RỆP VÀ NGƯỜI

Thứ Tư, 20 Tháng Năm 202010:00 CH(Xem: 4312)
RỆP VÀ NGƯỜI

rep_giuong

RỆP VÀ NGƯỜI

Cho đến nay được biết có ít nhất chín loại côn trùng hút máu người và động vật (1) trong đó có bốn loại thường được nhắc đến. Chúng gồm đỉa ở trong nước, muỗi ở những nơi tối, ẩm thấp, bọ chét, chí và rận trong lông, tóc, và rệp ở nơi con người nằm ngủ. Trong bốn loại côn trùng hút máu có hại này, rệp là loại gây cho con người nhiều khó chịu nhất. Lý do là chúng phá giấc ngủ rất cần cho chúng ta, chưa kể rệp còn là phương tiện phân bố vi khuẩn gây bệnh ngoài da, và có khi cả bệnh dịch hạch. Hai là chúng ở trong nệm, trong các khe nhỏ của giường nằm, và cả trong chăn cùng màng, và ba là chúng có khả năng thích nghi với nhiều loại thuốc diệt trừ chúng,

Khoa học ngày nay chưa xác quyết rệp xuất hiện từ bao giờ trên mặt địa cầu. Vì rệp chỉ hút máu người mà không hút máu bất cứ loài động vật nào khác, ngoại trừ hút máu chúng nó với nhau, ta có thể tạm cho rằng rệp xuất hiện từ thời muỗi, mòng, đỉa, vắt, rồi bắt đầu ở chung với loài người vào đệ tứ thời đại thạch chất (quaternary) của địa cầu, tức là cách nay khoảng 1.8 triệu năm, thời mà một loài linh trưởng, (nonhuman primate) gần giống như loại vượn bonobo hiện nay, tiến đến giai đoạn tiến hóa thành con người tiền sử, bắt đầu dùng lửa và biết dọn chỗ ngủ trong hang để trở thành người Neanderthal và Cro-Magnon cách nay khoảng 40 ngàn năm. Đó là thời khởi sự thành hình của dãy núi Hi Mã Lap Sơn cũng như những ngọn núi lớn bên Âu Châu như núi Alpes, núi Pyrenée. Như vậy thì từ khởi điểm ước lượng đó cho đến thời đại chúng ta ngày nay, rệp với người đồng hành, như hình với bóng

Thật vậy, rệp là loại côn trùng có tiếng là khó bị tận diệt. Chúng di chuyển bằng cách bò và chạy. Toàn thể thân hình to không bằng nửa hạt gạo, khó nhìn thấy với mắt thường của một số người (2). Thân hình rệp chia làm ba phần gồm đầu hình tam giác, có vòi hút máu, hai mắt, và hai râu dài khoảng 1/4 thân mình. Kế là cổ liền với ức; mỗi bên ức có ba chân, cộng chung là sáu chân, mỗi chân có ba đoạn. Ngay sau ức là bụng. Ức và bụng của rệp hình bầu dục, gồm tám ngấn, có thể thun ra hay thục vào. Quan sát một con rệp khi nó đang hút máu người thì thấy sau khi ghim vòi hút vào lỗ chân lông của nạn nhân thì rệp thường nhỏng bụng thẳng đứng, thun giãn cho đến khi căng cứng đầy máu.

Mỗi lần hút máu đủ no, rệp có thể nằm im từ ba đến bốn ngày. Các nhà nghiên cứu về rệp cho biết rệp có thể nhịn đói lâu đến 550 ngày. Một cuộc thử nghiệm thực nghiệm cho ở Việt Nam năm 1980 thấy khi bị bỏ đói khoảng 2 tháng là rệp hết máu, thành xác ve, màu trắng như mica; nhưng chưa chết hẳn. Khi ngửi thấy có hơi người thì rệp tỉnh lại, hút máu và tiếp tục sống (3). Được như thế là nhờ khứu giác và cảm quan của chúng rất nhạy, chúng ngửi thấy hơi máu cũng như nhận được thân nhiệt của loài động vật máu nóng từ nơi xa có đến hơn trăm thước.

Một tài liệu về phát minh kỹ thuật cho biết các khoa học gia đã dùng rệp làm nguyên nhân báo động trong máy cảm quan (sensor) sử dụng trong cuộc chiến Việt Nam những năm 1960. Mỗi máy có một dây trời giống hình lá cỏ và một chuồng rất tí hon chứa rệp đói; chuồng này liền với một bộ phận phát tín hiệu. Khi ngửi thấy mùi máu, hay nhận được tín hiệu của thân nhiệt từ các loài động vật máu nóng trong vòng bán kính từ 50 đến 100 thước, rệp đói, bắt đầu bò đi kiếm ăn, gây tiếng động do chân chúng gây nên. Tiếng động này được khuếch đại rồi truyền đi đến nơi nhận để biết trong vùng đó có động vật đang đi ngang qua. Những thí nghiệm tiếp theo cho thấy khả năng cảm nhận của rệp còn giúp chúng xác vị mục tiêu khá đích xác để tấn công chớp nhoáng.

Tại nơi con người đang ngồi hay nằm ngủ, rệp có thể từ chiếu, ghế mây, nệm, khe giường đi lên rồi tiến thẳng đến mục tiêu. Có khi thì từ nơi trú ẩn bên dưới nóc màng, rệp buông thân rơi xuống. Để làm động tác này, chúng từ nơi trú ẩn thường ở bốn góc màng, bò ra phía giữa màng, xác định đúng vị trí của thân người bên dưới rồi buông chân đáp xuống đúng nơi da thịt của nạn nhân bày ra ở đầu, cổ, mặt, thường ít khi bị che kín, mười lần không hề sai chạy. Một điều đáng lưu ý là trái với loài muỗi, loài chỉ có muỗi cái mới hút máu người để có chất đản bạch (protein) tạo trứng muỗi, loài rệp thì đực hay cái gì cũng hút máu người để sống và sinh sản.

Rệp cái đẻ trứng, mỗi trứng hình con nhộng, màu trắng, to bằng đầu cây kim cúc dùng để ghim giấy,. Sau thời gian 2 tuần thì trứng nở thành rệp con gọi là dũng trùng (nymph). Trong thời tự bò đi kiếm ăn, nếu được hút máu đầy đủ trong vòng ba tuần thì thành rệp trưởng thành (adult). Sau đó khi đến kỳ thì rệp lột vỏ như cua để phát triển thân hình, và sống vài ba năm. Trong thời gian này, rệp cái chịu giống từ 4 đến 5 lần rồi đẻ liên tục mỗi năm 3 tháng với số trứng lên đến 10,000 trứng mỗi lần.
Xét về bản năng sinh tồn thì rệp cũng là loài sinh vật tinh khôn. Khi bị động ổ thì cả bọn chạy theo nhiều hướng khác nhau để tránh bị giết toàn bộ. Thêm vào đó, chúng có khả năng làm quen với nhiều loại thuốc diệt trùng. Ngoài ra, rệp có điểm giống như kiến đồng thời cũng có một điểm khác kiến. Giống nhiều loại kiến, rệp có yếu điểm là không chịu được sức nóng khoảng 70 o C. Điểm khác kiến là rệp không có thói quen ở sạch. Nơi nào rệp làm ổ cũng thấy bên ngoài đầy phân của chúng màu đen hay nâu, mùi không tiện cho khứu giác của con người. Yếu điểm này của chúng giúp con người dễ tìm ra hang ổ của chúng để diệt.

Diệt rệp thì có nhiều cách, nhưng không có cách nào bảo đảm tận diệt được chúng. Tại miền Nam Việt Nam thời trước 1975, cách diệt rệp gồm có như tìm rệp và trứng của chúng dính trong màng (mùng), gối hay chăn; tìm thấy thì bắt từng con rồi giết bằng tay. Có người bắt rệp bỏ vào một lọ con rồi mang rệp trút vào lửa. Còn không thì mang chiếu, vạc giường ra sân rồi dùng tay dông mạnh xuống đất cho rệp rớt ra để giết. Có nơi, đến mùa sầu riêng thì lấy vỏ của trái cây này treo bên trong bốn góc màng để mùi nồng của sầu riêng đuổi rệp đi nơi khác. Cách này suy ra không mấy hiệu nghiệm. Đó có thể chỉ là sáng kiến của những người nghiện mùi sầu riêng, mang vỏ trái này vào giường ngủ để ngửi thêm cho đã, trong khi rệp thì tiếp tục ở tại chỗ, sinh sôi nẩy nở. Còn như nếu muốn diệt trứng rệp thì dùng nước đun sôi chế nào những nơi rệp làm ổ. Ngoài ra, có người vì biết rệp không giỏi chịu nóng, ban đêm thắp một ngọn nến, vén màng chui vào bên trong, dùng ánh sáng của nến soi tìm rệp. Khi nhìn thấy rệp thì chỉ cần đưa ngọn lửa của cây nến lướt sơ qua mình của con rệp thì nó sẽ nổ bóc rồi chết ngay. Cách này có cái hay là giết rệp tức thời, nhưng nếu thiếu cẩn thận thì dễ gây hỏa hoạn. Trong thực tế, đã có người từng làm cháy một vài lỗ to trên màng khi áp dụng hỏa công này. Thế nhưng hỏa thiêu rệp thì vẫn tiếp tục và các biện pháp trừ rệp không chỉ có thế

Sau 1954, gần một triệu người Bắc di cư vào Nam. Trong số này, có người vì quen hút thuốc lào, mang giống cây thuốc này theo trồng để hút. Thuốc lào không thể được quấn bằng giấy để hút như thuốc rê hay thuốc điếu mà phải dùng điếu bình hay điếu cày để châm lửa mà kéo từng bi. Khi không có một trong hai dụng cụ này thì có người dùng bàn tay của mình nắm lại để hút (4). Nước trong điếu bình và điếu cày có màu đen đậm và rất hôi. Ông nào nghiện thuốc lào mà buổi sáng sớm lỡ tay làm “đổ điếu” là cả ngày nên ngồi nhà, chớ có đi đâu mà mang hại vào thân. Nhiều người nghi mùi hôi này có thể đuổi rệp hiệu quả hơn mùi sầu riêng nên lấy nước đó rưới vào những nơi rệp ở mong cho chúng chịu không nổi mùi hôi nồng nực của nước thuốc lào mà nặng thì chết, nhẹ thì bỏ đi. Rồi thử nhiều lần, thử với nước thuốc lào rất đặc, rất độc, nhưng rệp vẫn không sợ. Sau rồi thì đến cách dùng thuốc DTT rắc vào những ổ rệp. Biện pháp này cũng không thể diệt hết rệp, vì chỉ sau một thời gian ngắn, rệp làm quen được với thuốc bột màu trắng này, chúng thành rệp Da trắng, tiếp tục hút máu như không có gì xảy ra với chúng. Cuối cùng thì con người bắt buộc phải sống chung với rệp, và rồi rệp đi vào thành ngữ.

Trong dân gian Việt Nam, tiếng rệp có mặt trong những nhóm chữ như: nghèo mạt rệp (nghèo đến nỗi không có được một con rệp), số con rệp (số xui xẻo, số ăn mày), chạy như rệp (nhiều người chạy theo nhiều hướng khác nhau để tránh bị bắt toàn bộ), nằm ép rệp (bị giam trong ngục tù)… Thí dụ như tin trên mặt báo,” Tên cướp bị bắt ra tòa, lãnh 10 năm “ép rệp (tức là 10 năm tù).” Nguyên do của tiếng đôi ép rệp ở đây là vì các phòng giam trong nhà tù Việt Nam thời nào cũng tối tăm, hôi hám, dân số rệp nhiều đến nỗi ví như người tù phải nằm trên rệp mà ngủ. Những anh em quân nhân cũng như công chức miền Nam bị tập trung cải tạo sau năm 1975 chắc chưa thể quên những kinh nghiệm về loài công trùng có hại này trong suốt thời gian bị lưu đày trong các trại giam trên khấp nước.

Năm 1976, mùa Đông ập đến vùng Yên Bái với mức lạnh được báo là cao hơn nhiều năm trước đó: 16o C, nước các mặt hồ đóng băng. Anh em tù cải tạo lên núi lấy lá chuối rừng mang về phơi khô làm ổ lót sạp giường bằng tre để ban đêm chui vào ngủ cho đỡ rét. Giải pháp này có giúp mang lại chút hơi ấm nhưng cũng gây cái hại tiếp theo là rệp ở vạt giường cũng bị lạnh nên chui vào ổ lá với số nhiều không đếm nổi, không dễ bắt giết cho hết được. Anh em bèn lấy quyết định một cách oai hùng là mang cả ổ lá khô, thành quả của mấy ngày lao động vinh quang, ra sân châm lửa đốt: Thà chịu lạnh còn hơn nằm giữa đống rệp để nó chui vào tóc, vào nách, vào quần mà cảm thấy vừa ghê, vừa nhột chịu không nổi.

Tại nhiều trại giam khác, tù nhân nằm sạp xi măng, hay ván gỗ. Xi măng cũng như gỗ, mỗi thứ đều có những khe nứt. Rệp chui vào đó ở thì không dễ khiến chúng ra đế bắt giết. Trong tù làm gì có đủ nước để đun sôi mà đổ vào đó! Mỗi ngày sau cơm trưa, anh em tù mang màng cá nhân ra ngồi tìm bắt từng con, từng trứng để giết. Có anh thử đếm xem trong màng cá nhân của mình dài hai thước ngang một thước, trung bình có bao nhiêu rệp. Số tổng cộng nói ra rất khó tin: 150 trở lên! Mấy anh khác bắt chước làm theo thì thấy màng của mình cũng xấp xỉ con số kinh khủng đó. Thế mà dù mỗi trưa mỗi bắt, đến đêm thì rệp từ bên dưới bò lên thay thế số bị giết ban ngày, nên con số đó 150 hơn đó không thay đổi bao nhiêu. Dường như rệp cũng có cách phân bổ mật độ dân số cẩn thận: mỗi màng chứa 150 đầu rệp thì mới không bị nạn “rệp mãn,” hay là chúng biết một con người chỉ có thể cung cấp dinh dưỡng cho từ 100 đến 200 rệp là tối đa! Đây chỉ là ước đoán cho vui, sự thật thì không ai thể biết được rệp chỉ khôn như rận hay khôn đến mức siêu đẳng như thế hay không.

Ngoài cái khôn này, rệp còn có tinh thần lãnh thổ rất cao. Tinh thần này được biểu hiện qua cách chúng bảo vệ biên cương của mình rất tốt. Rệp quen với hơi người và mùi máu của chủ nhân nơi chúng quần cư, nên chúng như chỉ miễn cưỡng hút máu người bạn lâu năm của mình mỗi khi cần. Ai khác đến ngồi chơi chưa đầy năm phút là dù chưa cần hút máu, rệp cũng ào ra tấn công ngay. Có người biết được cái tính xỏ lá này của rêp nhà mình nên nghĩ ra kế hay. Ngày nghỉ, chơi cờ tướng với nhau, thì bày bàn cờ ra nơi chiếu của mình rồi rủ bạn sang đánh vài bàn để bị mình hạ sát ván rồi cười hỉ hả. Lý do là khi vào ngồi chiếu chẳng bao lâu thì khách bị rệp nhà chủ tấn công tới tấp. Nạn nhân dùng hai tay gãi đùi, mông, lưng, bụng, không còn lòng trí nghĩ ra nước cờ ác hiểm nào để đi cho vững. Bị thua là cái chắc! Đó là chưa kể có khi chúng từ nơi trú ẩn kéo ra với con số khá cao, diễu hành trên cổ, trên ót của nạn nhân, tìm đúng chỗ có da mỏng để bỏ vòi, nhỏng đít lên hút máu.

Khi thấy số rệp nhà tù quá nhiều, vài tuần lễ một lần, gặp ngày nghỉ có nắng tốt, buồng trưởng (5) yêu cầu anh em phụ nhau tháo vạt giường mang ra sân, dộng mạnh xuống sàn xi-măng cho rệp mẹ, rệp cha, rệp con, và trứng rệp rớt ra. Vừa chạm sân nóng cao độ, nóng bỏng chân người, thì rệp bật chạy độ 50 phân là ngả ra chết tốt. Khi đó thì người dộng sạp cũng thấy rệp rơi trên tóc, trên khấp người của mình. Việc tiếp tục giết chúng chỉ là chuyện nhỏ. Sau đó thì có thể tin rằng nạn rệp tạm ngưng hoành hành tại chỗ nằm của mình một thời gian ngắn hay dài tùy theo cách chúng được bổ sung dân số từ những khe hở trên nền xi-măng bên dưới. Nghĩa là còn ở tù là còn bị rệp hành hạ dài dài.

Thế nhưng, dường như ơn trên luôn sẵn lòng thương những con người sống trong trại cải tạo thời đó, nên khiến có anh em nghĩ ra cách diệt rệp hết sức hữu hiệu, chưa nghe nơi nào nói đến. Số là một hôm đội rau xanh (Đội anh em tù lao động chuyên trồng rau trái) của trại được phát thuốc rầy để pha vào nước, đổ vào bình rồi mang xịt nước thuốc trên những luống trồng hoa mầu. Lọ thuốc chỉ to bằng ngón tay cái người lớn, dài độ 10 phân, có nhãn hiệu với nhiều chữ in lem luốt trông như những con ruồi đen thui. Anh bạn tù được giao quản thủ lọ thuốc mở nút lọ ra ngửi thấy mùi của nó thì độc và hôi quá, hôi hơn nước thuốc lào để lâu. Nghĩ thuốc này có thể đuổi được rệp, anh nghịch ngợm mang lọ thuốc rầy đó về phòng ngủ, dùng một chút bông gòn quấn vào cây tăm, quệt tí nước thuốc rồi thử rê cái đầu có dính chất thuốc đó theo mấy khe hở trên nền xi-măng. Thế là sự lạ xảy ra: Rệp từ bên trong các khe ngửi thấy hơi thuốc, kéo nhau chạy ra cả bầy, rồi ngã lăn chết, trứng thì từ màu trắng biến sang màu nâu, thành ung thối, không thể nở thành rệp con (6).
Thấy thế, buồng trưởng mừng húm. yêu cầu anh em xung phong bắt giết hết rệp và trứng rệp trong mỗi màng cá nhân rồi mang tất cả đồ ngủ ra sân phơi. Bên trong phòng thì một ít anh em tù tình nguyện rải hơi thuốc rầy vào những nơi rệp làm ổ. Xong thì mọi người ra giếng tắm với xà phòng cho thật kỹ. Đến chiều thì mang đồ đạc cá nhân vào. Mùi thuốc rầy tuy có dịu bớt khá nhiều, nhưng cũng còn cho thấy mùi hăng hăng. Đêm đó anh em được ngủ yên, lòng thầm cám ơn trời đất đã ban cho bửu bối diệt rệp quá sức hữu hiệu.

Việc thử nghiệm có kết quả tốt, tin tưởng được, như thế kéo theo ba câu hỏi tiếp theo. Câu thứ nhất là cách diệt rệp như thế có di hại chi về sức khỏe con người hay không? Anh em hội ý rồi kết luận rằng hại thì đang bị hại rồi thì còn sợ cái hại nào đáng sợ nữa? Như vậy thì diệt rệp là việc nên làm.

Câu hỏi thứ hai là từ nhiều trăm nhiều ngàn năm qua, rệp và người ở chung hòa bình với nhau thành chuyện bình thường trong dân gian. Nay chỉ vì anh bạn tù có một ý nghĩ độc đáo dùng thuốc rầy trừ rệp. Rồi trong một phạm vi bốn mẫu Tây của trại giam tù, toàn thể dòng họ nhà rệp bị diệt chủng, thì đó có thể gọi là hành động phá hủy hệ sinh thái hay không(7). Ngoài ra thuốc trừ sâu là loại hóa chất độc hại. Muốn sử dụng nó thì luật pháp bắt buộc người sờ mó nó phải có chứng chỉ hành nghề. Thế nhưng trong số mấy ngàn anh em tù tại trại giam nói trên, không có đến nửa người có cái chứng chỉ đó thì cái vụ diệt rệp trở thành một vi phạm tại những nơi có luật pháp rõ ràng. Liệu cái Hội Bảo Vệ Thú Vật Quốc Tế, khi biết được việc tận diệt rệp này thì có làm khó dễ chi hay không? Câu hỏi này không ai trong tù thời bấy giờ giải đáp nổi, nên giản đơn nhất là cho thông qua. Nếu thành viên trong cái Hội Bảo Vệ đó có ong óng lên tiếng phản đối này nọ thì mời họ vào nhà giam ngủ chung với rệp một đêm thì biết người biết ta ngay.

Hôm sau thì tin diệt rệp được truyền miệng trong khấp trại. Anh em các buồng khác trong trại tù cũng ưng dùng phương pháp đó mà trị rệp. Lọ thuốc rầy do trại cấp phát, được dịp chu du từ buồng này sang buồng khác bên trong trại giam. Thuốc diệt rầy có thiếu thì vì lợi ích chung, anh em hùn tiền mua cho cán bộ phụ trách nhà kho tí quà rồi xin phát thêm, dễ như trở bàn tay. Cho đến khoảng bốn năm sau, khi hầu hết anh em rời nhà tù đó đi nơi khác, chẳng ai tìm được một con rệp hay trứng rệp nào để ….làm thuốc.

Nói đến dùng rệp làm thuốc nhớ ngày xưa ở nhà quê thấy ai bị sưng mắt thì dùng mẹo bằng cách tìm con rệp trong màng, bóp cho chết rồi bôi lên mắt, đúng chỗ bị sưng, tin rằng mắt sẽ sớm hết sưng (8). Việc chữa trị này trông có vẽ phản khoa học, lại dơ bẩn, nguy hiểm. Nhưng có lần kể chuyện chữa mắt sưng bằng máu rệp thì một anh bạn từng ra trường thuốc năm 1965, anh nói như đinh đóng cột:” Chuyện đó có lý. Trong công thức thuốc đau mắt do Pháp chế tạo có chất “giếu tố” (enzyme) lấy từ rệp.” Anh ta còn thêm: ” Nọc của rắn hổ, của ong vò vẽ, nước miếng của đỉa, cũng được y khoa dùng làm thuốc chữa bệnh.”

Thì ra mọi thứ được sinh ra trên cõi đời nầy dường như đều có một công dụng nào đó mà con người nghĩ chưa ra hay chưa từng nghĩ đến. Cỏ dại là loại cỏ chưa được ai khám ra công dụng hữu ích của nó. Cũng như có một loại vi khuẩn khi được nuôi bằng chất thạch lạp (paraffin wax) thì sinh sôi nẩy nở rất nhanh. Sau thời gian nuôi khoảng một tháng thì người nuôi thu hoạch chúng để biến chế thành chất đản bạch loại bột (Protein in powder), một chất dinh dưỡng tốt cho con người (9). Duy có rệp thì, dù cho chất diếu tố trích ra từ thân hình dị hụ của nó, có thể được dùng chế thuốc đau mắt, thì thuốc đó không mấy được phổ biến. Về biến chế thực phẩm thì cho đến nay, chưa thấy có ai dùng rệp để làm gia vị hay chế thành thức ăn. Người Trung hoa (lục địa) nổi tiếng từng biến chế nhiều loại côn trùng có hình dáng và mùi hôi dễ sợ, thành gia vị dùng nấu thức ăn, mà còn đặt tên cho rệp là xú trùng thì hi vọng gì mà họ chịu tìm cách dùng rệp trong kỹ thuật nấu nướng trong hệ lương thực nuôi sống các loài sinh vật.

Trong hệ lương thực này, chúng ta biết con ngựa trời con ngựa trời đực biến thành thức ăn cho cái (female praying mantis) ngay phút cuối của cuộc giao hoan, muỗi làm thức ăn cho cóc và một loài dơi có tên dơi (ăn) muỗi. Cá hồi sau khi sinh trứng thì biến xác chúng thành thức ăn để nuôi con sấp nở. Ruồi làm thức ăn cho vịt và một loài chim, gọi là chim (bắt) ruồi. Chuột làm thức ăn cho rắn và trăn. Rắn và trăn con thì làm thức ăn cho chim bìm bịp. Bọ cỏ làm thức ăn cho ếch, nhái; duy có rệp có thể phát ra chất hôi thối như con dứu (skunk) thì không thấy con vật nào dám mó tới.

Thì cái vụ hủy diệt đại qui mô loài rệp ở trại tù cải tạo miền Bắc thời đó rõ là việc con người được phép thế thiên hành đạo để giải quyết một vấn nạn tại một thời điểm nhất định để có thể chứng minh thượng đế luôn thương yêu và muốn điều tốt đẹp cho con người, nhất là những ai phải sống trong hoàn cảnh bi thương.

Tiểu Đĩnh

Chín loại này là: muỗi, mòng, đỉa, vắt, bọ chét, chí, rận, mạt gà, rệp.
Đây là nói theo tàii liệu Tây phương. Trong thực tế, rệp tại Việt Nam có loại to bằng hạt gạo, nhất là khi chúng phát triển đúng mức và mang trứng, sấp đẻ.
Một thí nghiệm khác về đỉa cho thấy khi bị cắt làm đôi gần đều nhau thì một dỉa sẽ thành hai con. Nhưng khi bị bỏ đói trong vòng 2 tháng thì đỉa chết, xác tan ra thành như bùn non.
Cách hút thuốc là theo kiểu này khiến người hút bị phỏng tay dễ như chơi. Nhưng khi cơn nghiện thuốc đến thì có chết cũng không sợ, miễn là được kéo một hơi lào say rồi phê.
Buồng trưởng là một trong anh em tù nhân, được cán bộ quản giáo chỉ định chức buồn trưởng đề lo về vệ sinh, trật tư tại buồng ngủ của anh em. Trong khi đó, đội trưởng lao động cũng là một trong những anh em tù được chỉ định vai đội trưởng giúp anh em trong công tác lao động bên ngoài buồng ngủ.
Giống như chuột và nhiều loại động vật khác kỵ với khí lân (SO2 ). Chuột ngửi trúng mùi này thì sặt máu mũi rồi chết.
Tại một vài nước văn minh tiến bộ vượt mức, như xứ Hoa Kỳ chẳng hạn, chuột từ đâu vào đất vườn nhà mình đào hang cắn phá cây trái mà mình làm bẩy bắt giết thì có thể bị chính quyền sở tại bắt bỏ tù nếu không có giấy phép đi săn thú.
Một mẹo chữa trị khác ở thôn quê là khi lỡ bị đứt tay, không nặng lắm, thì tìm một ổ nhện trên nóc bếp, bóp nát rồi đấp vào vết thương, sẽ cầm được máu.
Năm 1980, tại Việt Nam có người được con ở bên Úc gửi cho mấy hộp thực phẩm này, mỗi hộp có dung tích khoảng 1 lít. Bột có mùi thơm đễ tiêu thụ. Cách dùng theo chỉ dẫn là mỗi người bị suy dinh dinh dưỡng, mỗi ngày “chỉ” được dùng hai lần, một lần một muổng cà phê. Trẻ em dưới 10 tuồi thì dùng phân nửa lượng bột dành cho người lớn.

( Tân Sơn Hòa chuyển )

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn