'Ngoại giao gấu trúc' không chỉ là chuyện đúng, sai

Thứ Sáu, 20 Tháng Mười Hai 20191:00 SA(Xem: 5286)
'Ngoại giao gấu trúc' không chỉ là chuyện đúng, sai

Nội dung dưới đây thực hiện bởi Jillian Ryan, nghiên cứu sinh trên tiến sỹ, CSIRO, và Carla Litchfield, giảng viên cao cấp, Trường Tâm lý học, Chăm sóc Xã hội và Chính sách Xã hội, Đại học Nam Australia. Bài được đăng lần đầu tiên trên The Conversation và được đăng lại theo giấy phép Creative Commons.

Võng Võng (Wang Wang) và Phúc Ni (Funi) từ Trung Quốc tới Úc hồi một thập niên về trước.

Để nói về mối quan hệ của đôi bên, có lẽ dùng từ 'phức tạp' sẽ thích hợp nhất. Bất chấp những nỗ lực y tế đáng kể, cặp đôi này vẫn chưa có con.


Điều này dẫn đến một câu hỏi lớn: cặp đôi liệu có nên tiếp tục được ở lại Úc hay không?

Giữ chúng lại Sở thú Adelaide cũng đi kèm với việc phải trả 1 triệu đô la Úc mỗi năm cho chính phủ Trung Quốc.

Đây chỉ là một chương nữa trong câu chuyện của loài động vật có tính biểu tượng này, khi mà chính trị, kinh tế và bang giao quốc tế thường che khuất đi các cân nhắc về bảo tồn giống loài.

Chương trình nuôi trong điều kiện nhân tạo

Trung Quốc hiện đang đem gấu trúc cho mượn (hoặc thuê) tại 26 vườn thú ở 18 quốc gia.

Mới đây nhất là sự tham gia của Vườn thú Ähtäri của Phần Lan, nơi vừa đón hai con hồi 2018 theo thoả thuận cho mượn 15 năm.

Vườn thú Copenhagen của Đan Mạch đang rất háo hức đón hai con gấu panda đến vào tháng Tư.

Chính thức mà nói, tất cả các hoạt động cho mượn, cho thuê này đều thuộc chương trình nuôi giữ trong điều kiện nhân tạo, nhằm giúp bảo tồn gấu panda khỏi tình trạng tuyệt chủng.

Tuy tình thế của chúng hiện nay không có ở "tình trạng khẩn nguy" nữa (đã được nâng lên tình trạng "dễ bị tổn thương" vào năm 2016), nhưng trong đời sống tự nhiên hiện nay chỉ có từ 500 đến 1.000 con gấu panda trưởng thành, sống rải rác ở sáu dãy núi tách biệt ở miền trung nam Trung Quốc.

Việc đưa gấu trúc ra nước ngoài được thực hiện nhằm bảo tồn loài vật này. Bất kỳ con gấu trúc con nào được sinh ra ở nước ngoài cũng đều trở thành tài sản của Trung Quốc, và sẽ được đưa về Trung Quốc để tiếp tục chương trình nuôi trong điều kiện nhân tạo.

Thế nhưng số lượng các con non được sinh ra tại các vườn thú khá là thấp.

Như Bill McShea, 'vua về gấu panda' từ Viện Smithsonia, đã chỉ ra, gấu panda trong tự nhiên ít gặp trục trặc trong chuyện giao phối, sinh sản hơn:

"Trong đời sống tự nhiên, số gấu panda đực sống ở dọc phần đỉnh núi trong mùa xuân, và việc có nhiều con cái tới khiến cho hoạt động giao phối diễn ra tích cực."

Các vườn thú không thể bắt chước, giả lập các điều kiện giống như thế.

Do gấu trúc lớn là những con vật sống đơn độc, chúng được để trong những khu riêng biệt, trừ vài ngày trong năm khi con cái động dục.

Bởi không có cơ hội lựa chọn bạn tình trong điều kiện nuôi nhốt nên việc giao phối tự nhiên rất hiếm khi diễn ra. Hầu hết các ca sinh nở của gấu trúc trong điều kiện nuôi nhốt đều nhờ vào thụ tinh nhân tạo.

Cân nhắc thương mại

Nói như vậy không phải là để nói rằng việc cho các sở thú mượn là không có giá trị bảo tồn nào. Thế nhưng các mục tiêu chiến lược khác, chẳng hạn như để cải thiện hình ảnh Trung Quốc trước công chúng và để củng cố các mối quan hệ thương mại, mới là điều được chú ý tới.


Chẳng hạn như khu vực nuôi gấu panda mới ở vườn thú Tierpark của Berlin được khai trương chỉ ngay trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh G20 trong năm 2017 tại Hamburg. Lễ khai trương có sự hiện diện của Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Sự kiện này được diễn giải thành dấu hiệu cho thấy Trung Quốc ủng hộ Đức trong cuộc cạnh tranh với Mỹ giành vị thế lãnh đạo thế giới phương Tây.

Tuyên bố của Trung Quốc hồi 2012 theo đó nói Bắc Kinh sẽ gửi bốn con gấu trúc tới các vườn thú Toronto và Calgary của Canada được gắn với các cuộc đàm phán thương mại thành công, cụ thể là liên quan tới Thoả thuận Bảo hộ Đầu tư Nước ngoài sau gần 20 năm đàm phán.

Việc Vườn thú Edinburgh nhận hai con gấu trúc vào 2011 được liên hệ với các thoả thuận thương mại với tổng trị giá hàng tỷ đô la Mỹ.

Trong việc cho Vườn thú Adelaide mượn gấu trúc, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã tuyên bố việc này tại hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương tại Sydney vào năm 2007. Vào cùng ngày, Thủ tướng Úc John Howard và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cũng tuyên bố các kế hoạch "đối thoại an ninh" thường niên.

Các vị đại sứ lông dày mượt

Người ta tin rằng ngoại giao gấu trúc đã có từ Thế kỷ 7, khi Nữ hoàng Võ Tắc Thiên gửi tặng Nhật Bản một cặp làm lễ vật.


Trong Thế kỷ 20, Mao Trạch Đông áp dụng chiến lược này, tặng gấu trúc cho các quốc gia cộng sản.

Khi Richard Nixon tới Bắc Kinh vào năm 1972, Đặng Tiểu Bình đã tặng ông hai con gấu trúc.

Kể từ đó, những đối tượng được nhận gấu trúc luôn là các quốc gia tư bản giàu có, đầy uy thế.

Có hai lý do để Trung Quốc làm vậy.

Thứ nhất, Trung Quốc dùng gấu trúc để cải thiện hình ảnh của mình và làm sâu sắc thêm quan hệ với các nước có thể đem lại cho Bắc Kinh với những nguồn lực và công nghệ giá trị. Điều này đã được mô tả như việc sử dụng "quyền lực âu yếm mềm".

Thứ nhì, kể từ sau trận động đất kinh hoàng ở Tứ Xuyên hồi 2008, Trung Quốc đã dùng việc đem gấu trúc cho mượn để trang trải cho các nỗ lực bảo tồn địa phương, sửa chữa các cơ sở bảo tồn gấu trúc bị hư hỏng do trận thiên tai, và để phục vụ công tác nghiên cứu về gấu trúc.

Các vấn đề tài chính đi kèm

Với các vườn thú được cho mượn gấu trúc thì đây là một cú kinh doanh tốn kém.

Chúng ta hãy xem chi phí của Vườn thú Adelaide - chỉ riêng tiền thuê hàng năm đã ngốn hết một triệu đô la Úc từ ngân sách liên bang. Lúc khởi đầu, vườn thú phải ngập trong nợ để có tiền xây dựng khu vực đặc biệt làm chỗ ở gấu trúc (hết khoảng 8 triệu đô la Úc).

Chăm sóc gấu trúc cũng tốn hàng trăm ngàn đô la mỗi năm. Gấu trúc là loài động vật tốn kém nhất để giữ trong sở thú, tốn khoảng gấp năm lần so với voi.

Chỉ riêng chuyện thực phẩm cho chúng đã đủ khiến đau đầu. Gấu trúc lớn về mặt sinh học không phải là loài ăn thịt, nhưng vì lý do gì đó mà chúng đã trở nên thích ăn lá tre, lá trúc từ khoảng 6.000 năm trước, và không ăn các thứ khác nữa, kể cả thịt.

Tuy nhiên, tre trúc lại là thứ có ít dinh dưỡng, lại khó tiêu hoá, cho nên gấu trúc phải ăn rất nhiều xong lăn ra nghỉ ngơi. Mỗi ngày, một con gấu trúc chén hết khoảng 12kg lá tre trúc tươi, và vì chúng là bọn 'kén cá chọn canh' cho nên cần phải cung cấp cho chúng hơn gấp đôi số lượng đó.

Tất cả những điều này có nghĩa là một con gấu trúc cần phải được cân nhắc như một cú làm ăn. Liệu có thể lấy lại được gì từ khoản đầu tư không? Liệu chi phí bỏ ra cho chúng có thoả đáng, được đánh giá qua số khách tham quan tới sở thú tăng thêm do có gấu trúc không?

Vườn thú Adelaide đã rất hy vọng, nhưng cũng đã rất sớm thất vọng.

Giống như các vườn thú khác, lúc mới đầu, người xem kéo đến rất đông, nhưng lượng khách trong năm 2010 đã trở lại với mức như trước khi có gấu trúc.

Rõ ràng là Funi và Wang Wang không bổ sung thêm 600 triệu đô la Úc cho nền kinh tế Nam Australia trong thời gian một thập niên như người ta ước tính.

Trong năm vàng son của chúng, kết quả nghiên cứu cho thấy chúng đem về chỉ có 28 triệu đô la Úc. Thêm một con gấu trúc con có lẽ sẽ giúp tăng sức hấp dẫn của chúng lên một cách đáng kể.

Vượt lên trên giá trị tài chính

Do đó, dễ thấy được vì sao có một số người gọi gấu trúc là thứ vô tích sự.

Nhưng đóng góp quan trọng mà làn sóng gấu trúc di cư mang lại cho loài này là đã đưa chúng khỏi danh sách "khẩn nguy". Một phần là bởi nhờ các khoản phí 'thuê gấu trúc' Trung Quốc nhận được. Số tiền này đã giúp tài trợ cho công tác nghiên cứu bảo tồn gấu trúc cùng các dự án khác tại Bích Phong Hiệp (Bifengxia) và Ngọa Long (Wo Long) ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc.

Các nhân viên sở thú, bác sỹ thú y và các khoa học gia tại Úc cũng được lợi từ khía cạnh được trở thành một phần của mạng lưới tri thức toàn cầu.

Chúng ta vẫn không biết nhiều về hành vi của gấu trúc và về các tác động môi trường khiến chúng lâm vào thế khẩn nguy. Chúng ta đã có một đóng góp nhỏ thông qua công trình nghiên cứu về các cách có thể hữu hiệu trong việc làm giảm bớt stress cho các con gấu trúc lớn bị nuôi nhốt.

Nếu như Funi và Wang Wang tiếp tục ở lại Adelaide, vườn thú sẽ có thể có những đánh giá, nghiên cứu sâu xa hơn.

Là các khoa học gia quan tâm tới các loài động vật và phúc lợi dành cho chúng, chúng tôi tin rằng điều quan trọng là chúng ta cũng cần phải nhớ rằng Funi và Wang Wang đã giúp kết nối hàng trăm ngàn em nhỏ và người lớn với thế giới tự nhiên.

Hai con gấu trúc lớn này có những tính cách riêng của chúng, và gần gũi, gắn bó với những người chăm sóc chúng hàng ngày. Đời sống tự nhiên không chỉ là một món hàng có tính kinh tế, mà còn là thứ thiết yếu cho sự sinh tồn của chúng ta.

Nếu như bạn ở Úc mà chưa tới thăm Phúc Ni và Võng Võng, hãy tới thăm ngay khi nào bạn có cơ hội.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Capital.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn