Nỗi đau mất mẹ trong viện dưỡng lão Life Care Center , bang Washington

Thứ Sáu, 06 Tháng Ba 20208:08 CH(Xem: 5050)
Nỗi đau mất mẹ trong viện dưỡng lão Life Care Center , bang Washington

Debbie de los Angeles ngỡ rằng ngày khó khăn nhất đời mình là lúc đưa mẹ vào viện dưỡng lão, nhưng đó là khi Covid-19 chưa bùng phát ở đây.

Khi Covid-19 bắt đầu xuất hiện ở viện dưỡng lão Life Care Center tại quận King, bang Washington, nơi bà Twilla Morin, người mẹ 85 tuổi của Angeles đang ở, cô cố tỏ ra không lo lắng. Các y tá vẫn theo dõi thân nhiệt cho mẹ cô và trấn an rằng bà không sốt, ho hay có triệu chứng nhiễm bệnh khác.

Nhưng đến 4h sáng 3/3, một y tá thông báo bà Morin, đang sốt 40 độ C. Họ cho bà uống thuốc Tylenol và nói với Angeles rằng mẹ cô không phải cấp cứu.

"Chúng tôi đoán rằng bà ấy đã nhiễm nCoV. Chúng tôi không lường trước tình huống này", y tá nhắn tin cho Angeles.

Vào viện dưỡng lão là một lựa chọn đầy khó khăn đối với những người cao tuổi và con cái của họ. Nhưng nhiều gia đình cho biết họ chưa từng nghĩ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng y tế ngay tại nơi mà họ từng tin là an toàn đối với bố mẹ mình.

Kể từ khi viện dưỡng lão tại thành phố Kirkland này trở thành tâm điểm của đợt bùng phát Covid-19 ở Mỹ, cuộc sống của nhiều gia đình như dừng lại trong sự lo sợ và chờ đợi đầy đau khổ. Bị hạn chế tới thăm, nhiều gia đình giờ chỉ biết gọi điện liên tục để cập nhật tình hình của bố mẹ già từ các nhân viên viện dưỡng lão. Nhiều gia đình băn khoăn không biết có nên xin tới thăm, bất chấp những rủi ro cho sức khỏe và nguy cơ khiến dịch lan rộng hay không.

Một số người muốn cha mẹ họ được chuyển tới bệnh viện hoặc viện dưỡng lão khác, nhưng không biết ai sẽ là người chăm sóc những người già yếu và có khả năng đã nhiễm nCoV này.

"Tôi thấy đau lòng khi nghĩ tới việc mẹ tôi có thể chết trong cô độc. Đó là một tình huống thực sự gây hoảng loạn và tôi không thể làm gì được. Nó nằm ngoài tầm kiểm soát của tôi", Vanessa Phelps, người có mẹ 90 tuổi sống ở viện dưỡng lão này 4 năm và bị mắc bệnh phổi mãn tính, cho biết.

Một số gia đình gọi điện hai lần mỗi ngày để hỏi tình hình của bố mẹ, những người đều ngoài 80 tuổi và trấn an họ về những tin tức đáng lo ngại được đưa trên truyền hình, phần lớn là về cuộc khủng hoảng tại chính viện dưỡng lão. Một số người gọi video cho bố mẹ, trong khi một phụ nữ khác chỉ biết đứng nhìn mẹ qua cửa sổ.

"Chúng tôi chỉ có thể dõi theo bố mẹ từ xa và không thể làm gì được. Tôi cảm thấy thật sự bất lực", Alex Stewart nói. Người bà 95 tuổi của cô sống trong viện dưỡng lão Life Care Center và đang đan một chiếc chăn nhỏ cho đứa con sắp chào đời của Stewart, đứa chắt đầu tiên của bà. 

Không ai biết chắc nCoV đã xâm nhập vào viện dưỡng lão bằng cách nào, làm dấy lên những lo ngại về sự lây lan nhanh của Covid-19 trong các cơ sở chăm sóc người cao tuổi khác. 8 trong số 12 ca tử vong vì nCoV ở Mỹ là những người sống trong Life Care Center và ít nhất 6 người khác hiện bị nhiễm virus.

Người phụ nữ đứng nhìn mẹ qua cửa sổ ở viện dưỡng lão  Life Care Center ở thành phố Kirkland. Ảnh: Reuters.

Người phụ nữ đứng nhìn mẹ qua cửa sổ ở viện dưỡng lão Life Care Center ở thành phố Kirkland. Ảnh: Reuters.

Dù viện dưỡng lão đang siết chặt kiểm soát dịch và có kinh nghiệm trong việc ứng phó với bệnh truyền nhiễm, nhiều gia đình vẫn vật lộn tìm kiếm những thông tin cơ bản từ lãnh đạo của Life Care và giới chức y tế cộng đồng. Họ cho biết đã dành hàng tiếng để liên hệ với văn phòng quận, chính quyền bang cùng Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC). 

Nhiều người sống trong cơ sở dưỡng lão có 190 giường này vẫn chưa được xét nghiệm nCoV suốt nhiều ngày qua, ngay cả khi chính họ và bạn cùng phòng bị ho và sốt. Điều đó khiến nhiều gia đình lo rằng số người nhiễm nCoV ở đây cao hơn con số được giới chức thông báo. 

Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nói rằng người già, đặc biệt là những người có bệnh lý nền về sức khỏe và hệ hô hấp, là đối tượng có nguy cơ bị nhiễm bệnh cao hơn. 

"Mọi người luôn hỏi rằng 'Tại sao bạn không đến và đưa họ ra khỏi đó?' Nhưng bố tôi xem đó là nhà của ông. Ông thích đồ ăn, thích sự chăm sóc ở đó. Hơn nữa, ở viện dưỡng lão, ông có bạn bè", Kevin Connolly, người có bố vợ 81 tuổi đã ở viện dưỡng lão khoảng một năm, cho biết.

Trong cuộc họp báo ngày 4/3, tiến sĩ Jeff Duchin, quan chức y tế cộng đồng ở quận Seattle và King, cho hay các đội y tế đang tiến hành xét nghiệm nCoV cho từng người ở Life Care, đồng thời xin lỗi vì việc hạn chế liên lạc trong thời gian này. Một đội hỗ trợ y tế liên bang được cho là đã tới trung tâm này vào hôm qua.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm nCoV lên xe cứu thương ở Life Care Center hôm 4/3. Ảnh: Reuters.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm nCoV lên xe cứu thương ở Life Care Center hôm 4/3. Ảnh: Reuters.

Ellie Basham, giám đốc điều hành Life Care, tuyên bố mỗi thành viên của viện dưỡng lão sẽ có một người đại diện để trao đổi thông tin với người thân.

Các gia đình hoan nghênh cam kết này và ca ngợi những nhân viên y tế và điều dưỡng vẫn nỗ lực làm việc bất chấp Covid-19 đang lây lan và vài nhân viên ở đây đã nhiễm bệnh. Quá trình xét nghiệm nCoV tại Life Care có vẻ bắt đầu từ hôm qua, bởi một phụ nữ cho biết bố cô đã được lấy mẫu xét nghiệm.

Đêm 4/3, Stewart cho biết bà của cô bắt đầu thấy ớn lạnh và khó thở. "Bà gọi y tá nhưng không thấy họ tới", cô nói.

Sang ngày hôm qua, tình hình của bà cô đã khá hơn. "Chúng tôi hy vọng bà tôi chỉ bị ốm bình thường chứ không phải nhiễm virus. Nhưng chúng tôi sẽ không thể biết cho tới khi bà được làm xét nghiệm", Stewart chia sẻ.

Mỗi ngày trôi qua, những gia đình có người bị ốm hoặc có sức khỏe yếu ngày càng thêm thất vọng.

Người mẹ 77 tuổi của Bridget Parkhill, sống trong viện dưỡng lão Life Care, đã bị ốm gần một tuần. Hôm 4/3, bà được đưa tới bệnh viện sau khi bị ho nhiều và thấy tức ngực. "Chúng tôi như sụp đổ khi chuyện đó xảy ra", Parkhill nói. Ngày hôm sau, mẹ cô được đưa trở lại viện dưỡng lão.

Angeles cho biết mẹ cô, bà Morin, chưa từng muốn tới viện dưỡng lão. Bà Morin lần đầu tới đó cách đây 4 năm trước khi bà không thể tự đứng và đi lại được. Khi bệnh mất trí nhớ nặng hơn, bà Morin đôi khi nhận nhầm Angeles, đứa con duy nhất, thành em gái bà.

Tại Life Care, nơi bà Morin sống hai năm qua, hàng ngày bà chỉ quanh quẩn trong căn phòng với những bạn già khác, ngồi trên xe lăn tới phòng ăn và ở bên chiếc bàn ăn của mình. Bà thích uống một cốc sô cô la nóng vào ban đêm và chăm sóc con búp bê như thể đó là một đứa trẻ thực sự. Vào những lúc minh mẫn nhất, bà luôn cảm thấy tự hào về những đứa cháu của mình.

Angeles muốn chạy ngay tới viện dưỡng lão khi nghe tin sức khỏe của mẹ cô xấu đi, nhưng cô biết điều đó có thể tăng nguy cơ nhiễm nCoV cho chồng cô, người mắc bệnh phổi.

Cô thường xuyên cập nhật tình tình từ y tá chăm sóc cho mẹ và đã cảm thấy an lòng khi biết đó là y tá bà quý nhất. Cô cũng được thông báo rằng mẹ cô ngủ rất nhiều.

Nhưng rạng sáng 4/3, Angeles tỉnh giấc khi nhận được tin nhắn mới từ Life Care thông báo mẹ cô đã qua đời lúc 2h10. Y tá thông báo rằng thi thể mẹ cô sẽ được bàn giao cho nhân viên pháp y, bởi đây là "tình huống đặc biệt". 

Ảnh chụp và Twilla Morin và chồng tại nhà của Debbie de los Angeles ở Monroe, bang Washington. Ảnh: NY Times.

Ảnh chụp và Twilla Morin và chồng tại nhà của Debbie de los Angeles ở Monroe, bang Washington. Ảnh: NY Times.

Buổi sáng hôm đó, Angeles và chồng, Bob, cùng 4 đứa con trai ngồi trong phòng khách căn nhà của họ ở Monroe, bang Washington, xem lại những bức ảnh cũ và nhớ lại những kỷ niệm về bà Morin.

Họ thu xếp hỏa táng cho mẹ và cân nhắc liệu có an toàn khi lấy lại nhẫn, con gấu bông và những món đồ khác của bà về. Họ chờ đợi kết quả xét nghiệm nCoV của bà. Đã một tháng trôi qua kể từ sau chuyến thăm cuối cùng của họ tới viện dưỡng lão, nên họ không lo mình bị nhiễm bệnh. Nhưng cô cần được giải đáp những câu hỏi của mình.

"Tôi vẫn thắc mắc về những gì xảy ra ở viện dưỡng lão đó. Họ mặc quần áo bảo hộ và đeo khẩu trang, nhưng virus vẫn tìm được đường lọt vào nơi này", Angeles nói.

Thanh Tâm (Theo NYTimes)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn