Ở GÓC SÂN CHƠI - CAO MỴ NHÂN

Chủ Nhật, 17 Tháng Mười Hai 20176:00 SA(Xem: 7452)
Ở GÓC SÂN CHƠI - CAO MỴ NHÂN
          636490383917184850zzzxcvbb

       Ở GÓC SÂN CHƠI   -   CAO MỴ NHÂN 

 

"Buồn quá!" mới mở đầu câu chuyện đã tương 2 chữ "buồn quá!" thì những nhà " kiêng cữ học " sẽ chẳng  muốn đọc tiếp, cho dẫu  có văn hay, chữ tốt tới đâu. 

Vậy chớ tại sao ...khai mạc bài lại " buồn quá! " thế hả? 

Số là cách đây 19 năm, có một vị trung tá QL/VNCH họ Nguyễn, từ San Diego lên thủ đô tị nạn Bolsa, để xum vầy cùng anh em đồng khoá. 

Tất nhiên là khoá học của các sĩ tử quân trường: Võ Bị, Thủ Đức, Nha Trang vv... càng về sau càng nhiều trường, nhiều khoá hơn. 

Thí dụ: Cao đẳng quốc phòng, Chỉ huy tham mưu, Chiến tranh Chính trị vv...

Và rồi ngay đến ngành nghề, cũng còn chia ra nào là " cao cấp, trung cấp " nữa . 

Thế thì tôi biết chắc quan năm Nguyễn này, thuộc một khoá Thủ Đức ...cơ bản, để rồi sẽ đi tiếp ngành chi ông thích chọn lựa. 

 

Do đó Nguyễn niên trưởng của ...tôi " áp lai"(apply) tiếp, là quan theo tầu rẽ sóng ra khơi...

Sau bao nhiêu năm chinh chiến quê nhà, Nguyễn tiên sinh đã vượt trùng dương tới Hoa Kỳ, từ thủa đồng lầy Bolsa còn nguyên bùn đen trộn quặng vàng sáng chói...

Lẽ tất nhiên là, một phần dân tộc VN lênh đênh đông tiến, đã quen cùng nắng gió Cali. 

Chẳng biết Nguyễn tiên sinh, một trong số những bạn thơ lớn tuổi của tôi thủa trẻ trung, quý ông trong hạn " tam thập nhi lập" , có khi hơn một chút, nhưng sao thời gian ấy, tôi thấy quý đấng mày râu, không hề để râu, từ Thế Hoài, Hoàng Ngọc Liên, vv...đến Nguyễn tiên sinh đều mày râu láng coong, ý nói quý ông còn trẻ, chả thích đạo mạo khi chúng tôi đương thời bấy giờ mới 15, 17 tuổi. 

Thú thiệt với quý vị, chúng tôi còn chưa biết có quan đã chăm lo cho cả vợ lẫn 5 con, gồm tròn nửa tá ( 6 người ). 

Sau rồi, lớn lên, vô đại học, học nghề, hay đi làm, mới hay đời  dạy đời, khôn ra, và may nhờ rủi chịu ...

Riêng tôi thì không phải là hên sui, mà là nhờ cái Phước to lớn lắm . Tôi cứ suy nghĩ mãi, một " đứa" rong chơi không chán, sao lại qua được tai bay vạ gió ở đời chứ.

 

Từ thủa 13, làm thơ nhí , vài năm sau, thơ tình đăng báo hà rầm, đến nỗi ai và kể cả tôi, cứ tưởng mình đau khổ vì tình lắm. 

Sự thực chẳng đau khổ bao giờ, mà còn rỡn đùa như nặc nô...

 Chu choa, viết điều này, tôi chẳng cần chứng minh, cây viết cao bồi hạng nặng là nhà văn Thế Phong, có lẽ sắp 90 tuổi rồi, đã viết tự sự " Thế Phong, nhà văn, tác phẩm, cuộc đời" phải bỏ ra 150 trang ghi chép về Cao Mỵ Nhân, là sau 5 năm, ông chăm chút cuộc tình, cuối cùng tôi vẫn là tôi thời mới lớn.   

Thế Phong " gấu" như vậy, mà thả nai về thành phố, thì tôi an toàn quá chứ hả ?

Sự kiện chung chung vậy, đã khiến Nguyễn tiên sinh phải viết tặng tôi vài dòng lưu niệm trên trang đầu cuốn tự điển toàn tiếng English, khi ông theo học khoá sĩ quan cao cấp ở Hoa Kỳ, rằng : "Tặng Mỵ  kỷ niệm tình chúng ta đẹp như văn hoá." 

Cuộc sống " văn hoa, thơ mộng " của tôi cứ giả vờ đau khổ để làm thơ cho ướt át, mộng mơ vv...

Và cuộc sống thực sự êm đềm ấy, theo tôi liên tục trên hành trình binh nghiệp sau này. 

 

Rời bỏ thôn văn, qua làng võ. Mới nghe thôi, người dân bình thường vẫn có thể tin là nhi nữ giữa chốn ba quân, nếu không sằng sứa thì cũng tan nát đời hoa...

Tôi lại phải một lần nữa " chu choa", rằng chốn ba quân là nơi vừa kỷ luật quân đội, vừa là lò luyện ý chí, sàng lọc đến tận cùng chọn lựa: sống trong danh dự, hay trong bê bối, vô kỷ luật ? 

Ấy tôi, thiếu nữ, nơi một gia đình Bắc kỳ di cư cũ, đầy mình " luân lý giáo khoa thư ", tới một phụ nữ làm dâu Huế, xứ sở Thần Kinh quan liêu, phong kiến...

Hóa cho nên tôi chỉ có thể làm thơ trong tưởng tượng: si mê, tuyệt vọng, mơ mộng, ước nguyền vv...cho có vẻ...thi sĩ như ai thích làm thơ...

 

Thành ra, cuộc đời chẳng biết có " tẻ nhạt" không, chứ tôi cảm thấy cuộc đời vui vẻ, đẹp đẽ lắm.

 Vì hình như, lối sống của tôi, chỉ phải cái tội...nghèo nàn tiền bạc, song rất giầu bạn bè tốt, quý vị bạn tôi, nam cũng như nữ, toàn là quý nhân.

Cuộc đời quả là đẹp! Tôi chỉ sợ có 2 điều, so với quý vị, thì bảo là tầm thường, hay bình thường, đó là không có sức khỏe, và bạn bè giận mình. 

Bởi thế, khi Nguyễn tiên sinh gặp lại " khoá"  của ông, lại có tôi tình cờ tham dự, vì trước đó tôi gặp tiên sinh ở một hội hè khác, ông thật vui mừng phút giây tái ngộ. 

Tôi thấy ông thoạt thì lắc đầu cười rỡn: là ai bây giờ cũng "già quá rồi ". Ô hay, chưa kể thời gian trước 30-4-1975 chắc gì gặp gỡ nhau thường xuyên nhỉ? 

Bây giờ gặp lại đã trên 40 năm. Thời gian bằng cả nửa cuộc đời, chứ đâu phải mới 5,10 năm ngắn ngủi gì.

Quý quan phần nhiều là ông năm, ông sáu VNCH của ...tôi, nay là các cụ, chỉ thiếu khăn đóng, áo the, gậy trúc ...vv...là giống y các bô lão thủa đầu thế kỷ trước. 

Rồi quan năm Nguyễn không lắc đầu, thốt "ai cũng già" nữa, mà ông ngôi trầm lắng, buồn hiu...

Trời hỡi, hơn 50 năm trước thử, dàn quan lớn hiện diện đây, có ai sớm nghĩ quý vị ...già đi không hà ? 

Tôi cũng chẳng khó chịu như lúc mới nghe Nguyễn tiên sinh than thở nữa, vì : 

" Thương người như thể thương thân... " mà thông cảm. 

 

Hôm nay nhớ lại chuyện này, vì thấy anh giận tôi lâu quá, mà như trên tôi đã trình bầy, là tôi chỉ sợ 2 điều : không có sức khỏe và bị bạn giận. 

 Tại sao không có bạn, hay anh,  đang lúc sức khỏe bị hăm dọa, mới buồn nản vô cùng.

Tuy quý huynh đệ chi binh khác không giận tôi, vì tôi sống chan hoà trong đại tộc Ka Ki xưa nay. Nhưng riêng anh, anh còn là một quý nhân của ...tôi. 

Anh từng nói với tôi: " Huynh đệ chi binh không có thù oán, phiền giận, hại nhau bao giờ. Không đồng ý, thì không nói chuyện vậy thôi ". 

Té ra anh đang không đồng ý với mình, vậy anh không " alo đàm đạo " với mình, thì mình đành ...chịu, chớ buộc anh ra lời làm chi cho sai nguyên tắc sống của anh. 

 

Nguyễn tiên sinh và quý vị huynh đệ chi binh đang thong dong ở sân chơi dành cho lính, có biết là huynh đệ chẳng ai còn nhiều thì giờ nữa, chúng ta nên thương nhau hơn nữa, để rồi từ từ giã biệt nhau ...rộn rã hay thầm lặng, chẳng ai biết được chuyện của ngày mai. 

Cuối tuần se se buồn  một chút cho hoa bướm vườn tình rực rỡ, tươi vui...

Cao Mỵ Nhân vốn thích cái bảng phương châm sống của một người Anh Cát Lợi từ lâu rồi : 

-Phải có sức khỏe.

-Phải có tri âm tri kỷ. 

-Dưới ánh sáng nhật, nguyệt, phải biết thưởng thức những 

  Công trình của tạo hoá. 

-Tham gia đại cuộc. 

Như vậy, học thuyết Tư Bản chủ nghĩa, phải hoàn chỉnh bản thân trước khi tham gia đại cuộc. Nghĩa là người làm đại cuộc phải tự thân toàn vẹn, tu thân, tề gia, đem đến cho đời những tinh hoa quý giá...

 

 CAO MỴ NHÂN (HNPD)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn