Người già là gánh nặng hay cơ hội cho nền kinh tế? ( Hay, vì bọn Phiếm toàn là Người Già...)

Thứ Năm, 24 Tháng Mười 20196:04 CH(Xem: 5062)
Người già là gánh nặng hay cơ hội cho nền kinh tế? ( Hay, vì bọn Phiếm toàn là Người Già...)
bbc.com

Người già là gánh nặng hay cơ hội cho nền kinh tế?

Mari Shibata BBC Worklife

Other Bản quyền hình ảnh Other

Tuổi trẻ có thể đã sẵn sàng để kế thừa tương lai, nhưng giờ đây dân số già đang định hình tương lai.

Năm 2018, lần đầu tiên trong lịch sử, những người từ 65 tuổi trở lên đông hơn trẻ em dưới năm tuổi trên toàn cầu. Và số người từ 80 tuổi trở lên được dự kiến sẽ tăng gấp ba, từ 143 triệu người vào năm 2019 lên đến 426 triệu người vào năm 2050.


Dân số từ 65 tuổi trở lên đang tăng nhanh hơn tất cả các nhóm tuổi khác, nhất là khi tỷ lệ sinh toàn cầu đã tuột xuống kể từ nửa sau Thế kỷ 20.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ sinh ở mọi khu vực ngoại trừ Châu Phi đều ở gần hoặc thấp hơn mức được coi là 'tỷ lệ thay thế' - mức cần thiết để giữ ổn định dân số.

Ở hầu hết các nước thu nhập cao, tỷ lệ này dao động khoảng 2,1 con/phụ nữ.

Sống khỏe

Tuy nhiên, dân số không chỉ già đi: con người đang sống lâu hơn và sức khỏe của họ cũng tăng lên, tức là họ khỏe mạnh lâu hơn.

Điều đó có nghĩa là khi dân số người lớn tuổi tăng lên thì số lượng người tiêu dùng, người lao động và người sáng tạo cũng tăng theo.

Nói cách khác, họ không chỉ đơn giản là đối tượng cần các dịch vụ của 'kinh tế bạc', vốn chỉ dành cho người già - thay vào đó, người già có thể tiếp tục tham gia hoàn toàn vào nền kinh tế nói chung.

"Chúng ta giờ đây đang nói về một giai đoạn mới trong cuộc đời vốn dài như giai đoạn sau trong cuộc đời trưởng thành," Tiến sĩ Joseph Coughlin, giám đốc phòng thí nghiệm tuổi già của MIT và là tác giả của 'Kinh tế Tuổi thọ: Mở khóa Thị trường phát triển nhanh nhất và bị hiểu lầm nhiều nhất thế giới', nói.

Các giai đoạn cuộc sống có thể được đo đếm bằng khoảng thời gian tính bằng ngày tương đối bằng nhau, ông nói: từ 0 đến 21 tuổi, từ 21 đến 40 tuổi và từ 40 đến tuổi nghỉ hưu - tất cả đều có độ dài khoảng 8.000 ngày.

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images

"Nếu sống đến 65 tuổi, bạn sẽ có trên 50% cơ hội sống đến trên 85 tuổi - đó là thêm 8.000 ngày nữa. Vì vậy, giờ đây chúng ta đang nhìn vào một phần ba cuộc đời trưởng thành của chúng ta mà không có câu chuyện, công cụ, phần thưởng hoặc kỳ vọng gì cả."


Khi những người lớn tuổi sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn và tiếp tục tham gia tích cực vào kinh tế toàn cầu, thì điều đó sẽ mở ra các khả năng biến tuổi thọ thành tài sản cho xã hội.

Trong năm 2015, người Mỹ từ 50 tuổi trở lên có hoạt động kinh tế trị giá gần 8 nghìn tỷ đô la. Tập đoàn Tư vấn Boston dự kiến đến năm 2030, dân số từ 55 tuổi trở lên ở Mỹ sẽ chiếm một nửa tổng tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng nội địa kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Con số này đạt 67% ở Nhật Bản và 86% ở Đức.

Khi những người lớn tuổi điều khiển một phần đáng kể hoạt động kinh tế thế giới hiện tại và trong tương lai, 'nền kinh tế tuổi thọ' có thể mở ra những cơ hội tăng trưởng hiện chưa được khai thác.

Thách thức khái niệm 'tuổi già'

Sự lão hóa xã hội toàn cầu nói chung được coi là có hại cho sức khỏe kinh tế của một quốc gia, vì nó làm giảm lực lượng lao động và tăng gánh nặng lên hệ thống y tế.

Tại cuộc họp G20 năm nay tại Nhật Bản, nơi lần đầu tiên vấn đề lão hóa được đưa vào danh sách ưu tiên thảo luận, Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản Haruhiko Kuroda nói rằng dân số già có thể đặt ra 'những thách thức nghiêm trọng' cho các ngân hàng trung ương.

Một phúc trình mới đây của Liên Hiệp Quốc cũng cảnh báo rằng sự lão hóa toàn cầu sẽ làm tăng 'áp lực tài chính mà nhiều quốc gia sẽ đối mặt trong những thập kỷ tới khi họ tìm cách xây dựng và duy trì các hệ thống y tế, lương hưu và bảo vệ xã hội cho người già." Điều này đặc biệt có ảnh hưởng đối với nhiều quốc gia trên khắp thế giới vốn có ngày càng đông người nghỉ hưu.

Nhưng Tiến sỹ Coughlin ở MIT nghĩ rằng ngay cả khi dân số già đi một cách đáng kể, chúng ta không thể để ý nghĩ về 'sự già nua' và những hệ lụy của nó bóp nghẹt suy nghĩ của chúng ta về cơ hội kinh tế.

Ông lập luận rằng tuổi già là một cấu trúc xã hội vốn không phản ánh cách con người sống trên thực tế sau tuổi trung niên, và nói rằng các doanh nghiệp cần phục vụ những gì người già thực sự muốn, chứ không phải những gì mà hiểu biết thông thường cho là họ cần.

Đó không chỉ là xe hơi dành cho người già, mà còn là niềm vui, thời trang và hơn thế nữa.

"Đó là về sự 'không tuổi' - những thứ được cá nhân hóa hơn, tập trung hơn vào sự an lạc, về những điều dễ dàng. Những giá trị này là vượt thế hệ," Coughlin nói. Ông nói thêm rằng mặc dù nhu cầu của người trẻ có liên quan đến sự ra đời của nền kinh tế theo yêu cầu, nhưng người cao tuổi hưởng lợi rất nhiều từ sự tiện lợi của nó. "Đối với những người thực sự già, nó đã trở thành trợ lý ảo cho cuộc sống."

Mặc dù không có nhiều nghiên cứu về bản thân nền kinh tế tuổi thọ, nhưng điều rõ ràng là nếu các doanh nghiệp có thể khai thác nhóm người tiêu dùng tuổi già này trong giai đoạn mới này của cuộc đời họ, điều đó có thể có nghĩa là cơ hội lớn.

Suy cho cùng, bộ phận người tiêu dùng này đang chi tiêu. Báo cáo về người tiêu dùng trực tuyến tại 51 quốc gia năm 2017 của KPMG cho thấy những người thuộc thế hệ sinh bùng nổ (sau Đệ nhị Thế chiến) chi tiêu trực tuyến nhiều nhất với trung bình 203 đô la cho mỗi giao dịch, so với 'thế hệ trẻ sành sỏi về công nghệ' vốn thực sự chi tiêu trung bình ít nhất là 173 đô la.

Thị trường lớn nhất cho kinh tế tuổi thọ có thể là Nhật Bản, quốc gia già hóa nhanh nhất thế giới. Từ những tiện ích nhỏ nhặt, chẳng hạn như cung cấp kính đọc có ghi là 'cứ dùng thoải mái' ở bưu điện, ngân hàng và khách sạn, cho đến những cải tiến lớn hơn về cấu trúc như thiết kế nút bấm ở những chỗ băng qua đường để người đi bộ có thể bấm để có thêm thời gian băng qua, văn hóa hiện đại Nhật Bản đáp ứng nhu cầu cuộc sống hàng ngày cho dân số đang lão hóa của họ.

Với ít nhất 20% dân số hiện tại của Nhật Bản trên 70 tuổi, nền văn hóa hòa nhập của nước này cũng được phản ánh trong cách người lớn tuổi tiêu thụ ngay bên cạnh thế hệ trẻ - chẳng hạn như tại các bể bơi địa phương, vào các ngày lễ và ở các lớp tập thể dục.

Sự xuất hiện của thế hệ mới những người lớn tuổi trên mạng trực tuyến - kiểu như Bon và Pon, những người chia sẻ ảnh của những chuyến đi và hoạt động của họ bằng cách mặc trang phục 'hợp cạ' với nhau - là một ví dụ cho thấy thế hệ cao tuổi đang tiêu thụ và tận hưởng cuộc sống như người trẻ.

Kéo dài độ tuổi làm việc của nhân viên

Một phần quan trọng của tuổi thọ và sống khoẻ là sự tự do làm việc. Khi người lao động sống lâu hơn, khỏe mạnh hơn, thì lực lượng lao động lão hóa có thể là cơ hội để gặt hái điều mà hãng tư vấn Deloitte gọi là 'cổ tức tuổi thọ' - khả năng tăng năng suất kinh tế nhờ vào những người lao động lớn tuổi.

Ở Đức, giữ người lao động lớn tuổi ở lại làm việc là vấn đề ổn định kinh tế quốc gia.

Hơn 21% dân số Đức lớn hơn 65 tuổi. Cơ quan xếp hạng tín dụng Moody's nói rằng dân số lão hóa của Đức đặt ra hiểm họa đối với sức mạnh kinh tế của nước này; Nếu có bao giờ Đức mất điểm tín dụng AAA thì Moody's đã cảnh báo rằng lý do khả dĩ sẽ là do 'tác động của thay đổi dân số đối với kinh tế và hệ thống an sinh xã hội của Đức'.

Xét trên các tiến bộ trong lĩnh vực sức khỏe và tuổi thọ, một người Đức 65 tuổi ngày nay dự kiến sẽ sống thêm 20 năm nữa, theo OECD. Tuy nhiên, do tính chất đòi hỏi cao về thể lực của ngành công nghiệp chế tạo, việc giữ chân công nhân lại ở các nhà máy cho đến tuổi nghỉ hưu sẽ tiếp tục là một thách thức.

Một số công ty Đức đang sử dụng những tiến bộ trong công nghệ để đáp ứng người lao động lớn tuổi và giữ họ tiếp tục làm việc.

Tại nhà máy của Porsche ở Leipzig, công thái học (khoa học tối ưu hóa điều kiện làm việc) được triển khai để giúp những công nhân luôn phải làm việc nhiều giờ được luân chuyển từ chỗ này sang chỗ khác trong ngày làm.

Toàn bộ nhà máy được đánh dấu hệ thống đèn giao thông thể hiện sự thoải mái trong công việc, vì vậy các nhà quản lý có thể lên lịch ca làm việc để đảm bảo các bộ phận không bị làm việc tới kiệt sức.

"Mục đích của công thái học không phải là để phản ứng mà là để phòng ngừa," Alissa Frey, chuyên gia công thái học tại nhà máy Porsche Leipzig, nói.

"Việc luân chuyển giữa các bước sản xuất khác nhau giúp ngăn ngừa căng thẳng một phía. Hơn nữa, quy trình và điều chỉnh thành phần, giới hạn sức lực, không gian làm việc có thể điều chỉnh độ cao, thiết bị xử lý và hệ thống hỗ trợ cũng như sử dụng nhân viên một cách phù hợp giúp tránh tình trạng làm việc quá sức."

Nhưng việc tuổi thọ tăng là gánh nặng hay lợi ích phụ thuộc vào mức độ xã hội chuẩn bị cho những thách thức của dân số già cũng như nhận diện và tối đa lợi ích của nó.

"Thế hệ bùng nổ sinh đã sản sinh ra thế hệ tiếp theo," Coughlin nói. "Vì vậy, có kỳ vọng rằng mặc dù họ không còn trẻ nữa, họ vẫn luôn cảm thấy trẻ trung. Họ không chỉ mong đợi, mà trong nhiều trường hợp đòi hỏi, sản phẩm mới, dịch vụ mới, trải nghiệm mới, để làm cho mỗi giai đoạn trong cuộc đời - nếu không muốn nói là mỗi ngày - tốt hơn một chút."

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC WorkLife.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn