Điều người Hong Kong nghĩ nhưng không thể nói

Chủ Nhật, 10 Tháng Mười Một 20199:00 CH(Xem: 4867)
Điều người Hong Kong nghĩ nhưng không thể nói
C. G. Fewston

Phạm Nguyên Trường dịch

Sau năm tháng bất ổn ở Hong Kong, người biểu tình vẫn đang chiến đấu vì cái gì? Nhiều người tự hào nói rằng các cuộc biểu tình phi bạo lực và bạo lực là vì dân chủ. “Tự do cho Hong Kong”. “Giải phóng Hong Kong. Nhưng điều đó thực sự có nghĩa là gì?
hk

Điều mà người Hong Kong không thể nói, điều họ bị cấm nói, đó là biểu tình là vì độc lập, để trở thành một quốc gia-thành phố tự quản như Singapore hoặc Monaco. Được tự quản như Đài Loan. Không ai có thể nói như thế, vì ở Hong Kong đây là hành động vi phạm pháp luật.


Lí do để người Hong Kong không thể công khai thừa nhận là họ đang đấu tranh vì độc lập hoặc quyền tự quyết là vì làm như vậy là vi phạm pháp luật. Ở Hong Kong, ủng hộ, thúc đẩy hoặc diễu hành vì độc lập là phạm luật. “Tự do ngôn luận” ở trung tâm tài chính châu Á là như thế đấy.

Năm ngoái, chính phủ Hong Kong, được Bắc Kinh hậu thuẫn, đã cấm một đảng ủng hộ li khai và tiếp tục cấm các chính trị gia và tổ chức bàn về độc lập. Trong hai năm qua, chính phủ Hong Kong và Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố “tự do ngôn luận không phải là vô giới hạn”.

Năm 2017, Trung Quốc đã coi những lời nói hoặc hành động kêu gọi độc lập hoặc quyền tự quyết ở Hong Kong đều là vi phạm chủ quyền quốc gia của Trung Quốc. Luật hình sự của Hong Kong giải thích rằng những người có “ý định bạo loạn” là phạm tội và có thể bị phạt tù tới hai năm và phạt tiền tới 5.000 HK$ (638 USD). Những tội được qui định trong Điều 23, nói về lật đổ và bạo loạn. Đây là lí do chính vì sao người Hong Kong phủ nhận biểu tình là vì độc lập. Họ không muốn bị bỏ tù.

Thay vào đó, các chính trị gia và người dân ủng hộ dân chủ nói rằng họ ủng hội chế độ dân chủ thực sự thông qua phổ thông đầu phiếu, quyền được ghi trong bản hiến pháp-mini, nhưng người dân chưa được hưởng. Nhiều đảng chính trị ở Hong Kong đồng ý rằng Điều 45 của Bộ luật cơ bản ủng hộ và nói về quyền phổ thong đầu phiếu, như là mục tiêu của thành phố này.

Trong hai năm qua, những người muốn tham gia bầu cử đều phải được Bắc Kinh sát hạch. Những người muốn được bầu làm quan chức đều phải phủ nhận quyền tự quyết và chứng minh rằng họ không ủng hộ độc lập.

Mới đây Hoàng Chí Phong (Joshua Wong) đã bị sát hạch và bị cấm vận động trong cuộc bầu cử vào tháng 11 này. Thú vị là, các quan chức bầu cử đã từ chối đưa ra quyết định suốt mấy tuần liền. Dorothy Ma Chau Pui-fun, người quản lý các ứng cử viên quận Nam, bất ngờ nghỉ ốm mà không đưa ra quyết định. Ba quan chức bầu cử không rõ danh tính thậm chí còn từ chối nhận vai trò phán xét Hoàng Chí Phong trên cơ sở lập trường chính trị anh này.

Khi thời hạn chót là ngày 31 tháng 10 đến gấn, quan chức bầu cử thay thế, Laura Liang Aron, người gốc Trung Quốc lục địa, cuối cùng quyết định cấm Hoàng Chí Phong tham gia ứng cử. Chính quyền viện dẫn lời ủng hộ quyền tự quyết mà nhà hoạt động dân chủ này từng đưa ra trong quá khứ là lí do chính để không cho Hoàng Chí Phong tham gia.

Người Hong Kong liên tục đòi quyền phổ thông đầu phiếu suốt năm năm qua. Công dân và người biểu tình Hong Kong hiện đang đấu tranh để được bầu một cách dân chủ các quan chức chính quyền, ví dụ, Đặc khu trưởng, mà không cần Trung Quốc sàng lọc.

Sau khi các quan chức được bầu một cách công khai nắm chức vụ trong chính quyền theo kiểu của mình tách khỏi đại lục, thì Hong Kong có thể bắt đầu lèo lài để giành nền độc lập. Hãy suy nghĩ như sau: Bước 1: quyền phổ thông đầu phiếu; Bước 10: độc lập. Chưa đạt được bước 1 một cách hòa bình thì không thể đạt được bước 10. Vì vậy, người Hong Kong đang đấu tranh đòi bước 1, đòi quyền phổ thong đầu phiếu, thậm chí trước khi có thể bắt đầu xem xét những thay đổi trong tương lai.

Tuy nhiên, chính quyền Hong Kong do Bắc Kinh kiểm soát sẽ không bao giờ cho phép phổ thông đầu phiếu vì họ biết chắc chắn nó sẽ dẫn đến đâu trong tương lai.

Không những không tiến hành cách kinh tế và cho người dân quyền phổ thông đầu phiếu, chính quyền và cảnh sát tiếp tục đàn áp dữ dội các cuộc tụ họp và biểu tình quần chúng.

Trong một cuộc biểu tình hỗn loạn khác vào ngày chủ nhật, 27 tháng 10 năm 2019, cảnh sát Hong Kong thể hiện thái độ coi thường báo chí bằng cách bắt giữ May James, phóng nhiếp viên ảnh khi cô này đang theo dõi cuộc biểu tình ở Mong Kok. Mới đây, trong tháng 10 vừa qua, May James đã có buổi nói chuyện tại Câu lạc bộ phóng viên nước ngoài, Câu lạc bộ này đã công khai lên án vụ bắt giữ cô.

Một số phóng viên cũng đã bị cảnh sát gây thương tích hoặc phải nhập viện trong khi họ đang theo dõi các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ kéo dài 21 tuần qua. Cảnh sát thừa nhận rằng đã sử dụng các chiến thuật bạo lực hơn đối với báo chí, cảnh sát cũng bị cáo buộc là đã tấn công và bắt giữ những người quan sát, du khách và các nhà báo.

Hiệp hội nhiếp ảnh báo chí Hong Kong, Hiệp hội nhà báo Hong Kong và Hiệp hội những người điều hành tin tức Hong Kong cũng đã tung ra các bản tuyên bố công khai lên án những hành động bạo lực của cảnh sát nhằm chống lại các phóng viên. Trong khi đó, thành phố tiếp tục cháy cùng với lệnh giới nghiêm có hiệu lực trên thực tế.

Không bên nào sẵn sàng nhượng bộ và không thấy điểm cuối trong việc giải quyết các vấn đề xã hội; không có gì ngạc nhiên là, sau năm tháng biểu tình, Hong Kong đã rơi vào tình trạng suy thoái.

Đã đăng trên Việt Nam Thời Báo
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn