NÚI AN LÃO - CAO MỴ NHÂN

Thứ Tư, 27 Tháng Mười Hai 20176:00 SA(Xem: 6063)
NÚI AN LÃO - CAO MỴ NHÂN
         636499037499273944zzzaaaaa

    NÚI AN LÃO   -   CAO MỴ NHÂN 

 

Ở Hảiphong ngày xưa, thủa tôi còn bé, có một ngã tư đường lỡ, theo thứ tự từ nhà ba tôi tới đầu đường Tám Gian tức đại lộ Lê Lợi, đường Cầu Đất lớn nhất, đường Lạch Tray và đường Trại Cau. 

Tuy chưa lớn lắm, nhưng tôi lại hay rủ chị tôi hơn tôi 2 tuổi đi chơi...lang thang. 

Chúng tôi đi từ nhà số 112A đại lộ Belgique, tức đại lộ Lê Lợi nêu trên, qua quãng đường Cầu Đất, rồi rẽ tay phải, theo đường Lạch Tray, đi dọc trên đường Lạch Tray đó, để ngắm ngọn núi An Lão phía xa, trước mặt ...

Nắng bất kể sáng, trưa, chiều ...đổ trùm xuống ngọn núi An Lão như dát vàng. Có lẽ chúng tôi đi chơi vào những ngày đẹp trời, nên chưa lần nào thấy mây phủ vòng quanh sườn núi như sau này, tôi có dịp ngắm núi Sơn Chà trắng mây bay trắng cổ non bồng...ở Đà Nẵng. 

 

Chúng tôi đi hết con đường Lạch Tray, nếu tới ngã ba An Dương, rẽ tay phải nữa, chúng tôi sẽ lại gặp con đường tên Cát Dài, để phía đó có trường nữ tiểu học Lệ Hải là nơi tôi học thủa thiếu thời. 

Còn cứ đi thẳng đường Lạch Tray qua Kiến An, thì ngọn núi đầy nắng vàng lúc hoàng kim, khi cổ đồng, cứ ám ảnh tôi cho đến tất cả những thủa sau này, khi tôi đã lớn lên, đã trưởng thành ở suốt các tỉnh miền Trung, suốt dọc cao nguyên, kể cả ở mấy nơi trong nam, tôi chưa hề thấy cái mầu vàng thau chói chang của toàn ngọn An Lão .  

Tôi diễn tả thế là vì tôi cứ băn khoăn tại sao ánh nắng lại dát vàng trùm một ngọn núi, mà với tôi, thủa niên thiếu, tôi đã ghi nhận mầu sắc núi đó vậy, chứ chẳng phải An Lão đẹp tuyệt vời, hay đặc biệt gì đâu.

 

Kể về núi non ngoài Bắc, thì còn nhiều danh sơn kỳ bí, tuyệt mỹ hơn An Lão nhiều. 

Trước nhất là rặng núi Fansipan cao 3143 m, nơi sanh quán của tôi. Các rặng núi với các mỏ vàng, mỏ bạc, mỏ đồng vv...ở khắp miền thượng du và trung du, dọc đường biên giới tây bắc Bắc Việt. 

Tuy nhiên, với An Lão gần nhất Haiphong , nơi gia đình tôi trú quán 5 năm, trước ngày chia đôi đất nước, tôi cũng chỉ mới ngắm nghía từ xa thôi, chưa và cũng không ao ước tới đó bao giờ . 

Thế nhưng, khi đã di cư vô Nam rồi, lên bậc trung học, thì ngay khi học Đoạn Trường Tân Thanh của thi hào Nguyễn Du, câu thơ : " Thành xây khói biếc, non phơi ánh vàng ".

Hay câu " Trời tây ngả bóng tà dương, càng phơi vẻ ngọc nét vàng phôi pha...Non cao tuổi vẫn chưa già..." trong bài Thề Non Nước của thi sĩ Tản Đà , là tôi liên tưởng ngay tới cái mầu vàng chứa chan trên núi An Lão mới lạ. 

 

Cảnh " Non phơi ánh vàng " của cụ Nguyễn Du và cảnh " nét vàng phôi pha " tả về non cao chưa già của cụ Tản Đà, đã ngay tức khắc tôi nhớ liền ngọn núi An Lão ở tận Kiến An, Haiphong từ 63 năm trước.

Do thế vừa đây, khi tôi tới văn phòng chuyên trị tim mạch của bác sĩ Nguyễn Phúc Vĩnh Khiêm, tôi gặp một vị khách cao niên, nhưng minh mẫn lắm, ông ta nghe cô y tá kêu tên tôi, ông hỏi ngay: 

Xin lỗi, cho tôi hỏi thăm: " Cách đây 60 năm, bà có ở Haiphong không ạ ? " 

Tôi ngạc nhiên quá, vì nếu 60 năm trước, thì làm sao còn nét  gì thủa đó kéo dài tới bây giờ chứ . 

Nhưng người ta hỏi, thì phải trả lời mới lịch sự, chứ giả lơ sao. 

Tôi vui vẻ đáp : " Thưa vâng, tôi có ở Hảiphong." 

" Bà có ở đường Tám Gian không ạ " 

Tôi ngạc nhiên quá đỗi, đáp ngay: " Đúng, tôi ở Tám Gian " 

" Như vậy bà ở nhà số 112A, trên lầu, dưới nhà có hiệu may tây." 

Đúng quá, đó là nhà ba tôi, cho gia đình ông Tuy mở hàng may tây ( đồ vest, chemise vv...) gia đình ba tôi ở trên lầu . 

Tôi đang do dự muốn hỏi thăm sao ông ấy biết rõ nhà tôi vậy, nhất là đã 60 năm qua, chẳng thể nào ai giữ được dung nhan, nhân dáng cũ . 

 

Ô thì cũng như núi An Lão ...

Là hình ảnh núi An Lão in sâu vào tâm khảm tôi, còn ông khách này thấy gì nơi tôi 60 năm trước vậy ? 

Té ra, nếu tôi nhớ núi An Lão, bởi tượng hình, thì ông nêu trên nhớ ra tôi, bởi tượng thanh trời ạ. 

Như nhiều lần tôi kể với quý vị, là tôi viết truyện cổ tích và làm thơ " bé bỏng " từ thủa 13, đăng trên các báo Giang Sơn, Liên Hiệp, Tia Sáng ...với cái tên của mình: Cao Mỵ Nhân . 

Rồi sau này và tới bây giờ, tôi vẫn tên Cao Mỵ Nhân viết lách liên tục, nên bạn đọc nào đó nhớ ra là phải thôi. 

Để tôi hết băn khoăn, ông kể tiếp: " Tôi có quen anh tên Nghị, hồi đó làm may tây cho hiệu đó, sau có đi học, anh Nghị thân tình với tôi ..." 

À thế là ông ấy biết tôi qua người bạn tên Nghị, làm ở tiệm may tây mướn nhà ba tôi. 

Tôi hoàn toàn không biết " anh Nghị " như thế nào, kể ra thì cũng bâng khuâng, là có người để ý tới mình từ khi mình còn niên thiếu. 

Tôi phải tỏ ra lịch sự hơn nữa, nên hỏi thăm : 

" Thưa, thế ông Nghị hiện nay ở đâu ạ ? " 

Ông khách bâng khuâng thật sự: 

" Anh ấy qua đời rồi ! " 

Chu choa, sao chưa hạnh ngộ đã từ ly thế nhỉ, giống phim Tàu quá. Tôi đành làm bộ ...vô thường : 

" Dạ sơ ý quá, từ nãy nói chuyện mà chưa được hân hạnh biết quý danh ông ? " 

Ông ta cười nhẹ nhàng : " Tôi, Lê Ảnh " 

Cám ơn ông Lê Ảnh . 

 

Hình như chuyện này mình có kể anh nghe một lần, cách đây khá lâu, nhưng anh trăm công ngàn việc, lại chuyện không dính gì tới anh, nên anh chẳng bao giờ để tâm, vì một lẽ là anh không quá rảnh như mình. 

Anh gật đầu : " Răng không kể sông Hương núi Ngự cho gần, kể An Lão xa lắc xa lơ ...làm chi, còn thua núi Bà Đen Tây Ninh nữa ..." 

Ờ nhỉ, núi Bà Đen sương nắng hai mùa, tưởng quyến rũ hơn An Lão nắng lửa thiêu đốt cả hoàng hôn cuộc đời, bất kể xuân hạ thu đông, sợ lắm ... 

 

CAO MỴ NHÂN (HNPD)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn