Có còn ngày vui

Thứ Ba, 30 Tháng Tư 20198:04 SA(Xem: 5575)
Có còn ngày vui

Nguyễn Lân Thắng

Bức tượng Lòng Mẹ của điêu khắc gia Trần Thanh Phong. Ảnh: FB Lê Đức Dục

Tôi đang ngồi uống cafe một mình trong một buổi chiều 30/4 se lạnh. Những cơn mưa xối xả từ đêm qua làm Hà Nội những ngày nghỉ lễ vắng người càng buồn hơn. Nhắc đến ngày này không ai là người Việt Nam lại không nhớ đến câu nói nổi tiếng của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt: “…một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại theo các lối cũ vẫn làm, sẽ “có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn”…”. Chính vì lẽ đó, hôm nay trong bài viết này tôi muốn trải lòng với các bạn về những suy nghĩ của mình trong ngày cuối cùng của tháng tư buồn đau.

Là thế hệ sinh năm 1975 ở miền Bắc, khi tôi lớn lên thì cuộc chiến giữa 2 miền Nam Bắc đã hoàn toàn chấm dứt. Tôi còn nhớ như in ký ức đầu tiên về miền Nam của mình là hình ảnh chiếc máy bay C130 to lớn. Ngày đó bố tôi là lính mặt đất trong các sân bay quân sự miền Bắc. Sau năm 1975, hàng loạt các khí tài quân sự của miền Nam chưa hỏng hóc vì chiến tranh được miền Bắc đem về sử dụng. Và như để là sự tưởng thưởng công lao, hồi đó lính không quân miền Bắc được đem cha mẹ, vợ con đi chơi bằng máy bay quân sự vào miền Nam, mỗi năm một lần.

Chính vì thế năm 1977, khi miền Bắc còn nghèo nàn lạc hậu, khi tôi mới 2 tuổi đã được bước lên chiếc máy bay C130 sơn cờ đỏ sao vàng để bay vào Sài Gòn. Đó là một trải nghiệm cực kỳ mạnh mẽ, nên dù chỉ mới 2 tuổi nhưng tôi vẫn còn nhớ như in màu thép đen và hình dáng khổng lồ của chiếc máy bay đó. Rồi suốt trong khoảng 10 năm sau đó, hè năm nào tôi, trong niềm tự hào với bạn bè cùng trang lứa, cũng được đi máy bay vào Nam chơi ở nhiều nơi, từ Sài Gòn, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt.

Thế nên dù chưa hiểu gì về chính trị hay lịch sử, nhưng những hình ảnh trong tôi về miền Nam là những hình ảnh chân thực nhất của một miền đất mới được “giải phóng”, chưa hề thay đổi gì nhiều so với ngày nay. Những chiếc xe xích lô cao vút, những góc phố chợ trời bày biện đủ thứ linh tinh, những ngôi biệt thự nguy nga cắm cờ đỏ, mùi khói của những chiếc xe lam hối hả trên đường… tất cả những điều ấy ghi sâu trong ký ức non nớt của tôi, và mãi sau này chính nó là chất xúc tác làm tôi tỉnh ra và hiểu được câu chuyện thực về Sài Gòn nhanh hơn so với rất nhiều bạn bè khác.

Không chỉ hình ảnh miền Nam ở miền Nam, trong ký ức của tôi còn có cả hình ảnh của miền Nam ở Hà Nội. Khoảng những năm 1982 – 1983, gia đình tôi sống cùng ông bà nội ở khu tập thể Kim Liên. Hồi đó đây là một trong những khu chung cư đầu tiên của miền Bắc dành cho gia đình cán bộ cấp cao trong các ban ngành đoàn thể. Hàng xóm nhà tôi toàn kỹ sư, bác sỹ, giáo viên… thậm chí còn có nhiều vị bộ trưởng, thứ trưởng oai phong lắm. Trong bối cảnh đó, có một điều rất kỳ lạ là gia đình tôi lại đón tiếp những người họ hàng rất lạ lẫm từ miền Nam ra, và ở lại rất lâu. Họ có trang phục khác hẳn người miền Bắc, rất chỉn chu, kiểu cách. Nhưng thái độ của họ là sự dè chừng, thu mình, nhẫn nhịn hết sức để tránh làm phiền đến xung quanh. Mãi sau này, tôi mới biết một điều rất đau lòng là họ ra Hà Nội tá túc ở gia đình nhà tôi để làm thủ tục đi thăm chồng, thăm cha là lính VNCH đang đi cải tạo trong các trại tù miền Bắc. Chính vì thế, tôi đã có những trải nghiệm tiền đề rất căn bản, để thay đổi hẳn những suy nghĩ của mình so với những điều được giáo dục, được nhồi sọ về miền Nam từ rất sớm.

Thế rồi theo thời gian, khi sự thật lịch sử được phơi bày, khi những tiếng nói của “bên thua cuộc” được cất lên, rất nhiều người miền Bắc đã thay đổi. Trong bao nhiêu năm qua, cho đến tận bây giờ những ngày tháng tư đau buồn dù được hệ thống tuyên truyền nhà nước cố sức quảng bá cho cái gọi là: “giải phóng miền Nam”, “Thống nhất tổ quốc”, “đánh đuổi giặc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai Nguỵ quyền Sài Gòn”… có ngày càng nhiều người được giải ảo, được mở mắt thông não về thực chất của sự kiện 30/4… Và người ta sụp đổ niềm tin không phải chỉ do những tài liệu, bài viết hay những lời nói của “bên thua cuộc” được cất lên. Thực trạng yếu kém, sự tụt hậu của đất nước, sự lăm le thôn tính của Trung Quốc, sự ngu dốt và ươn hèn của lãnh đạo trong các vấn đề tầm vóc quốc gia… chính là những tác động lớn nhất để người dân mất hết niềm tin, quay ra đi hỏi tại sao, và đồng thời có suy nghĩ rất khác về ngày 30/4 so với trước kia.

Tuy nhiên ý kiến bảo vệ những lập luận về ngày này của chế độ vẫn còn không phải là ít. Sự hung hăng và hiếu chiến đó bạn có thể bắt gặp ở bất cứ đâu trên Facebook trong những ngày cuối tháng tư. Và những lời nói đó không phải chỉ có ở dân miền Bắc mà còn từ các bạn trẻ miền Nam nói ra rất nhiều. Tôi vốn rất khó chịu với những lập luận đầy thù hận và ngu ngốc này nhưng không muốn tranh cãi nhiều, vì tôi biết những bạn trẻ đó vẫn đang bị nhồi sọ giống như tôi ngày xưa thôi.

Tôi vẫn tin là thời gian và những trải nghiệm cuộc sống sẽ cho các bạn trẻ cơ hội để tỉnh ngộ. Và điều cuối cùng tôi muốn nói là: chỉ có kẻ nào sống bằng xương máu người khác mới vui được thôi, nói triệu người vui bây giờ không còn đúng nữa rồi, ông Kiệt ạ!

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn