Mặc Lâm - Càng nghĩ càng thấy thương hội ‘No U’

Thứ Ba, 05 Tháng Mười Một 20198:00 CH(Xem: 4616)
Mặc Lâm - Càng nghĩ càng thấy thương hội ‘No U’
Trong thời gian gần đây “đường lưỡi bò” xuất hiện tại Việt Nam với tần suất ngày một nhiều và tinh vi hơn. Nó có trong phim giải trí, trong bản đồ định vị của xe auto nhập khẩu, bây giờ nó xuất hiện trong giáo trình đại học của trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.

DDF43473-E7CA-4333-848E-B0CA822D3FD1_w1023_r1_s
Nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh (giữa) cùng bạn bè phản đối các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, 6/8/2019.
Trong cuốn Đọc sơ cấp 1 "Developing Chinese", bản đồ mô tả lãnh thổ Trung Quốc có thêm "đường lưỡi bò" được in to, rõ nét. Ở cuốn Nghe sơ cấp 1 "Developing Chinese", hình ảnh in nhỏ hơn. Đây là giáo trình dạy và học tập dành cho sinh viên năm nhất khoa Trung - Nhật.
Không như trước đây khi “đường lưỡi bò” xuất hiện thì chính quyền thường có thái độ thờ ơ, nếu buộc lắm chỉ phạt hành chánh và vật hay người mang nó hoàn toàn vô can. Nhưng lần này thì khác, đối với bộ phim "Everest - Người tuyết bé nhỏ" xuất hiện hình ảnh "đường lưỡi bò" thì Quyền Cục trưởng Cục Điện ảnh của bà Nguyễn Thị Thu Hà bị thu hồi và một số cán bộ trong hội đồng duyệt phim bị khiển trách. Những chiếc xe có hệ thống định vị GDP mặc định hình lưỡi bò trong bản đồ đều bị thu hồi và hành động kịp thời này đã chứng tỏ rằng chính quyền đã thay đổi thái độ còn động cơ tại sao thay đổi so với trước đây thì còn tùy thuộc vào nhận định từng người.
Đối với đường lưỡi bò trong bộ phim Everest - Người tuyết bé nhỏ, người xem sẽ nhanh chóng quên đi khi về đến nhà. Với chiếc bản đồ có hình lưỡi bò trong những chiếc xe xuất xứ từ Trung Quốc cũng dễ đối phó tuy nhiên với đường lưỡi bò nằm trong bộ sách giáo khoa dành cho sinh viên đại học thì lại là một vấn đề khác, nó cho thấy tâm lý ỷ lại của các cán bộ giáo dục đã lên tới đỉnh điểm, nó cũng vạch ra một nền giáo dục mà sách giáo khoa được gom nhặt từ nước ngoài rồi về photo copy lại để bán cho sinh viên làm giáo trình học tập. Và trên hết nó chỉ ra rằng không ai trong số những người mang sách phát cho sinh viên ý thức được sự nguy hiểm của “đường lưỡi bò” khi nó ăn sâu vào tư duy của sinh viên khoa Trung –Nhật của Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
Câu chuyện mới nghe tường như đùa, bà Đào Thị Thúy Hằng, Phó Chủ nhiệm Khoa Trung- Nhật cho biết, cuốn sách này do sinh viên mang từ Trung Quốc về tặng khoa và vẫn trong giai đoạn thử nghiệm. Nhà trường cũng không thể mở từng trang để kiểm tra.
Để thanh minh sự vô tư của các người trách nhiệm, ông Bùi Văn Thanh, Trưởng khoa Trung - Nhật, Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cho biết bản đồ "đường lưỡi bò" xuất hiện trong bài 7 cuốn giáo trình do Đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh phát hành, được khoa đưa vào sử dụng từ đầu năm học 2019-2020. Hiện nay sinh viên mới học tới bài 5. Ông Thanh cũng cho biết hình ảnh đường lưỡi bò trong sách in quá nhỏ “li ti” nên cố gắng lắm mới trông thấy. Sự xác nhận của ông Trưởng khoa chỉ đến sau khi sinh viên phát hiện và hô hoán lên trước đó.
Theo ông Phó hiệu trưởng Vũ Văn Hóa, nhà trường đã thu hồi giáo trình của tất cả lớp, khoảng 500-700 cuốn, nhưng có thể vẫn còn do một số sinh viên mượn của bạn rồi photo.
Sự tắc trách đến từ ban giám đốc trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội không những gây lo âu cho giới sinh viên mà còn gián tiếp giúp ý đồ lan tỏa bản đồ đường lưỡi bò của Trung Quốc tại Việt Nam có cơ hội phát triển trong môi trường giáo dục đại học, một môi trường lý tưởng cho ý đồ nhuộm trắng tư duy của tuổi trẻ Việt Nam bằng giáo trình có đường lưỡi bò làm chủ đạo.
Trung Quốc đã chứng tỏ rất cao tay trong vấn đề “mượn dao giết người” mà kẻ đem dao từ Trung Quốc về lại Việt Nam chính là… người Việt Nam. Cộng với sự vô tư của họ là tính lười biếng của cán bộ giảng dạy đối với cả một chương trình đào tạo cần sự nghiên cứu và trải nghiệm của những người đứng lớp. Không ai thấy rằng sự tắc trách của họ sẽ mang đến hệ lụy thế nào đối thanh niên và cộng đồng, họ chỉ biết đưa ra những lời biện hộ ngô nghê lẽ ra không nên có từ miệng của những người trí thức.
Chống lại sự lan tỏa của đường lưỡi bò là một việc làm khó khăn cần sự tiếp tay của toàn xã hội, nhưng trước mắt chính quyền vẫn còn lúng túng chưa chọn được hướng giải quyết mạnh mẽ và tích cực. Mạnh mẽ khi có những chế tài đủ mạnh để răn đe những kẻ cơ hội và tham lam trước cám dỗ từ Trung Quốc. Tích cực từ những biện pháp ngăn ngừa cũng như khuyến khích người dân tiếp tay chống lại đường lưỡi bò một cách toàn diện. Những chính sách như thế vẫn chưa được áp dụng trong khi Bắc Kinh ngày đêm diễn tập biến đường lưỡi bò thành sự đã rồi trong các hội nghị cấp cao do họ tổ chức như Diễn Đàn Hương Sơn trong những ngày vừa qua.
Đã từ lâu Hà Nội xuất hiện một hội nhóm có cái tên rất ấn tượng đó là tổ chức No U, cắt đường lưỡi bò trong mọi lúc mọi nơi. Chiếc logo cắt hình lưỡi bò cho đến nay đã trở thành quen thuộc với rất nhiều người thế nhưng No U vẫn là cái gai trong mắt chính quyền Hà Nội, nó cho thấy tầm nhìn hạn hẹp của một chính phủ luôn lo sợ sự phản ứng của người dân với chế độ mà không lo sợ âm mưu tiệm cận của một chính sách trường kỳ mai phục của Bắc Kinh.
Cũng khá ngạc nhiên khác với mọi lần, câu chuyện đường lưỡi bò xuất hiện trong giáo trình giảng dạy của Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã bị Phòng an ninh chính trị nội bộ (PA03), Công an Hà Nội làm việc với trường trong ngày 3 tháng 11.
Sai sót của nhà trường đến từ sự cẩu thả của hệ thống giáo dục và người dân từng chứng kiến nhiều lần những tai hại của sách giáo khoa dạy học sinh như vẹt học nói về những câu chuyện có liên quan đến lịch sử, nhất là lịch sử giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Hôm nay là đường lưỡi bò trong khuôn viên nhà trường biết đâu ngày mai nó sẽ xuất hiện ngay trong vườn hoa Tượng đài Lý Thái Tổ, nơi mỗi lần người dân biểu tình chống Trung Quốc là xuất hiện những con người mang mặt nạ bằng sáp, vô cảm chống lại những người cảm thấy Trung Quốc chính là hậu hoạn khó lường của Việt Nam.
Mặc Lâm
(Blog VOA)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn