Người Hồ Bắc bị xa lánh trên chính đất nước mình

Thứ Tư, 04 Tháng Ba 20207:00 SA(Xem: 4940)
Người Hồ Bắc bị xa lánh trên chính đất nước mình
Coco Liu và Nikki Sun | Triệu Hằng biên tập

Khi Zhang Yu’e bước vào một cửa hàng thời trang cao cấp ở thành phố Trùng Khánh (Trung Quốc) vào tháng trước, cô đã được những người bán hàng thân thiện chào đón. Nhưng ngay khi Zhang điền thông tin của mình vào thẻ thành viên thì những nụ cười nhạt dần và các nhân viên cửa hàng lùi lại.

“Không ai ở cửa hàng muốn tới gần tôi”, Zhang kể. Tên của cô là một cái tên truyền thống phổ biến ở Hồ Bắc, nơi quê nhà cha cô. Nhưng tại một quốc gia nơi có hơn 2.000 người đã chết vì dịch virus corona bắt nguồn từ Hồ Bắc, thì ngày càng có sự kỳ thị khi nhắc đến tỉnh này.

Phải mất một lúc cho tới khi người quản lý cửa hàng tiến đến Zhang và giữ một khoảng cách “an toàn” rồi hỏi cô: “Gần đây chị có về quê không”.

“Tôi thấy câu hỏi thật lố bịch”, Zhang nói.

Zhang được sinh ra ở Trùng Khánh, và phương ngữ Trùng Khánh cũng tiết lộ gốc gác của cô, nhưng “họ vẫn sợ hãi”.

Trải nghiệm của Zhang phản ánh một thử thách không dễ chịu đối với Hồ Bắc và khoảng 59 triệu dân của tỉnh này. Những người đến từ tỉnh bùng phát dịch COVID-19 và thậm chí những người có mối liên hệ xa xôi, có nguy cơ cao bị phân biệt đối xử ở chính nước họ. Ví như, một số nhà máy đã quay lưng với tất cả các công dân Hồ Bắc.

Thật khó để biết chính xác bao nhiêu người dân Hồ Bắc đã phải chịu sự đối xử như vậy chỉ vì nơi sinh hoặc một số người do có bà con thân thuộc ở tỉnh này, nhưng tình hình đã đủ nghiêm trọng để thu hút sự chú ý của giới truyền thông nhà nước Trung Quốc.

“Nỗi sợ hãi ngày càng tăng đã biến chống virus thành chống người Hồ Bắc”, tờ Guangming Daily cho biết trong một bài bình luận xuất bản ngày 29/1. “Hành vi như vậy đã vượt xa khỏi ranh giới kiểm dịch y tế và có khả năng sẽ vi phạm các quyền của những người vô tội”.

Còn tờ Nhân dân Nhật báo kêu gọi công dân nước này “tránh xa virus corona, nhưng không tránh xa người Hồ Bắc”.

Mặc dù vận chuyển người Hồ Bắc ra nước ngoài đã bị đình chỉ kể từ cuối tháng 1, dòng du khách tự do trước khi thành phố bị phong tỏa đã làm dấy lên mối lo ngại về sự lây lan virus.

Chỉ riêng ở Vũ Hán, khoảng 5 triệu người đã rời khỏi thành phố trước khi phong tỏa hồi tháng Một. Trước khả năng lây truyền của virus, nhiều thành phố ở Trung Quốc đã đóng cửa với khách du lịch từ Hồ Bắc.

Nhiều gia đình cũng bị các khách sạn quay lưng, và những tài xế xe tải bị kẹt trên đường nhiều ngày vì những trạm kiểm soát trên đường cao tốc không cho phép họ đi qua. Ngay cả những người rời quê hương vài tháng hoặc nhiều năm trước để bắt đầu một cuộc sống mới ở nơi khác đã trở thành nạn nhân của chống-Hồ Bắc theo cảm tính.

Lấy ví dụ, Li Yuansheng, 26 tuổi, một công nhân nhà máy ở Thâm Quyến, là người Hồ Bắc, trao đổi với Nikkei rằng trong năm qua, anh không về quê, nhưng anh bị sa thải ngay sau khi dịch virus corona bùng phát.

“Nhà máy nói rằng họ sợ tôi có thể đã tiếp xúc với những người từ Hồ Bắc”, Li nói.

Wang Qiang, 23 tuổi, một lao động nhập cư từ Hồ Bắc cũng gặp khó khăn tương tự. Anh đã cố gắng nhưng không tìm được việc làm ở Thâm Quyến dù rằng anh mất tới 3 tuần mệt mỏi đi xin việc.

“Tất cả các nhà máy tôi đã liên hệ đều nói với tôi rằng họ không nhận công nhân từ Hồ Bắc”, anh nói.

Lu Peiyi, một nhà tuyển dụng tại một công ty điều phối nhân lực có trụ sở ở Đông Quan nói với Nikkei rằng, các nhà máy mà cô đại diện đều không nhận người Hồ Bắc trong thời điểm này, kể cả người nộp đơn có thể chứng minh họ đã không ở Hồ Bắc từ lâu trước khi dịch bùng phát.

Để tránh sự lây lan của virus corona, nhiều thành phố đã áp dụng chính sách yêu cầu các nhà máy ngừng hoạt động nếu có dù chỉ một người trong nhà máy xét nghiệm dương tính với căn bệnh.

Tuy nhiên, các biện pháp phòng ngừa như vậy dẫn đến lao động Hồ Bắc gặp khó khăn hơn trên thị trường việc làm, Li Qiang, giám đốc điều hành của China Labor Watch có trụ sở ở New York cho biết.

“Sự phân biệt đối xử với lao động Hồ Bắc có thể thấy khắp mọi nơi và họ không thể tìm được việc làm”, Li nói. 

Li cho biết, sự vắng mặt của công nhân Hồ Bắc trong các nhà máy sẽ tăng thêm tình trạng thiếu hụt lao động mà các nhà sản xuất Trung Quốc đối mặt. Ngoài ra, “điều này chắc chắn sẽ tạo sự thù địch giữa lao động Hồ Bắc và những người khác”, ông nói.

Do nỗi sợ chống Hồ Bắc theo cảm tính, “người từ Vũ Hán và Hồ Bắc, cũng như những người gần đây đến thăm khu vực, có thể sẽ che giấu danh tính và lịch sử du lịch để tránh bị phân biệt đối xử”, Chen Youhua, một nhà xã hội học thuộc Đại học Nam Kinh cho biết trong một ý kiến được công bố trong tháng này.

“Điều đó sẽ làm tồi tệ thêm sự lây lan của dịch virus corona”, Chen cảnh báo.

(Bài viết của Coco Liu và Nikki Sun, đăng trên Nikkei Asian Review ngày 21/2, do Triệu Hằng dịch và biên tập).

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn