỏ thì bao nhiêu, một ấp thì bao nhiêu. Muốn mua một vé máy bay, vé xe lửa thì bao nhiêu. Muốn được một chân công nhân viên, phải nộp bao nhiêu… Cái tệ đó còn lớn hơn thời trước.

Nếu một cán bộ nào bị dân tố cáo nhiều quá thì người ta cũng điều tra, đưa cán bộ đó tới một cơ quan khác (có khi còn dễ kiếm ăn hơn cơ quan cũ), đem người khác (cũng tham nhũng nữa) lại thay. Ít tháng sau dân chúng nguôi ngoai rồi, người ta lại đưa kẻ có tội về chỗ cũ. Người ta bênh vực nhau (cũng là đảng viên cả mà) vì ăn chịu với nhau rồi. Dân thấy vậy, chán, không phí sức tố cáo nữa. Có người bảo: “Chống chúng làm gì? Nên khuyến khích chúng sa đọa thêm chứ để chúng mau sụp đổ”.

Có những ông trưởng ti mỗi ngày một ve Whisky (tôi không biết giá mấy trăm đồng), hút hai ba gói thuốc thơm 555 (30 đồng một gói). Bọn đàn em của họ cũng hút thuốc thơm, điểm tâm một tô phở 6 đồng, một li cà phê sữa 4 đồng, sáng nào cũng như sáng nấy mà lương chỉ có 60-70 đồng một tháng.

Như vậy thì tất phải có những vụ ăn cắp của công (Kho một trung tâm điện lực nọ cứ bốn năm tháng lại mất trộm một lần mà không tra ra thủ phạm; rất nhiều bồn xăng bị rút cả ngàn lít xăng rồi thay bằng nước…), thụt két, ôm vàng trong ngân hàng để vượt biên, có khi tạo ra những vụ kho bị cướp, bị cháy, v.v… Y tá ăn bớt thuốc của bệnh nhân rồi tố cáo lẫn nhau, giám đốc biết mà không làm gì được. Lớn ăn cắp lớn, nhỏ ăn cắp nhỏ. Ăn cắp nhỏ thì chỉ bị đuổi chớ không bị tội, vì “họ nghèo nên phải ăn cắp”, mà nhốt khám họ thì chỉ tốn gạo nuôi. Vì vậy chúng càng hoành hành, ăn cắp, ăn cướp giữa chợ, cảnh sát làm lơ, còn dân chúng thì không dám la, sợ bọn chúng hành hung. Ăn cắp lớn, không thể ỉm được thì phải điều tra, bắt giam ít lâu, rồi nhân một lễ lớn nào đó, ân xá; không xin ân xá cho họ được thì đồng đảng tổ chức cho vượt ngục rồi cùng với gia đình vượt biên yên ổn.

Nạn “phe phẩy” (buôn lậu, làm chợ đen) còn bành trướng hơn nữa. Có thể nói một phần ba dân miền Nam (ở Bắc chắc ít hơn) làm nghề đó. Họ móc nối với những nhân viên kiểm soát, với giới xe đò; và cứ năm chuyến bị tịch thu một chuyến thì họ vẫn còn sống được. Chỉ có nghề đó là đủ ăn, đôi khi phè phỡn nữa, còn làm nghề gì khác cũng sạt nghiệp. Bọn “lơ xe” bán vé cho bọn buôn lậu đó, giấu hàng cho họ, kiếm mỗi ngày được 200 đồng, bằng lương tháng một bộ trưởng. Dĩ nhiên họ cũng phải chia một phần cho công an, kiểm soát viên. Họ hút toàn thuốc thơm, uống toàn cà phê fin (filtre: lọc), ăn một tô phở 6 đồng (giá 1980), bận toàn đồ Mĩ. Người ta gọi họ là các “ông lơ”. Một đứa cháu của tôi học lớp 9, vào hạng tiên tiến, thấy họ sống sung sướng như vậy, muốn bỏ học để học làm lơ xe, cũng bắt đầu hút thuốc lá, uống cà phê rồi.

Ngoài Bắc không có gạo ăn mà miền Tây trong Nam làng nào cũng cả chục lò -nghe nói có làng cả 100 lò- nấu rượu lậu để đưa lên Cao Miên và tiêu thụ ngay trong miền. Người ta pha vào trong rượu một chất hóa học gì đó -thuốc trừ sâu- cho nồng độ của rượu cao; uống rất có hại.

Người ta nói đã có những vụ buôn lậu thuốc phiện; nếu có thì cũng nhỏ thôi, kém xa thời Mĩ, Thiệu. Nhưng đồ lậu như vải, thuốc thơm, thuốc tây… thì khoảng một năm nay lan tràn thị trường: tàu Thái Lan đậu ngoài khơi, ghe tàu của mình từ bờ băng ra, đưa vàng ra đổi các thứ đó, cả đồng hồ điện tử từ Singapore hay Nhật Bản nữa.

Lại thêm dọc biên giới Việt – Miên, Miên – Thái có nhiều đường buôn lậu từ Thái qua Miên rồi qua Việt. Không biết vàng Việt Nam mỗi năm chạy ra nước ngoài bao nhiêu.

Có đồ lậu thì luôn luôn có đồ giả. Bọn tàu Chợ lớn cái gì cũng làm giả được, từ rượu tới thuốc hút, dầu thơm… nhiều nhất là dược phẩm Tây phương, vì thứ này vừa hiếm vừa đắt. Một bác sĩ khuyên tôi đừng mua Ampicilline, B12, Vitamine C (chích), Syncortyl ở chợ trời. Chị hốt rác trong khu tôi ở mỗi buổi sáng thấy trong thùng rác một bọc lớn đầy ống Vitamine C để chích. Có tới 200 ống, mỗi ống 2cc, mà chỉ bán cho người ta có 6 đồng. Chỉ khổ dân quê. Thế nào cũng có y sĩ, y tá chích cho họ thứ đó và chém 5 hay 3 đồng một mũi.

Nạn cờ bạc không công khai như trước, nhưng nạn “xổ số đuôi” thì công khai rồi; người ta bàn nhau nên đánh số nào, số nào ở ngay giữa chợ. Xưa mỗi tuần chỉ xổ số một lần, nay mỗi tuần bảy tám lần vì tỉnh nào cũng xổ số, tự trị mà! Người dân chỉ ngong ngóng chờ giờ xổ số để dò số mà bỏ bê công việc. Nhiều người sạt nghiệp, nhưng cũng có nhiều người nhờ đó kiếm được miếng ăn; thầy giáo hồi hưu, đại úy đi cải tạo về, ngồi bán giấy số ở chợ, kiếm được mươi đồng một ngày.

Nạn cho vay nặng lãi cũng kinh khủng. Một cán bộ giáo dục, đảng viên, cho bạn trong sở vay 100 đồng, mỗi tuần trả lời 20 đồng, tính ra mỗi năm 1.000 đồng, vốn được nhân lên gấp 10. Bạn hàng ở chợ không chơi hụi tháng như xưa nữa, mà chơi hụi tuần, hụi ngày!

Nạn đĩ điếm đã hết đâu. Ngay cuối năm 1975, một cán bộ cách mạng đã bảo các bạn kháng chiến ở bưng về mắc bệnh hoa liễu hết rồi; một số cán bộ rất nghiêm trang đạo mạo -có kẻ ngoài 70 tuổi- từ Hà nội vào, năn nỉ các bạn trong Nam chỉ chỗ cho họ hưởng thú mê li đó một lần cho biết mùi. Chỉ khác là bây giờ người ta làm nghề đó một cách không lộ liễu quá như trước. Họ rất thích sách khiêu dâm, các loại sách này loại truyện chưởng lan ra Bắc từ mấy năm nay rồi.

Tóm lại bao nhiêu xấu xa thời trước vẫn còn đủ mà có phần còn tởm hơn nữa.

Trích hồi ký Nguyễn Hiến Lê (Tập 3)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn