Hải Dương 8 rút, tiếp theo là gì?

Thứ Năm, 08 Tháng Tám 20199:32 SA(Xem: 6061)
Hải Dương 8 rút, tiếp theo là gì?
voatiengviet.com

Hải Dương 8 rút, tiếp theo là gì?

Khánh An-VOA

Động thái rút nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam đang được các chuyên gia phân tích và đưa ra nhiều nhận định khác nhau, trong đó có cả dự đoán về khả năng “sớm quay trở lại” của nhóm tàu này.

Sau khi các dữ liệu theo dõi cho thấy tàu Hải Dương Địa Chất 8 (Hải Dương 8) đã rời khỏi khu vực Bãi Tư Chính, thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam trong cuộc họp báo ngày 8/8 đã xác nhận thông tin này.

“Các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tiếp tục theo dõi”, bà Lê Thị Thu Hằng nói với báo chí.

Động thái rút lui của tàu thăm dò Trung Quốc sau hơn một tháng tiến hành khảo sát trong khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam, bất chấp nhiều phản đối gay gắt từ Hà Nội, được nhận định theo nhiều hướng khác nhau từ các chuyên gia quốc tế chuyên phân tích về tình hình Biển Đông.

Theo nhà nghiên cứu Ryan Martinson, giảng viên tại Trường Hải chiến Mỹ, người đầu tiên đưa ra thông tin về hoạt động của tàu khảo sát Trung Quốc ở Bãi Tư Chính vào tháng trước, thì “Hải Dương Địa Chất 8 đã hoàn thành việc khảo sát”, chuyên gia nghiên cứu về hải quân Trung Quốc viết trên trang Twitter, đồng thời cho biết con tàu hiện đang ở Bãi Chữ Thập.

Chuyên gia Devin Thorne, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng Cấp tiến (C4ADS) cũng xác nhận vị trí của Hải Dương 8 đang ở Bãi Chữ Thập vào tối 7/8, và cho biết thêm rằng “có ít nhất 5 tàu của Việt Nam đi theo nó và 4 tàu lảng vảng ở phía đông ranh giới EEZ (khu vực đặc quyền kinh tế) của Việt Nam” và “Có tối thiểu 2 tàu hải cảnh của Trung Quốc vẫn ở trong khu vực khảo sát”, ông Thorne cho biết trên trang Twitter.

“Nếu mà chỉ để thay người, lấy dầu, kiểm tra máy móc, lương thực, nước… thì khả năng lớn là nó sẽ quay lại”, TS. Hà Hoàng Hợp, chuyên gia nghiên cứu cấp cao khách mời của Viện Nghiên Đông Nam Á (ISEAS) ở Singapore, đưa ra dự đoán với VOA.

“Kịch bản” này cũng được một chuyên gia nghiên cứu cao cấp khác của ISEAS, TS. Lê Hồng Hiệp, dự đoán.

“Nhiều khả năng các tàu Trung Quốc sẽ sớm quay trở lại”, TS. Lê Hồng Hiệp viết trên trang Facebook.

Theo TS. Hà Hoàng Hợp, dự đoán này sẽ sớm biết được chỉ nội trong một vài ngày tới, vì Hải Dương 8 không thể neo đậu mãi ở Bãi Chữ Thập mà sẽ phải trở về Hải Nam, quay lại khu vực khảo sát hoặc đến một địa điểm mới.

Ngoài ra, theo ông, cũng có khả năng Trung Quốc sẽ rút hẳn tàu Hải Dương 8 đi, nhưng thay vào đó là một tàu khảo sát khác.

“Khả năng này là đang có. Vì sao? Bởi vì họ [Trung Quốc] còn có một tàu khác mạnh hơn tàu này. Nó vừa mới hạ thủy xong và đang ở đâu đó giữa Hải Nam và Trường Sa”, TS. Hà Hoàng Hợp cho biết thêm.

Theo ông, nếu Trung Quốc thay tàu khác vào khu vực Bãi Tư Chính thì cũng sẽ tiếp tục hoạt động dưới danh nghĩa “thăm dò”, “khảo sát”.

“Thực ra thì nó không phải là thăm dò gì cả, mà nó biết trước là dưới đó có khí, dầu hay không là nó biết thừa rồi. Nhưng nó muốn khẳng định nó có chủ quyền ở đấy nên cho tàu vào và đơn phương thực hiện các hoạt động kinh tế”.

Nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á còn đưa ra “kịch bản” thứ 3 mà ông cho là “nặng nề nhất” nếu thực sự diễn ra, đó là Trung Quốc sẽ đưa luôn giàn khoan vào khu vực khảo sát để tiến hành khai thác dầu.

“Vừa rồi, phía Trung Quốc họ thăm dò địa chất ở 8 block [lô] và 2 block phụ khác, tổng cộng là 10 block, thì hoàn toàn họ có thể kéo giàn khoan vào để khai thác luôn”, TS. Hà Hoàng Hợp cho biết, và nói thêm rằng khả năng này là “không nhỏ”.

Theo ông, nếu xảy ra một trong 3 “kịch bản” trên, thì đều tiềm ẩn nguy cơ diễn ra xung đột vũ trang khi tương quan lực lượng giữa hai bên khá chênh lệch, và Việt Nam không thể “xua đuổi” tàu thăm dò hay giàn khoan của Trung Quốc ra khỏi khu vực đặc quyền kinh tế của mình chỉ với “mấy chục tàu hải cảnh nhỏ”.

“Đương nhiên Trung Quốc sẽ bẫy Việt Nam bắn trước, hoặc họ bắn trước nhưng họ kêu lên là Việt Nam bắn trước rồi họ gây thành xung đột”, TS. Hà Hoàng Hợp nói với VOA.

Chuyên gia của ISEAS còn đưa ra một dự đoán cuối là Trung Quốc sẽ “nghỉ giữa hiệp” với động thái thái rút tàu Hải Dương 8 về và sau đó sẽ hành xử tiếp.

Cục Hải Dương Quảng Châu, Trung Quốc, hôm 5/8 nói cơ quan này đã “hoàn thành 60% nhiệm vụ” hàng năm, trong đó có 7 tàu “nghiên cứu khoa học” của Cục này đã ra khơi trong vòng hơn 3 tháng, và tàu Hải Dương Địa Chất 8 có thời dài khảo sát dài nhất trong nửa đầu năm nay với 176 ngày hoạt động trên biển.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn