Tuyển tập thi ca Cao Mỵ Nhân, "Tập Thơ Tình Muộn" - Văn thi sĩ Trần Việt Hải

Thứ Bảy, 13 Tháng Giêng 20186:00 SA(Xem: 6282)
Tuyển tập thi ca Cao Mỵ Nhân, "Tập Thơ Tình Muộn" - Văn thi sĩ Trần Việt Hải
LTS. HNPĐ xin trân trọng giới thiệu bài viết của văn thi sĩ Trần Việt Hải 
về tuyển tập thi ca Cao Mỵ Nhân: "Tập Thơ Tình Muộn".
Vài giòng về tác giả:

    Trần Việt Hải

Bút hiệu: 
V
iệt Hải, Hoàng Tiểu Ca, Vương Thư Sinh, Hoàng Nam

Sinh năm: Quí Tỵ, rắn nước hiền khô

Sinh quán: Tây Ninh Việt Nam

 

Trước 1975, theo học đại học kinh tế thương mại tại đại học Minh Đức và đại học Luật Khoa Sài Gòn.

Hiện cư ngụ tại Los Angeles.

 

Làm thơ, viết văn. Sáng tác nhiều thể loại Văn, Thơ, Biên Khảo, Truyện Ngắn, 
Tùy Bút, ... tại hải ngoại.


Tác phẩm đã xuất bản, phổ biến: trên nhiều trang web, đặc biệt là trang:

 

 www.saigongate.com

www.suoinguontamtu.com
www.ninh-hoa.com


 zzzasss
 

Đọc Cao Mỵ Nhân với tác phẩm thứ 12, thi tập mang tên Bài Thơ Tình Muộn, dầy hơn 190 trang gồm 112 bài tình thơ. Nói rõ hơn thì đây là thi tập thứ 12, nhưng ở hải ngoại là thứ 10, vì khi còn ở trong nước trước 1975 bà đã cho xuất bản 2 thi tập rồi.

 

Lướt qua từ bài đầu tiên là Bài Thơ Tình Muộn, được dùng làm tựa cho sách, xuyên suốt đến bài cuối cùng là Sau Hôm Nắng Vỡ. Thi tập này cũng như trong nhiều thi tập trước, Cao Mỵ Nhân đi về khuynh hướng thơ lãng mạn về tình yêu, nhất là tình yêu say đắm hay góc nhìn khác là tình yêu trắc trở.

 

Thơ tình yêu lãng mạn vì nhân bản tính nên mang ý nghĩa gần gũi với đời sống con người, vì có yêu đương, có đau khổ thơ rất dễ thăng hoa, dễ xuất thần khi hồn thơ  bay cao, nhiều chúng ta không quên những thi tác như Plaisir d'amour của thi sĩ Jean-Pierre Claris de Florian (1755–1794), Le Lac của Alphonse de Lamartine (1790 –1869), L'Adieu của Guillaume Apollinaire (1880-1918), La Dernière Feuille của Théophile Gautier (1811 - 1872), hay Les Fleurs du Mal (thi tập có bài Harmonie du soir) của thi sĩ Charles Baudelaire (1821-1867), dù muốn dù không thì thơ lãng mạn Pháp đã đóng góp phần nào cho sự phong phú trong thi ca Việt Nam. Les Fleurs du Mal theo Antoine Adam (1899-1980, vị giáo sư dạy văn chương Pháp tại đại học Lille) đã đánh dấu chủ nghĩa lãng mạn yêu đương quá độ. Một khi sự lãng mạn trong tình yêu đến khiến cho thơ tình yêu gây cảm giác hưng phấn và yếu tố hứng thú là điều đem thơ bay cao trong đại chúng như những bài thi ca của Alphonse de Lamartine, Guillaume Apollinaire, Théophile Gautier, Charles Baudelaire, Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa, Cung Trầm Tưởng, hay Cao Mỵ Nhân,... Vậy sự lãng mạn của thi ca Cao Mỵ Nhân như thế nào? Hãy xem hay nghe như dưới đây nhé:

 

"Nếu em thôi làm thơ

Anh có tìm em, hỏi

Tại sao không mộng mơ

Cho cuộc tình đổi mới 

 

Em đắm say, chới với 

Trên đường tình xa xăm 

Ôi đi hoài, chẳng tới 

Gặp anh, đã trăm năm

 

Còn gì đâu anh hỡi 

Đôi môi thốt ngập ngừng 

Tại sao anh không nói 

Rằng yêu em vô cùng..." 

(bài Nếu Thôi Làm Thơ, Cao Mỵ Nhân)

 

Xem tiếp bài khác để thấy rằng Cao thi nhân dù cao tuổi nhưng hồn thơ lãng mạn chất ngất vô song, hồn thơ yêu đương không phản ảnh số tuổi con người, nhưng thơ bà sáng tác có âm hưởng vô cùng trẻ trung, thơ mời gọi yêu thương đậm nét mộng mị của tuổi thanh xuân như thuở đôi chín, ví dụ bài Anh Và Mây sau đây:

"Anh không biết buồn sao 

Ngày dài ôi sắp cạn

Em nằm ngó trời cao 

Mây bay nhiều vô hạn 

 

Tình em cũng như mây

Bạt ngàn thương nhớ lắm 

Vẫn đầy hồn mơ say

Vẫn tràn lòng mê đắm  

 

Mây thường trôi đi xa 

Tháng năm rồi cũng hết 

Nhưng cuộc tình chúng ta

Không bao giờ giã biệt 

 

Anh hãy đến với em 

Ngắm mây trong chốc lát

Cho em được ngủ yên 

Trong hồn thơ bát ngát..."

 

Nữ văn sĩ người Anh Virginia Woolf (1882 – 28 March 1941) cho rằng khi yêu đương bà "luôn luôn nghĩ về thơ và tiểu thuyết và chàng." (I am all the time thinking about poetry and fiction and you). Phải chăng tư tưởng của Virginia Woolf và Cao Mỵ Nhân vốn gần gũi chỉ nửa inch nhỉ. Virginia Woolf nghĩ đến chàng, Cao Mỵ Nhân không kém, bà nghĩ về "chàng" cả cuốn sách, hãy xem tiếp nụ hôn hay môi hôn hình như khá dễ tìm trong thơ Mỵ:

 

"Tạ ơn anh rất nhiều lời 

Nhưng không nói được, chỉ cười nụ thôi 

Tạ ơn dừng lại đôi môi

Một câu tình tự bồi hồi lửa tim 

 

Tạ ơn nghĩa cả trông tìm 

Sau cơn nước loạn nhận chìm mộng mơ 

Tạ ơn giây phút tóc tơ 

Cuồn tròn kỷ niệm trong thơ nồng nàn..." 

(Tạ Ơn Anh, Cao Mỵ Nhân) 

 

 

Trong bài Lời Mẹ Dặn của nhà thơ Phùng Quán viết: "Yêu ai cứ bảo là yêu. Ghét ai cứ bảo là ghét. Dù ai ngon ngọt nuông chiều Cũng không nói yêu thành ghét...", cùng tư tưởng "khi yêu tình yêu có tiếng nói", nhà văn Mỹ Nicholas Sparks viết trong tác phẩm The Notebook là "Tình yêu tốt đẹp nhất là loại vực dậy tâm hồn, làm cho chúng ta tiếp cận nhiều hơn, làm cho lửa bộc phát trong trái tim của chúng ta và mang lại cho tâm trí của chúng ta sự an bình. Đó là những gì ta hy vọng mãi mãi cho người bạn tình." (The best love is the kind that awakens the soul; that makes us reach for more, that plants the fire in our hearts and brings peace to our minds. That’s what I hope to give you forever). Dĩ nhiên, tác giả Cao Mỵ Nhân khi yêu nhà thơ diễn đạt tâm ý "yêu thì hãy bộc ộl nói ra", như Phùng Quán hay như Nicholas Sparks, bài thơ Một Khi Cao thi nhân xác định là: Tình yêu ôi mê hoặc, tình tha thiết mãi đắm say, trong tình muộn, dang dở, không trọn vẹn, nuối tiếc khóc mộ tình lớn, khóc một thời ái ân trong bài Một Khi:

 

Mặt trời đi ngủ sớm   

Em vét nắng ngoài sân         

Phủ lên mộ tình  lớn    

Khóc một thời ái ân    

         

Người tình ôi mê hoặc

Em suốt trăm năm này         

Mơ màng trong tiếng hát

Tha thiết mãi đắm say...      

 

Trong quan điểm yêu thương, nhà văn George Sand cho là: "Đời sống ta chỉ có hạnh phúc khi ta yêu và được yêu" (There is only one happiness in this life, to love and be loved). Cùng ý niệm như George Sand, nhà hiền triết Mahatma Gandhi cho câu nói: "Đời sống phải có tình thương". Để nối tiếp xét nội dung thi tập Cao Mỵ Nhân, ta nhận thấy nỗi yêu đương lãng mạn yêu mãi đắm say lan qua bài thơ Đắm Say Trừu Tượng như sau...

         

Xin cám ơn cuộc tình           

Nỗi đắm say trừu tượng               

Anh và tim của mình            

Hiến dâng thơ vô lượng                

         

Từ đây tới muôn sau            

Anh vẫn ở bên em      

Ta vẫn có trong nhau           

Nguyên vẹn trọn trái tim...  

 

Xét về ngôn ngữ trong thi ca hay từ ngữ Cao thi nhân sử dụng xuyên suốt thi tập này, rất nhiều chữ nghĩa lạ lẫm mang âm hưởng "lao xao" như nhà phê bình văn học Pháp Roland Barthes khi đề cập: "C’est le frisson du sens que j’interroge en écoutant le bruissement du langage". Ôi, những câu thơ khi ta ngân lên tạo ra tiếng xào xạc, lao xao của chữ nghĩa, đó là nét đặc thù là lạ nghe ra sự duyên dáng thi ca lao xao, chữ nghĩa xào xạc (rustling, bruissement), ví dụ ngay trong bài đầu tiên Bài Thơ Tình Muộn và bài cuối cùng Sau Hôm Nắng Vỡ, cũng như bài ở giữa Một Khi mang những ý tưởng của Roland Barthes dễ tìm thấy hay dễ nhận ra như: Nồng nàn nắng đã qua trưa, thủa          em chưa nặng tình, Tơ vương quấn quít trong hồn, Em vét nắng ngoài sân, mộ tình lớn, hôm nắng vỡ, ánh sáng rơi buồn phiền, như nắng bể, trăng cúi mặt tạ từ,... còn nhiều, rất nhiều nữa.

 

Để dẫn chứng ngôn ngữ lao xao, xào xạc âm thơ trong các bài nói trên, xin xem ví dụ sau đây:

 

* Bài Thơ Tình Muộn   

 

Nồng nàn nắng đã qua trưa         

Nhớ anh từ thủa em chưa nặng tình

hay

 

Tơ vương quấn quít trong hồn     

Gỡ bao nhiêu cũng vẫn còn tình anh... 

 

 

* Trong bài Một Khi:

         

Em vét nắng ngoài sân         

Phủ lên mộ tình lớn

 

* Trong bài Sau Hôm Nắng Vỡ:                                                                                           

         

Từ sau hôm nắng vỡ   

Ánh sáng rơi buồn phiền

hay,

 

Hay cũng như nắng bể         

Trăng cúi mặt tạ từ...

 

Cao Mỵ Nhân dùng nhiều từ tạo âm ngữ lao xao, xào xạc như những ý tưởng của Roland Barthes, bà dùng khéo léo, dù là những danh từ, tĩnh từ hay trạng từ, chữ nghĩa lao xao được ươm mầm, mọc rễ, đâm chồi ra nhiều trong rất nhiều bài sáng tác. Chính những âm ngữ lạ lẫm này khiến cho thi ca Mỵ Sapa phong phú và thăng hoa giá trị thơ của thi nhân.

 

                                                           xXx

 

Nhìn chung, thi tập Bài Thơ Tình Muộn ra đời theo ý tưởng của nhà thơ thì là sự gom góp những bài thơ mà nội dung chuyên chở tình muộn màng dù về thời gian, hay về tuổi tác. Sự thành công của ý muốn tác giả chắc hẳn đã nêu rõ trong tuyển tập chọn lọc 112 bài này và rằng kỷ niệm lưu luyến yêu thương ngày xưa đã hằn lên trong nhiều bài thi ca, tình yêu lắm nhung nhớ, lắm nuối tiếc trong ý thơ, nhưng hoàng hôn yêu đương của Cao thi nhân vẫn thổn thức qua nhiều dòng thơ, qua nhiều con chữ mà tôi đọc và ngẫm nghĩ trong thích thú.

 

Xin trân trọng giới thiệu thi tập này, Bài Thơ Tình Muộn của thi sĩ Cao Mỵ Nhân.

 

Trần Việt Hải.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn