Hẹn hò online - hành trình của những chú 'Cuội'

Thứ Tư, 15 Tháng Năm 20193:00 CH(Xem: 4572)
Hẹn hò online - hành trình của những chú 'Cuội'

Trên Internet, mọi người sử dụng nickname thay cho tên thật. Do không có những tiếp xúc vật lý như trong đời thực, những người tìm kiếm bạn tình qua mạng thường rơi vào xu hướng tô vẽ bản thân. Thậm chí, có người đã hối tiếc vì thấy mình... chân thật quá.

Robert Epstein, tiến sĩ tại Đại học Harvard (Mỹ), kể rằng cách đây hai năm, ông hẹn đi uống cafe với một phụ nữ quen biết trên Internet. Sau vài phút chờ đợi, một người tiến đến cười rạng rỡ và nói: "Chào, tôi là Chris".

Nhưng Chris không giống như trong những tấm ảnh Epstein từng xem. Chẳng phải cô ấy trẻ hay già hơn, cũng không phải cô ấy để kiểu tóc mới. Vấn đề là Chris và người phụ nữ trong ảnh kia không có mối liên hệ nào với nhau. Nói cách khác, Chris đang tự tiếp thị bản thân và đối với cô ấy, việc đăng những bức ảnh quyến rũ của một người xa lạ cũng là một chiến lược khôn ngoan để hút khách.

Chỉ riêng ở Mỹ hiện nay có khoảng 10 triệu người đang cố đi tìm nửa kia của họ qua mạng. Nhưng lời giới thiệu của những người tình ảo “tiềm năng” chính xác bao nhiêu phần trăm? Và tỷ lệ thành công trên Internet có khả dĩ hơn so với kiểu quen biết truyền thống? Những băn khoăn này thôi thúc các nhà xã hội học tiến hành nghiên cứu và đã khám phá ra nhiều điều thú vị về thế giới tình yêu online.

Nói dối nhanh như điện

305Trường hợp của Chris cũng đúng với hàng nghìn người. Một số “khai man” tuổi, ngoại hình, tình trạng hôn nhân, xuất thân, thu nhập và nghề nghiệp. Trên thực tế, không nhiều người để tâm hay phán xét chuyện nói dối của trên mạng và còn cho rằng điều đó đôi khi cũng cần thiết, như khoe mình thích thể thao để hấp dẫn đối tượng.

Theo nghiên cứu của chuyên gia Jeana Frost thuộc Đại học Boston phối hợp với Viện công nghệ MIT (Mỹ), 20% số người hẹn hò trực tuyến thừa nhận từng nói dối. Nhưng khi Frost yêu cầu họ ước tính tỷ lệ “Cuội” trên mạng, câu trả lời là 90%. Sự chênh lệch này một phần do người ta thường có xu hướng tránh nói xấu chính bản thân mình.

Trong khi đó, nhà tâm lý học Jeffrey Hancock tại Đại học Cornell và giáo sư Nicole Ellison thuộc Đại học bang Michigan (Mỹ) lại trực tiếp đo chiều cao, trọng lượng của những người đồng ý tham gia khảo sát, sau đó đối chiếu với hồ sơ trực tuyến. Nhìn chung, gần như ai cũng “ăn gian” mấy kg cân nặng và tính thừa vài cm chiều cao. Ellison khẳng định hiện tượng này khá phổ biến nhưng không quá nghiêm trọng.

Nam giới hay “ba hoa” về trình độ học vấn, thu nhập, chiều cao và tình trạng hôn nhân. Còn phụ nữ thường nói sai về hình thức, cân nặng và tuổi tác. Cả hai phái đều đặc biệt chú ý đến ngoại hình, do đó những hồ sơ cá nhân thiếu ảnh chỉ thu hút 1/4 - 1/6 số người quan tâm so với profile chứa ảnh. Và cũng chỉ 1% tự nhận vẻ ngoài của họ “thua kém so với mặt bằng chung”.

Chuyên gia Sara Kiesler tại Đại học Carnegie Mellon (Mỹ) cho rằng chính kiểu giao tiếp qua màn hình máy tính khiến người ta “thích gì nói nấy”. Họ sử dụng tên giả và các cuộc nói chuyện diễn ra không phụ thuộc vào những quy tắc xã hội. Hơn nữa, người tham gia cũng có lý do chính đáng để nói dối: nam giới với thu nhập vượt quá 250.000 USD sẽ nhận được nhiều trả lời hơn 150% những ai khai dưới 50.000 USD, hay những cô gái trẻ tuổi bao giờ cũng chiếm ưu thế hơn “đàn chị”.

Sự thực về các ‘ông tơ bà nguyệt’ ảo

Một vài dịch vụ mai mối tuyên bố họ có những bài trắc nghiệm đáng tin cậy để giúp khách hàng tìm được bạn đời đúng ý, như website eHarmony.com được bảo trợ bởi nhà tâm thần học Neil Warren còn PerfectMatch.com được chuyên gia xã hội học Pepper Schwartz thuộc Đại học Washington hậu thuẫn... Tuy nhiên, tất cả những bài kiểm tra đó đều chưa từng được kiểm chứng độc lập một cách khoa học.

Các trang cung cấp dịch vụ tìm bạn đời đang thổi phồng con số thành viên. Match.com, eHarmony và Yahoo Personals khẳng định có khoảng 50 triệu người Mỹ sử dụng dịch vụ của họ. Nhưng một nghiên cứu mới đây cho thấy chỉ khoảng 16 triệu người thử vận may với các website mai mối và phần lớn trong số họ không cảm thấy thỏa mãn. 66% số người được hỏi còn nói rằng hẹn hò online là hành động nguy hiểm.

Giới làm phim Hollywood thường đưa ra hình ảnh các chàng trai cô gái yêu nhau chỉ sau một lần gặp gỡ ở quầy bar. Sự thực thì mối quan hệ lâu dài đòi hỏi tính kiên nhẫn cao hơn nhiều. Trong thế giới ảo, "quầy bar" đó quá đông đúc còn các hành động lại diễn ra quá nhanh. Người ta chỉ cần nhấn chuột là có thể biết mọi thông tin của đối tượng và nếu không thích, họ sẽ nhấn phím back và truy cập vào một hồ sơ khác.

Dù còn tồn tại nhiều vấn đề, hẹn hò trực tuyến vẫn tăng trưởng đều đặn với doanh thu 40 triệu USD năm 2001 ở Mỹ và dự kiến mở rộng thành 600 triệu trong năm tới. Nổi bật trong thế hệ xe duyên đầu tiên là Match, True.com và Yahoo Personal. Thế hệ hai tiếp bước với kiểu trắc nghiệm “khoa học” của eHarmony, PerfectMatch. Trong khi đó, dịch vụ thế hệ ba vẫn còn đang bỏ ngỏ, có thể là kiểu hẹn hò trong môi trường ảo với phần mềm đặc biệt do MIT Media Lab phát triển. Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Havard, những ai từng giao tiếp với nhau trong các chuyến dã ngoại, tham quan bảo tàng hoặc quán cafe ảo sẽ thành công hơn khi gặp gỡ ở đời thực so với người chỉ đọc thông tin liệt kê.

Hải Nguyên

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn