Chế độ cọng sản Không thể Cải sửa được - Nguyễn Nhơn

Thứ Bảy, 25 Tháng Năm 201910:00 CH(Xem: 4487)
Chế độ cọng sản Không thể Cải sửa được - Nguyễn Nhơn

CongsanChế độ cọng sản Không thể Cải sửa được

Sau hơn 30 năm đổi mới, đất nước ta đã thay da đổi thịt. Nhưng chúng ta khó mà lạc quan được khi so sánh thứ hạng của Việt Nam trong các bảng xếp hạng thế giới:

- Dân số đứng thứ 15 gồm 95,581.592 người (2017)

- Diện tích xếp thứ 66: 331.212 km2

- Tổng sản phẩm quốc nội GDP xếp thứ 48: 191,454 tỷ US$ (IMF 2015)

- GDP theo đầu người xếp thứ 132: 2.306 US$ (IMF 2017)

- PPP theo đầu người, xếp thứ 124: 7.378 US$ (IMF 2017).

 

Những con số “biết nói” ở trên cho thấy Việt Nam là một nước lớn về dân số, trung bình về diện tích và còn rất nghèo so với thế giới. Nghĩa là mục tiêu đặt ra trong các nghị quyết của Đảng đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp đã phá sản. Đặc biệt đáng lo ngại là ngày nay tham nhũng tràn lan; bất bình đẳng xã hội ngày càng lớn; đạo đức xã hội suy đồi; niềm tin của nhân dân vào lãnh đạo, vào lý tưởng xóa bỏ áp bức, bất công, xây dựng xã hội tự do, dân chủ đang đổ vỡ. Đất nước lại một lần nữa đứng trước câu hỏi lớn: “Đổi mới hay là chết?”

                       ( Tô Văn Trường - Đổi mới hay là chết? )

 

Cộng sản không thể nào sửa chữa, chúng phải bị đào thải” (Communists are incurable, they must be eradicated…) (*)

Câu nói đó là của ai?

Đó là câu nói trứ danh của người cọng sản “ phản tỉnh “ Boris Yeltsin, cố Tổng thống Nga.

Sau hơn 30 năm “ Đổi mới “, tình trạng Đất nước ngày càng nghèo đói.

Có thêm 30 năm đổi mới nữa, có khi còn tàn mạt hơn!

Đó là “ Lỗi Cơ chế “.

Đó là lý do:

                           Vì Sao Tôi Cổ Võ Cuộc Cách-Mạng Toàn-Triệt?

Tôi có hai đứa cháu ngoại sanh đôi 7 tuổi. Chúng nghe hiểu nhưng nói tiếng Việt không rành. Nhưng mỗi khi về thăm ngoại, chúng chấp tay, cúi đầu “ Cong chào on quại.” Khi ra về cũng vậy, “ Chào on quại cong dzề.” Nghe cháu thỏ thẻ mà thương, chợt nhớ lại lời mẹ dạy ngày xưa, một thời xưa nay đã xa vắng, rằng: Trẻ nhỏ phải biết “đi thưa về trình”. Tôi vui lòng và cám ơn con gái, không ai dạy mà biết làm như bà nội, dạy con như bà nội dạy ba thuở trước.

Vẫn biết sau vài ba thế hệ nữa, dòng họ Nguyễn của tôi chỉ còn cái Nguyen không có dấu, giống như dòng họ Lý bên Cao Ly, ngày nay cũng chỉ còn chữ Lee sai chánh tả, nhưng mà hiện tại vẫn vui lòng vì con cháu tôi vẫn còn giữ được một nét lễ nghĩa của tổ tiên.

Cho nên khi đọc câu chuyện em bé bán gà trên net cảm thấy bùi ngùi trong dạ:

EM BÉ BÁN GÀ

Còn đây, chuyện trẻ thơ thời xã nghĩa ta
Bà lão Miền Nam ngồi xe lửa về Nam
Xe lửa ngừng nơi ga nhỏ
Một con bé dễ thương mời mọc
Cụ mua hộ bé con gà nướng
Bà cụ vốn không thích gà nướng
Nhưng thấy con bé dễ thương nên mua dùm
Con bé dềnh dàng gói con gà trong giấy báo
Xe lửa rục rịch lăn bánh mới trao con gà
Bà lão đưa trả tờ giấy bạc lớn
Con bé cầm lấy bảo để đi đổi ra tiền nhỏ thối lại
Lúc xe lửa phát chạy, con nhỏ liếc bà lão và cười
Bà lão chợt sinh nghi, mở gói giấy báo bự sự
Chen ngoẻn có cái cổ gà dài ngoẳng
Cả trăm ngàn chỉ mua được cái cổ gà
Và...nụ cười đêu đểu của bé gái xã nghĩa ta!


Ngậm ngùi trẻ thơ thời đồ đểu
Vì sao để cho sự thể ra nông nỗi?!

Bởi vì lẽ tà quyền cọng sản thiếu một nền giáo dục Dân tộc – Nhân bản như sau đây:

Trước khi cắp cặp đệm học trường làng, ở nhà nghe lời mẹ dạy. Mẹ tôi là gái quê, chỉ dạy con theo tập tục làng quê hai điều đơn giản: Một là không được dối trá. Hai là, sống cho có nghĩa, có nhơn.

Dối trá là thế nào? Không cần tra từ điển, chỉ cần nhìn cái mông đít lằn ngang lằn dọc là nhớ đời. Khi lén mẹ đi tắm suối dìa, cặp mắt đỏ chạch, mẹ gặn hỏi: Lén má đi tắm suối há? Nỏ miệng trả treo: Hổng có, tui chỉ xuống chợ chơi. Mẹ bảo: À, cúi xuống đó! Nè, một roi về tội đi tắm suối. Nè, hai roi về tội nói láo. Nè, ba roi về tội cải lại má. Mỗi cái nè tiếng là một roi nhưng kết cuộc cái mông đít nhỏ tui chảy máu đỏ lòm, bởi vì cái roi là cành tre thô rút ra từ đống củi!

Nhơn nghĩa hả? Thật là dễ hiểu. Bửa kia, ỷ mình lớn hơn thằng Cu, con cậu tư lò rèn ở trước nhà, cải nhau một hồi rồi thoi nó một thoi, sặc máu mủi. Lần nầy ăn roi nặng hơn, bởi vì cái dzụ nhơn nghĩa nầy là chuyện lớn. Một là ỷ mạnh hiếp yếu là không phải lẽ. Hai là chòm xóm không biết nhường nhịn nhau. Ba là đánh gộp nhiều roi vì lòng lim, dạ đá, không biết thương người như thể thương thân, nhất là đứa em ở ngay trước nhà lại là con cậu tư.

Lớn lên, ra chợ Thủ, học trường tỉnh.

Năm năm mỗi lần nghe hè tới. Cây điệp già trước sân trường trỗ bông đỏ ối. Tiếng ve sầu rã rít trong rặng cây huỳnh đàn ngoài song cửa lớp. Lòng trẻ thơ rộn rả bôn chôn, mong mau đến ngày bãi trường để xem các anh, các chị diễn kịch.

Các chị diễn kịch Hai Bà Trưng. Em bé vỗ tay reo cười hỉ hả khi nghĩa quân “hai Bà” rượt bọn Thái thú Tô Định sút giày, mũ mảng chạy về Tàu. Đâu cần giở Quốc sử Diễn ca cũng thuộc câu Lời nguyền Mê Linh:

Một xin trả sạch nước thù
Hai xin thu lại nghiệp xưa họ Hùng
Ba kẻo oan ức lòng chồng
Bốn xin vẽn vẹn sở công lịnh nầy

Các anh diễn kịch Hội nghị Diên hồng. Em bé nghe lời ca mở đầu, lòng rúng động:

Toàn dân nghe chăng?
Sơn hà nguy biến
Hận thù đằng đằng
Biên thùy rung chuyển

Năm 1960, khi giặc cọng thừa cơ giáp Tết, đánh trận lớn Trảng Sụp, Tây Ninh, Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm tuyên bố Tổ Quốc lâm nguy, ban hành lệnh Tổng động viên. Hàng hàng, lớp lớp thanh niên Miền Nam lên đường nhập ngủ, tòng chinh, ngạo nghễ cất lời ca:

Chàng tuổi trẻ vốn giòng hào kiệt
Xếp bút nghiên theo việc binh đao
Giả nhà đeo bức chiến bào
Thét roi cầu Vị ào ào vó câu

Ngày xưa, tráng sĩ “chiến trường da ngựa bọc thây.” Ngày nay, tuổi trẻ Miền Nam, sa trường ngả gục, lá cờ vàng Quốc gia phủ áo quan!

Nhưng tấm lòng tuổi trẻ Miền Nam không vì vậy mà trở nên hận thù, sắt
máu. Trái lại, tâm tình tình càng thắm đượm yêu thương. Những ngày về phép, hò hẹn người yêu, “bóng nhỏ, đường chiều”:

Ta nhẹ dìu nhau như tiếng thở
Thương nầy, thương cho bỏ lúc đợi chờ

Có khi không may mắn, người yêu lỗi hẹn, trên phố vắng:
Từng bước, từng bước thầm
Khi người yêu không đến
Tuổi xuân buồn lặng câm
Đi trong chiều mưa hoang
Đời biết ai thương mình

Khi thua trận, tù khổ sai trên núi rừng Hoàng Liên, những khi lòng êm ả, nhìn sông núi Trường Sơn với vẻ đẹp hùng vĩ, giang sơn gấm vóc của tổ tiên:

Suối A mai trong vắt
Bến Ngọc buổi chiều tà
Đỉnh Phục Linh vòi vọi
Khói chiều vương mái rạ nhà ai

Tuổi trẻ Miền Nam, sống và chiến đấu chỉ vì tình thương và lẽ phải, không mê mờ vì bất kỳ chủ thuyết nào.

Cho nên ngày nay, thân lưu lạc xứ người, nhìn về quê nhà, những thảm trạng như em bé bán gà, nghĩ thật là chua xót.

Nguyên do, bởi vì đâu? Chỉ vì bọn cọng sản mê mờ chủ thuyết Mác lê, cai trị và giáo dục theo tà thuyết duy vật, phủi sạch truyền thống Nhân Nghĩa Dân tộc mới ra nỗi!

Nếu sĩ phu và giới trẻ cứ mắt lắp tai ngơ, không quyết lòng tiến hành công cuộc cách mạng Dân tộc Toàn triệt, sớm giải trừ nọc độc cọng sản thì đời con của em bé bán gà sẽ lại cũng giống như mẹ, mới nứt mắt ra đã biết lừa đảo, chụp giựt để cầu sống!

                                                   Nguyễn Nhơn

                                     Muốn tái thiết phát triển Đất nước

                            Trước tiên phải xóa bỏ chế độ toàn trị việt cọng

                                                      25/5/2019

 
(*) Ông Boris Yeltsin, một đảng viên cộng sản “phản tỉnh”, kế nhiệm Ông Mikhail Gorbachev là vị Thổng thống thứ hai của nước Nga dân chủ thì nói “Cộng sản không thể nào sửa chữa, chúng phải bị đào thải” (Communists are incurable, they must be eradicated…) https://www.voatiengviet.com/a/nguoi-cs-co-the-cai-sua-che-do-cs-thi-khong/1851587.html

 

Phụ đính

Đổi mới hay là chết?

Tô Văn Trường

Nhớ lại những năm đầu thập kỷ 80 thế kỷ trước, đất nước lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế – xã hội trầm trọng. Lạm phát phi mã. Kinh tế xuống dốc không phanh. Mức sống nhân dân rơi đến đáy. Niềm tin rạn nứt. Đất nước lâm nguy. Trước tình hình đó, Ban lãnh đạo của Đảng đứng đầu là Tổng Bí thư Trường Chinh – một người nổi tiếng kiên định mô hình kinh tế XHCN – đã đi tới một quyết định lịch sử: xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, tự do hóa nền kinh tế. Nói cho đúng, quyết định xóa bỏ mô hình kinh tế chỉ huy, cho phép người dân được tự do làm ăn không phải là một phát kiến hay sáng tạo gì, vì đó là điều cả thế giới đã làm từ hàng trăm năm.

Nhưng đó là quyết định của một Ban lãnh đạo dũng cảm, dám từ bỏ niềm tin vào một mô hình trước nay vẫn đinh ninh là duy nhất đúng, sửa chữa sai lầm để đưa đất nước vượt qua khủng hoảng. Quyết định dũng cảm này không chỉ tạo ra bước ngoặt trong phát triển đất nước, đem lại đời sống khá giả hơn cho nhân dân mà còn khôi phục niềm tin của nhân dân vào Đảng CSVN, và trong ý nghĩa ấy, giúp Đảng giữ vững vị trí lãnh đạo của mình.

Sau hơn 30 năm đổi mới, đất nước ta đã thay da đổi thịt. Nhưng chúng ta khó mà lạc quan được khi so sánh thứ hạng của Việt Nam trong các bảng xếp hạng thế giới:

- Dân số đứng thứ 15 gồm 95,581.592 người (2017)

- Diện tích xếp thứ 66: 331.212 km2

- Tổng sản phẩm quốc nội GDP xếp thứ 48: 191,454 tỷ US$ (IMF 2015)

- GDP theo đầu người xếp thứ 132: 2.306 US$ (IMF 2017)

- PPP theo đầu người, xếp thứ 124: 7.378 US$ (IMF 2017).

Những con số “biết nói” ở trên cho thấy Việt Nam là một nước lớn về dân số, trung bình về diện tích và còn rất nghèo so với thế giới. Nghĩa là mục tiêu đặt ra trong các nghị quyết của Đảng đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp đã phá sản. Đặc biệt đáng lo ngại là ngày nay tham nhũng tràn lan; bất bình đẳng xã hội ngày càng lớn; đạo đức xã hội suy đồi; niềm tin của nhân dân vào lãnh đạo, vào lý tưởng xóa bỏ áp bức, bất công, xây dựng xã hội tự do, dân chủ đang đổ vỡ. Đất nước lại một lần nữa đứng trước câu hỏi lớn: “Đổi mới hay là chết?”

Trong bối cảnh này, qua các phương tiện truyền thông, nhiều người dân và cán bộ lão thành thật sự vui mừng nhìn thấy Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng xuất hiện với phong thái đĩnh đạc, tự tin, khỏe mạnh trong các cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt và Hội nghị TW 10 vừa qua. Đặc biệt, tất cả những người dân yêu nước đều quan tâm đến ba câu hỏi lớn trong bài phát biểu của Tổng Bí thư, mong muốn những câu trả lời thể hiện nhận thức mới, cách làm mới của Đảng để thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

Suốt mấy năm qua, từ sau Đại hội XII của Đảng tới giờ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giành được sự kính trọng, niềm tin yêu của đại bộ phận nhân dân về quyết tâm chỉnh Đảng với hình tượng “đốt lò lửa chống tham nhũng”. Giờ đây, mọi người đều mong muốn ông sẽ bắt tay vào việc cải cách thể chế để xóa bỏ tận gốc tệ nạn tham nhũng, lối làm ăn vô trách nhiệm, và phát huy dân chủ, khai thác mọi tiềm năng của đất nước, con người Việt Nam để đưa đất nước cất cánh bay lên, sánh vai cùng các cường quốc năm châu.

Tuy nhiên, nhớ lại trước Đại hội Đảng X, XI và XII, báo chí đã nêu rất nhiều ý kiến tâm huyết của nhân dân về các dự thảo văn kiện của Đại hội Đảng, nhưng thực tế không mấy ý kiến được tiếp thu cho nên thực trạng kinh tế xã hội đang đi đến những suy thoái đáng báo động. Vì thế, tuy Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu ra ba câu hỏi lớn, gợi mở những yêu cầu đổi mới rất căn bản nhưng đa phần người dân có tâm trạng hoài nghi, không biết Đảng có thật sự mong muốn Đổi mới một lần nữa không và ý kiến của người dân sẽ được tiếp thu như thế nào.

Với nhận thức góp ý cho các văn kiện của Đại hội Đảng khóa XIII không chỉ là trách nhiệm của lãnh đạo hay đảng viên mà là của tất cả người dân Việt Nam vì đất nước này không phải của riêng ai, trong phạm vi bài viết này, tôi tập trung phân tích 3 vấn đề mà Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đặt ra ở Hội nghị Trung ương 10 vừa qua là: “Có nên xóa bỏ thành phần kinh tế nhà nước không?”, “Đổi mới chính trị có phải là đổi mới chế độ chính trị không?”, “Có cần phải sửa đổi điều lệ của Đảng CSVN không?”.

1. Có nên xóa bỏ thành phần kinh tế nhà nước không?

Nếu hiểu “kinh tế nhà nước” là toàn bộ hoạt động kinh tế và nguồn thu của Nhà nước thì đương nhiên không thể nói đến chuyện xóa bỏ thành phần kinh tế nhà nước. Nhưng điều đáng nói là ở Việt Nam ta, kinh tế nhà nước trên thực tế thường được gắn với hạt nhân là các doanh nghiệp nhà nước. Ở mọi thể chế chính trị, nước nào cũng có doanh nghiệp nhà nước. Khác nhau là ở chỗ doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò chủ đạo hay cạnh tranh bình đẳng với mọi thành phần kinh tế khác. Suốt những năm qua, Ban lãnh đạo Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kiên trì vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước, mặc dù Đại hội Đảng khóa XI đã biểu quyết không thừa nhận vai trò đó và TBT đã tuyên bố mình là thiểu số sẽ tuân theo đa số.

Quan điểm bảo vệ vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước xuất phát từ nhận thức CNXH dựa trên nền tảng sở hữu công cộng. Tuy nhiên, đó là một ngộ nhận. Lý luận của Mác không phải như thế. Theo Mác, cổ phần hoá mà chủ nghĩa tư bản đã làm là một hình thức của sở hữu công cộng. Trước đây, Việt Nam và tất cả các nước XHCN đều không chấp nhận kinh tế thị trường trong cơ chế kinh tế xã hội chủ nghĩa, và đó là trở lực không thể vượt qua đối với sự phát triển. Ngày nay, trong thế giới phẳng, với xu thế hợp tác rộng rãi giữa các quốc gia và sự tiến triển nhanh của khoa học và công nghệ, nhiều luận điểm kinh điển trong kinh tế chính trị đã thay đổi. Không còn sự khác biệt giữa kinh tế thị trường và kinh tế XHCN nữa. Vấn đề quan trọng là phải xây dựng được chính sách và chiến lược phát triển của mỗi quốc gia hòa nhập được với sự phát triển của thế giới và khu vực.

Những người tâm huyết với đất nước, những nhà nghiên cứu chân chính mặc dù biết hàng loạt doanh nghiệp nhà nước hoạt động lỗ nặng và hàng chục ngàn hecta đất cũng đang bị nhiều “ông lớn” sử dụng lãng phí nhưng không ai yêu cầu xóa bỏ kinh tế nhà nước. Người ta, chỉ yêu cầu chấm dứt phân biệt đối xử từ trong đường lối của Đảng đối với thành phần kinh tế tư nhân, thực hiện kiểm soát tốt và yêu cầu kinh tế nhà nước chỉ tập trung hoạt động trong ba nhóm lĩnh vực:

- Những lĩnh vực rất cần cho phát triển đất nước nhưng tư nhân không thể làm và không muốn làm;

- Những lĩnh vực ứng dụng khoa học – công nghệ đầu nguồn từ đó lan tỏa cho cả nền kinh tế, để bảo đảm sản xuất hiệu quả cao hơn, không bị thua thiệt trong cạnh tranh;

- Một số hoạt động sản xuất thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh mà ở nước ta, trước mắt, chưa thể để tư nhân làm (chứ không phải may trang phục, kinh doanh ngân hàng, bất động sản hay sân gôn cũng là quốc phòng, an ninh).

Các doanh nghiệp nhà nước cần hoạt động có hiệu quả cao, được trao quyền chủ động kèm theo cơ chế công khai, minh bạch, để người dân giám sát, đánh giá hiệu quả. Lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước được chọn lựa công khai trên cơ sở đáp ứng những tiêu chuẩn thiết thực, không nệ bằng cấp, chứng chỉ và không nhất thiết phải là đảng viên. Không nên cứ cấn cán cái đuôi XHCN, mà cần tập trung vào kết quả, hiệu quả kinh doanh với mục tiêu hiệu quả rõ ràng trên cơ sở cạnh tranh bình đẳng.

Như vậy, nhiệm vụ cấp thiết đặt ra cho những người soạn thảo văn kiện Đại hội là nghiên cứu xây dựng cơ chế quản lý kinh tế quốc gia có cơ cấu các thành phần kinh tế phù hợp hoàn cảnh đất nước để tiếp cận được với trình độ phát triển của thế giới, chứ không phải đầu tư công sức để vẽ ra hay bảo vệ những mô hình kinh tế XHCN viển vông, xa rời thực tế, thiếu hiệu quả.

2. Đổi mới chính trị có phải là đổi mới chế độ chính trị không?

Lâu nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau, rất ít người công khai đề cập đến vấn đề thay đổi thể chế chính trị. Chính trị nói ở đây gồm cả đường lối phát triển đất nước và đường lối quản trị quốc gia. Trong hàng chục năm qua, Đảng lãnh đạo đã phạm quá nhiều sai lầm ở cả hai mặt này. Nhiều cán bộ lãnh đạo Đảng luôn lo sợ mất sự lãnh đạo của Đảng là mất đất nước mà không nghĩ rằng lãnh đạo yếu kém, không tiếp thu nhận thức và thành tựu mới của nhân loại là làm cho đất nước chậm phát triển, không bảo vệ được quyền lợi của dân tộc, là con đường tự đưa Đảng ra khỏi lực lượng chính trị lãnh đạo đất nước. Với hiện trạng kinh tế xã hội hiện nay, Đảng và Nhà nước phải căng hết sức cho công cuộc “đốt lò” thì còn đâu sức cho phát triển?

Có thể nói đã đến lúc không còn đường lùi. Bộ máy nhà nước dù do đảng kiểu nào lãnh đạo mà không ngăn chặn được suy thoái thì nhất thiết sẽ dẫn đến thay đổi thể chế chính trị, mà sự thay đổi bằng xung đột chính trị thường gây tổn thương lớn cho nhân dân và đất nước (như trường hợp Ucraina). Nếu không đổi mới chính trị thì không giải quyết được nạn tham nhũng, tệ con ông cháu cha, tệ tư bản thân hữu, doanh nghiệp sân sau…, không chọn lựa được những người con ưu tú nhất của dân tộc vào các vị trí lãnh đạo. Vì vậy, Đại hội Đảng khóa XIII phải khởi động cuộc cải cách chính trị như nhiều người tâm huyết với đất nước kiến nghị để tránh xung đột xã hội.

Nội dung cốt lõi của đổi mới chính trị sắp tới là đổi mới hệ thống chính trị, thiết lập cơ chế để nhân dân thực hiện quyền làm chủ đất nước, quyết định đối với hệ thống chính trị, sự vận hành của hệ thống chính trị và đường lối phát triển đất nước. Thực ra, những mô hình hiệu quả đều đã có trong lý luận và hiển hiện trước mắt chúng ta. Vấn đề đặt ra cũng giống như Đổi mới năm 1986: Chúng ta có dũng cảm từ bỏ niềm tin giáo điều vào một mô hình trước nay vẫn đinh ninh là duy nhất đúng, quyết tâm sửa chữa sai lầm để làm những điều mà thế giới văn minh cả trăm năm nay đã làm không?

3. Có sửa đổi Điều lệ Đảng CSVN không?

Nếu thực hiện việc sửa đổi đường lối quản trị quốc gia thì mặc nhiên phải thay đổi Điều lệ Đảng. Thay đổi Điều lệ Đảng lãnh đạo một đất nước với nhận thức mới cho phù hợp với yêu cầu khách quan của sự phát triển, đáp ứng được nguyện vọng và quyền lợi của Đảng, của nhân dân là đòi hỏi tất yếu, sẽ là điều tốt để nâng cao uy tín của Đảng, không có gì đáng lo ngại.

Trong khi chờ sửa Điều lệ Đảng, chỉ cần Đảng hoạt động theo hiến pháp, pháp luật, làm những gì đã nói thì cũng là tốt rồi. Người dân thấy việc cần làm lúc này là ra đạo luật bảo vệ sự độc lập của tư pháp, và để có bảo đảm sự độc lập này, cần lập tòa án hiến pháp.

Lời kết

Song trùng với bài viết “Đất nước này không phải của riêng ai” (tác giả Tô Văn Trường), người viết bài này chỉ mong sao lò vẫn được đốt với tinh thần “Khó mấy cũng phải làm vì lò đã đốt lên rồi” và đi xa hơn, không chỉ chống tham nhũng mà là đổi mới thể chế để Đảng vững mạnh, đất nước phát triển bền vững, dân tộc trường tồn.

Chỉ hy vọng rằng ba câu hỏi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt ra tại Hội nghị Trung ương 10 là những câu hỏi lớn cần được thảo luận dân chủ để đi tới Đổi mới lần thứ 2; chứ không phải là những câu hỏi kiểu “Yes/No” để Trung ương hay Đại hội có dịp cùng nhau “No” và ai không “No” nghĩa là “suy thoái về tư tưởng”.

Xin tặng bạn đọc mấy câu văn vần để kết thúc có hậu bài viết này:

Cứ làm đi

xin đừng ngại!

Chung sức lại

vì non sông!

Muốn “hoá rồng”

”Lò” phải đốt

Ươm mầm tốt

diệt gian tà

Vượt trùng xa

tìm bến đậu

Cùng tranh đấu

ắt thành công!

T.V.T.

Tác giả gửi BVN

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn