Tia sáng cuối đường hầm hay ngọn đèn hiu hắt ( Điểm báo Pháp )

Thứ Hai, 06 Tháng Tư 202010:00 SA(Xem: 4863)
Tia sáng cuối đường hầm hay ngọn đèn hiu hắt ( Điểm báo Pháp )
rfi.fr

Siêu vi Corona: Tia sáng cuối đường hầm hay ngọn đèn hiu hắt

Tú Anh

Ảnh một đứa bé xinh xắn chào đời trong một thế giới bị phong tỏa; Mẹ tôi từ trần hôm thứ Sáu, hàng chữ báo tin ảm đạm: Tựa buồn thảm trên La Croix  và Le Monde  phản ánh tình trạng thê lương của thế giới trong cơn khủng hoảng y tế đầy bất trắc. Còn Les Echos lóe lên một tia hy vọng: Đại dịch giảm tốc, tử vong ít dần ở Tây Ban Nha, Ý , Pháp

Diễn biến tình hình dịch trên thế giới như thế nào và được đối phó ra sao? Les Echos báo tin phấn khởi: Dịch bệnh có dấu hiệu giảm dần nhưng các bệnh viện ớn lạnh người khi thấy dân chúng Pháp cũng có dấu hiệu lơ là cảnh giác. Thành phần sinh viên, bác sĩ nội trú đã "hết gân hết cốt".

Libération cũng khuyến cáo: Sau nhiều tuần lễ liên tục đấu vật với siêu vi, y tá bác sĩ đều mệt mỏi "suy nghĩ, ăn uống, nằm ngủ cũng bị Corona ám ảnh.

Bên cạnh phóng sự một bảo sanh viện tại Pháp "sắp xếp" sao cho trong thời đại dịch vẫn có điều kiện lý tưởng an lành cho sản phụ và con thơ, La Croix, đưa một loạt tựa đáng lo: Hoa Kỳ, siêu cường trong cơn bão loạn. New York bước vào cuộc chiến. California hứng trọn ngọn sóng thất nghiệp. Tại Ấn Độ thì dân sợ đói hơn sợ Corona: Hàng triệu công nhân Ấn Độ bị thất nghiệp, không lương, từ hai tháng nay, không tiền nuôi vợ nuôi con. Nhật báo Công Giáo còn đặt một câu hỏi: liệu chúng ta phải đeo khẩu trang hay không ?

Hàn Lâm Viện Y Học Pháp vừa ra thông cáo khuyến khích dân Pháp theo gương dân châu Á. Trái với thông điệp, giải thích của hành pháp, của hàng loạt chuyên gia, bác sĩ thay nhau lên các đài truyền hình trấn an công luận  từ hơn một tháng nay , ý kiến của Viện Hàn Lâm Y Học "nên đeo khẩu trang" có thể làm cho một nhu cầu y tế trở thành "chiến tranh".

Chưa hết cách ly đã mấp mé chiến tranh khẩu trang

Les Echos không ngần ngại đề tựa: "Chiến tranh khẩu trang". Theo nhật báo kinh tế, cho dù Washington cải chính những lời cáo buộc, nhưng theo nhiều nhân chứng, chính Mỹ đã làm giá khẩu trang sản xuất tại Trung Quốc tăng vọt. Pháp đặt hàng 2 tỷ khẩu trang với giá 8 yuan. Một tháng sau, giá lên đến 18 hay 19 yuan, cao hơn gấp đôi. Tiền chuyên chở cũng lên... mà hàng thì chưa thấy về.

Cùng đề tài, Le Monde lý giải: Trước tình trạng khan hiếm khẩu trang và sự bất bình của dân chúng, chính phủ các nước đều cần khẩu trang để hạn chế trường hợp lây nhiễm do vô tình đứng gần người mang siêu vi.  Đó là lý do mà ngay giữa các nước Tây phương cũng tranh giành nhau. Stockholm tố Pháp chận một lô khẩu trang của Thụy Điển. Pháp tố Mỹ chơi đểu giật một lô hàng của Pháp ngay sân bay Thượng Hải với sự đồng lõa của đối tác Trung Quốc tham tiền.

Về phần Bắc Kinh, để tô điểm lại bộ mặt bị chê trách bóp nghẹt thông tin dịch Vũ Hán và bán khẩu trang "dỏm" cho Hà Lan, chính quyền Trung Quốc đặt điều kiện khắt khe, cấm xuất khẩu trang và thiết bị y tế nếu không có giấy chứng nhận kiểm tra chất lượng.

Về chuyện dài khẩu trang, Le Figaro không tử tế, nhẹ tay với các  chính phủ Tây phương, nhất là Pháp và Mỹ với loạt bài như sau:

Đeo khẩu trang, chính quyền nhiều nước thay đổi 180°. Hoa Kỳ xét lại phương pháp chống dịch và yêu cầu dân chúng đeo khẩu trang; Pháp: sau khi Viện Hàn Lâm Y Học đưa ý kiến, chính phủ xem lại chiến lược.

Thật ra, một mình khẩu trang không đủ ngăn chận siêu vi lây lan mà phải tuân thủ thêm bốn nguyên tắc nữa là phải hạn chế đi lại, giữ khoảng cách, rửa tay thường xuyên và không bắt tay, hôn má... một bác sĩ khuyến cáo trên nhật báo thiên hữu.

Công luận đã biết lãnh đạo Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga và đạo luật cấm dân chúng bịt mặt biểu tình bị khẩu trang trả thù như thế nào. Cũng với ý này để trêu chọc chính phủ Pháp, bài xã luận "Hài kịch" của Le Figaro nhập đề : Mặt nạ trả thù: đây không phải là lần đầu tiên chính phủ Macron xoay chiều "lăng ba vi bộ". Họ đã mời chúng ta đi bầu trong khi chỉ thị dân  phải ở nhà tránh dịch. Sau đó là vụ Chloroquine, khuyến cáo rồi lại cho thử lâm sàng. Bây giờ đến chiếc khẩu trang. Tác giả kết luận hóm hỉnh: Hy vọng sự thật không bị "cách ly".

Châu Á sợ siêu vi tấn công đợt hai

Singapore cho "nổ cầu chì". Sau khi thành công ngăn chận dịch Corona lây lan bằng các biện pháp trói buộc theo dõi sát sao, qua điện thoại có định vị, đường đi nước bước của những người dân hoặc du khách nhiễm siêu vi. Kết quả khích lệ hạn chế số tử vong ở mức 5 người. Cho đến nay, người dân Singapore cũng như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn đi làm việc, mua sắm. Rạp chiếu phim đóng cửa nhưng hàng quán vẫn tập nập.

Nhưng từ tháng Ba đến nay, với 50 ca lây nhiễm mỗi ngày, Singapore không thể theo dõi tình hình dịch tất cả qua ứng dụng "định vị" của điện thoại được nữa. Cuối tuần qua, thủ tướng Lý Hiển Long tuyên bố cho "nổ cầu chì" tức là sẽ ban hành biện pháp "phong tỏa" mọi sinh hoạt. Viễn ảnh kinh tế Singapore tê liệt, thuơng mại đình đốn làm cả châu Á lo âu.

Corona đi rồi lại trở về. Theo Le Monde, cụ thể, Đài Loan cho biết đại đa số các ca được phát hiện tức là 86% trong số 339 trường hợp dính siêu vi là do người từ nước ngoài hồi hương, nhập cảnh mang vào. Ngay trong số ít oi 48 ca nội địa thì phân nửa là do tiếp xúc với người hồi hương.

Để có thể sinh hoạt bình thường, hàng quán mở cửa, không hạn chế tự do đi lại, ai ở đâu ở đó, như ở Pháp, Đài Loan đang  áp dụng biện pháp rất nghiêm khắc đối với công dân về nước. Bước xuống máy bay là gặp nhân viên cho chỉ thị: Phải có xe riêng đưa về nhà, không đi phương tiện công cộng. Tự cách ly 14 ngày. Trong thời gian đó, nếu ra khỏi nhà dưới 100 mét, bị phạt  tương đương với 3000 đô la Mỹ, xa hơn 100 mét, tiền phạt có thể lên đến 30.000 đô la.

Trung Quốc cũng lo âu không ít. Trong số các ca "ngoại nhập lây nhiễm" được công bố, 9% là sinh viên Hoa Lục hồi hương trong bối cảnh các đại học Âu Mỹ đóng cửa. Vì giao thông ngưng đọng, giới sinh viên Hoa Lục không có máy bay về nước. Bị gièm pha "đem con bỏ chợ", chính quyền Trung Quốc thông báo sẽ tổ chức các chuyến bay giá rẻ nhưng lại bị chỉ trích là mở đường đem siêu vi trở về nhà.

Nga chống Covid-19: Dịch vụ "tối thiểu" của Putin

Đó là tựa bài "giải mã" của Liberation về chính sách chống khủng hoảng Corona thật khó hiểu của điện Kremlin. Bài rất dài nhưng có hai ý chính: Putin không sử dụng tài khoản dự trữ, 150 tỷ đô la, để cứu dân nghèo và xí nghiệp vừa và nhỏ, lãnh vực kinh tế sử dụng đến 30% lao động Nga.

Trong bối cảnh dầu hỏa, nguồn ngoại tệ chính của Nga rơi giá còn có hơn 10 đôla mỗi thùng, nước Nga phải thận trọng trong mọi chính sách dài hạn. Tuy nhiên, điều chắc chắn  là trong ngắn hạn, thành phần  xí nghiệp hạng trung sẽ tan hoang và dân nghèo lãnh đủ.

Siêu vi từ Vũ Hán tác động mạnh đến thế hệ học sinh lớp 12 tại Pháp

Đối với gần 740.000 học sinh lớp 12, Terminale, thế hệ Tú Tài 2020, năm nay không phải thi cử gì cả. Quyết định của bộ Giáo Dục vừa được thông báo: điểm bài kiểm của ba quý trong năm từ trung bình 10/20 trở lên là đủ.  Còn thiếu điểm từ 8 đến dưới 10/20, sẽ thi vớt vào tháng 9.

“BAC, bằng Tú Tài không khảo thí, biến cố lịch sử của nước Pháp”, tựa đậm của Le Monde. Quyết định miễn thi này không phải ai cũng hài lòng. Rất nhiều học sinh  lơ là điểm trong lớp, đặt cược vào kỳ thi chung cuộc để lấy hạng ưu hoặc tối ưu để vào trường danh tiếng.

Les Echos cho biết thêm: Để bác bỏ chỉ trích "bằng cấp hạ giá", bộ Giáo Dục kéo dài chương trình học thêm một tháng cho đến 04/07. Biện pháp lịch sử này còn là thông điệp minh bạch gửi phụ huynh học sinh là cho dù tình hình dịch diễn biến như thế nào từ nay đến mùa hè, tương lai trước mắt các em là như thế.

Trang môi trường, nhật báo kinh tế nhấn mạnh đến một cái may trong cái rủi: Khí thải CO2 giảm 58% mỗi ngày tại châu Âu làm không khí trong lành hơn từ khi sinh hoạt con người bị đình trệ vì Corona.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn