"QUÊ HƯƠNG TÔI ĐẸP LẮM" - CAO MỴ NHÂN

Thứ Ba, 09 Tháng Giêng 20186:00 SA(Xem: 6689)
"QUÊ HƯƠNG TÔI ĐẸP LẮM" - CAO MỴ NHÂN
        636510364518272811zzzzzzzzzzawytruj

      "QUÊ HƯƠNG TÔI ĐẸP LẮM"  -  CAO MỴ NHÂN 

 

Biết tôi gốc "Bắc Kỳ quốc",  có vị vừa hỏi rằng: 

"Thế đã về thăm Hà Nội chưa? Đẹp lắm, sao không về đi? " 

Thú thật với quý vị, cứ nghe giọng nói " Bắc kỳ cộng ", là tôi chán lên tới cổ.

 Nhưng nếu ai hỏi " Tại sao chán ? " thì chính tôi cũng sẽ  chỉ nói được: " Rằng chán đến không còn gì chán hơn được nữa trời ạ " . 

Thủa mới từ bắc di cư vào nam năm 1954, tôi cứ mơ mộng theo khung cảnh ước lệ của Hà Nội trong văn chương Tự Lực Văn Đoàn, hay là nghe kể lại.

Hình ảnh cuối cùng, là ba tôi cho cả nhà lên Hà Nội chơi trước khi di cư, khoảng Noel 1953, để may cho mỗi chị em tôi một chiếc áo veste ở hiệu may đồ veste đường Hàm Long. 

Ăn cơm tám giò chả ở phố Huế, rồi biệt hẳn cái thàm phố lớn nhất miền Bắc ấy . 

 

Vô nam không phải tôi nhớ Hà Nội đến đắm say như quý ông bà Trần Thanh Hiệp, Mai Thảo, Kiều Chinh vv...đâu, vì một lẽ rất giản dị, là tôi không có những kỷ niệm nồng đậm, những mối tình tha thiết, vì tôi không có gì dính dáng tới Hà Nội vậy thôi. 

Song cũng không phải chỉ tôi, mà hầu hết những người Bắc di cư đều mang tư tưởng " quê hương tôi đẹp lắm ", mỗi lần ai hỏi thăm về miền Bắc xa vời. 

Và, không phải chỉ những người làm văn nghệ có tên tuổi cột chặt với miền bắc như thi sĩ Hoàng Anh Tuấn, nhà văn Doãn Quốc Sỹ, nhạc sĩ Vũ Thành, giáo sư Nguyễn sỹ Tế  vv...mới hãnh diện mỗi lần ai nhắc nhở tới Hà Thành thanh lịch vv...

Các vị niên trưởng trong QL/VNCH như quý đại tá Cao Tiêu, Nguyễn Hữu Duệ, Hoàng Đạo Thế Kiệt, Hoàng Văn Lạc vv... nói tiếng bắc từ trong ngôn ngữ tới ngoài phong cách, cứ là lịch thiệp từng dấu phẩy, khiến ai nghe cũng ngưỡng mộ Hà Nội và xứ Bắc Hà . 

 

Một lần kia, khi tôi đã làm việc ở Phòng Xã Hội QĐI/QKI, tức là đã xa Hà Nội cả 15 năm, có một hạ sĩ quan nói giọng bắc chính tông, ở đơn vị nào đó, tới nhận tặng phẩm cứu trợ cho chiến sĩ tiền đồn, chị phụ tá tôi hỏi thăm: 

Ô, trung sĩ người bắc à, nghe ngoài đó xưa đẹp lắm hả ? 

Người hạ sĩ quan nói thật tình cảm: 

" Quê hương tôi đẹp lắm..." 

khiến các cô xã hội rụng rời cả chân tay vì nghe giọng nói thật quyến rũ.

Nhưng cũng chính các cô xã hội ấy, lại ngạc nhiên một cách ngỡ ngàng luôn, khi nghe " Bên Cướp Cuộc " cất giọng " toàn  en nờ " trong lúc ca tụng miền nam giàu có, sang trọng: 

" Mấy phố gần chợ như Nê Nợi , Nê Nai , Gia Nong ..."thay vì tên các đường là : Lê Lợi , Lê Lai, Gia Long ...vv... chẳng hạn.

 

Người miền nam nghe dân "bắc kỳ mới " nói ngọng, cứ rũ ra cười, họ như bị vỡ mộng, mặc dù không phải đều khắp, mà cũng gần như hầu hết vậy . 

Sự kiện tiên khởi có vẻ khôi hài, không ai tin được những gì lâu nay lớp người di cư cứ sùng thượng cái " quê hương tôi đẹp lắm ". 

Chị BN là người nam thuần tuý Saigon, hỏi tôi: 

" Bộ ngày xưa cũng nói như vậy hả ? " 

Tôi nói với chị rằng: lớp " quý tộc " Hà Nội đã di cư đi các nơi trên thế giới từ ngày chia đôi đất nước rồi, số người có kiến thức xưa, bị kẹt lại, cũng bị ảnh hưởng ít nhiều, bởi vì không hoà đồng vào xã hội cộng sản, không sống được. 

Người bắc nếu xuất xứ từ giai cấp trí thức, tiểu tư sản trước 1954, nếu có chút "chức sắc " trong sinh hoạt ngành nghề đặc biệt như văn học nghệ thuật, cũng đổi thay để cập nhật cái gọi là XHCN. 

Thí dụ điển hình nhất là nhạc sĩ Văn Cao. 

Nhạc sĩ Văn Cao vừa là tác giả của Thiên Thai, Suối Mơ...lại vừa là tác giả của Tiến Quân Ca, mặt nào cũng số I La Mã, thì có ai tự hỏi bài " Mùa Xuân Đầu Tiên " nhạc sĩ Văn Cao viết vào thời điểm nào ? Tả về mùa xuân nào, trả lời một trạng thái tâm thần trong cuộc sống nào nhỉ ? 

 

Mùa xuân đầu tiên đối với Văn Cao trong chiều hướng giải phóng dân tộc, không phải là mùa xuân 1975 à ? Ông đã xác nhận mùa xuân ấy " người đã biết yêu người", non sông đầy nắng ấm độc lập, thống nhất theo lập luận của một số quý vị văn nghệ sĩ như thi sĩ Phùng Cung. 

Nhà thơ ngục sĩ Nguyễn Chí Thiện thủa sinh thời, đã xác nhận là thi sĩ Phùng Cung vẫn nhất định nói ông, Phùng Cung, theo kháng chiến cho tới lúc thành công " giải phóng dân tộc ", tức là đuổi Pháp, đánh Mỹ, sau 117 năm đất nước đã không còn bóng ngoại xâm . 

Sự kiên cường, ngoan cố, nghiệt ngã của đám người Bên Cướp Cuộc, cho rằng họ thắng Mỹ ( 1975 ), chỉ 20 năm sau, họ đã cầu hoà Mỹ, cùng lúc với sự mở cửa tạp lục đón Nga , Tàu vô chia chác đất đai VN . 

Vậy họ là ai để vỗ ngực " giải phóng dân tộc " chứ . 

 

Mà thôi đó là việc làm của nhân dân trăm họ, tôi chỉ kể lể cái điều " quê hương tôi đẹp lắm " mà những người bắc di cư bị bẽ mặt, khi tập thể Bên Cướp Cuộc xuất hiện ở miền nam, kéo dài tới bây giờ, đi năm châu, thế giới ...mà liên tiếp bị khinh rẻ, bị chê bai, bị chửi bới, bị đánh đập vv...

Sự kiện đã khiến chúng tôi ngán ngẩm, ghê tởm, xa lánh, không thể ngồi chung nơi cái chiếu mối rệp ...nói chuyện hoà hợp hoà giải dân tộc được . 

Không phải cứ xây những lâu đài trên bùn lầy nước đọng rồi tuyên bố hợm hĩnh là " phồn vinh " đâu nhé. 

Nếu thực sự muốn đội danh nghĩa " giải phóng dân tộc ", thử một mình tiến lên, tất cả cho đất nước xem nào . 

Có lẽ khi đó chúng tôi, những người ra đi, vô nam sau ngày 20-7-1954  mới ngửng mặt lên, mới hãnh diện câu nói : 

"Quê hương tôi đẹp lắm" ...chớ như bây giờ thì ngượng quá... 

 

 CAO MỴ NHÂN (HNPD)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn