Virus corona: Đi đâu và làm gì giữa thời loạn lạc?

Thứ Tư, 25 Tháng Ba 20206:00 SA(Xem: 4680)
Virus corona: Đi đâu và làm gì giữa thời loạn lạc?
bbc.com

Virus corona: Đi đâu và làm gì giữa thời loạn lạc?

Giang Hà Gửi đến BBC News Tiếng Việt từ Hà Nội

Công dân Việt Nam hồi hương từ Vũ Hán chờ kiểm tra chi tiết cá nhân tại sân bay Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh vào trung tuần tháng Hai, 2020 Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Công dân Việt Nam hồi hương từ Vũ Hán chờ kiểm tra chi tiết cá nhân tại sân bay Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh vào trung tuần tháng Hai, 2020

Câu hỏi về những dòng người đang di chuyển trên thế giới hoàn toàn không phải mới mẻ.Trước khi đại dịch virus corona xảy ra, những dòng người di cư vẫn không ngừng chảy khắp toàn cầu.

Từ Đông sang Tây, từ châu Phi sang châu Âu, từ những nước có chiến tranh, nạn đói sang đất nước có hoà bình, giàu có. Câu chuyện này tồn tại từ khi loài người còn ở thưở hồng hoang. Trước, trong và sau những cuộc chiến tranh, dòng người di cư toả ra khắp nơi cũng đã được ghi dấu vào lịch sử.

Về nhà: Cũng giống như khi chiến tranh được ban bố, dòng người sơ tán từ thành phố đổ về các vùng quê, thì giờ đây trong dịch bệnh Covid-19, dòng các du học sinh, sinh viên đổ về từ những nước phương Tây, Âu Mỹ, Úc…

Những ngày cuối, họ bị kẹt ở khắp các sân bay với đúng nghĩa là bị bỏ rơi. Ngoài sự thảm hại về hoàn cảnh và tinh thần, dư luận liên tục tấn công họ.

Về Nhà là tiếng gọi bản năng mạnh mẽ trong mỗi con người khi thời loạn. Bản quyền hình ảnh MANAN VATSYAYANA/Getty Images
Image caption Về Nhà là tiếng gọi bản năng mạnh mẽ trong mỗi con người khi thời loạn (minh họa)

Họ bị kẹt giữa hai luồng dư luận. Những người lâu nay tự coi là “yêu nước” thì nói rằng họ không nên về nước, có đóng góp gì cho đất nước đâu mà về vào lúc này. Những người trung thành với sống ở nước ngoài thì nói, thôi tin Việt Nam thì cứ về đi, dại thế, chưa biết mèo nào cắn mỉu nào đâu.

Người về là những ai? Có lẽ phần lớn là du học sinh, sinh viên hoặc người lao động ngắn hạn, những người mà khái niệm “Home”, “Gia Đình” của họ vẫn là ở Việt Nam.

Còn Việt kiều sẽ ít về hơn rất nhiều vì với họ các nước này đã trở thành nhà của họ.

Về Nhà là tiếng gọi bản năng mạnh mẽ trong mỗi con người khi thời loạn.

Và họ có quyền về Nhà, khi cầm cuốn hộ chiếu màu xanh mang dòng chữ “Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”.

Chúng ta không ai có quyền dè bỉu họ. Đừng hỏi họ đã làm được gì cho xã hội. Cha ông tổ tiên họ chắc chắn đã cày cấy trên những cánh đồng Việt nam. Cha mẹ họ đã nuôi lớn họ ở Việt Nam. Ở những vùng quê nghèo người ta còn thấy những bảng quảng cáo “xuất khẩu lao động là yêu nước”. Kiều hối đổ về nước hàng năm không ít. Những sinh viên đi học được kiến thức, mở mang đầu óc về nhà cống hiến cho đất nước.

Vậy tại sao không mở lòng đón họ về?

Xét cho cùng, thế giới nay là một cộng đồng duy nhất cho dù chúng ta đã đóng cửa. Biên giới đã khóa, hàng không đã ngừng bay nhưng không người bố người mẹ Việt nào yên lòng khi còn có những đứa con của họ ở ngoài kia. Cho dù ngoài kia không hẳn là đã thật nguy cấp, nhưng lòng mong mỏi của con người là ở cạnh nhau khi có đại hạn.

Không chỉ người Việt Nam muốn về Nhà

Tại Hà Nội, sau khi từ Pháp về, tôi thấy những người hàng xóm Úc của chúng tôi bỏ về Úc không phải để chạy dịch - Covid-10 ở đó còn nguy cơ cao hơn ở Việt Nam - mà để về Nhà. Họ đã sống ở Việt Nam trên 5 năm, con cái họ sinh ra ở Việt Nam, công việc của họ ở Việt Nam, bạn bè họ ở Việt Nam.

Trong lúc tôi ở Paris đầu năm nay, những bạn Úc vội vàng quyết định trở về quê hương. Tôi không kịp gặp họ, không kịp nói lời tạm biệt hai cô cậu bé mà tôi yêu quý. Tôi hỏi họ qua mạng tại sao quay về trong lúc thứ đều hỗn loạn, họ nói với tôi, cho dù họ sẽ rất nhớ Hà Nội nhưng họ thấy thôi thúc muốn quay lại nơi mà họ cảm thấy là Nhà của họ, nơi bọn trẻ con có ông bà, họ hàng, cô dì chú bác, nơi mà nhỡ có chuyện gì xảy ra họ ở bên cạnh bố mẹ họ. Chắc tôi sẽ không bao giờ quên giờ phút tôi phải dọn những thứ đồ gắn bó với bạn người Úc của tôi qua Whatssap. Những kỷ niệm, những quà tặng quý báu không kịp mang theo mà không biết ngày nào quay lại.

Tôi cũng sẽ không quên hình ảnh của người Paris đổ ra những nhà ga chạy về quê. Có những người về nhà bố mẹ, nhưng cũng có những người thuê nhà để ở, có những người về nhà bạn. Người Pháp chạy khỏi thành phố nơi họ sống một mình trong những căn nhà nhỏ xíu chỉ mười mấy mét vuông. Họ tìm sự thân thuộc, họ tìm không gian, tìm thiên nhiên cho những ngày loạn lạc.

Người di dân Myanmar, Lào và Cambodia chen nhau đợị xe buýt rời khỏi Bangkok Thái Lan để về nhà khi bệnh dịch lây lan nhanh ở nước này Bản quyền hình ảnh LILLIAN SUWANRUMPHA/Getty Images
Image caption Người di dân Myanmar, Lào và Cambodia chen nhau đợị xe buýt rời khỏi Bangkok Thái Lan để về nhà khi bệnh dịch lây lan nhanh ở nước này

Những cuộc chạy loạn, chia tay không biết bao giờ gặp lại như thế diễn ra trên tất cả các góc trên thế giới. Phải chăng lúc này là lúc chúng ta biết rõ nhất tình yêu thương chúng ta dành cho nhau. Chúng ta muốn ở bên ai?

Vậy nên tôi nghĩ, hãy đừng để đại dịch biến chúng ta thành những kẻ ích kỷ, nhìn đâu cũng thấy “kẻ mắc dịch” và xua đuổi họ. Hãy đừng để cho virus ăn vào trí não của ta trước cả khi nó ăn vào phổi.

Ngày hôm nay chúng ta xua đuổi người khác thì ngày mai người khác sẽ xua đuổi chúng ta. Hơn bao giờ hết, sự kết nối cộng đồng theo nghĩa rộng trở nên quan trọng như bây giờ.

Không còn khái niệm xa hay gần. Tất cả đều kết nối chặt chẽ với nhau.

'Hãy là nước''như lờí của Bruce Lee

Thế nhưng không phải ai cũng về được với cha mẹ, với mảnh đất chôn nhau cắt rốn. Vậy chúng ta phải làm gì?

Tôi nhớ mãi lời Lý Tiểu Long nói 'hãy là nước'. Sức mạnh là ở sự mềm dẻo. Đã là thời chiến thì còn cần gì một chiếc tủ lạnh? Đầu đội trời, chân đạp đất vẫn sống hiên ngang.

Tôi nhớ lời người đi trước mà tôi hằng kính trọng và ngưỡng mộ, ông Vũ Thư Hiên kể, những ngày chiến tranh, trong khi mọi người hoảng sợ, ông tìm những phút bình yên trong hố đại bác để hút những điếu thuốc lá hiếm hoi và nhìn bầu trời xanh ngắt. Vì ông biết rằng, khi bắn xong một phát đại bác thì kiểu gì cả cỗ súng cũng xê dịch đi một chút. Và chỉ cần một chút đó là nó sẽ không bao giờ bắn vào chỗ cũ.

Hố đại bác đó là những giây phút bình yên trong một cuộc chiến để tự cân bằng. Sự mềm mại của nước tạo nên sức mạnh vô biên. Đó là điều mà chúng ta cần, nhất là vào lúc này. Kể cả khi chúng ta không về được đến nhà.

Nhưng làm thế nào để mạnh như nước? Để có khả năng mềm dẻo và chấp nhận hoàn cảnh? Ở Việt Nam báo chí đang nói về chuyện những ông bố bà mẹ hì hục tiếp tế cho con hay mong muốn xin cho con sang một chỗ cách ly khác 'tốt hơn'. Có những người con đang ở nước ngoài muốn con về nhà bằng mọi giá, họ không biết rằng họ đang làm yếu con mình. Thay vì gồng mình lên muốn có những gì mình quen có được, thì phải chăng nên xuôi theo hoàn cảnh để tìm cho mình sức mạnh, ý nghĩa sống trong hoàn cảnh đó.

Sức mạnh đến từ ý nghĩa cuộc sống. Nếu chúng ta tìm được lý tưởng sống chúng ta sẽ không bao giờ run sợ.

Chúng ta vẫn có việc để làm. Chúng ta kết nối cộng đồng, chúng ta viết, chúng ta phỏng vấn, chúng ta kể chuyện, chúng ta chung tay chống dịch bằng sức của chúng ta. Hãy làm tất cả những điều chúng ta có thể làm được trong mọi hoàn cảnh. Trong cuộc chiến chống virus này, không phải là không ai bị bỏ lại, mà đúng hơn là đừng bao giờ tự mình bỏ lại chính mình. Hãy mềm mại và mạnh mẽ như nước.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của bà Giang Hà, công dân Pháp hiện sống tại Hà Nội.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn