NAM Ô CHRISTMAS CUỐI - CAO MỴ NHÂN
Ngay trong thời điểm nửa cuối tháng 12/1972, người dân miền nam nói chung, hay quân nhân các cấp VNCH nói riêng, đã có thể hình dung ra cái xã hội cô đơn trước dư luận thế giới là bị quân đồng minh, đại để như Hoa Kỳ bỏ rơi.
Người miền nam rất thực tế, biết là đang bảo vệ chính nghĩa quốc gia, tự do đấy, nhưng nếu không còn Mỹ hỗ trợ súng đạn, thì cũng đành, chứ chỉ với lý tưởng không thôi, cũng khó tiến công mạnh được.
Thế nên sau khi " 4 bên " ký kết bản hiệp định đình chiến ở Paris ngày 27/1/1973, các chiến sĩ VNCH chẳng ai vui gì.
Nói thì bảo là hiếu chiến, chứ quân nhân miền nam có phương tiện là nhất định đánh thắng Cộng Sản, vì không ai muốn sống với bọn cướp ngày đó cả.
Chúng tôi ở Đà Nẵng, một đô thị lớn sau Saigon về mặt xã hội, nhưng lại đầy đủ cơ chế quân sự, với các địa danh lịch sử quân sự hoàn chỉnh nhất: Sân bay quân, dân sự hàng quốc tế, 6 bãi biển viễn dương ... vv...
Do đó sự hiện diện của quân đồng minh đầy đủ nhất .
Xin đan cử về vũng biển Nam Ô, nơi Thuỷ quân Lục chiến Mỹ đổ bộ đầu tiên vào VN 3/1965 .
Tôi chỉ kể về Nam Ô, nơi được quân đội Hoa Kỳ đặt là Thượng Hải VN, để tả lại những ngày tháng cuối cùng quân Mỹ ở đó, vào dịp Giáng Sinh 1972, thời điểm trận đánh bom Hà Nội và các tỉnh Bắc Việt, mà csvn thần thánh hoá là Điện Biên Phủ trên không ( Từ 18/12 đến 30/12 - năm 1972 ) .
Sự kiện dẫn tới việc các bên tham chiến phải trở lại bàn hội nghị Paris, để giải quyết cho xong chiến tranh Mỹ với CS trên phòng tuyến VN.
Ban Cố vấn Quân Sự MACV phối hợp với phần hành liên hệ VNCH...chúng tôi được lệnh phải thực hiện liên tiếp những bảng huy hiệu các đơn vị VNCH tham chiến cùng các đơn vị Hoa Kỳ, để tặng cho các quân nhân Mỹ về nước, theo hiệp định Paris là 60 ngày sau khi hiệp định đó ký, thì rút quân ...
Nhưng quân đội Mỹ bình thường cũng có những đợt đổi quân, nay sẵn thời gian rút quân sau ngày 27/1/1973 đó, các toán nhỏ cứ thay phiên từ từ rời khỏi miền Nam, trong đó có nhiều kỷ niệm tại Nam Ô buồn rầu, quạnh vắng...
Các quán bar bắt đầu trưng đèn kết hoa quanh chỗ cây thông, có ông Noel đầy bông gòn trắng xoá như tuyết ...
Nam Ô vốn là một ...rừng thông, nên dân bán quán tha hồ chặt thông về dựng cây Noel từ đầu tháng Dec, Christmas cuối cùng của quân đội Mỹ ở VN năm 1972.
Những thanh niên Mỹ rất trẻ, cuối giờ làm việc, đã thay những bộ y phục dân sự, kéo nhau tới các quán bar nêu trên , thậm chí có người còn mặc cả bộ đồ vest tới quán như đi dạ hội, mới ...tội nghiệp làm sao .
Tất nhiên ở trong thành phố Đà Nẵng còn rộn rịp không khí Merry Christmas hơn nhiều lần nữa.
Nhưng tôi vẫn chỉ kể về làng trại Nam Ô thôi.
Các cô bán quán mặc sức nói năng đùa rỡn, và dù Mỹ có ở Mỹ hay đi năm châu thế giới, vẫn ...chết chìm ở những hóc bò tó VN.
Những quân nhân Mỹ ấy, đã cám cảnh buồn hết muốn nói ở khung trời mà trước mặt là đèo Hải Vân mù mịt sương giá, sau lưng là những bụi thông, lẩn khuất những bụi tre ...
Cũng chẳng biết những dân chài thấp thoáng trong thôn vắng đó, thực sự là ai.
Tất nhiên bọn VC nằm vùng đủ lưu manh để không vội xuất hiện ở những nơi quán bar Nam Ô, cách Đà Nẵng độ vài chục cây số .
Nên có thể nói dịp lễ Giáng Sinh ở VN heo hút thế, với khung cảnh rất buồn trên dọc đường quốc lộ dưới chân đèo Hải Vân, sẽ in vào tâm khảm những chiến binh Mỹ, nếu họ còn sống sót cho tới ít tuần sau, họ được lên máy bay to ù bay thẳng về Hoa Kỳ.
Nhưng cũng không hiếm người xấu số, dù đã gọi là ngưng chiến, mà vẫn trở về cùng vòng hoa tím trên cờ Mỹ .
Chỉ vài tháng sau Noel 1972, cuối cùng ở VN, nếu bạn trở lại Nam Ô, nơi gọi là Thượng Hải buồn phiền miền Nam, bạn sẽ gặp một cảnh hoang tàn không khác các nơi đã một thời có những người lính Mỹ tới lui.
Bởi tất cả những gì Mỹ xây dựng một cách dã chiến trên đất nước tha phương, nó đã bay biến không còn một dấu tích.
Những quán bar Nam Ô, một phần giải toả thành nhà xóm vạn chài, một vài cái trở thành quán nước hoàn toàn quê mùa bên đường, đón khách thành phố ra biển chơi.
Thế rồi Nam Ô trở lại cuộc sống làng chài như trước đó 8 năm ( 1965 - 1973 ), quạnh hiu, heo hút ... và chuyện chặt cây thông làm " Christmas tree " đã tự đẩy vô kho cổ tích. ..
CAO MỴ NHÂN (HNPD)