Hồng Kông: "Vùng biên trấn bất khuất của Trung Quốc đang nổi dậy"

Chủ Nhật, 24 Tháng Mười Một 20192:00 SA(Xem: 4958)
Hồng Kông: "Vùng biên trấn bất khuất của Trung Quốc đang nổi dậy"
vi.rfi.fr

Hồng Kông: "Vùng biên trấn bất khuất của Trung Quốc đang nổi dậy"

Mai Vân

mediaCuộc đấu tranh của sinh viên Hồng Kông được sinh viên Hàn Quốc ủng hộ. Ảnh chụp tại Seoul ngày 23/11/2019.REUTERS/Heo Ran

Những biến động tại Hồng Kông, vùng lãnh thổ mà cách nay hơn hai thập niên còn thuộc về Anh Quốc, dĩ nhiên đã thu hút sự chú ý của tuần báo Anh The Economist, đã dành trang bìa cho sự kiện được ghi trong tựa lớn “Hồng Kông đang nổi dậy – Hong Kong in revolt”, kèm theo lời giải thích “Vùng biên trấn bất khuất của Trung Quốc – China’s unruly periphery”. Tờ báo đã dành bài bình luận đầu tiên và một bài phân tích dài để cho rằng “Đảng (Cộng Sản Trung Quốc) không thể giành được bằng võ lực một sự tán đồng lâu dài chính sách cai trị của mình (tại Hồng Kông)”.

The Economist trước hết nhắc lại sự kiện cách nay vài hôm, hàng trăm thanh niên Hồng Kông, một số còn trong tuổi thiếu niên, đã biến khuôn viên xây bằng gạch đỏ của Đại Học Bách Khoa Hồng Kông PolyU thành một pháo đài. Mặc đồ đen, đeo mặt nạ đen, đa phần những người trẻ này vẫn giữ thái độ bất khuất khi bị bao vây.

Cảnh sát đã bắn đạn cao su và cho vòi rồng phun nước nhuộm màu xanh vào họ. Để chống lại, những người biểu tình đã dùng đến bom xăng. Nhiều người đã hò reo mừng rỡ khi nghe tin một mũi tên lửa của họ đã bắn trúng chân một nhân viên cảnh sát.

Hồng Kông: Tình hình vẫn nguy hiểm 5 tháng sau khủng hoảng

Theo tuần báo Anh, tình hình đang trở nên cực kỳ nguy hiểm sau hơn năm tháng nổ ra phản kháng chống lại chính quyền ở Hồng Kông.

Lần này, đã có nhiều người biểu tình, vì kiệt sức, đã ra đầu hàng cảnh sát, những người trẻ nhất trong số này đã được cảnh sát để yên cho ra. May mắn thay, trước mắt có vẻ như là đã tránh được nguy cơ đàn áp đẫm máu. Thế nhưng, theo The Economist, Hồng Kông vẫn đang ở trong tình trạng hiểm nghèo.

Ngoài khu vực Đại Học Bách Khoa, các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục ở các nơi khác trong thành phố. Phong trào phản kháng không thu hút được những đám đông khổng lồ như con số 2 triệu người vào tháng Sáu vừa qua, nhưng các hành động phá hủy cơ sở vật chất và số lượng bom xăng đã gia tăng.

Điều đáng nói, theo tuần báo Anh, là bất chấp bạo lực gia tăng, sự ủng hộ của công chúng đối với những người biểu tình, ngay cả đối với những thành phần cực đoan dùng đến bom xăng, vẫn mạnh mẽ. Ngòi nổ của phong trào phản kháng là dự luật cho phép dẫn độ qua Trung Quốc đã bị thu hồi, nhưng sự nhượng bộ muộn màng này đã không đủ để ổn định tình hình.

Người biểu tình giờ đây cho biết họ không muốn gì khác hơn là dân chủ. Do việc họ không được quyền chọn lãnh đạo đặc khu, các cuộc bầu cử vào cơ quan lập pháp Hồng Kông lại cực kỳ thiên vị giới thân Bắc Kinh, các cuộc biểu tình có thể vẫn sẽ tiếp tục.

Bắc Kinh không muốn trả giá kinh tế và chính trị quá nặng

Theo nhận định của The Economist, Đảng Cộng Sản Trung Quốc có vẻ như không muốn đưa quân đội vào Hồng Kông để tái lập trật tự. Theo những người trong cuộc, Bắc Kinh không muốn phải trả một cái giá kinh tế và chính trị quá nặng nề nếu ồ ạt xả súng vào đám đông trong một trung tâm tài chính toàn cầu.

Đối với tạp chí Anh, căn nguyên chính dẫn đến hỗn loạn hiện nay tại Hồng Kông là sự mạnh tay của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, đã làm cho người dân đặc khu hết sức phẫn nộ.

Ông Tập nói rằng ông mong muốn một sự “trẻ hóa vĩ đại” của đất nước Trung Quốc. Thế nhưng, cách áp đặt quyền kiểm soát một cách thô bạo, không khoan nhượng của ông đang làm dấy lên nỗi tức giận, không chỉ ở Hồng Kông, mà còn ở khắp các vùng biên trấn của Trung Quốc. từ Đài Loan cho đến Tân Cương.

Courrier International: Tận thế gần kề… nhưng đó lại là tin vui

Môi trường là hồ sơ chính tuần này của tạp chí Pháp Courrier International, với một tựa đập mắt trên trang bìa với nội dung gây sốc: “Tận thế đến nơi rồi…, nhưng đó lại là tin vui”. Ảnh trang bìa minh họa cho chủ đề mang dáng dấp khoa học viễn tưởng: Một thành phố chìm dưới nước với một con cá chép thật to đang bơi qua một cao ốc, với dòng nhận định: “Biết đâu chừng khủng hoảng khí hậu lại là một cơ may, dẫn đến sự thay đổi hệ thống, cứu vớt chúng ta?”

Tạp chí liệt kê một loạt hiện tượng, từ cháy rừng ở Amazon cho đến bão tố ở Châu Á, từ hạn hán ở Châu Mỹ La Tinh hay Phi Châu, cho đến lụt lội ở Châu Âu. Đó là những tác động của biến đổi khí hậu ngày càng đe dọa thêm hành tinh.

Thế nhưng, trong tình cảnh đó đã xuất hiện lý do để hy vọng, và Courrier International thành thật giải thích rằng đó là điều mà tờ báo Mỹ The New Yorker đã nêu lên trong một bài viết mà tạp chí đã lưu ý từ mùa xuân vừa qua, nhưng đến giờ mới đăng lên vì lý do tác quyền.

Chọn không làm gì là chọn từ bỏ lý trí

Theo tạp chí Pháp, bài viết trên tờ New Yorker trích dẫn biên khảo mới nhất của David Wallace-Wells mang tựa đề: “Trái đất nơi không thể ở được. Sống với thêm 4°C” (vừa được nhà xuất bản Robert Laffont dịch ra tiếng Pháp và phát hành), theo đó “nỗi sợ hãi là cố vấn tốt nhất của chúng ta” vì theo tác giả: “chỉ có nỗi sợ hãi mới thúc đẩy chúng ta hành động để cho phép nhân loại giữ cho hành tinh vẫn có thể ở được”. Bài báo trên New Yorker đã nhấn mạnh: “Chọn không làm gì ngày nay, tức là chọn từ bỏ lý trí”.

Courrier International nhắc lại là gần đây, các thanh thiếu niên trên toàn thế giới đã động viên nhau chống lại thái độ thụ động của các chính quyền trước hiện tượng khí hậu hâm nóng, như phong trào Extinction Rebellion chẳng hạn, đã tạo được tiếng vang trên thế giới. Có lẽ chúng ta đang nhìn thấy một sự thay đổi trong cái nhìn về môi trường. Đấy cũng là hy vọng của Naomi Klein, đã cho rằng: “Khủng hoảng khí hậu có thể là yếu tố kích hoạt, dẫn đến một sự thay đổi mô hình kinh tế của chúng ta”.

Đi kèm theo bài báo của The New Yorker, Courrier International đã nêu một vài ví dụ về việc người dân ý thức vấn đề và về các sáng kiến tư nhân hay nhà nước, chứng minh cho ý thức của đông đảo người về tình hình khẩn cấp hiện tại: Tại Phi Châu, việc sử dụng năng lượng mặt trời phát triển mạnh; tại Anh Quốc, việc sử dụng túi nhựa giảm cực nhanh, giảm 93% trong các siêu thị tính từ 2015 đến đầu 2019.

Được tạp chí MIT Technology Review phỏng vấn vào tháng 3 vừa qua, tỷ phú Bill Gates đã tỏ ra tương đối lạc quan, nêu lên một loạt tiến bộ công nghệ học góp phần giảm tác động của con người trên khí hậu.

Nhưng ngược lại với phái lạc quan, cũng có những người đã gợi đến sự suy sụp của nền văn minh nhân loại, từ nhà tiên phong Jared Diamond, một chuyên gia về địa lý và sinh vật học, cho đến nhà nghiên cứu sự sụp đổ Pablo Servigne, đang giới thiệu cho chúng ta những giả thuyết bi quan của họ, chủ đề thời thượng những năm gần đây.

Tạp chí Pháp không ngần ngại mời độc giả tự chọn phe của mình.

L’Express: “Tiêu rồi. Trump không phải cái gì cũng thất bại!”

Tạp chí L'Express tuần này dành trang bìa cho tổng thống Mỹ Donald Trump, tổng kết trước nhiệm kỳ tổng thống với tựa đề trang bìa sử dụng hô ngữ thông tục trong tiếng Anh Damned (tạm dịch là "tiêu rồi): “Tiêu rồi! Ông ta không phải cái gì cũng thất bại!”. Một hàng tựa nhỏ chú thích: “Kết quả thực sự việc làm của ông Trump”, bên trên ảnh vẽ hai ông Trump, một đăm chiêu và một nhăn nhó.

Tạp chí dành 14 trang cho hồ sơ, và ghi nhận trước tiên: Cho dù có những cảm nhận rất khác nhau trước phong cách độc đáo của ông, các biểu cảm, phát biểu phô trương, những tiết lộ về hành vi thái quá trong quá khứ, những câu nói văng mạng hay những tràng tin nhắn Twitter của ông, việc đưa ra được một tổng kết khách quan về vị chủ nhân Nhà Trắng là chuyện tế nhị, vì khá tương phản..

L’Express viết: “Một bên là thành quả tương đối tốt về kinh tế, cộng thêm một số biện pháp thường được dân chúng tán đồng. Nhưng hành động đối ngoại thì đã khiến quốc tế tự hỏi: Nước Mỹ phải chăng đang mất uy tín trên thế giới?”

Tạp chí ghi nhận: “Với những phát biểu xúc phạm đến cả thế giới, những lời lẽ cay độc, ông Trump nêu lên câu hỏi mà nhiều người Mỹ tự hỏi: Tại sao Hoa Kỳ lại phải tiếp tục vai trò bá quyền thế giới nếu phải chi trả nhiều hơn là được lợi?”

Mỹ còn đáng tin hay không?

Trong bài xã luận, Christian Makarian giải thích là với phong cách gây hoang mang, những tuyên bố văng mạng, Donald Trump đã biến chính sách đối ngoại thành hòn đá cản đường.

Tác giả ghi nhận hàng loat lời hứa. Về Trung Đông: “Một thỏa thuận hòa bình tối hậu” - Về Bắc Triều Tiên: “Một ngày trọng đại đối với thế giới”, “Hiểm họa đã biến mất” – Về Iran: “Một thỏa thuận tốt hơn” nhờ “sức ép tối đa” – Về Afghanistan: “Giảm bạo động” nhờ đánh đổi với thượng lượng với Taliban - Về Brexit: “Một thỏa thuận thương mại tuyệt vời với Anh Quốc”.

Biết bao giải pháp mà rốt cuộc không thấy kết quả gì.

L’Express cho rằng không thể tóm lược chính sách đối ngoại của Donald Trump với phong cách hoàn toàn khinh xuất từng được thấy qua việc bỏ rơi lực lượng Kurdistan ở Syria với lý do: “Ho đã không giúp đở gì nhiều cho chúng ta trong thế chiến 2. Họ đã không giúp chúng ta ở Normandie” (ám chỉ cuộc đổ bộ của Mỹ thời đó).

Tuy nhiên, dấu ấn cá nhân của ông Trump trong đối ngoại đã biện minh cho câu hỏi dai dẳng: “Còn có thể tin vào Mỹ nữa hay không ?

L’Express: Châu Âu, một trung tâm sản xuất thuốc lá giả

Trong 3 trang, L’Express cho biết quy mô tệ nạn: Hàng tỷ điếu thuốc lá sản xuất ngay trong lòng Châu Âu, bán chui trên những sạp tạm bợ với giá rẻ mạt, khoảng 5 euro một gói.

Đối với L’Express thì quả là có một thị trường thực sự cho loại thuốc lá chui này: “Trong số 40 tỷ điếu thuốc hút mỗi năm tại Pháp, thì có khoảng 2 tỷ đến từ khu vực bán chui này”.

Theo một báo cáo của nhóm đặc trách thuốc lá tai cơ quan DNRED của Hải Quan Pháp thì đã có 47 nhà máy sản xuất thuốc lá lậu bị tháo gỡ từ năm 2015 tại Châu Âu: 10 ở Tây Ban Nha, 7 ở Hy Lạp, 4 ở Bỉ, 2 ở Anh, 2 ở Ireland.

Những nhà máy này cũng có mặt ở Ba Lan, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Cộng Hòa Séc, Bulgari, Hungary.

Le Point: Y tế Pháp không tệ như người dân nói

Tạp chí Le Point quan tâm đến tình hình y tế Pháp, với câu hỏi lớn ở trang bìa: “Người dân còn được chăm sóc tốt ở Pháp hay không?” trên nền ảnh một bệnh viện với một phụ nữ trong chiếc áo blouse trắng. Trong hồ sơ chính bên trong, tạp chí đã dựa trên một cuộc điều tra về bệnh viện, về khu vực y tế đô thị, về hiệu quả chữa bệnh, để nêu lên thực tế và những thành kiến về hệ thống y tế Pháp.

Theo Le Point cuộc điều tra do Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế OCDE, đã trả lời rằng người dân vẫn được chăm sóc tốt ở Pháp, và kết quả này đi ngược lại với một số thành kiến. Tạp chí dành 10 trang để chứng minh với những số liệu cụ thể.

Đối với tạp chí Pháp, trong bối cảnh người ta thường nói đến các bệnh viện công rệu rã, hiện tượng “sa mạc y tế” lan rộng, các bộ phận cứu chữa khẩn cấp tả tơi, thì ai có thể tin là người ta được chữa trị tốt ở Pháp. Tuy nhiên, bản điều tra Cảnh Quan Y Tế của OCDE chứng minh ngược lại.

Trên 20 chỉ số tóm lược chất lượng y tế của 36 quốc gia thuộc OCDE, Pháp có kết quả cao hơn trung bình của 16 nước. Tính ra, Pháp đứng hàng thứ 9, với điểm 16,94/20. Theo Le Point, tuy không thể phủ nhận cuộc khủng hoảng hiện nay của ngành y tế, nhưng thực tế khác xa thảm họa được báo trước. OCDE đánh giá là Pháp có một hệ thống y tế “tương đối có hiệu năng”.

Trước nước Pháp có 8 quốc gia dẫn đầu – Thụy Điển, Na Uy, Thụy Sĩ, Iceland, Nhật Bản, Đan Mạch, Canada. Sau Pháp là Đức đứng thứ 15, Hoa Kỳ thứ 21, Anh Quốc thứ 23.

Đối với Le Point, tất cả những kết quả này không có gì đáng ngạc nhiên. Ngay năm 2000, Tổ Chức Y Tế Thế Giới OMS đã xếp nước Pháp đứng hạng nhất, dù hạng này đã gây tranh cãi. Còn năm 2017 thì tạp chí khoa học The Lance, đã đặt y tế Pháp vào hàng thứ 15 trên 195 quốc gia được xem xét. Dù khó tin, nhưng trong bối cảnh hiện nay, Pháp vẫn trong đội dẫn đầu.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn