Virus corona: 'Tôi hồi phục sau khi tự cách ly điều trị ở nhà'

Thứ Tư, 18 Tháng Ba 20208:25 SA(Xem: 4766)
Virus corona: 'Tôi hồi phục sau khi tự cách ly điều trị ở nhà'
bbc.com

Virus corona: 'Tôi hồi phục sau khi tự cách ly điều trị ở nhà'

Mỹ Hằng BBC News Tiếng Việt

Virus corona: 'Tôi hồi phục sau khi nhiễm Covid sau khi tự cách ly ở nhà' Bản quyền hình ảnh TVKP
Image caption Virus corona: 'Tôi hồi phục sau khi nhiễm Covid sau khi tự cách ly ở nhà'

Trần Vũ Kiều Phương chia sẻ với BBC News Tiếng Việt hành trình cô bị nhiễm Covid-19 và bình phục sau khi được giới chức y tế Thụy Sỹ cho cách ly tại gia.

Việc bình phục nhanh chóng với Trần Vũ Kiều Phương, 28 tuổi, một du học sinh ở Thụy Sỹ, người mới đây được chẩn đoán dương tính với Covid-19, vẫn còn là điều làm chính cô ngạc nhiên.

Phương cho hay: "Mới đây tôi đã nhận kết quả xét nghiệm âm tính. Hiện giờ tôi vẫn ở nhà để đảm bảo an toàn cho mọi người nhưng tôi đã khỏe lên rất nhiều. Thật kỳ diệu."

Phương nói "kỳ diệu" do cô hồi phục nhanh ngoài trông đợi của chính mình. Nhưng điều mà cô muốn chia sẻ hơn cả là việc tự cách ly tại gia đối với những trường hợp còn trẻ, không có tiền sử bệnh, như cô, có thể là một biện pháp cần xem xét để giảm gánh nặng cho nguồn lực của chính phủ Việt Nam trong điều kiện tình hình lây nhiễm ngày càng phức tạp.

Hành trình nhiễm bệnh

coronavirus Bản quyền hình ảnh TVKP
Image caption Khẩu tra và dung dịch rửa tay là thứ duy nhất Phương được bệnh viện cấp sau khi được chẩn đoán dương tính với Covid-19

Ngày 29/2: Phương qua Pháp thăm một người bạn. Khi đó người bạn này kêu mệt nhưng cả nhóm không nghĩ gì khác nên vẫn chào hỏi, ôm hôn, đi chơi cùng.


Vài ngày sau khi về lại Thụy Sỹ, Phương được tin cô bạn người Pháp đã nhập viện do nhiễm virus corona. Khi đó Phương khá hoảng sợ vì cô cũng đang cảm thấy rất mệt. Trước đó cô chỉ nghĩ có lẽ do mình học nhiều quá nên vẫn mệt như mọi khi. Cô cũng bị chảy mũi, nhưng ban đầu nghĩ do trời lạnh.

Ngày 4/3: Phương gọi điện cho bác sỹ gia đình và được sắp xếp khám vào ngày hôm sau.

Ngày 5/3: Sau khi khám cho Phương, bác sỹ gia đình kê cho cô thuốc giảm đau cổ họng, thuốc xịt mũi, thuốc ho, hạ sốt. Nhưng sau khi Phương cho hay mình từng tiếp xúc với người nhiễm Covid, bác sỹ lập tức gọi điện cho bệnh viện của thành phố và hỏi các thủ tục làm xét nghiệm.

Chỉ có một vài nơi trong thành phố nơi Phương sống có thể làm xét nghiệm Covid-19, và quy định thường sau 14 ngày kể từ khi tiếp xúc với nguồn bệnh mới xét nghiệm. Phương mới được 5 ngày nhưng do cô đã có triệu chứng khá rõ nên được chấp thuận cho làm xét nghiệm ở một trung tâm y tế.

"Ngay khi tôi nói mình tới để xét nghiệm virus corona, nhân viên y tế lập tức phát cho tôi khẩu trang và dung dịch rửa tay. Sau đó họ đưa tôi ra một lều cách ly bên ngoài để chờ, nơi đã có một số người cũng đang ngồi chờ tới lượt. Tôi phải chờ 4 tiếng mới được khám do có khoảng 4 - 5 người trước mình."

"Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ kín từ đầu tới chân, hỏi tôi rất cặn kẽ về lịch trình tiếp xúc với người bệnh, tiểu sử bệnh tật, có bị sốt không. Sau đó họ lấy hai mũi dung dịch họng và mũi, cấp giấy hướng dẫn cách ly, yêu cầu tôi đeo khẩu trang và trở về nhà lập tức."

Hành trình cách ly tại gia

coronavirus Bản quyền hình ảnh TVKP
Image caption Thùng đồ ăn do bạn bè gửi cho Phương

Ngày 6/3: Chỉ 24 giờ sau khi làm xét nghiệm, Phương nhận kết quả: Dương tính.

"Các bác sỹ nói tôi đừng lo lắng quá, sẽ có người chăm sóc tôi. Họ nói tôi còn trẻ, đây không phải bệnh chết người, nó chỉ nguy hiểm với người già và có tiền sử bệnh nền, nên tôi hãy yên tâm."

"Tôi chỉ biết có vậy, cũng không được cấp phát thuốc gì, không nhập viện, không có thêm thông tin nào hết."


"Trong những ngày ở nhà, người ở trung tâm y tế gọi điện ngày hai lần để kiểm tra tình trạng của tôi, phòng khi bệnh tôi trở nặng thì sẽ phải nhập viện ngay lập tức. Bác sỹ gia đình cũng gọi điện liên tục."

"Cũng trong ngày nhận kết quả dương tính từ bệnh viện, tôi bắt đầu đau nhức toàn thân, mệt rã rời. Tôi có hỏi bác sỹ cho tôi thuốc và rằng tôi có cần nhập viện không, nhưng họ nói không. Họ chỉ nói tôi uống thuốc giảm đau hạ sốt và yêu cầu thường xuyên đo nhiệt độ cơ thể."

"Cơn đau nhức lan khắp người, tới mức tôi đứng lên mà chỉ muốn té ngã. Có lúc tôi cảm thấy mình không thể thở nổi. Nhưng tôi không hề sốt."

coronavirus Bản quyền hình ảnh TVKP
Image caption Kết quả xét nghiệm của bệnh viện cho hay Phương âm tính với Covid-19 sau khi cách ly tự điều trị tại gia

"Tôi là người theo Tin Lành, nên tôi thường xuyên cầu nguyện mong Chúa chữa lành và bảo vệ cho tôi. Lúc đó, tôi có niềm tin rất mạnh liệt rằng chắc chắn tôi sẽ khỏi bệnh, do đó dù mệt mỏi nhưng tôi thấy rất bình an."

"Tôi cũng không cho phép mình lo lắng quá nhiều, vì có thể sự lo lắng khiến bệnh tình trở nặng hơn. Lúc quá mệt, đau, tôi cũng cố để không nằm bẹp một chỗ mà đi lại dọn dẹp, ăn trái cây, làm bài tập, hay tranh thủ ngủ thật nhiều. Cứ thế, tôi làm mọi cách để quên đi sự mệt mỏi, đau nhức."

"Hàng xóm và các bạn biết tôi bị bệnh nên đã chung tay giúp đỡ. Họ mua đồ ăn mang đến đặt trước cửa. Có bạn còn kho cá gửi qua thùng thư.

Ngày 9/3: Theo đề nghị của bác sỹ, Phương tới bệnh viện làm xét nghiệm lần hai.

Các thủ tục xét nghiệm lần này cũng giống hệt lần một, chỉ khác là nhân viên y tế chỉ lấy dung dịch mũi để xét nghiệm.

Kết quả: Âm tính.

p085ct8c

Máy của bạn không hỗ trợ nghe xem

Giáo dân Hà Nội vẫn đi nhà thờ, cầu nguyện vượt qua mùa dịch

Khác biệt giữa chống dịch ở Thụy Sỹ và Việt Nam

"Tôi có niềm tin mãnh liệt rằng mình không được quỵ ngã, mình sẽ khỏi bệnh, nhưng tôi cũng không ngờ là mình hồi phục nhanh đến thế," Trần Vũ Kiều Phương chia sẻ với BBC News Tiếng Việt.

Lý do khiến Phương mở lòng chia sẻ về trường hợp của mình, theo cô, là do cô thấy ở Việt Nam hàng ngày đều tiếp nhận rất nhiều thông tin về tình hình nhiễm virus và mọi người rất hoang mang. Cô hi vọng rằng câu chuyện của mình có thể khiến mọi người có thêm hi vọng và đừng quá lo sợ.

Phương cũng chia sẻ sự khác nhau trong cách chống dịch ở Thụy Sỹ và Việt Nam.

coronavirus Bản quyền hình ảnh TVKP
Image caption Góc học tập của Phương ở Thụy Sỹ, trong căn phòng nơi cô tự điều trị cách ly

"Bên này thông tin người nhiễm virus được bảo mật rất kỹ. Ngay cả bác sỹ gia đình gọi điện đến trung tâm y tế nơi làm xét nghiệm Covid-19 cho tôi cũng không được cung cấp thông tin. Tôi mới là người có quyền quyết định sẽ thông báo tin này hay không."

"Để đảm bảo sự an toàn cho cộng đồng, đặc biệt do tính chất công việc tôi phải tiếp xúc với trẻ em, nên tôi đã quyết định thông báo ngay cho nhà trường và bạn bè là mình bị nhiễm virus."

"Trường cũng ngay lập tức email trong toàn hệ thống cho sinh viên, thông báo trong khoa có người nhiễm bệnh, yêu cầu sinh viên trong khoa học online, hoặc với những người vẫn muốn đến lớp thì phải ngồi cách nhau 2m và không tiếp xúc gần."

"Trong trường cũng có trang web riêng về vấn đề virus corona và hướng dẫn chăm sóc sức khỏe thế nào."

"Ở đây không phải muốn đòi nhập viện là được. Những ca nhiễm virus ở Thụy Sỹ đang ngày càng nhiều lên nên chính phủ tập trung chữa cho người già và trẻ em bởi họ là đối tượng có nguy cơ cao và khi nhiễm bệnh thường bị nặng."

"Ở Thụy Sỹ mọi người không đeo khẩu trang. Khi có ai đó đeo khẩu trang thì mọi người mặc định người đó đang bị bệnh."

"Rõ ràng cách chống dịch ở Việt Nam và Thụy Sỹ và một số nước châu Âu rất khác nhau. Ở Việt Nam thì ai dương tính đều vào viện, người nghi nhiễm cho vào khu cách ly. Ở đây dù có nhiễm bệnh thì vẫn điều trị ở nhà. Bác sỹ nói bệnh này nguy hiểm nhưng người trẻ, khỏe, không có tiền sử bệnh, thì chống chọi được. Quan trọng là phải cách ly, đừng để nhiễm cho cộng đồng, đặc biệt cho người già và trẻ em."

"Cái khó là phải tự ý thức rất cao. Bởi lẽ có người không thể chịu được việc phải ở nhà một mình trong một khoảng thời gian."

"Ở Việt Nam có thể xét nghiệm tới lần ba lần bốn, nhưng ở đây không có chuyện đó. Họ chỉ xét nghiệm một lần, lần hai là rất hiếm. Họ phải bàn bạc với bên bảo hiểm. Bảo hiểm của tôi chi trả hết tiền xét nghiệm, nhưng việc tôi tự điều trị ở nhà, ăn uống ra sao thì tự lo hết."

'Việt Nam nên xem xét thay đổi chiến thuật'?

p08645w6

Máy của bạn không hỗ trợ nghe xem

Vũ điệu Ghen Cô Vy lan tỏa toàn cầu

"Ở Việt Nam, tôi biết là chính phủ đang chi trả toàn bộ chi phi chữa trị cho người nhiễm và chi phí ăn ở tại khu cách ly cho người nghi nghiễm."

"Tôi không dám đưa ra lời khuyên nào. Tôi chỉ cảm thấy lo lắng khi tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, không biết bao giờ mới hết, trong khi số ca bệnh tiếp tục nhiều lên. Hiện nay Việt Nam mới có vài chục trường hợp, nhưng nếu tới vài ngàn, vài chục ngàn thì phải làm thế nào."

"Tôi cũng muốn nêu câu hỏi rằng Việt Nam có nên xem xét thêm về mặt chiến thuật, bởi cách làm như hiện nay có thể khó duy trì lâu do rất tốn kém cả sức người, sức của. Nên chăng có thêm chiến thuật 2, 3 cho kịch bản hàng ngàn người nhiễm."

"Vấn đề tâm lý cũng rất quan trọng. Hiện nay đang rất nhiều người hoang mang. Ở quê tôi, hàng quán đóng cửa, kinh tế ảnh hưởng, đời sống đảo lộn, mọi người gom đồ tích trữ khiến có người không có để mua, cuộc sống đảo lộn. Tôi cũng không dám về Việt Nam vì sợ gia đình bị kỳ thị do tôi nhiễm virus."

"Ở Thụy Sỹ người dân cũng lo sợ. Chính phủ đã cho đóng cửa trường học, cấm hội họp đông người. Nhưng không đến nỗi hoảng loạn. Người nhiễm bệnh vẫn được bảo mật thông tin, không lo bị xa lánh, kỳ thị, truy tìm. Người nhiễm bệnh có trách nhiệm báo với người tiếp xúc với mình. Cuộc sống vẫn tiếp diễn."

"Tôi mong rằng qua việc tôi chia sẻ về trường hợp của mình, sẽ thắp lên hi vọng cho cộng đồng về việc chúng ta có thể vượt qua bệnh dịch như thế nào," Trần Vũ Kiều Phương nói.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn