Chuyến bay như 'hậu tận thế' giữa dịch bệnh để tới cầu hôn bạn gái

Chủ Nhật, 05 Tháng Tư 20209:00 CH(Xem: 5827)
Chuyến bay như 'hậu tận thế' giữa dịch bệnh để tới cầu hôn bạn gái

Giữa đại dịch, Eihab Boraie mô tả hành trình từ Ai Cập tới Canada để cầu hôn bạn gái “chẳng khác nào tự sát”, nhưng rất đáng giá.

Zing.vn trích dịch bài viết đăng trên CNN, kể lại hành trình của Eihab Boraie từ Cairo (Ai Cập) đến Québec (Canada) để cầu hôn bạn gái. Trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng, Boraie mô tả quyết định này “chẳng khác nào tự sát”, nhưng đáng để đánh đổi.

Ở lại Cairo cùng gia đình hoặc lên chuyến bay cuối cùng đến Canada bên người yêu. Tôi cần quyết định nhanh chóng, nhưng cũng lo ngại việc đi lại giữa đại dịch chẳng khác nào tự sát, hoặc tệ hơn, lây bệnh cho người khác.

Khi dịch Covid-19 lan rộng trên toàn cầu, tôi tin rằng không có nơi nào tuyệt đối an toàn và tự cô lập là hành động tốt nhất.

Tuy nhiên, tình yêu sẽ khiến con người làm những điều ngốc nghếch.

Tôi là người Canada gốc Ai Cập yêu một cô gái Mỹ gốc Italy, Francesca Brundisini, nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ ở Québec, Canada. Cô ấy đặt chân đến thành phố này chưa lâu và sợ rằng việc tự cô lập mà không có bạn bè hay gia đình ở bên sẽ dẫn đến rủi ro nếu bản thân nhiễm virus.

Khi tin tức về đại dịch nổ ra trên toàn thế giới, cả hai chúng tôi đều nhận ra rằng cuộc khủng hoảng này sẽ kéo dài hơn một vài tuần. Khoảng cách, sự không chắc chắn và một bà mẹ Italy đang hoảng loạn (mẹ của Francesca Brundisini - PV) đã thôi thúc tôi thực hiện một hành động.

Bố mẹ khuyến khích tôi cố gắng tìm chuyến bay. Một phần vì lo lắng cho người yêu tôi đang ở một mình tại Canada, nhưng cũng nghĩ rằng việc tìm vé là không thể.

Chuyen bay nhu 'hau tan the' giua dich benh de toi cau hon ban gai hinh anh 1 1.jpg

Eihab Boraie ôm tạm biệt mẹ tại sân bay quốc tế Cairo.

Tranh nhau tấm vé cuối cùng

Khi Ai Cập tuyên bố đóng cửa các sân bay từ ngày 19/3, giá những chiếc vé cuối cùng tăng vọt từ 700 USD lên hơn 3.000 USD. Hầu hết điểm đến thuộc các quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Tôi quyết định nắm lấy cơ hội và ghi tên mình vào danh sách chờ cho chuyến bay thẳng đến Toronto. Tôi cho rằng cách duy nhất tới được đó là Chính phủ Canada gửi máy bay tới Ai Cập đón đồng bào bị mắc kẹt.

Thật đáng kinh ngạc, vài giờ trước khi sân bay đóng cửa, tôi nhận được cuộc gọi xác nhận mình có chỗ ngồi trên chuyến bay cuối cùng đến Canada.

Tôi vội đến văn phòng hãng hàng không EgyptAir ở quận Korba của Cairo để nhận vé. Khi ra khỏi cửa, một cửa hàng trang sức lọt vào tầm mắt tôi. Thật buồn cười khi một cửa hàng không bán đồ thiết yếu như vậy vẫn mở cửa. Nhưng như thể vũ trụ biết tôi cần một món đồ vào giây phút đó.

Trên đường về nhà, tôi thấy quân đội Ai Cập phân tán khắp thành phố để làm nhiệm vụ. Động thái thường cảnh báo rằng giờ giới nghiêm có thể sắp đến.

Ký ức về lệnh giới nghiêm trong các cuộc nổi dậy ở Ai Cập bắt đầu ùa về. Nhưng trong thời điểm đặc biệt thế này, những biện pháp hà khắc an ủi người ta một cách kỳ lạ vì có thể giúp hạn chế sự lây nhiễm virus.

Chuyen bay nhu 'hau tan the' giua dich benh de toi cau hon ban gai hinh anh 2 2.jpg

Boraie đeo khẩu trang kín mít trong suốt hành trình tới Canada.

Cảm giác như xuất hiện trong bộ phim hậu tận thế

Đến sân bay Cairo, tôi ôm chầm lấy bố mẹ và hy vọng đó không phải lần cuối cùng.

Cảm xúc trào dâng, tôi bước vào nhà ga với mường tượng sẽ gặp phải khung cảnh hỗn loạn. Nhưng thay vào đó, tòa nhà trống vắng đến kinh ngạc.

Trước đại dịch, sân bay Cairo đã nhộn nhịp trở lại khi ngành du lịch bắt đầu phục hồi sau những biến động chính trị và xã hội ở Ai Cập. Tôi từng thấy cảnh sân bay vắng vẻ, nhưng chưa bao giờ đến mức này.

Không có dòng người xếp hàng trong vòng kiểm tra an ninh đầu tiên. Hầu hết nhân viên sân bay đều đeo khẩu trang, đôi khi có cả găng tay, nhưng không phải tất cả. Tôi nhận thấy một vài nhân viên vận chuyển hành lý không hề đeo.

Tại quầy làm thủ tục, tôi được thông báo đây là chuyến bay cuối cùng tới Canada. Đây thực sự là điều đáng mừng vì các hành khách có thể giữ khoảng cách với nhau trên máy bay.

Chuyen bay nhu 'hau tan the' giua dich benh de toi cau hon ban gai hinh anh 3 3.jpg

Khung cảnh vắng vẻ tại sân bay Cairo trước khi chuyến bay cuối cùng đến Canada của Boraie cất cánh.

Khi tôi làm thủ tục check in, hầu như không có ai bên trong nhà ga, ngoại trừ một vài nhân viên và hành khách.

Rảo bước trong lối đi thoáng đãng, đôi khi hoàn toàn không thấy ai trong tầm mắt, tôi thấy mình như xuất hiện trong một bộ phim hậu tận thế và đang chờ đợi đám thây ma mang bệnh truyền nhiễm ùa ra từ góc tường.

Không có nhân viên nào kiểm tra thân nhiệt của tôi, cũng không ai hỏi về triệu chứng bệnh.

Sau đó, tôi nghe tin từ người họ hàng đi máy bay về Ai Cập rằng họ kiểm tra thân nhiệt những hành khách nhập cảnh ở sân bay Cairo.

Dòng người lên máy bay khá đông. Hầu hết hành khách đeo khẩu trang và che kín mặt, chỉ để lộ ra đôi mắt lo lắng. Những người không đeo khẩu trang, có cả già và trẻ, vì thờ ơ với cuộc khủng hoảng đang ở rất gần.

Chuyen bay nhu 'hau tan the' giua dich benh de toi cau hon ban gai hinh anh 4 http_cdn.cnn.com_cnnnext_dam_assets_200325165103_cairo_check_in.jpg

Hầu hết hành khách đeo khẩu trang khi làm thủ tục check in.

Chuyến bay dài nhất trong đời

Chuyến bay MS995 được hoàn thành trong thời gian kỷ lục. Tuy nhiên, thời gian khởi hành bị trì hoãn một cách khó chịu.

Hai hành khách từ chối ngồi ghế bên cạnh nhà vệ sinh. Sau khi không đổi được chỗ ngồi, họ quyết định từ bỏ tấm vé trên chuyến bay cuối cùng.

Mọi quyết định được đưa ra trong chuyến bay này dường như được phóng đại thành vấn đề giữa sự sống và cái chết. Và ngồi cạnh nhà vệ sinh trên chuyến bay gần như kín chỗ có thể làm tăng nguy cơ bị nhiễm bệnh.

Kịch bản tồi tệ duy nhất xảy đến với tôi là ngồi kế bên hành khách có một số triệu chứng bệnh. Bị kẹp giữa bà mẹ 72 tuổi và con gái 38 tuổi của bà ấy, tôi liền đưa cho họ chai nước rửa tay diệt khuẩn.

Người mẹ đeo khẩu trang nhưng bị sổ mũi và ho. Trong khi đó, con gái bà ấy ngồi gần lối đi và không có biện pháp bảo vệ nào, cũng không hề lo lắng.

Chuyen bay nhu 'hau tan the' giua dich benh de toi cau hon ban gai hinh anh 5 4.5.jpg

Chuyến bay bị delay bởi hai hành khách lo lắng khi phải ngồi gần nhà vệ sinh.

“Tôi cứ nghĩ Canada sẽ đóng cửa biên giới sớm, nhưng Ai Cập lại tiến hành trước”, người mẹ giải thích.

Tiếp tục bày tỏ sự bực bội trong quá trình “săn” vé máy bay, bà nói họ cố gắng tìm sự giúp đỡ từ lãnh sự quán nhưng vô ích. Người con gái thì tin rằng việc họ trực tiếp đến văn phòng EgyptAir là điều giúp mình có được hai chỗ ngồi.

“Khi nhận được vé, tôi rất phấn khích. Cảm giác như trúng xổ số vậy”, người phụ nữ 38 tuổi giải thích.

Trong suốt chuyến bay, tôi im lặng vì mỗi tiếng ho phát ra như một lời nhắc nhở rằng mình có khả năng ở cạnh “kẻ thù vô hình”. Tôi hỏi người mẹ có cảm thấy khỏe không, bà ấy khẳng định rằng mình vẫn ổn.

“Tôi mới bị cảm vài ngày trước. Họ nói rằng triệu chứng ban đầu không phải sổ mũi, mà là ho khan. Nhưng đừng nói với ai nhé, tôi không muốn họ bắt mình quay lại”, bà khẩn khoản.

Toàn bộ lý do cho chuyến đi này là đến bên người tôi yêu, nhưng tôi sẽ không lên máy bay nếu bản thân có triệu chứng bệnh.

“Tôi chưa bao giờ thấy sân bay trống vắng thế này”

Đáp xuống Toronto, tôi mường tượng ​​sân bay chật kín người Canada trở về từ khắp nơi trên thế giới, bởi Thủ tướng Justin Trudeau gần đây thúc giục công dân ở nước ngoài hồi hương.

Nhưng sân bay ở Toronto cũng vắng lặng như Cairo. Khi tôi xuống máy bay, một số nhân viên an ninh phát tờ rơi nhắc nhở mọi người tự cách ly trong 2 tuần.

Tại quầy hải quan, nhân viên hỏi tôi có triệu chứng bệnh gì không. Nhưng một lần nữa, tôi không được kiểm tra thân nhiệt hay bất cứ biện pháp nào khác. Có thể họ giấu máy đo nhiệt độ ở đâu đó, nhưng tôi lo ngại các biện pháp sàng lọc này là không đủ.

Tôi chỉ phải xếp hàng đợi ở sân bay không phải ở quầy hải quan, cửa an ninh hay kiểm tra sức khỏe mà là ở quán cà phê. Khi tôi đến quầy thu ngân, tôi cảm thấy chán nản vì không nhân viên nào đeo khẩu trang.

Chuyen bay nhu 'hau tan the' giua dich benh de toi cau hon ban gai hinh anh 6 5.jpg

Khung cảnh vắng lặng ở sân bay Toronto khi Boraie đáp xuống.

Phải chờ 7 tiếng cho chuyến bay tiếp theo, tôi quyết định khám phá sân bay và phát hiện một phòng khám y tế.

Tôi hỏi nhân viên tiếp tân về việc xét nghiệm Covid-19. Người này mở to đôi mắt trước câu hỏi của tôi và nói rằng họ không làm thế. Sau đó, tôi được cung cấp một số điện thoại để liên hệ nếu tôi có triệu chứng bệnh.

Cô ấy nói: “Em đồng ý”

Chuyến bay đến thành phố Québec trống một nửa ghế. Bởi vậy, hầu hết hành khách ngồi mỗi người một hàng.

Khi đến nơi, tôi một lần nữa không phải trải qua quy trình kiểm tra sàng lọc. Vậy là giữa đại dịch toàn cầu, tôi đi từ Cairo đến Québec mà không có được những biện pháp kiểm dịch cơ bản.

Chuyen bay nhu 'hau tan the' giua dich benh de toi cau hon ban gai hinh anh 7 90491482_10158263290438060_6603153811169083392_o.jpg

Boraie vượt gần 8.500 km để cầu hôn bạn gái.

Khi Francesca đến, tôi lẻn ra sau lưng cô ấy, quỳ xuống và cầu hôn.

Bạn gái tôi hoàn toàn bất ngờ vì chưa đầy 48 tiếng trước, cô ấy còn không biết khi nào mới có thể gặp lại tôi, nói gì đến việc tôi hỏi cưới cô ấy.

Cô ấy nhận lời cầu hôn. Chúng tôi tháo khẩu trang và trao nhau nụ hôn thật sâu.

Tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi cô ấy nói đồng ý. Điều đó một lần nữa khẳng định rằng hành trình của tôi đầy rủi ro nhưng thật sự đáng giá.

Tôi không thể tưởng tượng mình sẽ làm gì nếu cô ấy từ chối, bởi lẽ tôi không thể quay lại Ai Cập.

Vợ sắp cưới của tôi rất thích chiếc nhẫn và đeo nó vào ngón tay. Nhưng chúng tôi đều hiểu rằng nụ hôn khi nãy cũng đồng nghĩa việc cả hai chấp nhận nguy cơ lây nhiễm virus.

Khi gia đình và bạn bè của Francesca ở Italy biết về lễ đính hôn, họ gửi lời chúc mừng chúng tôi. Đối với nhiều người, đây thậm chí là tin tốt lành đầu tiên họ nghe trong hơn một tháng qua.

Điều tôi học được từ cuộc khủng hoảng này có lẽ là không thể đoán trước được điều gì. Và nếu bản thân sẵn sàng mạo hiểm sức khỏe của bạn gái, tôi cũng nên cam kết dành phần còn lại của cuộc đời để ở bên cô ấy.

Chúng tôi sẽ tận hưởng khoảnh khắc bên nhau trong 2 tuần tới. Và khi dịch bệnh qua đi, chúng tôi dự định kết hôn trên đảo Giglio ở Italy.

Nhưng thật khó để tưởng tượng điều đó bao giờ mới xảy ra. Cho đến ngày đó, mục tiêu duy nhất chúng tôi đặt ra là tự cô lập và sống sót trong thời gian cách ly.

Chuyen bay nhu 'hau tan the' giua dich benh de toi cau hon ban gai hinh anh 8 6.jpg

Boraie và Francesca dự định kết hôn ở Italy sau khi dịch bệnh kết thúc.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn