Còn lại gì cho mai sau?

Chủ Nhật, 26 Tháng Năm 201910:00 SA(Xem: 3998)
Còn lại gì cho mai sau?

Từ Blog RFA, tác giả Song Chi.

Từ các công trình cổ ở Anh…

Dạo gần đây người viết bài có cơ hội đi tham quan một số ngôi nhà cổ, lâu đài ở vùng Yorkshire. Một phần là vì những tòa nhà, những lâu đài này quá đẹp, một phần vì muốn tận mắt nhìn thấy đời sống của giới quý tộc Anh cách đây vài ba thế kỷ ra sao.

Trên khắp vương quốc Anh có rất nhiều những ngôi nhà, lâu đài, công trình kiến trúc cổ như vậy, hoặc đã hoàn toàn thuộc về quyền quản lý của nhà nước, hoặc vẫn còn là công trình tư nhân, nhưng họ đều mở cửa cho du khách vào tham quan, lấy tiền đó chăm sóc, bảo dưỡng, trùng tu công trình.

Ở Anh có tổ chức “The National Trust for Places of Historic Interest or Natural Beauty”, gọi tắt là National Trust, là một tổ chức từ thiện và độc lập, được thành lập để bảo tồn môi trường và di sản ở Anh, Wales và Bắc Ireland. Tổ chức này ở hữu hơn 500 di sản, bao gồm nhiều ngôi nhà và khu vườn lịch sử, di tích công nghiệp và các di tích lịch sử xã hội; nó được tài trợ bởi các thành viên, phí vào cửa, doanh thu từ các cửa hàng bán đồ lưu niệm và nhà hàng trong các bất động sản của mình. Nếu bạn là một người quan tâm đến kiến trúc, lịch sử, các di tích…bạn đăng ký làm thành viên của National Trust, trả tiền hàng năm, bù lại bạn được tham quan miễn phí mọi công trình thuộc quyền sở hữu của tổ chức này.

Ví dụ như Castle Howard, ở North Yorkshire, cách thành phố Leeds khoảng 1 giờ lái xe. Tòa nhà này được bắt đầu xậy dựng vào năm 1699 và mất hơn 100 năm để hoàn thành, đây là một thiết kế của Sir John Vanbrugh cho Bá tước thứ ba của dòng họ Carlisle (3rd Earl of Carlisle). Bao quanh tòa nhà là cả một khu đất rộng mênh mông với những khu vườn, hồ, đền, tượng đài…tuyệt đẹp.

Hay Harewood House, nằm ở West Yorkshire, cách thành phố Leeds tám dặm. Được thiết kế bởi kiến trúc sư John Carr và Robert Adam, tòa nhà được xây dựng từ năm 1759 đến 1771, dành cho Edwin Lascelles, Nam tước thứ nhất Harewood, một chủ đồn điền và chủ nô giàu có. Xung quanh nhà là khu đất trải rộng 1000 mẫu Anh (400 ha) bao gồm vườn chim, trang trại, khu vườn, nhà thờ All Saints lịch sử với những ngôi mộ…

Hiện tại, Harewood House vẫn thuộc sở hữu của gia đình Lascelles, nhưng được National Trust quản lý và mở cửa cho công chúng trong suốt hầu hết năm, ngoài ra Harewood House còn là thành viên của Treasure House of England, một tập đoàn tiếp thị cho mười ngôi nhà lịch sử quan trọng nhất trong cả nước.

Mọi thứ từ trong ra ngoài tại các tòa nhà này đều được bảo quản vô cùng tốt, từ những bức tượng được điêu khắc từ hàng chục thế kỷ trước, những chi tiết chạm trổ trên trần, tường, hoa văn lót tường cho tới từng đồ đạc trong nhà, kể cả những cái quạt, những món đồ dùng để trang điểm, dụng cụ nấu ăn dưới bếp v.v…

Không chỉ riêng nước Anh mà Pháp, Đức, Áo… hay những quốc gia có nhiều công trình kiến trúc cổ có giá trị, người ta đều có những chính sách giữ gìn, bảo quản, trùng tu cẩn thận và giới thiệu với công chúng, vừa là để có nguồn tiền bảo quản các công trình này vừa giúp cho các thế hệ sau có cơ hội tìm hiểu tận mắt về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, đời sống của các thế hệ đi trước. Những thanh thiếu niên được tìm hiểu lịch sử, văn hóa cha ông qua việc đi thăm bảo tàng cho tới các công trình kiến trúc cổ chắc chắc sẽ có thêm lòng tự hào, yêu quý, ý thức biết trân trọng những di sản mà cha ông để lại.

…đến Nhà thờ Đức Bà Paris, Pháp…

Nhà thờ Đức Bà Paris (Notre Dame de Paris), một công trình kiến trúc hơn 850 năm tuổi, một di sản nổi tiếng của nước Pháp bị cháy vào ngày 15.4, không chỉ người Pháp mà bao nhiêu người dân nước khác đã bàng hoàng, đau buồn. Hàng loạt tờ báo lớn từ Mỹ cho tới châu Âu, châu Á đều đưa tin. Báo chí VN cũng đưa tin, và trên mạng facebook nhiều người Việt cùng chia sẻ tâm trạng buồn tiếc trước hung tin này. Nhưng ngay từ những giây phút ấy, nhiều người khác trong đó có tôi, đều tin rằng người dân Pháp và chính phủ Pháp sẽ bằng mọi cách sửa chữa, xây dựng lại ngôi nhà thờ đã trở thành biểu tượng của Paris, là tài sản chung của nước Pháp và của nhân loại này. Quả đúng như vậy. Ngay lập tức những lời kêu gọi quyên góp để phục dựng công trình được đưa ra và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của hàng loạt tỷ phú của nước Pháp và trên thế giới.

Như François-Henri Pinault, người giàu thứ hai nước Pháp, với số tiền quyên góp 100 triệu euro (112 triệu USD). Ngay sau đó, là Bernard Arnault, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của LVMH, công ty hàng xa xỉ lớn nhất thế giới, ủng hộ 200 triệu euro (224 triệu USD). Arnault là tỷ phú giàu nhất châu Âu và là người giàu thứ tư trên thế giới v.v…

Nhà báo Từ Thức, một người sống ở Paris ít nhất cũng hơn 40 năm, viết trên facebook bài “Notre-Dame: Quá nhiều tiền”:

“Fondation du Patrimoine, một trong 3 hiệp hội được ủy nhiệm tiếp nhận sự đóng góp của công chúng để xây dựng lại nhà thờ Notre-Dame de Paris, cho hay đã quyết định ngưng nhận tiền, vì đã nhận được …quá nhiều.

Fondation du Patrimoine, nhận được trên 200 triệu Euros trong tổng số trên 1 tỷ ít ngày sau khi nhà thờ bị cháy, cho biết sẽ lập một quỹ khác , gọi là “Plus jamais ça”, để nhận tiền đóng góp dùng vào việc trùng tu cho tất cả các di sản, lăng tẩm quốc gia bị hư hại.

Hiện nay, ngân quỹ nhà nước dành cho việc trùng tu, bảo trì các lăng tẩm trên toàn quốc, 350 triệu mỗi năm, không đủ đáp ứng nhu cầu”…

…nhìn lại Việt Nam

Nhìn người ta gìn giữ tài sản của cha ông, nghĩ lại nước mình và chỉ biết thở dài.

Khi Nhà thờ Đức Bà Paris bị cháy và mọi người đang đau xót, báo Tuổi Trẻ đăng bài “Khóc nhà thờ Đức Bà Paris lại thương nhà thờ Bùi Chu, Trà Cổ” (về sau bài này đổi tựa thành “Đó là sự mất mát của nhân loại”) của tác giả tác giả Martin Rama mà theo ghi chú của báo “Ông là cố vấn cao cấp tại Ngân hàng thế giới và giám đốc dự án tại Trung tâm phát triển đô thị bền vững thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam”. Ông Martin Rama viết:

“Những nhà thờ và thánh đường được xây ở Việt Nam thời Pháp thuộc là những viên ngọc kiến trúc. Sự xuống cấp hay hủy hoại những công trình này là một mất mát cho nhân loại.

…Ngày 5-8-2017, nhà thờ Trung Lao (xã Trung Đông, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) cũng đã bị bốc cháy. Không giống như Nhà thờ Đức Bà Paris được cứu những phần kiến trúc quan trọng, nhà thờ Trung Lao đã bị sụp đổ hoàn toàn.

Trước đó, tháng 3-2017, nhà thờ Trà Cổ (TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) đã bị đập bỏ để nhường chỗ cho một công trình lớn hơn, hiện đại hơn. Đây được coi là nhà thờ đẹp nhất ở vùng Đông Bắc, đã hơn 120 tuổi.

Theo tôi biết, chỉ có một nhà thờ ở Việt Nam, nhà thờ Phát Diệm ở Ninh Bình, được xếp hạng Di tích quốc gia, được bảo vệ theo Luật di sản Văn hóa.

Không phải là một chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc và di sản, nhưng tôi tin rằng một tập hợp các tòa kiến trúc đáng chú ý như các nhà thờ công giáo ở miền Bắc Việt Nam hoàn toàn có thể khát vọng lọt vào danh sách Di sản thế giới của UNESCO. Nếu chúng được bảo vệ và cải tạo đúng cách, chúng sẽ trở thành một mạch du lịch hấp dẫn và mang lại thu nhập cao hơn cho người dân địa phương.”

Những ngày vừa qua, nhà thờ Bùi Chu, thuộc tỉnh Nam Định, một công trình kiến trúc ra đời năm 1885 suýt nữa thì bị hạ giải vào ngày 13.5 với lý do đã quá cũ, cần xây một ngôi nhà thờ mới khang trang hơn. May mà báo chí vào cuộc, dư luận lên tiếng nên tạm thời Giáo phận Bùi Chu vừa có thông báo về việc tạm hoãn hạ giải Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu (“Hoãn hạ giải Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu”, Pháp Luật TP.HCM).

Kết quả ban đầu có được nhờ tiếng nói của nhiều người. Nhưng không thể cứ dư luận lên tiếng mạnh một công trình kiến trúc cổ nào thì công trình đó tạm thời được dừng lại xem xét, còn những công trình không ai để ý hoặc chưa kịp lên tiếng thì đã bị phá dỡ vì lý do này lý do khác.

Chỉ tính riêng từ năm 1975 đến nay khi đảng cộng sản giành độc quyền lãnh đạo trên toàn quốc, có bao nhiêu nhà thờ, chùa, công trình kiến trúc cũ có giá trị đã bị xây sửa mới, hoặc đập bỏ hoàn toàn thành những công trình hiện đại, các tòa nhà thương mại v.v..? Lý do chính chỉ là vì tiền hoặc thiếu ý thức. Đập bỏ, xây mới thì quan chức mới có cớ để mà chi tiền, mà “xà xẻo”, ăn “hoa hồng”, còn người dân bình thường cứ thấy mới, đẹp là thích, có mấy ai quan tâm đến khía cạnh lịch sử, di tích, di sản?

Phải có một chính sách nhất quán từ trên xuống dưới là quyết tâm gìn giữ mọi di sản có giá trị của cha ông để lại; lập danh sách tất cả mọi công trình từ Nam ra Bắc, từ miền xuôi đến miền ngược, có một ban chuyên môn đánh giá giá trị và mức độ hư hỏng của từng công trình và thường xuyên theo dõi; tìm cách có những nguồn tiền khác nhau để có thể giữ gìn, trùng tu, sửa chữa…khi cần thiết (ví dụ, mở cửa cho khách du lịch tham quan lấy tiền như các nước làm, là một cách) v.v…

Nhưng trước hết phải có ý thức trân trọng, yêu quý những gì có giá trị do cha ông để lại. Mà muốn có ý thức trân trọng di sản thì chúng ta phải được giáo dục từ nhỏ và thường xuyên được nhắc nhở. Sở dĩ người dân các nước tự do, dân chủ, phát triển, có ý thức đó là do họ được giáo dục. Cũng giống như ý thức bảo vệ môi trường, ý thức về đảm bảo an toàn sức khỏe trong đời sống. Đó là trách nhiệm của nhà nước và của ngành giáo dục. Nhưng nhà cầm quyền VN thì ngược lại, lại là những “kẻ” phá hoại nhiều nhất, vì ham tiền, vì thiển cận, vì tư duy “nhiệm kỳ” muốn vơ vét cho đầy túi khi còn tại chức mà không quan tâm đến cái gì khác. Nền giáo dục VN dưới “thời đại Hồ Chí Minh rực rỡ” thì từ lâu đã quá tai tiếng, quá nát bét.

Con người sống cần phải có ký ức. Một dân tộc cần phải có quá khứ. Quá khứ đó bao gồm tất cả những gì vô hình và hữu hình do tổ tiên, ông bà xây dựng, gìn giữ và để lại cho con cháu, trong đó có những công trình kiến trúc cổ.

Cứ mỗi ngày chúng ta lại phải đọc/nghe/chứng kiến một sự phá hoại kinh hoàng trong mọi lĩnh vực, từ Nam ra Bắc, từ thành thị đến nông thôn. Chạnh nghĩ đến ngày chế độ này sụp đổ thì lúc đó chắc cũng chẳng còn lại được gì, trên mảnh đất này, cho con cháu đời sau…

Nhà thờ Trà Cổ khi chưa bị phá – Ảnh: TTXVN

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn