Sài Gòn xưa: Guốc Ngù Ngà là Padukas?

Chủ Nhật, 21 Tháng Bảy 20195:00 SA(Xem: 6618)
Sài Gòn xưa: Guốc Ngù Ngà là Padukas?

Guốc ngù ngà là thứ guốc gì mà trở thành huyền thoại giữa những người phụ nữ trong đại gia đình bên ngoại tôi ở Khánh Hội?

Đầu những năm 1940, má tôi mới mười lăm, mười sáu tuổi, ngồi bên cạnh bà ngoại tôi trong những buổi tối để phụ bà may phướn may cờ. Đó là nghề của ông thân sinh ra ông ngoại tôi, mà tôi gọi bằng ông cố. Ngồi làm chung với nhau, các bà kể nhau đủ thứ chuyện và thỉnh thoảng lại quay lại câu chuyện về đôi guốc ngù, đặc biệt là guốc ngù ngà.

Lúc đó, má tôi thường mang đôi guốc vông quai da. Má thương cái guốc vông dáng xuồng lắm. Nó như một cô gái giản dị, rất chiều chuộng người mang, đi rất nhẹ chân, đến khi lấm dơ chỉ cần mang ra giếng dùng bàn chải chà là sạch trắng trở lại. Guốc có quai màu sậm, chân ai trắng trẻo thì càng nổi bật nước da. Đi guốc vông chỉ có điều bất tiện là mau mòn. Lúc đó chưa biết gắn đế bằng cao su, khi bước đi đôi guốc gõ lóc cóc vang trên đường phố.

Guốc vông tiện vậy đó, nhưng mấy bà mấy cô vẫn mơ màng đôi guốc ngù mà phải là ngù bằng ngà, dù chẳng biết cảm giác khi mang nó ra sao.

Bà cố tôi, gốc gác ngoài Huế thì bảo guốc ngù ngà phải từ Huế mà có, vì nó mắc tiền, chỉ có người trong cung mới dám xài. Bà cố đoán vậy thôi chứ bà sống từ nhỏ ở Mỹ Tho, không biết chuyện sông Hương núi Ngự nên không chắc biết chuyện cung đình.

Nghe các bà bàn tán, ông ngoại tôi mang ra một tờ báo cũ, đọc một bài viết về đôi guốc này. Tác giả cho là nó có xuất xứ từ Nam Dương, lúc đầu phụ nữ Mã Lai, Phi Luật Tân mang nó. Rồi có một người Hoa buôn bán ở bển đưa về Sài Gòn bán. Lúc đầu chỉ có mấy thím Xẩm dùng, sau các vợ các thầy ở Sài Gòn cho đến Lục tỉnh thấy sang nên bắt chước dùng theo. Lúc đầu giá một đôi là 10 đồng bạc, sau lên tới 18, 20 đồng, mắc ớn luôn!.

Sau này, ông Bình Nguyên Lộc trong một bài viết cho rằng guốc này không có ở miền Trung, Bắc mà chỉ có ở Sài Gòn. Ông viết: “Guốc ngù được khai-sanh ở Sàigòn…” và khẳng định “Đôi guốc đặc-biệt Việt-Nam khác xa (guốc Tàu): đó là guốc ngù”. Thời ông về học vài năm ở trường Petrus Ký từ năm 1929, có lẽ không còn dịp thấy đôi guốc dùng từ vài chục năm trước, chỉ thịnh hành những năm 1916, 1917, 1918 như bài báo xưa thuật lại.

Ông Vương Hồng Sển lại không đả động đến nguồn gốc Việt của nó. Trong cuốn “Sài Gòn tạp pí lù”, ông viết về tâm sự của cô Ba Trà, mỹ nhân nức tiếng Sài Gòn thời xưa: “Lúc ấy tôi thấy hạnh phúc tràn trề, là nài được một đôi guốc ‘ngù ngà’. Ngày nay các cô tân thời đi guốc ‘Phi mã’, guốc cao gót để dễ ẹo bên nầy ẹo bên kia cho đúng mốt, chớ mốt thời đó là guốc ngù ngà nầy. Nguồn gốc do các ỷ, các vợ khách giàu trong Chợ Lớn từng qua Hạ Châu và Tân gia ba mang về”. Theo ông, cô Ba Trà kể đã đi guốc này từ năm 14 tuổi, mặc áo xuyến và diện đôi guốc ngù ngà. Cô nhỏ hơn cụ Sển (sinh 1902) sáu tuổi, vậy cô mang đôi ngù ngà từ năm 1922, lúc đã dần qua thời thịnh hành của đôi guốc mà còn tự hào như vậy.

Tuy vậy, vài người đi tàu biển cho Tây trong xóm khẳng định guốc ngù ngà không phải của người Việt dù là Sài Gòn hay Huế, không phải của Tàu hay Nam Dương, Phi Luật Tân gì cả mà là của Ấn Độ. Theo họ, đây là loại dép cổ xưa bên xứ cà-ri, có tên là Padukas. Hình dáng nó y cái guốc ngù ngà Việt Nam, trên mặt phần gỗ lót dưới bàn chân có chạm trổ hoa lá đẹp lắm. Có người còn kể bên đó không chỉ dùng ngù bằng ngà, mà còn bằng sắt, bạc, gỗ và thậm chí hoàn toàn chạm bằng ngà.

Có lẽ từ Ấn Độ, guốc ngù theo tàu biển đi từ Ấn độ dương, qua eo biển Malacca đến Mã Lai, Nam Dương vốn đông người Tàu rồi từ đó họ đưa về Sài Gòn.

Guốc Ngù Ngà Là Padukas

Má tôi lúc sinh tiền kể rằng bà từng thấy một đôi guốc loại này ở một nhà giàu vùng Bà Chiểu, cất trong tủ làm kỷ niệm người mang đã quá vãng. Xem kỹ, phần đế guốc cũng có chạm trổ bông hoa nhưng đã mòn gần hết, cái núm đặt giữa ngón chân cái và ngón chân thứ hai làm bằng ngà đã lên nước bóng rất đẹp. Như vậy, một đôi guốc có cặp ngù ngà thôi mà quý như vậy đó. Con cháu người có đôi guốc khẳng định đó là ngà thiệt chứ người ta hồi xưa cũng khôn lắm, dùng xương giả ngà, trau chuốt rất kỹ trông giống lắm. Những người Hoa bán guốc này lời biết bao nhiêu nhờ loại ngù giả này.

Nhìn đôi guốc không quai này mà thấy ngán ngại. Không có quai thì không sợ đứt. Nhưng không quai ôm chân thì chỉ có cách đưa đôi guốc theo chân mình là dùng ngón chân kẹp cái ngù cao hai phân rưỡi có đầu tòe ra để ngón chân không bị tuột, rồi đi. Tất cả lực kéo chỉ dồn vào hai ngón chân, đi lâu thì mỏi và ê ẩm. đau. Gặp đường trơn hay lúc xuống dốc, hay bước ra khỏi xe kéo trượt chân, đế guốc trật khỏi bàn chân thì cái ngù cứng ngắt nó cấn vào kẽ chân da mỏng sát xương càng đau. Tuy vậy, các bà các cô muốn đẹp muốn sang chỉ có cách hy sinh đó , không kém mà còn tệ hơn việc đi guốc cao gót sau này, lâu ngày các ngón chân toè ra.

Ở Sài Gòn, guốc ngù cũng dùng cái ngù bằng kim loại, nhưng là đồng chứ không phải sắt như bên Ấn Độ. Đồng nặng hơn ngà, và cứng hơn ngà, thế là sinh chuyện. Phụ nữ khi đánh ghen đã có sẵn vũ khí nguy hiểm để đánh vào đầu tình địch. Tuy vậy, ai có khả năng đều thích ngà voi làm ngù guốc, vì tội gì chịu đau chân đề rồi mang cái guốc ngù đồng cho kém sang?

Sài Gòn xưa: Guốc Ngù Ngà là Padukas?

Tuy nhiên, vì cái ngù ngà mà loại guốc này mau chóng tàn lụi. Có một chuyện kể là khi giá nó lên quá cao, tột bực là 20 đồng, các ông cảm thấy khổ vì vợ cứ đòi mua không chỉ một đôi mà vài đôi để tùy việc mà đi, bèn âm mưu nhờ một người làm báo, viết chuyện để hù dọa phụ nữ. Báo chí xưa (*) nhắc rằng chính tờ Lục Tỉnh Tân Văn tung ra chuyện đó. Người viết là ông Trần Văn Chim, người lập mưu là ông Trần Triều Vinh làm việc ở bót Giếng Nước. Bài báo viết rằng nếu phụ nữ mang guốc ngù ngà sẽ bị đau tử cung, vì ngà có chất độc, hằng ngày da thịt cọ vào chất độc sẽ thấm vào người sinh bệnh. Tin lan truyền nhanh, qua miệng phụ nữ với nhau càng nhanh khiến các bà sợ, tránh xa guốc ngù ngà. Người Hoa mất mối lợi to nhưng các ông mừng húm. Các bà được giải thoát khỏi đôi guốc mắc tiền, mang thì đau chân, không mang lại thấy thua chị kém em.

Sau này nghĩ lại, đôi guốc cao gót mang cũng cực, đến nỗi làm tòe mấy ngón chân nhưng dù sao cũng còn dễ chịu hơn mang guốc ngù, cho dù có ngù bằng ngà. Nghĩ lại, sức chịu đựng cho sắc đẹp của người phụ nữ Sài Gòn xưa thật phi thường.

Phạm Công Luận
Trích tuyển tập nhiều tác giả “Sài gòn phong lưu” – Phương Nam book – NXB VHVN

(*): Phụ Nữ Tân Văn, Số 120, 23 Tháng Hai 1932

Phạm Công Luận là tác giả của bộ sách “Sài Gòn – Chuyện đời của phố” hiện đã xuất bản đến phần V. Từng trang sách về Sài Gòn của ông như chuyến du hành ngược dòng thời gian, đưa độc giả về những nẻo đường Sài Gòn xưa. Đọc sách của ông mới thấm thía rằng những câu chuyện về Sài Gòn xưa sẽ chẳng bao giờ cạn kiệt. Mời độc giả tìm đọc bộ sách tại đây.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn