Quần đảo Thất vọng: Hành trình đến thiên đường có thật

Thứ Bảy, 03 Tháng Tám 20191:00 CH(Xem: 5122)
Quần đảo Thất vọng: Hành trình đến thiên đường có thật
bbc.com

Cuộc du hành đến Hòn đảo Thất vọng

Andrew Evans BBC Travel

Andrew Evans Bản quyền hình ảnh Andrew Evans

Ông cố của Huân tước Byron có một ngày không vui.

Căn bệnh hoại huyết đã hạ gục thủy thủ đoàn của ông trên chiếc tàu HMS Dolphin, buộc họ phải nằm liệt trên võng lắc lư trong cái nóng nhớp nháp của vùng nhiệt đới khi con tàu nghiêng ngả trôi chậm trên vùng biển Thái Bình Dương.


Háo hức muốn kiểm soát vùng biển Nam Đại Tây Dương, Hải quân Anh đã trao quyền cho Đô đốc Byron đến trú ngụ ở một hòn đảo ngoài khơi Nam Mỹ, nơi tàu bè có thể đến tiếp tế, và sau đó tìm một con đường đi khác để tới vùng Đông Ấn (East Indies).

Cuối cùng, khi quay về được Anh Quốc, ông đã thiết lập kỷ lục đi vòng quanh địa cầu trong thời gian chưa tới hai năm; tuyên bố chủ quyền của Hoàng gia Anh đối với Quần đảo Falkland ở phía tây, và gần như khơi mào cuộc chiến giữa Anh Quốc và Tây Ban Nha trong quá trình đó.

Nhưng sau chuyến đi vòng qua vùng đất mũi Nam Mỹ, nhà thám hiểm đã gặp phải vùng biển mênh mông nhất thế giới: Thái Bình Dương.

Sau một tháng lênh đênh trong cảnh bốn bề đều là chân trời xanh biếc trống rỗng, một hòn đảo nhỏ bé xuất hiện.

Byron ghi lại ngày tháng (Thứ Sáu, ngày 7 tháng 6 năm 1765), và vui mừng mô tả "vẻ đẹp của hòn đảo - với bãi biển cát trắng phau - và nhiều cây cao bao phủ, tạo thành… những tàng cây đẹp đẽ nhất."

Andrew Evans Bản quyền hình ảnh Andrew Evans
Image caption Các bụi dừa cao mọc đầy trên đảo Tepoto, ở quần đảo Polynesia thuộc Pháp

Vị sĩ quan hải quân quan sát khi thủy thủ đoàn bò lên boong tàu, "nhìn chăm chú vào thiên đường bé nhỏ" với những cây dừa xanh non dồi dào cùi dừa và nước dừa có chứa vitamin có thể chữa lành bệnh chảy máu lợi của họ.


Lạy Trời, Byron nhanh chóng xác định rằng không thể đáp lên đảo này. "Tôi không thể chịu nổi cảm giác đậu tàu quá gần hòn đảo," ông viết trong nhật ký hải hành. Với sóng lớn và bờ biển đầy rạn san hô ở mực nước nông và bất thần tuột xuống vùng nước sâu thẳm không đáy, không có cách nào tàu có thể thả neo an toàn.

Byron ghi chép rằng ở đó có người dân bản xứ xuất hiện trên bãi biển, vung lên những ngọn giáo dài 5m.

Dân đảo đốt những đống lửa khổng lồ phát đi tín hiệu cảnh báo cho hòn đảo gần đó biết tin có kẻ xâm nhập vừa xuất hiện.

"Người bản địa chạy dọc theo bờ biển song song với con tàu, la hét và nhảy múa," Byron ghi chép lại, họ vung vẩy những ngọn giáo dài tỏ ý cảnh cáo.

"Họ sẽ giết chúng tôi… nếu chúng tôi mạo hiểm lên bờ," Byron viết, ông đã định thử đáp lên đảo hơn một lần bằng xuồng trước khi từ bỏ ý định.

"[Họ] tổ chức một trong những nghi thức hò hét ghê gớm nhất mà tôi từng nghe, và cùng lúc chĩa giáo, lăm lăm những hòn đá lớn trong tay nhặt được trên bờ biển."

Người Anh thử một nỗ lực ngoại giao điên rồ đó là ném một ổ bánh mì cũ về phía dân đảo. Dân đảo từ chối đụng vào ổ bánh mì cũ và thay vào đó họ lội xuống nước, cố dìm chiếc tàu xuống nước.

Byron lùi lại và giong buồm về phía hòn đảo lớn hơn bên cạnh, nhưng một lần nữa ông không thể neo tàu dọc theo rạn san hô bên ngoài.

Trong lúc đó, người bản địa trang bị giáo mác và gậy gộc theo chiếc tàu, sử dụng "những cử chỉ hăm dọa ngăn cản không cho họ đáp vào".

Byron chỉ khiến dân đảo lùi lại khi ông bắn đạn đại bác 9 ly chỉ thiên. Gần 20 giờ sau khi đến đảo, Byron giong buồm rời đi, ghi dấu sự bối rối vào tấm bản đồ thế giới mới bằng cách đặt tên những hòn đảo san hô này là "Quần đảo Thất vọng".

Bản đồ được xuất bản sau chuyến đi vòng quanh thế giới của ông, và biệt danh đó vẫn còn tồn tại đến ngày nay.

Khám phá lại nơi xa xôi

Tôi đã phá lên cười khi lần đầu tiên phát hiện ra cái tên hòn đảo trong nhật ký hải hành của Byron trong một buổi tối mất ngủ, và ngay lập tức bị thu hút, phải đọc tiếp từng dòng trong nhật ký từ đêm tới sáng.

Tên của hòn đảo, giờ đây thường được gọi là "Quần đảo Thất vọng", nghe có vẻ như tên của một quyển truyện tranh Tintin trong xó kệ sách thay vì là tên một vùng đất có thật trên Trái Đất.

Nhưng khi tìm tên này trên internet, ta sẽ được dẫn đến đảo Napuka và Tepoto, hai chấm nhỏ xa xôi ở vùng biển Nam Thái Bình Dương, khắc họa trên nền biển xanh của Quần Đảo Tuamotu, quần đảo san hô lớn nhất trên hành tinh.


Nhìn từ Google Earth, hòn đảo nhỏ hơn của cụm Quần đảo Thất Vọng có hai đảo này giống như một đơn bào trôi nổi đơn độc giữa đại dương.

Kích cỡ chỉ có bốn cây số vuông, Tepoto là một trong những hòn đảo nhỏ nhất trong 118 đảo và đảo san hô tạo thành vùng Polynesia thuộc Pháp.

Chấm nhỏ xanh biếc này có bãi biển cát trắng vòng quanh chính là hòn đảo nhỏ nơi Byron không thể đáp tàu vào. Tôi có nên đến đó không, và liệu tôi có thất vọng không?

Đã 254 năm sau nỗ lực của Byron, Quần đảo Thất vọng vẫn là nơi rất khó tiếp cận.

Các chuyến bay đến đảo san hô lớn hơn, có tên là Napuka, thậm chí còn không được liệt kê trên trang web quốc tế của hãng hàng không Air Tahiti. Tôi mất ba tuần gọi điện vô ích trước khi được kết nối với một đại lý bán vé.

"Bạn có thể bay đến Napuka vào tháng Hai," cô giải thích bằng tiếng Pháp, "nhưng sau đó bạn phải ở đó nguyên tháng."

Vậy là tôi đi du lịch vào tháng Năm, khi thời tiết tốt, và với các chuyến bay trong tháng đó thì tôi sẽ chỉ cần ở đó ít nhất là tám ngày.

Nằm cách thủ đô Papeete của Tahiti gần 1.000km, Napuka là một trong những hòn đảo hẻo lánh nhất vùng Polynesia thuộc Pháp, và là một điểm dừng chân ngắn trong các chuyến bay đường dài. Một khi tôi bước chân rời khỏi máy bay, tôi sẽ phải ở lại đảo.

"Bạn nên sắp xếp tìm chỗ ở trước khi đến," Celeste Brash, bạn tôi đề nghị. Cô chưa bao giờ đến Napuka, nhưng với tư cách là tác giả quyển Tahiti và Polynesia thuộc Pháp của hãng cẩm nang du lịch Lonely Planet, cô kể lại từ kinh nghiệm cá nhân: "Những hòn đảo san hô xa xôi ở Tuamotus thực sự không biết phải làm gì khi có du khách đến thăm."


Không khách sạn, không nhà hàng, không có ngành công nghiệp du lịch - nơi này với tôi nghe như thể là thiên đường.

Tôi tột cùng khao khát được làm một lữ khách tới những nơi nào đó mà không hề báo trước, giống như những thủy thủ người Anh đau yếu, khai mở sự thật trần trụi của những chuyến thám hiểm thực sự.

Tôi bỏ qua phương án chịu mắc bệnh ngoài da và nhiều tháng lênh đênh trên biển, thay vào đó đã chọn chuyến bay 18 giờ từ Washington DC đến Tahiti, uống nhiều cốc nước dứa do các cô tiếp viên hàng không mặc áo in hoa rót cho.

Sau một đêm ở Papeete, tôi đáp chuyến bay kéo dài hai giờ đến Napuka.

Hành trình

Trong giờ đầu tiên, tôi ngắm nhìn đại dương trống rỗng xa thẳm bên dưới. Màu xanh biếc cũng như sự vô tận của biển khiến tôi kinh ngạc.

Người ta cho rằng Polynesia là một trong những vùng đất cuối cùng trên Trái Đất có con người sinh sống, và những người xa xưa thực hiện một việc gần như bất khả, là chèo thuyền qua vùng nước vô tận này trên những chiếc xuồng hẹp từ những nơi như Indonesia và Philippines.

Ngả đầu trên chiếc cửa kính rung lắc, tôi quan sát bề mặt như tấm da thuộc trong giữa buổi sáng ở Thái Bình Dương, trong khoảnh khắc hiếm hoi chợt nhận thức rằng tính chất địa lý khắc nghiệt của nơi này đối mặt với chính mình: Polynesia mang bản sắc đại dương nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác.

Những vòng tròn trắng mờ nhạt của đảo san hô hiện ra - lesiîles basses - hay còn gọi là "các đảo thấp" ở Tuamotus. Chúng tôi hạ thấp độ cao trong những vòng tròn hẹp và đáp trên đảo san hô Fakarava, nơi có ít nhất một nửa trong số 20 hành khách rời chuyến bay. Mười phút sau đó, chúng tôi cất cánh trở lại, bay qua một vùng nước xanh còn dài hơn trước.

Thêm một giờ nữa trôi qua trước khi tôi nhận ra đảo Tepoto nhỏ xíu - đơn côi giữa đại dương, nằm một mình và cực kỳ bé nhỏ, giống hệt như hình ảnh trên màn hình máy tính ở nhà.

Chiếc máy bay liệng qua bên phải và phần đảo san hô lớn hơn tên Napuka xuất hiện trên khung cửa sổ tròn máy bay, như một chiếc boomerang màu xanh ngọc vòng quanh chiếc dây chuyền dài của dải quần đảo san hô trắng. Ngay trước khi đáp máy bay, tôi thấy ánh sáng lóe lên từ mái nhà tôn và những bụi cọ xanh, vài con đường đất và gác chuông nhà thờ tháp nhọn.

Khi cửa máy bay mở, không khí nóng, dày đặc tràn vào máy bay và tôi băng qua đường nhựa chạy vào bóng râm của sân bay Napuka - một nhà chờ bay nhỏ ngoài trời ngay bên cạnh đường băng, chất đầy hành lý và hàng hóa.

Cứ như thể cả hòn đảo tụ tập về đây đón chiếc máy bay - chuyến bay đầu tiên đến sau nhiều tuần. Nhiều gia đình vội vàng chạy về phía chúng tôi và choàng những vòng hoa thơm quanh cổ người thân của họ.

Là người nước ngoài duy nhất, tôi đứng cách xa họ, kinh ngạc quan sát nghi thức chào mừng, và cảm thấy khó chịu vì đã xen vào đời sống của họ. Dù tôi đã đi 12.000km để đến nơi này, sự tách biệt rõ ràng vẫn hiện diện. Tôi không thuộc về khung cảnh này, và tất cả mọi người biết điều đó.

"Anh đến đây du lịch à?" một bạn trai trẻ hỏi tôi bằng tiếng Pháp, khi đang kéo một túi hành lý vào bóng râm.

Tôi mỉm cười và gật đầu. "Ừ." Đáp lời như vậy dễ dàng hơn là giải thích tôi đã ngồi tìm kiếm trên Google gữa đêm khuya và đọc nhật ký hàng hải của một thuyền trưởng từ thế kỷ 18 và đã bị dẫn dụ bước vào hành trình khoan hòa này.

Chúng tôi trò chuyện. Tên của anh là Jack, và anh cùng với đồng nghiệp Evarii là nhân viên kỹ thuật điện từ Tahiti, bảo trì tất cả hệ thống còi cảnh báo sóng thần trong quần đảo Polynesia thuộc Pháp. Họ đến sửa còi báo hiệu ở đảo Tepoto, là nơi chỉ có thể đi ra bằng tàu từ Napuka, và cũng như tôi, họ sẽ phải ở lại đây tám ngày trước khi chuyến bay kế tiếp quay lại đây.

Nhưng tại sao tôi lại đến nơi này? Jack hỏi. Tôi sẽ ở đâu? Tôi có biết rằng trên đảo Napuka hoàn toàn không có "dịch vụ" gì không?

Evarii có vẻ như thấy phiền vì sự hiện diện của tôi.

"Anh có thường làm vậy không?" anh hỏi. "Đơn giản là tới nơi nào đó mà chẳng có kế hoạch gì hết?" Thực tế thì đây là cách đi du lịch yêu thích của tôi, và trước khi tôi kịp đáp là có, thì Jack chen vào.

"Tôi sẽ nói chuyện với mairesse [thị trưởng]. Chúng ta sẽ tìm cách."

Như thể vừa bước ra từ bức tranh của họa sĩ Gauguin, một phụ nữ nhanh chóng đến gần tôi trong chiếc váy xuông màu xám và một chiếc mũ rơm rộng vành có chêm hoa và che một phần gương mặt của bà.

Bà tên là Marina và là tavana (thị trưởng, trong tiếng Tahiti) của hơn 300 cư dân sống trên đảo, bà quản lý mọi việc xảy ra ở Napuka, kể cả mỗi chuyến bay đáp xuống hòn đảo.

"Tại sao anh không liên hệ với chúng tôi và cho chúng tôi biết anh sẽ đến?" Thị trưởng Marina hỏi tôi. "Chúng tôi không có sự chuẩn bị gì cả!" Tôi vụng về chống chế bằng một lý do không thuyết phục, rằng tôi không muốn làm phiền ai.

"Anh có muốn đi thăm Tepoto không?" Thị trưởng Marina hỏi, vì có một chiếc tàu đã được sắp xếp cho nhân viên kỹ thuật. Vâng, tôi muốn đến thăm Tepoto. Đó là hòn đảo đầu tiên mà Byron không thể tiếp cận, và bên cạnh đó ngoài một tàu tiếp tế chạy mỗi tháng một lần, không có cách gì khác để đến đảo. Tôi vội chụp lấy cơ hội.

"Đi với chúng tôi," Jack nói và mỉm cười. Evarii có vẻ bực bội.

"Anh nên biết ở đó không có nước ngọt!" Evarii đề cập khi anh nhìn qua đống hành lý xoàng xĩnh của tôi.

Tôi biết. Tôi đã ghi nhớ bài viết trên Wikipedia: "Những hòn đảo này cằn cỗi, và đặc biệt không thuận lợi cho con người sinh sống." Tôi có vài lít nước trong ba lô, nhưng số đó còn chưa đủ cho một ngày, nói gì đến một tuần.

"Ta có thể chia sẻ," Jack nói. Chúng tôi ngồi sau chiếc xe bán tải của thị trưởng Marina và đi đến một bến tàu ngắn xây bằng xi-măng, nơi một chiếc xuồng kim loại nhỏ được treo bằng cáp trên một chiếc máy kéo phía trước.

Tôi giúp chất hàng hóa lên chiếc tàu nhỏ, trong đó có một tủ đá khổng lồ đầy nước uống mà các kỹ thuật viên đã chuyển từ đảo Tahiti tới. Trong chớp mắt, chiếc máy kéo thả con tàu xuống nước, và hai tài công khởi động chiếc máy tàu đặt bên ngoài. Ba chúng tôi nhảy xuống tàu, và động cơ rú lên, vượt qua lớp sóng biển.

Đến nơi

Vượt qua rặng san hô, biển tĩnh lặng với đợt sóng nhẹ đẩy tàu chúng tôi nhanh chóng về hướng tây bắc từ đảo Napuka về phía chân trời mờ nhạt. Ngoài tiếng gió, âm thanh duy nhất là tiếng rú của động cơ đôi trên con tàu chở nhóm người chúng tôi về phía trái tim của đại dương.

Trong tất cả những chuyến đi và hành trình vượt biển, tôi chưa bao giờ cảm thấy yếu đuối như vậy giữa biển khơi

Tôi đang ngồi trên một con tàu kích cỡ chỉ bằng chiếc bàn bếp, trôi nổi trên phần đại dương xanh thẳm và trống rỗng nhất của địa cầu, không nhìn thấy bất cứ dấu hiệu nào của đất liền gần đó.

Bóng rừng cọ ở Napuka đã biến mất sau lưng chúng tôi, và trong chừng 10 phút, tôi chỉ còn thấy chân trời trống rỗng từ mọi hướng, màu xanh trời trên màu xanh biển.

Nhưng tôi vẫn cảm thấy tuyệt đối tin tưởng với những đồng đội người Polynesia của mình. Tôi đã trao sự sống của mình vào tay họ khi họ theo dõi dòng chảy thay đổi như chỉ dấu đi đường.

Mắt họ tập trung vào đường chân trời và ngón tay họ thay đổi hướng động cơ chừng nửa inch, theo hướng này hay hướng khác, đưa chúng tôi hướng về mục tiêu vô hình đến một hòn đảo cực kỳ nhỏ, đến mức bạn có thể đi ngang qua mà không hề biết hòn đảo nằm ở đó.

"Không có GPS!" Evarii la lớn át tiếng động cơ. Anh gật đầu với các tài công và tự vỗ vào đầu mình. "Họ đơn giản là biết phải đi đến nơi nào."

Hai mươi phút và 10 km sau đó, một dải xanh lá cây mỏng của mặt đất nhô lên từ nước biển, tiếp theo là bãi biển san hô trắng đối diện với dải sóng xanh dương pha lẫn xanh lục. Thêm 20 phút nữa, hòn đảo hiện ra trọn vẹn: cây dừa lắc lư từ phải qua trái, hệt như Byron từng thấy từ xa xưa.

Không giống như vị đô đốc, tôi đã đáp thành công lên đảo Tepoto. Vào thời điểm sóng dập dềnh lên xuống, tôi nhảy lên bến tàu ngắn ngủi và quan sát chiếc máy kéo kéo chiếc tàu lên từ mặt biển.

Rõ ràng điều này giải thích vì sao chiếc tàu cao từ thế kỷ 18 của Anh lại không thể tìm thấy bến cảng để vào bờ ở đây. Hòn đảo này không có gì ngoài rặng san hô cạn và sắc nhọn và thình lình thụt sâu xuống đáy biển sâu, đúng như Byron mô tả.

"Chào mừng đến Tepoto," một người đàn ông trạc tuổi 30 nói khi bắt tay tôi, bàn tay mặn mòi, và giới thiệu anh tên là Severo, cảnh sát duy nhất trên đảo và là con trai của thị trưởng Marina ở đảo Napuka.

Bà đã gọi cho anh báo rằng tôi sẽ đến, và giờ đây dây một nhóm người dân đảo đang ra chào đón chúng tôi.

Dẫn đầu nhóm người là một người phụ nữ mặc chiếc váy truyền thống muumuu màu tím, choàng một vòng hoa dành dành trắng kiểu Tahiti quanh cổ tôi, và rắc chút nước hoa thơm mùi mật ong - vanilla lên người tôi.

"Chào mừng," cô nói, rồi hôn vào hai bên má tôi và giới thiệu cô tên Louana.

"Maururu," tôi đáp lại bằng tiếng Tahiti. Cảm ơn.

Louana là thị trưởng của đảo Tepoto. Cô dẫn đường cho chúng tôi từ bãi biển, đi qua những hàng cọ dựa vào những căn lều màu xanh xếp hàng thẳng tắp trên con đường duy nhất của đảo trải đá san hô nghiền nhỏ.

"Anh đã bao giờ thấy cây dừa bốn ngọn chưa?" Một cậu bé hỏi tôi bằng tiếng Pháp và chạy theo tôi.

"Không, anh chưa thấy," tôi đáp.

"Chúng tôi có một cây," một cậu bé lớn hơn chen vào. "Đó là một cây dừa… với bốn cái ngọn cây!"

Tôi khó khăn đi theo sự thúc giục đầy hào hứng từ tiếng mọi người nói với tôi, mỗi giọng nói là một mảnh thông tin kỳ lạ về cây dừa bốn ngọn ấn tượng này - theo cách tự nhiên bày biện như vậy - và ban đầu thân cây chẻ hành bảy ngọn ra sao, nhưng ba ngọn kia đã bị gãy sau một cơn bão từ lâu rồi. Nhiều dân đảo muốn chỉ cho tôi xem kỳ quan trên cây đó.

Hai giờ sau khi đáp vào Quần đảo Thất vọng mà không đem theo nước hay có kế hoạch gì, tôi có một chỗ để ở cùng với những kỹ thuật viên đến đảo trong một căn lều sơn màu hồng với tường bằng gỗ dán và những ô cửa sổ vuông cửa gập.

Mành cửa màu đỏ cam có in hoa dâm bụt màu trắng vẫy theo gió khi tôi ngồi trên giường đổ mồ hôi, cố quen với thời tiết nóng 38 độ C. Tôi không chỉ đáp tàu vào đảo Tepoto, mà tôi còn được chào đón ở đây.

Tepoto

Vài phút sau, Severo đi xe máy qua nhà mang theo bữa trưa mà vợ anh, tên là Tutapu, nấu: cá chỉ vàng áp chảo với cơm, đậu và bánh mì dừa. Con cá vừa câu được sáng hôm đó và ngon hơn bất cứ con cá nào tôi từng ăn ở nhà hàng.

Khi chúng tôi ăn, Severo tìm hiểu về tôi. Là cảnh sát trên đảo, anh phải gìn giữ sự yên bình và chăm sóc cuộc sống của vài chục cư dân ở đây, anh giải thích.

"Nơi đây rất bình yên," anh nói. "Không có vấn đề gì đâu."

Nhưng giờ đây, tôi xuất hiện và anh liên tục nhìn sâu vào mắt tôi, như thể cố gắng dò xét mục đích của tôi. "Tôi không thể nhớ lần gần nhất chúng tôi có khách đến thăm là khi nào. Không lâu sau khi tôi đến đây ở - chừng 20 năm về trước."

Trong thực tế, Severo nói rằng không ai có thể nhớ lần gần nhất mà một người không phải dân Polynesia đến đảo Tepoto - chắc chắn không phải trong đời họ. Sau đó, anh cho tôi biết những gì tôi đọc trên Wikipedia là sai: Không phải có 62 cư dân sống trên đảo, mà chỉ gần 40 người, 13 người trong số đó là trẻ em dưới 12 tuổi.

"Người trẻ rời khỏi nơi này," anh giải thích. Khi đến tuổi 12, chính phủ Pháp sẽ gửi họ đến học ở trường nội trú ở Hao, một đảo san hô khác trên Quần đảo Tuamotu cách đây 390km. Với trường trung học, các em thiếu niên đến học ở đảo chính Tahiti.

Severo đã lớn lên ở Napuka và quay trở về đảo khi hết trung học, sau đó kết hôn với một cô gái từ Tepoto và dọn đến đây sống.

"Anh định làm gì khi anh ở đây?" Severo hỏi.

"Khám phá," tôi trả lời, dù tôi chẳng có kế hoạch gì cả. Tôi đã thực sự không nghĩ đến khả năng có thể đến đây. Giờ thì tôi đã đến được, những ngày kế tiếp xuất hiện trước mắt tôi. "Hãy đợi trời mát hơn," anh khuyên.

Tôi ngủ lơ mơ trong cái nóng oi nồng trưa hè và không nghe thấy âm thanh gì khác ngoài tiếng thở chậm của chính mình dường như nương theo nhịp sóng thầm thì và hàng cọ reo. Vào 16 giờ, tôi đi theo tiếng chuông lung linh trên đường, nơi hầu hết dân đảo ngồi trên những băng ghế ngoài trời đối diện một điện thờ phủ đầy vàng hoa và những chuỗi vỏ sò. Một nhạc công chơi đàn guitar ở một góc trong khi cô y tá trên đảo đứng dậy và bắt nhịp cho giáo đoàn hát một bài thánh ca chan hòa.

Trong khi hát, một phụ nữ dịch qua một bên, nhường ghế của bà cho tôi ngồi chung. Lễ thánh diễn ra suốt một giờ, luân chuyển giữa những đợt cầu kinh, đọc giảng và hát thánh ca - bằng tiếng Tahiti. Sau đó, một phụ nữ giải thích rằng đây là tuần lễ thánh hành hương, là thời gian dân đảo tập trung hai ngày một lần trước Đức Mẹ Mary, một bức tượng thánh nhỏ đặt ở giữa những trang trí hoa cầu kỳ.

"Ở Tepoto chúng tôi rất may mắn," bà nói. "Nơi đây không có tội phạm. Không chiến tranh." Không có vấn đề gì cả, bà nói mơ màng, châm một điếu thuốc lá vừa cuốn. Bà cũng kể tôi nghe ở đây không có nước ngọt hay internet, và điện cũng rất hạn chế.

Teopto nhận được những tấm pin năng lượng mặt trời và điện năng đầu tiên vào năm 1990, và có một tháp điện thoại di động trong 5 năm vừa qua.

"Cậu đã từng bao giờ thấy một cây dừa bốn ngọn chưa?" bà hỏi tôi, chỉ vì hướng xa xăm.

"Không, tôi chưa từng thấy."

"Chúng tôi có một cây ở đây, có lẽ là cây duy nhất trên thế giới," bà nói với giọng bí ẩn trước khi tạm biệt và trở về lều để thả chú heo đầy lông đang bị cột một chân vào gốc cây cọ.

Đêm xuống và bầu trời đầy sao khiến tôi choáng ngợp. Tôi nhìn chăm chăm lên trời từ bãi biển mênh mông như thể lần đầu tiên được nhìn thấy bầu trời về đêm, với Dải Ngân hà vẽ một đường vòng như một dải ruy-băng hồng.

Tiếng chuông đánh thức tôi dậy trước bình minh, gọi những con chiên về dự lễ thánh.

Lần này, tôi bỏ ra ngoài và đi dạo đến cối con đường, đi qua một cây cọ đong đưa trong gió và đến một bờ biển san hô.

Mặt trời bừng lên sau lưng tôi và khiến cả bãi biển sáng lấp lánh như bạc. Tôi tiếp tục đi về phía nam, đi bộ theo chiều dài hòn đảo khoảng 2,6km và ngưỡng mộ ngắm nhìn những vụng nước theo thủy triều, là nhà của thế giới tí hon với chú cua lốm đốm và cá màu xanh lục.

Những chú ngao mắt xanh nằm dính chặt trong những vỉa san hô màu nâu hoen gỉ và những cánh chim biển đang chao liệng trên đầu.

Những cây thánh giá bằng đá trắng đánh dấu những vị trí chính yếu trên hòn đảo, trong khi bờ biển hướng gió làm lộ ra những dấu tích cũ từng nổi lên từ thế giới bên ngoài: một chai rượu whisky; dược phẩm Trung Hoa, một hộp đĩa CD bị vỡ, một chai gia vị trộn salad Nhật Bản, và một chiếc giày đánh tennis đế xuồng.

Tôi áng chừng hành trình dài mà những khúc gỗ trôi đã dừng chân bên bờ biển này. Chúng đã đến từ đâu - từ Châu Á, Mỹ hay New Zealand? Tepoto như một dấu chấm bị quên lãng giữa cả ba nơi này.

Trong ba thập niên lữ hành, tôi chưa bao giờ gặp một nơi xa xôi và nguyên vẹn như thế.

Những bãi biển vắng vẻ và lùm cọ yên lặng có vẻ như bất tận cùng thời gian, như thể ảo ảnh của chiếc tàu của Byron vẫn còn vẩn vơ đâu đây trong làn gió biển mặn mòi ấm áp.

Tôi đã thấy hòn đảo này được vẽ trên bản đồ địa bàn cũ và trên quả địa cầu của ông nội và bằng cách nào đó đã đưa tôi đến nơi đây - nhưng thậm chí ngay cả dấu chân của tôi cũng có vẻ mơ hồ, như thể tôi đã bước chân rời khỏi hiện thực của mình đến một vùng đất xa xôi trong mơ.

Trong nhiều ngày, tôi rơi vào sự giản đơn bắt buộc mà hòn đảo mang lại: ngủ trong tấm chăn mỏng bằng vải bông; hớp ngụm cà phê uống liền pha từ nước mưa rơi xuống từ mái nhà; ăn ngao sống, và sau đó khám phá từng con đường nhỏ trên hòn đảo.

Tôi tắm bằng một chiếc gầu múc nước từ thùng nước mưa. Dưới bóng cây và mái hiên trước nhà, tôi nói chuyện với người dân đảo và lắng nghe câu chuyện của họ.

Có lúc tôi cảm thấy cực kỳ khát, nhưng vẫn giữ yên lặng và không bao giờ hỏi xin nước. Nhưng bằng cách nào đó, người dân đảo luôn biết, họ gọi đám trẻ đi hái dừa tươi, chặt ra và bảo tôi uống. Tôi đề nghị trả lại tiền và luôn bị từ chối. Trong thực tế, chỉ có một lần duy nhất tôi xài tiền, đó là trả tiền phòng và tiền ăn cho Severo.

Tin tức về một người nước ngoài đến đảo và ở trong chiếc lều màu hồng gần bến tàu nhanh chóng lan ra trên hòn đảo bé nhỏ. Thỉnh thoảng vài người ghé qua vào buổi tối để chào, và đề nghị dắt tôi đi chơi trên đảo hoặc hỏi tôi những câu hỏi nghiêm túc: "Anh có bao nhiêu căn nhà trong thành phố?", "Anh có phải người Thiên Chúa giáo không?".

Đến lúc khi tôi đi vòng quanh khám phá, tôi bắt gặp những ánh mắt thận trọng, dè chừng dõi theo tôi qua những tàng lá cọ. Họ biết tôi đã được cảnh sát theo dõi nhưng vẫn tỏ ra cảnh giác. Tôi phản ứng bằng cách sống thật sự rõ ràng, đến mức phơi cả quần lót trên dây phơi quần áo.

Khi trời quá nóng, tôi đi bơi ở biển, dân đảo dõi theo từ trên bờ. Đeo kính lặn, tôi thấy được màu sắc và sự sống đang bơi lặn dưới lớp sóng biển - những chú cá xanh lục với vảy màu giống với những dãy nhà khiêm nhường ở Tepoto. Những gò san hô gai phát sáng như ánh đèn neon, khỏe mạnh và không bị gãy, sống cách xa sự hủy hoại vô tâm của con người.

Có lẽ sự thất vọng của Byron đã che chở nơi này khỏi phần còn lại của thế giới, và bảo tồn nơi này đến tận ngày nay.

Tôi đã thấy những rạn san hô bị phá hủy và chết trên đảo Bora Bora và Tahiti, nơi quá nhiều tình yêu đã hủy hoại thiên đường tự nhiên thuở ban đầu đã đưa Polynesia lên bản đồ du lịch.

Nhưng nơi đây, nằm giữa cụm đảo Marquesas và đảo chính Tuamotu, Tepoto là nơi còn tương đối không tì vết. Tôi cảm thấy may mắn được nhìn thấy những sinh vật dưới nước đầy tràn và sinh động, biết rằng hàng triệu du khách sẽ đến thăm phần còn lại của Polynesia và sẽ không bao giờ thấy được rạn san hô nguyên thủy này.

Cũng không ai sẽ được thấy cây dừa bốn ngọn. Sau nhiều ngày chờ đợi, tôi nhận được lời mời từ ba cậu bé học trò - Tuata, Tearoha và Sylvain - các cậu đã dẫn tôi đến văn phòng thị trưởng, nơi các kỹ thuật viên đang hoàn tất công việc sửa chữa hệ thống cảnh báo sóng thần.

Một chiếc máy cày với gàu múc rộng (là chiếc xe duy nhất trên đảo) đã được sắp xếp cho chuyến khám phá của chúng tôi. Cha của Sylvain là ông André lái xe, trong khi tôi ngồi trong chiếc gàu múc cùng với các kỹ thuật viên. Tất cả tám người chúng tôi bám trên chiếc máy cày khi chúng tôi quẹo xe và chịu xóc khi đi vào khu rừng dừa dày đặc ở trung tâm đảo.

Dừa là loài cây thu hoạch đem lại thu nhập duy nhất trên đảo Tepoto, và khi chúng tôi càng đi sâu vào rừng, tôi để ý đến những đống vỏ dừa khô dày và đầy xơ đang khô đi dưới ánh mặt trời. Cùi dừa bán được với giá khoảng 140 francs tiền địa phương (khoảng một bảng Anh) mỗi ký, và được vận tải đến nơi khác bằng tàu tiếp tế.

Mỗi người dân đảo đều có quyền thu hoạch và bán cùi dừa kiếm tiền, nhưng André giải thích rằng những cây dừa bắt đầu dần chết. Một loài bọ cánh cứng xâm nhập đang giết cây dừa, ông giải thích, chúng khiến lá dừa rụng và để những thân cây trần trụi nhô lên trời cao.

Sau 20 phút lái xe qua rừng dừa, chiếc máy cày ngừng lại và tắt máy. Tôi nhìn lên và thấy cây dừa đứng đó, gầy guộc và cụt ngủn, không có gì nổi bật ngoại trừ bốn ngọn dừa nhô lên từ thân cây. Lá dừa dài ve vẩy trong gió.

"Đó là cây dừa bốn ngọn!" Tearoha la lên như cậu bé rao hàng trong lễ hội. Tôi đứng đó ngẩn ngơ vì sự kỳ lạ trước mắt và tự hỏi bằng cách nào cây dừa có thể trở thành như vậy.

Đến lúc đó, tôi đã nghe câu chuyện từ gần như mọi người dân trên đảo, về việc nó đã từng có bảy ngọn, nhưng ba ngọn đã bị gãy sau cơn bão lớn vừa qua.

Những người đàn ông bắt đầu nhớ lại những cơn bão khác nhau đã thổi bạt rừng cây trong nhiều giờ, và những người già có thể dự đoán bão chỉ bằng cách theo dõi đàn chim.

Trong quá khứ, dân đảo bám vào cây dừa để không bị thổi bay theo cơn lốc dữ dội. Giờ đây họ có còi báo hiệu được kích hoạt tự động từ hàng trăm km trước khi bão đến và nhà thờ đá sẽ che chở cho họ.

Chúng tôi đi một quãng đường dài quay trở về làng, tiếp tục đến bờ mũi phía nam của hòn đảo. André chỉ về hướng đông nơi có đảo Napuka và đứng trên bờ thay vì nhảy lên tàu, tôi khó có thể thấy hòn đảo qua lớp sóng biển. Một con cá mập vây đen săn mồi ở vụng nước cạn, lướt theo đàn cá nhỏ hơn.

Chúng tôi theo bờ biển một vòng về hướng mặt trời lặn đỏ hồng, và tôi bắt gặp dấu chân của chính mình từ nhiều ngày trước - dấu chân duy nhất ở phần này của hòn đảo.

Cũng như Byron đã đánh dấu sự thất vọng của ông lên bản đồ thế giới, tôi đã để lại ấn tượng của mình trên bờ cát đảo Tepoto. Một cơn thủy triều qua và dấu chân của tôi có thể bị xóa sạch, và thay vào đó sẽ là dấu chân quanh co lối mòn của loài chim biển và cua dừa.

André dừng chiếc máy kéo trước căn lều màu xanh ngọc của ông và dựa vào một thân cây dừa. Với vài cú chặt bằng dao rựa, ông chặt xuống dừa tươi cho tất cả chúng tôi và cho tôi cả lít nước dừa.

"Chúng tôi có thể không có nước," André nói, "nhưng chúng tôi luôn có thể uống nước dừa."

Đêm đó, André, Severo và vài người khác ở Tepoto tụ tập bên ngoài ngôi nhà màu hồng của chúng tôi để uống bia và kể chuyện đi câu cá. Họ nói bằng thứ tiếng pha trộn giữa tiếng Pháp, tiếng Tahiti và thổ ngữ Tuamotuan của Paumotu. Tôi căng óc ra cố hiểu câu chuyện kịch tính họ kể về chuyện bắt được hàng trăm con cá ngừ sọc dưa - loại cá ngừ mà họ đã nấu cho tôi ăn ngày hôm đó trong bữa trưa, là cá tươi ăn sống với hành củ xắt mỏng và nước dừa.

"Đây, một món quà," Joseph, một ngư dân trao cho tôi một miếng mồi câu cá làm thủ công mà ông dùng để bắt cá ngừ sọc dưa. Lưỡi kim loại sắc nhọt được trang trí cùng với một con mồi hình ngọc trai và một cái đuôi heo. Đổi lại, tôi tặng ông cặp kính lặn.

Đây là hòn đảo nhỏ sử dụng điện năng lượng mặt trời, không có internet, xe hơi hay Starbucks.

Những kỹ thuật viên và tôi là những người duy nhất gây ảnh hưởng từ thế giới bên ngoài đến họ và tôi cố gắng khiến điều đó có chút giá trị.

Trong hai ngày cuối cùng ở Tepoto, tôi dạy Tuata và Tearoha chơi đánh cờ. Trường tiểu học có bàn cờ nhưng không đứa trẻ nào ở trường biết chơi cờ.

Sau nhiều giờ chỉ dẫn, tôi để cho hai đứa đấu cờ với nhau. Đêm hôm đó, Evarii thách đấu với tôi và chúng tôi chơi đến khuya. Từng quân một, chàng kỹ thuật viên người Tahiti ăn từng con cờ của tôi cho đến khi chỉ còn lại quân vua trắng trên bàn cờ, bị bao vây bởi quân vua đen và quân tượng.

"Chiếu tướng," Evarii nói.

"Không, chờ đã," Jack chen vào bằng tiếng Pháp. "Chiếu tướng vô hiệu." Chúng tôi hòa. Không ai thắng cả.

Quân vua của tôi có thể di chuyển trên bàn cờ về mọi hướng, và Evarii sẽ không bao giờ có thể bắt được nó. Anh hờn dỗi đi dạo trong ánh hoàng hôn mà tôi đã ngắm ở Tepoto, khi bầu trời sáng lên trong ánh xanh biếc và xanh lục, rồi chuyển sang màu đào, màu hồng và cam. Khói từ bếp củi tỏa hương trong không khí và những ngôi sao băng chiếu sáng bầu trời. Jack chơi đàn ukulele, hát những khúc ca phụ tình của người Polynesia cùng với chủ nhà cho đến quá nửa đêm.

Napuka

Sáng hôm sau, nhiều người đưa con tàu xuống khu vực sóng biển, hạ thủy tàu bằng máy kéo và con tàu rơi tõm xuống vùng nước cạn xanh ngọc đúng thời điểm.

Họ hàng bên ngoại của Severo đi cùng chúng tôi. Lúc này hay lúc khác, họ thích đi thăm họ hàng ở Napuka.

"Anh được chào đón bất cứ lúc nào đến đây," thị trưởng đảo Louana nói, cô đeo một vòng vỏ ốc tiền sáng bóng quanh cổ tôi.

"Đúng vậy, hãy đến và lại ở đây với chúng tôi," Severo nói, và đeo thêm cho tôi một chiếc vòng cổ. André và những người dân đảo khác đến và theo thêm những chiếc vòng cổ họ tự xâu. Đến lúc tôi trèo lên con tàu tròng trành, đầu tôi chúi xuống vì sức nặng của vỏ sò trên cổ.

Năm phút sau, Tepoto chỉ còn là một dải màu xanh lục trên đại dương xanh biếc.

Tôi ở Napuka thêm ba ngày nữa, cố làm quen tiếng ồn bất thần và đám đông 200 người ở trung tâm thị trấn. Mẹ vợ của Severo đã cảnh báo tôi, "Ở Tepoto, chúng tôi không khóa cửa, nhưng ở Napuka, chúng tôi có."

Hai trăm người là quá nhiều để ta có thể tin tưởng, và không giống với Tepoto, nơi đây có xe hơi và ít nhất ba con đường bao gồm đường đến sân bay.

Không rõ ông tình nguyện hay được chỉ định, nhưng người lính cứu hoả trên đảo trở thành người hướng dẫn tôi ở Napuka. Tên ông được xăm trên bộ ngực cơ bắp - là Marama - và chỉ trong vòng một giờ sau khi đáp tàu vào đảo, ông đã đưa tôi đến vùng hồ nước sâu đến đầu gối trong khi ông đang gỡ vỏ một con ngao.

"Ăn đi," ông nói. "Anh phải nếm thử ngao ở đây ngon đến mức nào."

Tôi gỡ vỏ một con ngao và lấy phần thịt dẻo, mát lạnh ra. Sau đó tôi thảy nó vào miệng, nhai và thưởng thức vị mặn và dai của thịt.

"Đây. Anh bỏ qua phần ngon nhất rồi," Marama nói. Tôi ăn sạch phần thịt trong vỏ con ngao và húp phần nước như khi ăn hàu. Marama cười thật tươi. Đây có phải một dạng thử lòng không?

"Hầu hết người nước ngoài sẽ không bao giờ chịu ăn một con ngao sống như anh," Marama nói. "Nhưng đây là văn hóa của chúng tôi. Đây là cách chúng tôi sống sót ở nơi này. Anh đã thể hiện rằng anh tôn trọng chúng tôi."

Tôi rất tôn trọng họ, nhưng ở Tepoto, tôi đã ăn ngao trong suốt tất cả các bữa ăn - ngao sống, ngao muối, ngao nấu và ngao nấu cà ri. Tôi không tự đi bắt ngao, vì lấy bất cứ gì từ đảo cũng là ăn cắp, tôi nghĩ vậy. Dân đảo tự định ra giới hạn thu hoạch, nhưng họ chia sẻ với tôi bất cứ thứ gì họ bắt được từ biển về.

Marama cho tôi biết ông có làm trong hội đồng đảo Napuka thực hiện quy định về thu hoạch ngao và dừa. Khi không còn bất cứ loại thức ăn nào, thì vẫn còn có ngao, và nhiệm vụ của ông là duy trì số lượng ngao và dừa bền vững trên đảo.

"Làm sao anh biết về Napuka?" Marama hỏi tôi, khi chúng tôi đi bộ trở về đảo. Tôi nói với ông rằng tôi đọc về hòn đảo trong một quyển sách rất cũ.

"Byron phải không?" Marama hỏi và cười nhếch mép.

"Đúng vậy," tôi đáp. "Byron đến đây năm 1765."

"Cậu biết đấy," Marama nói, "dân ở đây không hài lòng lắm với Byron. Ông ta gọi chúng tôi là 'Quần đảo Thất vọng', đúng không?" Ông cười, "Tôi ước gì mọi người biết sự thật về nơi này. Cậu thực phải biết người dân ở đây để hiểu được."

"Tôi biết," tôi đáp. "Và giờ tôi đã ở đây, tôi biết rằng Byron đã sai."

Thật vậy, tôi không thể nào cảm thấy thất vọng trong khung cảnh quanh mình trong khoảng khắc đó. Bầu trời như thể được chỉnh bằng phần mềm photoshop với những đám mây nằm cách quãng đều nhau, và hồ nước tỏa sáng hệt như bể bơi ở California.

Những cây dừa cao hai mươi mét đong đưa chầm chập và tôi chỉ vừa quen một người bạn mới sẽ đưa tôi đi câu cá vài ngày kế tiếp và sau đó dắt tôi đi bơi ở bãi biển yêu thích của ông.

Ông sẽ giới thiệu tôi với nhiều người bạn mới, trong đó có Maoake Tuhoe, một trong những người già nhất trên đảo, ông nói rằng tôi là người nước ngoài đầu tiên mà ông nhớ đặt chân đến đảo Napuka kể từ khi "những người Peru đi ngang đây bằng tàu."

Khi được hỏi thêm, tôi phát hiện ra "những người Peru đó", trong thực tế, là một nhóm các nhà thám hiểm nước ngoài bằng xuồng do nhà thám hiểm người Na Uy tên Thor Heyerdahl năm 1947 đã bị sóng biển đưa đến đảo Tuamotus 72 năm trước.

Marama ở đó cho đến ngày tôi rời đảo, dành tặng tôi một sợi dây chuyền mà ông xâu bằng những bông hoa lớn thơm phức và hôn hai bên má tôi như một người anh em. Và tôi gửi lại cho ông chiếc nón cao bồi yêu thích đã giúp tôi không bị cháy nắng dưới mặt trời thiêu đốt ở Nam Thái Bình Dương. Ông đội chiếc mũ khi vẫy chào tôi trên máy bay.

Trở về

Phải mất một ngày đi từ đảo này đến đảo khác để quay về Tahiti, nơi tôi cảm thấy quá mức chịu đựng trước tất cả mọi thứ: tình trạng giao thông, đèn đường, du khách và thậm chí cả nước nóng trong bồn tắm khách sạn.

Tôi đã viết đầy tập ghi chép và ổ cứng với hình ảnh và trang viết từ Napuka đến Tepoto và đến khi quay lại, nhưng tôi muốn nghe một ý kiến chuyên môn hơn.

"Câu chuyện của Byron là ghi chép duy nhất chúng tôi có cho thấy người Châu Âu đã đến nhưng không thể liên hệ với người dân đảo," Jean Kapé, một người lớn lên ở Napuka và giờ đây là giám đốc Học viện l'Académie Paumotu của Tahiti, tập trung vào bảo tồn ngôn ngữ, văn hóa và môi trường của quần đảo Tuamotu, nói. Tôi đã gặp anh của Kapé ở Napuka và anh đã kết nối hai chúng tôi với nhau.

Đáp lại sự thất vọng của Byron, Kapé nói: "Nếu ai đó đến từ nơi nào đó nêu ý kiến về một nơi, nó đã sai rồi, vì ý kiến đó chỉ dựa trên những gì họ biết."

Byron không thể đáp tàu lên đảo đã thể hiện kết nối cuối cùng - một tia lửa nhỏ không thể bùng lên. Nhưng dù sao sự thất bại của ông có lẽ đã khiến Napuka không chịu chung số phận với rất nhiều hòn đảo khác ở Nam Thái Bình Dương.

"Napuka [và Tepoto] là nơi cuối cùng bạn có thể chiêm ngưỡng những loại thảo mộc bản địa trên quần đảo Tuamotu," Kapé cho biết. Ngôn ngữ Paumotu, ngày nay chỉ còn 6.000 người biết nói tiếng này, cũng vẫn còn trên đảo cùng với tập quán của họ - một trong số những tập tục đó là lòng mến khách nồng nhiệt đón những vị khách hiếm hoi mà họ đón từ những đảo xung quanh.

"[Chào đón] mọi người là điều thiêng liêng với người Polynesia. Đó là linh hồn của loài người," Kapé cho biết. "Nhưng lịch sử thì thường lại là do người nước ngoài viết ra, cho nên mới có những cái tên như 'Quần đảo Thất vọng'. Nhưng thậm chí Napuka và Tepoto cũng chỉ là biệt hiệu. Tên thật của các hòn đảo này kể câu chuyện đầy đủ hơn về những nơi mà anh đã đến thăm."

Kapé và tôi nói chuyện trong nhiều giờ.

Lặp đi lặp lại, ông cố gắng giải thích tên của những hòn đảo ở Polynesia, như đảo Te Puka Runga, nghĩa là "Cây nơi mặt trời mọc" (là tên của Napuka), và đảo Te Puka Raro, "Cây nơi mặt trời lặn" (là tên của Tepoto), giải mã ngôn ngữ bản địa phức tạp và nhiều tầng nghĩa ẩn sau mỗi tên gọi.

Nó gói trong đó hàng thế kỷ chuyện kể trải dài từ những người dân bản địa đầu tiên và quan điểm của họ về thế giới, nơi vũ trụ của họ không có gì hơn ngoài hai hòn đảo, đại dương bao quanh và mặt trời khổng lồ di chuyển trên đầu.

Tôi lắng nghe cẩn thận và ghi chép, nhưng tôi không thể giả vờ là mình đã hiểu hết, hay tệ hơn là cố gắng chuyển tải một lịch sử phức tạp và tuyệt đẹp đó thành bài viết.

Thay vì lặp lại sai lầm của Byron là cố gắng đặt tên đảo với hiểu biết giới hạn của mình, tôi sẽ giữ im lặng - không phải vì thất vọng hay lơ là hay lười biếng, mà là vì tôn trọng mảnh đất nhỏ bé này trên thế giới, không ai biết đến, ngay cả ở vùng Polynesia thuộc Pháp này.

Tôi cảm ơn Kapé vì rộng lượng dành thời gian cho tôi và bắt tay ông. Sau đó ông cho tôi đi nhờ xe vào trung tâm Papeete, nơi đông đảo du khách người Pháp và người Mỹ đang lùng sục những chiếc áo sơ mi in hoa và hình xăm bộ lạc làm lưu niệm.

"Tôi quên chưa hỏi," Kapé nói khi tôi mở cửa xe. "Ở Tepoto, họ có dắt cậu đi xem cây dừa bốn ngọn không?"

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn