Tận cùng của “báo ân”! - Nguyễn Thùy Dương

Thứ Năm, 25 Tháng Bảy 20192:00 SA(Xem: 5963)
Tận cùng của “báo ân”! - Nguyễn Thùy Dương

Nguyễn Thùy Dương

Bờ Đông Sài Gòn ngoài Thủ Thiêm – Bình Trưng đi về hướng Đông băng qua cầu Sụp (cầu Xây Dựng nối liền quận 2- quận 9 bây giờ) là vùng cứ điểm của Việt Cộng, của những người dân mặc bà ba đen, khăn rằn vắt ngang vai, đầu đội nón tai bèo hay nón lá. Mỗi trận càn quét của quân đội VNCH chỉ khiến họ mạnh lên hơn, khôn ngoan hơn trong chiến đấu.

Đó chính là nơi tập hợp chính của quân đội Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà tiến đánh SG, nơi bắt nguồn cho những cuộc biểu tình phản đối chính quyền VNCH có quy mô tổ chức lớn, nơi nuôi giấu không biết bao nhiêu chiến sĩ bộ đội, nơi ruy băng đỏ cột ngang tay làm kí hiệu chuẩn bị cho trận chiến Rạch Chiếc ác liệt. Người ta gọi đó là Vùng Bưng Sáu Xã hay Đồng Bưng Sáu Xã.

Người dân Vùng Bưng Sáu Xã chiến đấu, tiếp tế cho Cách Mạng bằng tinh thần yêu nước. Có lẽ họ cũng giống như ông bà tôi, họ không chấp nhận một chính phủ do người Mỹ lập nên. Họ muốn một đất nước thuần Việt, mọi người yêu thương nhau. Rồi chiến tranh kết thúc Nhân Dân sẽ ấm no, ai về nhà nấy, bên mảnh ruộng, con trâu, trén cá, “quân với dân như cá với nước”.

Rồi đất nước thống nhất thật, thống nhất sau những đêm xuồng đi lách theo từng con rạch chở theo từng đoàn quân, đoàn dân với ruy băng đỏ ngang tay, khăn rằn, nón tay bèo. Lãnh đạo thành phố bây giờ không biết họ còn nhớ hay có biết chuyện này không. Để rồi …

***

Năm 1998, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 989/QĐ-TTg về giao nhiệm vụ chuẩn bị thành lập Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh; trong đó, xác định quy mô tổng diện tích là 800ha tại quận 9.

Đến năm 2002, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thu hồi toàn bộ diện tích là 804ha, tăng 4ha và đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép tại văn bản số 572/CP.

Việc thu hồi diễn ra tại 5 phường quận 9 gồm: Tân Phú, Tăng Nhơn Phú A, Tăng Nhơn Phú B, Long Thạnh Mỹ và Phước Long B. Tuy nhiên, theo Thanh tra Chính phủ, trên thực tế thành phố lại thu hồi đất tại phường Hiệp Phú, mặc dù trong Quyết định 989/QĐ-TTg của Thủ tướng không đề cập đến, đồng thời không thu đất tại phường Phước Long B được xác định trong Quyết định nói trên của Thủ tướng Chính phủ.

Tiếp đến năm 2003, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 95/QĐ-TTg về phê duyệt quy hoạch tổng thể và dự án xây dựng Khu Công nghệ cao giai đoạn 1 với tổng diện tích là 804 ha tại 6 phường ở quận 9 (bổ sung thêm phường Hiệp Phú cùng với 5 phường cũ). Diện tích đất ngoài ranh quy hoạch lên đến 149ha.

Khu vực này chính là cửa ngõ và một phần lõi của Vùng Bưng Sáu Xã.

***

Năm 2006, người dân khu quy hoạch Công Nghệ Cao Quận 9 nhất tề đứng dậy đòi ” lời hứa ” năm xưa của cán bộ ở nhờ. Đòi pháp luật được thực thi đúng như “nó” hứa, “nó” đề ra. Đòi bồi thường đúng giá thị trường. Họ không muốn trở thành con vật tế thần cho lòng tham và sai phạm. Họ đòi Quốc Hội của dân. Họ chính là con cái của những người nuôi giấu Cách Mạng một thời, họ chính là những thanh niên được Cách Mạng hướng dẫn tổ chức đi biểu tình chống “Mỹ Nguỵ”, họ chính là chứng nhân lịch sử.

Họ đã làm đúng theo những gì họ được dạy. Những bộ bà bà đen, những nón tai bèo, những khăn rằn, những đòn bánh tét dự trữ. Họ ôm tấm hình “người lãnh tụ” để nhắc nhở lời hứa thời “quân với dân”, họ thượng Quốc kì lên hàng đầu để nhắc lại máu xương và vinh quang của Nhân Dân.

Dân khu Công Nghệ cao Quận 9, đã tuần hành khắp các trụ sở và UBND Quận 9, họ tiến ra tuyến đường huyết mạch Miền Đông của Xa Lộ Hà Nội bằng con đường Lê Văn Việt. Liên tục từng đoàn 600 -700 người dân, họ không hẹn trước, họ cứ thế đi, cứ thế đòi cái đáng ra thuộc về họ. Họ đứng trước của UBND thành phố, họ tiến vào Toà Án ND thành phố. Bước chân dân đi, báo chí lặng yên như tờ. Mãi về sau chỉ có chú Võ Đắc Danh viết về những phận đời đó. Hay do dân Quận 9 không đáng để quý vị viết? Hay ân tình xưa chẳng đáng đoái hoài?

Năm 2007, đoàn dân oan 150 người đã tuần hành quanh Hà Nội. Thử hỏi Trung Ương có biết chăng? Thử hỏi báo chí miền Bắc sao nỡ im lặng đến thế. Họ chính là “bà con cô bác” của tôi. Họ cũng là khúc ruột miền Nam mà? Ruột đau, ruột đổ máu, ruột giận dữ, cớ sao lãnh đạo im lặng thế?

Những cuộc tuần hành đã kết thúc bằng bắt bớ, bằng cưỡng chế dã man, bằng án tù, bằng ba mẹ con suýt chết trong biển lửa cố thủ nhà mình, bằng phó mặc của chính quyền, bằng nỗi đau của tiền nhân. Vì sao ư? Vì những con người chịu án tù là ai? Vì những con người bị cướp đất là ai?

Là con, là cháu của những người nuôi giấu ai kia. Thậm chí là người từng nuôi giấu, tiếp tế cho các vị. Đây là cách các vị báo ân hay sao? Quân với dân như cá với nước là đây hay sao?

_______

Một số hình ảnh người dân Thủ Thiêm xuống đường đòi đất năm 2007. Nguồn: Nguyễn Thùy Dương.

H2-85

H3-70

H4-26

H5-15

H6-5

H7-5

H8-3

H9-3

H10

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn