Carlos Ghosn : Hậu trường của một cuộc đào thoát ngoạn mục

Thứ Tư, 01 Tháng Giêng 20206:09 CH(Xem: 3914)
Carlos Ghosn : Hậu trường của một cuộc đào thoát ngoạn mục
Cảnh sát Liban bảo vệ trước của vào nhà ông Carlos Ghosn, Beyrouth, ngày 31/12/2019.
Cảnh sát Liban bảo vệ trước của vào nhà ông Carlos Ghosn, Beyrouth, ngày 31/12/2019. REUTERS/Mohamed Azakir

Như thông lệ, ngày đầu năm hôm nay 01/01/2020 các báo Pháp đều nghỉ lễ, tờ báo mới duy nhất là Le Monde ra trước từ chiều hôm qua, với trang nhất nêu bật vấn đề nóng bỏng tại Pháp là kế hoạch cải tổ hưu bổng của chính phủ đang làm dấy lên một phong trào đình công phản đối. Điểm được tờ báo đề cập đến trong tựa lớn chính là “Những gì mà chính phủ đã nhượng bộ”. Tuy nhiên điểm nhấn của tờ báo lại là vụ cựu tổng giám đốc tập đoàn xe hơi Pháp-Nhật Renault-Nissan đã bất ngờ trốn khỏi nơi quản chế tại Nhật Bản để bay qua Liban, một trong ba nước mà ông mang quốc tịch.

Quảng cáo

Dưới một tựa đề giật gân “Carlos Ghosn : Hậu trường của chuyến đào thoát”, Le Monde không ngần ngại trích lời một người thạo tin xem đấy là một chiến dịch giải cứu chẳng khác gì một điệp vụ trong tiểu thuyết James Bond 007. Dựa trên các thông tin gặt hái được từ nhiều nguồn khác nhau, tờ báo đã kể lại chi tiết bối cảnh và diễn tiến của cuộc đào tẩu ngoạn mục này.

Bị quản chế nhưng kiểm soát lỏng lẻo

Theo Le Monde, tại Nhật Bản, Carlos Ghosn sống trong một ngôi nhà ở khu phố Hiroo sang trọng tại trung tâm thủ đô Tokyo. Ông bị quản chế, nhưng việc giám sát ông có vẻ không nghiêm ngặt lắm, mặc dù do cả cảnh sát, văn phòng công tố và thám tử tư của tập đoàn Nissan thực hiện.

Lợi dụng sự lỏng lẻo này, ông Ghosn đã trốn được đến một sân bay kín đáo ở Nhật Bản, nơi một chiếc phi cơ riêng của ông đã chờ sẵn để đưa ông qua Thổ Nhĩ Kỳ, rồi từ đó ông bay về Liban. Ông được cho là đã vào Liban với một thẻ căn cước đơn giản. Là người có quốc tịch Liban, ông không cần hộ chiếu để nhập cảnh.

Câu hỏi đặt ra là Carlos Ghosn đã xuất cảnh Nhật Bản bằng cách nào. Theo một nguồn tin được đài truyền hình Nhật Bản NHK trích dẫn, thì dữ liệu của cơ quan xuất nhập cảnh Nhật Bản vào thời điểm xẩy ra vụ việc hoàn toàn không có người nào tên Carlos Ghosn xuất cảnh.

Điểm này đã khiến người ta cho rằng ông Ghosn đã rời Nhật Bản dưới một danh tính giả, bằng một hộ chiếu “thật mà giả”. Chính quyền Nhật đã liên lạc với đại sứ quán Liban về vấn đề này và dường như là cơ quan này đã phủ nhận việc cấp giấy tờ giả.

Vai trò bà vợ ông Ghosn trong chiến dịch giúp chồng đào thoát

Cũng theo thông tin mà Le Monde có được, chiến dịch giải cứu ông Carlos Ghosn do chính vợ ông, bà Carole Ghosn, lên kế hoạch. Bà đã xuất hiện bên cạnh chồng trên chuyến bay đến Beyrouth. Thậm chí, rất có thể là bà đã chờ ông Ghosn ngay từ đầu.

Theo Le Monde, bà Ghosn được cho là đã chuẩn bị “cuộc đào thoát” cùng với những người anh em cùng cha khác mẹ của bà, thuộc một gia đình theo hệ phái Hồi Giáo Sunni khiêm tốn ở miền bắc Liban, nhưng có những mối quan hệ rất tốt ở Thổ Nhĩ Kỳ. Về phần Carole Ghosn, từ khi kết hôn với cựu lãnh đạo Renault-Nissan, bà đã có một nguồn tài chính cá nhân đáng kể.

Kế hoạch đào thoát có thể đã được thiết kế từ lâu. Vào tháng 10 năm 2019, Carlos Ghosn được cho là đã dò hỏi tên tuổi của các nhà báo Liban có thể “làm việc” cho ông. Câu hỏi đặt ra là giữa hai vợ chồng ông Ghosn, vấn đề phối hợp ra sao vì chế độ quản chế cấm hai người gặp nhau hoặc liên lạc với nhau, và các công tố viên Nhật Bản đã liên tục từ chối bất kỳ đơn xin gặp nào của bà Ghosn.

Lệnh cấm này, theo Le Monde, được cho là đã bị phá vỡ bằng cách truyền tin thông qua các cô con gái và em gái của ông Carlos Ghosn, những người thường xuyên được đến thăm ông.

Một nguồn tin đã khẳng định với Le Monde rằng : “Vì ông Ghosn không thể sử dụng điện thoại của mình, cho nên ông có thể là đã dùng điện thoại của những người này”.

Chính phủ Pháp đã có những nhượng bộ gì về hưu bổng?

Như nói ở trên, Le Monde đã dành tựa chính trang nhất cho các nhượng bộ mà chính phủ Pháp đã phải chịu trên vấn đề cải tổ hưu bổng.

Ý tưởng chủ đạo của kế hoạch là tính phổ quát của chế độ hưu bổng, thay vì hơn bốn chục chế độ khác nhau như hiện nay. Thế nhưng, trước làn sóng phản đối dữ dội trong những ngày qua, chính quyền đã phải chấp nhận một số đặc miễn.

Báo Le Monde nêu bật ví dụ liên quan đến ngành cảnh sát, giới phi công và các nhân viên phi hành, và cả những diễn viên múa ballet của Nhà Hát Opéra Paris !

Về ngành chuyên chở công cộng, đặc biệt là nhân viên của hai tập đoàn đường sắt SNCF và xe buýt, xe metro RATP, một số biện pháp đặc biệt về tuổi hưu và việc lồng tiền thưởng ngoài lương vào cơ sở tính lương hưu cũng đã được đề nghị.

Trong những ngành nghề khác, các cuộc thảo luận về những quy định riêng biệt cũng đang được tiến hành, như trong giới giáo viên, công nhân điện lực và khí đốt, giới ngư phủ…

Theo Le Monde, ông Michel Borgetto, giáo sư về luật xã hội tại Đại Học Paris II đã nhận định : “Mục tiêu đơn giản hóa (chế độ hưu bổng) đã tan biến”.

Drone võ trang : Vũ khí thời chiến tranh hiện đại

Chiến đấu cơ điều khiển từ xa : Hồ sơ quốc tế đầu năm của Le Monde được dành do một chủ đề không mấy vui vẻ : Xu hướng lan rộng của một loại vũ khí tấn công mới : Drone tấn công, hay là chiến đấu cơ tự hành.

Trong bài giới thiệu ở trang nhất mang tựa đề “Drone, vũ khí đáng sợ của những cuộc chiến tranh thời hiện đại”, nhật báo Pháp đã nhận thấy rằng các “hệ thống phi cơ điều khiển từ xa” ngày càng được sử dụng nhiều hơn. Ngoài các quân đội chính quy, loại vũ khí này còn được các phong trào nổi dậy hay thành phần khủng bố dùng đến, điều đã làm đảo lộn các chiến lược quân sự.

Ở trang quốc tế bên trong, Le Monde đã dẫn chứng một vài số liệu cụ thể, nêu bật tốc độ lây lan nhanh chóng của việc sử dụng các máy bay tự hành vào mục tiêu quân sự trong thập niên vừa qua : Từ khoảng vài chục lúc đầu, số quốc gia viện đến loại vũ khí này đã tăng vọt với tỷ lệ 58%, đạt mức 95 nước vào năm 2019 này.

Theo các nhà nghiên cứu thuộc trường Bard College (tiểu bang New York, Hoa Kỳ), tác giả tạp biên khảo “Dữ liệu về Drone” công bố tháng 9 vừa qua, thì hiện nay có đến 171 loại phương tiện bay tự hành khác nhau được sử dụng, mà kiểu mới nhất là loại gọi là “cánh quay”, hay trực thăng tự hành.

Trên bình diện thế giới, đã có đến 21.000 phi cơ tự hành đang hoạt động, với số liệu từ hai nước Trung Quốc và Iran không đầy đủ.

Theo chuyên gia Dan Catcher, điều phối viên của nhóm biên soạn tập Dữ Liệu về Drone, thì “Những vũ khí này đã trở thành thiết bị quân sự tiêu chuẩn. Tại các chiến trường Ukraina, Syria và Yemen, cũng như ở các vùng đang có đối đầu địa chính trị, như Vịnh Ba Tư hay Biển Đông, ngày càng có nhiều loại máy bay không người lái có kích cỡ và đặc điểm khác nhau được sử dụng. Cho dù được dùng trong việc thu thập thông tin tình báo, không kích, định vị mục tiêu pháo kích hay chiến tranh điện tử, máy bay không người lái đã trở thành một nhân tố quan trọng trong chiến tranh hiện đại.”

Trung Quốc cũng đàn áp đạo Tin Lành

Cũng trong dòng thời sự quốc tế, Le Monde rất chú ý đến Trung Quốc với một bài viết về chiến dịch đàn áp tôn giáo đang nhắm vào đạo Tin Lành đang phát triển mạnh tại Trung Quốc.

Theo tờ báo Pháp, trong những tháng gần đây, những tiết lộ từ báo chí quốc tế đã thú hút sự chú ý đến quy mô chiến dịch đàn áp người Hồi Giáo ở Tân Cương, nơi có khoảng một triệu người Duy Ngô Nhĩ bị giam cầm trong khuôn khổ một chiến dịch “cải tạo".

Tuy nhiên mới đây có một mục sư Tin Lành nổi tiếng tên Vương Di bị kết án 9 năm tù về tội xúi giục bạo loạn. Bản án nặng nề này, theo Le Monde đã nhắc nhở mọi người rằng các giáo hội Thiên Chúa Giáo cũng đang bị “Trung Quốc hóa”, một chính sách được chính ông Tập Cận Bình, xác định từ tháng 5 năm 2015.

Theo người lãnh đạo Đảng Cộng Sản Trung Quốc, cần phải “đảm bảo rằng guồng máy lãnh đạo của các tổ chức tôn giáo phải nằm trong tay các chức sắc yêu nước tương tự như yêu tôn giáo của họ”.

Đối với giáo sư kỳ cựu Lâm Hòa Lập (Willy Lam) tại Hồng Kông, cuộc đấu tranh giữa Đảng Cộng Sản Trung Quốc và một số lãnh đạo tôn giáo muốn “Thiên Chúa hóa văn hóa Trung Quốc” sẽ là một “trận chiến thế kỷ”.

Thách thức rất lớn vì hiện nay có khoảng 80 triệu người Công Giáo và Tin Lành ở Trung Quốc, một con số mà theo giới quan sát, đang tăng mạnh, có thể lên đến 160 triệu riêng cho người theo đạo Tin Lành, “trong không đầy một thế hệ”. Đây là một đà phát triển đáng sợ đối với Đảng Cộng Sản chỉ có 90 triệu đảng viên.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn