Cách dẹp bỏ lo âu chuyện vặt để làm chuyện lớn

Thứ Bảy, 25 Tháng Tư 20201:00 CH(Xem: 5630)
Cách dẹp bỏ lo âu chuyện vặt để làm chuyện lớn
bbc.com

Cách dẹp bỏ lo âu chuyện vặt để làm chuyện lớn

Madeleine Dore BBC Worklife

Other Bản quyền hình ảnh Other

Từ những nghi thức kỹ lưỡng đến những bảng lịch lên kế hoạch, cho tới các sản phẩm và các bộ dụng cụ, không thiếu gì những công cụ và lời khuyên giúp ta sắp xếp để có được cuộc sống lành mạnh.

Nhưng có lẽ tôi không phải người duy nhất chả buồn nghiêm túc tuân theo thời gian biểu vào những khi không có việc gì gấp, thay vào đó là nằm lỳ trong bồn tắm mặc cho làn nước ấm trở nên nguội dần và ngẫm ngợi bực dọc về chuyện mình phải lo quản đời sống của chính mình.


Rất nhiều người trong chúng ta vật vã với danh sách dài bất tận những việc phải làm, Elizabeth Emens, giáo sư luật tại Đại học Columbia ở New York và là tác giả cuốn "Nghệ thuật Quản lý Cuộc sống", nói.

"Phần lớn lý do ta cảm thấy quá tải là vì việc quản lý cuộc sống kéo dài bất tận và vô hình," bà giải thích. "Tất cả chúng ta đều có những cách quản lý khác nhau mà người khác có thể không nhận ra - vì vậy họ không biết ta đang làm gì hoặc thấy rằng việc đó nhiều đến quá tải."

Nhưng trong vài năm gần đây, một nhóm các trường đại học ở Úc đã giúp sinh viên giải quyết vấn đề này qua hoạt động Sắp Xếp Cuộc Sống Của Bạn (GYLIO).

Về bản chất, GYLIO chỉ dẫn bạn cách sắp xếp công việc trong một buổi sáng, một ngày hay một tuần để làm đầu óc bạn thảnh thơi hơn, để bạn học cách ưu tiên và tập trung tâm trí cho các việc cần thiết, qua đó giúp bạn tận hưởng thời gian rảnh mà không cảm thấy băn khoăn bứt rứt.

Quay lại việc dở dang

Đại học Melbourne đã thực hiện tuần lễ Sắp xếp Cuộc sống vào mỗi học kỳ trong ít nhất một thập niên qua.

Chương trình thường diễn ra vào giữa kỳ, trong tuần thứ năm hoặc sáu mỗi học kỳ; chương trình chính khóa vẫn diễn ra bình thường, nhưng thời khóa biểu sôi động với rất nhiều các hoạt động xã hội, tiệc tùng... sẽ được tạm ngừng để giúp sinh viên thay đổi mối quan tâm, ưu tiên.

Tiến sĩ Sally Dalton-Brown, hiệu trưởng trường Queen's College thuộc đại học này, cho biết GYLIO là cần thiết vì sinh viên thời nay vấp phải nhiều thứ gây phân tâm.


"Nếu xét đến chuyện trong cuộc sống ngày nay có rất nhiều thứ hấp dẫn mọi người, thì với các sinh viên cố gắng tận dụng các cơ hội mà trường học đem lại trong nhiều lĩnh vực, từ hoạt động thể thao, văn hóa, cho đến các hoạt động thiện nguyện và học kỹ năng lãnh đạo, việc có một tuần để 'thở' và hoàn thành mọi việc là điều cần thiết," bà nói.

Mục đích của chương trình là đem lại cơ hội để nghỉ ngơi và suy ngẫm thay vì truyền đạt kỹ năng sống cụ thể nào đó.

Sinh viên được khuyến khích tự nghĩ ra danh sách GYLIO cần làm cho bản thân trong tuần đó, nhưng không chỉ gồm những việc như trả hóa đơn hay giặt đồ - họ tham dự những hoạt động như lớp tập yoga hay xây dựng ý tưởng phong phú cho bài giảng về cuộc sống lành mạnh.

Trong tuần GYLIO tháng Tám năm ngoái, Henri Currie, 19 tuổi, chủ tịch hội sinh viên và là người sống nội trú trong trường Queen's College, đã lên thời khóa biểu và danh mục công việc nhằm sắp xếp thời gian học đuổi để bắt kịp những môn học cô bị tụt hậu.

"Danh sách bao gồm cập nhật ghi chú bài học và bắt đầu làm những bài tập sắp tới. Tôi cũng lên kế hoạch ôn tập bài vở, trong đó có việc cùng làm bài với bạn bè. Để thư giãn, tôi dành chút thời gian xem phim, gọi cho gia đình và tán gẫu với bạn bè," Currie chia sẻ.

Cô nghĩ chương trình GYLIO là cách tuyệt vời để có thể tập trung trở lại.

"Thậm chí chỉ cái tên gọi của nó đã có tính thúc bách sinh viên bắt tay vào hành động và dẹp bỏ cớ trì hoãn," cô nói. "Tôi nghĩ nó thực sự là việc bạn cần tự làm - không ai bắt bạn phải hành động tự chăm sóc bản thân cả."

Với một số người, tuần lễ tưởng lẽ ra sẽ là thời gian không rượu bia và để sắp xếp lại mọi thứ ở trường đại học hoá ra lại được tiếp tục duy trì áp dụng trong cuộc sống công việc của họ về sau này.

Giờ đây là giám đốc truyền thông, Celeste Bolte từng học ở trường St Mary's College thuộc Đại học Melbourne từ năm 2012 đến 2013 cho biết cô có thể nhận ra khi nào là lúc cần bỏ thời gian ra để thực hiện GYLIO.

"Khi những mảng đời sống mà tôi vốn thường kiểm soát tốt bắt đầu trở nên chệch choạc, chẳng hạn khi quần áo vứt đầy trên sàn phòng ngủ, thì đó là lúc tôi biết mình cần một ngày để sắp xếp lại không gian và chú ý vào những việc vặt vặt," cô nói.

Với Bolte, 27 tuổi, tiết kiệm thời gian quản lý cuộc sống vào một buổi sáng cuối tuần là cách vui vẻ giúp cô giảm tải sức ép tâm lý.

"Tôi rất hứng thú trong việc thực hiện GYLIO, và việc bỏ một buổi sáng ra để dọn nhà, giặt giũ, nấu nướng, đi chạy, xử lý các giao dịch ngân hàng và đưa cuộc sống quay lại quỹ đạo - rồi sau đó có thời gian rảnh để đi đâu đó vui vẻ mà không phải cảm thấy có thứ gì đó còn lấn cấn trong đầu khiến mình liên tục nghĩ cần phải làm."

Chia sẻ sự tập trung

Tập trung vào một công việc trong khoảng thời gian nào đó cho đến khi hoàn thành giúp giảm thiểu điều mà Sophie Leroy, phó giáo sư về quản lý tại Đại học Washington, gọi là "làm việc nọ nghĩ xọ việc kia" - bị phân tán tư tưởng; đó là khi trong đầu ta nghĩ tới nhiều công việc, nghĩa vụ phải làm, khiến tâm trí ta phải phân chia sự chú ý ra, khiến làm giảm hiệu quả công việc.

"Nếu bạn bị tình trạng làm việc nọ nhưng cứ nghĩ xọ sang việc kia, thì về căn bản là bạn hoạt động trong khi một phần nguồn lực nhận thức của bạn đang bận rộn, và điều này có thể gây ra ảnh hưởng lớn - bạn có thể làm việc không hiệu quả, bạn có thể không phải người biết lắng nghe, bạn có thể dễ dàng bị quá tải, bạn có thể phạm lỗi, hay cảm thấy khó khăn trong việc ra quyết định và xử lý thông tin."

Dù ta không thể loại bỏ những việc gây xao nhãng trong cuộc sống, nhưng dành một phút để viết ra "danh sách các việc sẵn sàng làm" và lên kế hoạch để quay lại làm các việc đó - như sắp xếp kế hoạch để làm một buổi GYLIO - là chiến lược để giảm tình trạng phân tán tư tưởng.


Bạn trai của Bolte, kỹ sư Peter Fisher, 29 tuổi, nói rằng anh biết là khi nào thì nên dọn sạch danh sách việc phải làm mà anh để tồn đọng.

"Nếu bạn là người quy củ đến mức có thể thực hiện từng chút mỗi ngày thì thật tốt, nhưng với tôi mọi việc cứ dồn lên và tôi nhận ra tôi phải bắt tay vào thực hiện các việc trong danh sách đó," anh nói.

"Việc này thường không vui vẻ gì, nhưng tôi luôn cảm thấy nhẹ nhõm khi tôi giành thời gian cho nó."

Dù bạn gọi đó là buổi sáng quản trị, là "giờ đầy năng lượng" hay GYLIO, thì gom những việc linh tinh nhỏ và không liên quan lại làm có thể là cách hiệu quả để khiến những việc vô hình trở nên hữu hình.

Và nếu bạn là một cặp đôi, thì đây có thể là cách tốt để chia sẻ khối lượng công việc. "Tôi nghĩ thực hiện ngày GYLIO cùng nhau là điều đặc biệt tuyệt vời, vì như thế thì sẽ không có ai rơi vào tình trạng nản lòng," Emens bình luận.

Tôi tự hỏi liệu ngày GYLIO cũng có thể đem lại kết quả tích cực cho cuộc sống trưởng thành của tôi hay không.

Không có sự hỗ trợ bên ngoài từ trường đại học, người đã đi làm rồi khó mà dành thời gian GYLIO được - nhưng có lẽ đây lại là việc quan trọng hơn hẳn.

Nhà báo Anne Helen Petersen gọi tên "sự tê liệt vì việc vặt" là hội chứng gây kiệt sức của giới trẻ Thiên Niên Kỷ, với văn hóa "liên tục vận động" khiến họ còn rất ít năng lượng dành cho những việc nhỏ.

Đừng chất đầy danh sách

Để khởi động trải nghiệm GYLIO của mình, tôi viết ra một danh sách dài những việc hàng ngày mà tôi đang né tránh thực hiện.

Nhưng tôi vấp phải hàng rào đầu tiên: đó là làm sao chọn ra ngày để thực hiện tất cả những việc này, vì những sự kiện và thời hạn công việc khác cũng khiến tôi gặp khó khăn phải chú ý đến chúng.

Chủ tịch hội sinh viên Henri Currie nhận ra lỗi sơ đẳng của tôi; đó là việc lên danh sách quá dài sẽ khiến bạn dễ nản chí.

"Trong năm đầu tiên của tôi, tuần lễ GYLIO cuối cùng trở nên căng thẳng vì tôi có quá nhiều việc phải làm," cô nhớ lại.

Một danh sách quá tham vọng có thể tạo ra tình trạng phân tán tư tưởng hơn cả. "Nếu bạn định xếp 22 thứ vào danh sách công việc phải làm nhưng bạn không thực sự hành động, thì não bạn sẽ tiếp tục nghĩ về 22 công việc chưa hoàn thành đó," Leroy cho biết.

Người ta cũng khuyên rằng tôi nên tự thực hiện GYLIO của mình; cách tiếp cận công nghệ cao để quản trị cuộc sống chẳng hạn có thể có tác dụng với người này nhưng không có ích với người khác.

"Tất cả chúng ta đều có sự ưu tiên khác nhau với việc quản trị cuộc sống," Emens nói. "Nếu bạn chỉ cố gắng lấy thời khóa biểu của người khác để làm GYLIO cho mình thì sẽ không ích lợi gì trừ khi người đó thực sự có những mối ưu tiên tương tự như bạn."

Để khởi động lại, tôi quyết định giới hạn việc GYLIO của mình xuống còn một giờ và viết ra danh sách khiêm tốn hơn.

Tôi để ý một mô thức chung trong công việc của mình - gọi điện cho kế toán, đặt lịch hẹn với chuyên gia chăm sóc da, trả lời ba tin nhắn trên điện thoại và một tin nhắn thoại trên Whatsapp, gửi thiệp cảm ơn - vì vậy tôi thiết lập một buổi sáng dành cho việc liên lạc, khiến mục đích của mình tập trung và rõ ràng.

Đến 9 giờ sáng hôm sau, tôi đã có bước tiến triển tích cực. Tôi thấy mình đã "sắp xếp lại cuộc sống" và việc này tăng cường cảm giác tích cực là cuộc sống của tôi thực sự đã gọn gàng - thôi thúc tôi lập tiếp danh sách GYLIO kế tiếp.

Emens cảnh báo rằng GYLIO cũng có những điểm tiêu cực - nó khiến bạn ảo tưởng rằng bạn có thể xử lý toàn bộ việc quản trị cuộc sống trong một ngày.

"Đôi khi bạn không thể kiểm soát khi nào sự việc nên xảy ra và bạn có thể phải chờ đợi người khác thì mới tiếp tục thực hiện được bước kế tiếp," bà nói.

Một cảnh báo khác là GYLIO có thể khuyến khích người ta trì hoãn những việc khó cho đến khi họ có đủ danh sách.

Về chuyện này, Emens đề xuất bỏ qua luôn danh sách việc cần làm nếu có thể. "Gửi email cho ai đó thông tin mà cô ấy muốn ngay khi cô ấy đang đứng đó - vậy thì việc đó chẳng cần phải bỏ vào danh sách cần làm," bà lấy ví dụ.

Emens tin rằng chúng ta cần phải tìm được sự cân bằng giữa việc hoàn thành việc quản trị cuộc sống và chăm sóc cuộc sống lành mạnh.

"Ta phải nhận ra rằng những bổn phận đó là thực và không phải chúng được chế ra, nhưng đồng thời nếu ta không thỉnh thoảng ưu tiên chăm sóc bản thân trước, thì ta sẽ chẳng bao giờ hoàn thành được việc đó," bà nói.

Trong trường hợp của tôi, trải nghiệm GYLIO cho thấy tự chăm sóc bản thân không hẳn là cố gắng kiếm ra thời gian thư giãn giữa lúc bận rộn đến rối loạn, mà là loại bỏ những việc phải làm khỏi cuộc sống lộn xộn của mình.

Với một số việc thường ngày đã hoàn tất, tôi có thể nằm trong bồn tắm đầy bọt xà phòng, tận hưởng niềm vui cao sang của một cuộc sống ngăn nắp - dù chỉ là trong thoáng chốc.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Worklife.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn