Nhân Đại dịch thử bàn về tiếng cười một cách... nghiêm túc

Chủ Nhật, 17 Tháng Năm 20202:00 CH(Xem: 7052)
Nhân Đại dịch thử bàn về tiếng cười một cách... nghiêm túc

q

Những tiếng cười giáp với tiếng khóc

 Nghiến răng cười ha hả trời ơi!

Câu hát tuồng ấy, tôi nghe từ lâu lắm, nhưng không rõ ở đâu và là tiếng cười của ai.

Mở Google ra tra. Thì ra đó là một câu trong vở Sơn hậu, ở đoạn Đổng mẫu mẹ Đổng Kim Lân bị anh em họ Tạ bắt, nghĩa là một tình tiết bi kịch -- một người tử tế, không ngại tuổi già vẫn dấn thân làm việc nghĩa, ngờ đâu việc không thành.

Trong cảnh khốn cùng, bà đau đớn cất lời:

-- Bẩy chục thân già chi xá,

Nghiến răng cười ha hả trời ơi!

Trong phần lớn trường hợp của đời sống hàng ngày, con người thường cất lên tiếng cười khi nhận ra một cảnh tượng gì thú vị, thông thường đó là trước những cảnh nhố nhăng kỳ quặc hoặc những thói xấu. Theo nhà triết học Anh Thomas Hobbes (1588-1679), “ dầu sinh ra bởi nguyên nhân nào, cứ đi vào tận cùng của cái cười, ta luôn luôn gặp nó đi chung với sự khoan khóai thầm kín của lòng tự ái, tự tôn, tự đại, một cái gì giống như sự thỏa thích ma quái.”

Đằng này tiếng cười là sự xác nhận một tình cảnh éo le ngang trái, đẩy cao lên, là một tình thế bi tráng, gần như không có cách giải quyết.

Ca dao có câu Ai ơi chớ vội cười nhau / Cười người hôm trước hôm sau người cười .

Tức là thông thường tiếng cười có một đối tượng là kẻ khác. Ta cảm thấy ta cao hơn kẻ ấy. Cần cười để chê bai để chế giễu.

Ngược lại, tiếng cười ở đây dành cho chính người cười.

Tiếng cười ở đây nối tiếp tiếng khóc, một sự chuyển hóa sang cái tưởng như đối lập, nhưng lại là một sự chuyển hóa biện chứng.

Chế Lan Viên cũng từng miêu tả một tình huống chuyển tiếp tương tự:

Khóc chẳng xong ư, anh hãy thử cười

Cười được rồi sẽ tan rơi nước mắt

Như những đồng tiền cũ không ai tiêu phải vứt

Khi trong lòng đã đúc triệu đồng vui.

Tuy nhiên sau hai câu đầu rất hứa hẹn, ở hai câu tiếp, tác giả đã dễ dãi đồng hóa tiếng cười với niềm vui. Cười hóa ra một sự lảng tránh, tự mình dối mình, xí xóa cho xong. Tiếng cười bị hạ thấp, không có được cái bi tráng như trong câu hát tuồng Nghiến răng cười ha hả trời ơi nhắc ở trên.

Về sự lơ lửng chuyển hóa giữa nỗi buồn và niềm vui, tiếng cười và tiếng khóc, tôi nhớ một thiên truyện của nhà văn Mỹ W. Saroyan.

Câu chuyện bắt đầu từ sự việc một học sinh loại lớp cuối bậc tiểu học trong giờ học mải cười đùa với các bạn, tiếng cười vốn vô can không ngờ xúc phạm đến niềm tin nghề nghiệp thiêng liêng của cô giáo.

Sau giờ học, cô yêu cầu em ở lại, và ra lệnh bây giờ, trong thế đơn độc một mình, em hãy cười đi, cười cho thỏa thích thì thôi.

Chú bé, nói như người Việt, lúc này phải cố rặn ra cho được tiếng cười.

Sức người có hạn, chỉ được một lúc, rồi tới lúc không cười được nữa, chú cảm thấy trống trải bơ vơ và quay ra bật khóc.

Thì nhìn lên, không hiểu sao cô giáo cũng đang bật khóc.

Kết thúc đoạn kịch không lời, trò và cô chia tay với một thoáng bẽ bàng.

Ra khỏi cổng trường, như được tháo cũi xổ lồng, chú bé sung sướng đuổi theo các bạn. Nhưng lúc này các bạn đã ra về từ bao giờ. Chỉ mình chú bé trên đường.

Rất nhanh, từ thóang cười thầm sung sướng được trở lại là mình, chú bé quay ra nức nở, và cứ thế rên rỉ mãi không dứt.

Tôi chưa sống qua những phút kịch tính như thế bao giờ. Nhưng tôi hiểu ở giai đoạn tiếp giáp với tiếng khóc, tiếng cười trở thành biểu hiện của một trạng thái nhân sinh cao cả.

Ít ra đó không phải là tiếng cười bốc đồng dễ dãi, lại càng không phải tiếng cười rẻ tiền, tiếng cười tiểu nhân hèn hạ, tiếng cười độc ác... như nhiều người chúng ta thường cười với nhau một cách vô độ hiện thời .

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn